Nằm ở hai bên bờ đê sông Đuống đoạn qua Gia Lâm, Hà Nội, đền Gióng là một cụm kiến trúc cổ tọa lạc giữa khung cảnh đồng quê Bắc bộ xinh đẹp.
Trong những thế kỷ trước, cứ vào mùa xuân, hội Gióng Phù Đổng lại biến nơi đây thành một kịch trường dân gian rộng lớn với hàng trăm vai diễn sống động trong những trận đánh giả, những vở chèo và múa rối nước được tổ chức công phu.
Từ trên đê nhìn xuống, cả đền Gióng thu hút ngay ánh mắt du khách bởi dáng vẻ cổ kính, đậm nét mỹ thuật. Cụm di tích bao gồm đền Phù Đổng nằm bên trong đê còn được gọi là đền Thượng, tương truyền được dựng trên nền nhà cũ của Thánh Gióng, bên cạnh đền là chùa Kiến Sơ, còn đền Hạ thờ mẹ của Thánh Gióng nằm ngoài đê, gần nơi được cho là có dấu chân khổng lồ mà bà đã ướm thử rồi sinh ra Thánh Gióng.
- Xem thêm: Lễ hội tết chùa Keo
Ban đầu nơi đây chỉ là một thảo am, đến khi vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long mới cho xây dựng lại thành một ngôi đền khang trang. Trải qua nhiều lần trùng tu, ngôi đền càng lúc càng quy mô với những xây dựng thời Lý, thời Hậu Lê, thời Nguyễn.
Ngày nay, đền Gióng gồm nhiều công trình trên một diện tích rộng. Tam quan đền khá lớn, trên có gác, mở thêm hai cửa nhỏ hai bên. Trên bậc thềm là hai con rồng đá được tạc vào năm 1705. Trước cổng là sân rộng nhìn sang thủy đình nằm cạnh một gốc đa cổ thụ.
Thủy đình được xây để làm nơi tổ chức các trò chơi dân gian và múa rối nước. Phía sau cổng là tòa nhà tám mái (nhà có hai tầng mái, mỗi tầng bốn mái). Đứng dưới tòa nhà này, nhìn ra mỗi góc du khách sẽ có những cảm nhận khác nhau về khung cảnh xung quanh, thấy đền có nơi thâm trầm uy nghiêm, lại có chỗ thanh tịnh thoát tục.
Sau nhà tám mái là nhà tiền tế, nơi để thực hiện các nghi lễ. Cuối cùng mới đến hậu cung, nơi đặt bức tượng Thánh Gióng cao hơn 2m, được tạc cách đây trên 100 năm, bên cạnh đó có hai hàng tượng gồm sáu quan văn võ, hai người hầu đứng, hai phỗng quỳ và bốn lính hầu.
Thời trước, lễ hội Gióng Phù Đổng Gia Lâm là một trong những lễ hội xuân lớn nhất ở khu vực quanh kinh thành. Phần lễ nổi tiếng với dàn vai diễn phong phú và độc đáo để biểu đạt những ý tưởng và triết lý dân gian, bao gồm: các Ông Hiệu – hệ thống tướng lĩnh của Thánh Gióng, Phù Giá – đội quân chính quy, các Cô Tướng tượng trưng cho các đạo quân xâm lược, làng áo đỏ là đội quân trinh sát nhỏ tuổi, làng áo đen là đội dân binh…
Cũng như các đạo cụ, y phục, mỗi một vai diễn, mỗi một chương mục đều chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc. Chẳng hạn, chương Rước khám đường mô phỏng hoạt động trinh sát giặc; chương Rước nước thể hiện hoạt động tôi luyện khí giới trước khi xuất quân, Rước đống đàm là đi đàm phán kêu gọi hòa bình, Rước trận soi bia mô phỏng cách điệu trận đánh cuối cùng ác liệt khi Thánh Gióng bị gãy mất thanh roi sắt, phải nhổ các bụi tre làm vũ khí.
Đặc biệt nhất là trong lễ hội năm nào cũng có 28 cô gái trẻ đẹp đóng vai tướng giặc, tượng trưng cho 28 đạo quân xâm lược nhà Ân. Sau đó, lễ kết thúc với nhiều màn hát chèo để mừng thắng trận và bắt đầu đến phần Hội.
Ngày nay, nhiều nét đẹp và chiều sâu văn hóa trong các hoạt động dân gian xưa đã bị mai một. Đến thăm đền, du khách chỉ còn cảm nhận được những giây phút hào hùng của lịch sử từ vẻ lẫm liệt trên gương mặt tượng hay nét uy nghi trong hình dáng của đôi rồng…