Những câu hỏi đó, có thể nói là tôi đã tự trả lời được khi đọc xong bản thảo Sài Gòn – Chuyện đời của phố. Không hẳn là một tập tản văn hay sách ảnh, càng không mang tính nghiên cứu, nhưng tập sách này lại chứa đựng rất nhiều hình ảnh, cảm xúc, đồng thời đầy ắp những tư liệu mới lạ.
Những cảm xúc không được bày ra trên câu chữ mà chỉ lẩn khuất đâu đó giữa những câu chuyện kể.
Đúng vậy, cuốn sách này đầy ắp những câu chuyện kể.
Với sự tò mò cố hữu và kinh nghiệm 30 năm làm báo, tác giả đã ghi lại được nhiều câu chuyện thú vị nhằm trả lời cho những câu hỏi mà chính bản thân anh, cũng như không ít người sinh sống ở Sài Gòn nhiều năm từng thắc mắc: người được đặt tên cho Ngã ba Ông Tạ là ai? Họa sĩ ký tên Duy Liêm trên những bìa nhạc tờ được yêu thích trước đây đã sống và làm việc như thế nào? Lịch sử một gia tộc đã và đang sống ở Sài Gòn suốt nhiều đời nay?…Câu trả lời được ghi lại qua những cuộc gặp gỡ và trao đổi với các nhân chứng cụ thể chứ không chỉ nhờ tra cứu sách báo.Chính điều đó tạo nên giá trị về mặt tư liệu cho cuốn sách.
Người Sài Gòn, không chỉ là giới thượng lưu thường xuất hiện quanh những đoạn đường sang trọng khu quận Nhứt, mà còn là phần đông bình dân sống trong những con hẻm nhỏở Đa Kao, Thị Nghè, Phú Nhuận hay Chợ Lớn…
Người Sài Gòn, không chỉ là các nghệ sĩ nổi danh thong dong tụ tập trong quán cà phê thời thượng, bàn chuyện thi văn nhạc họa, hay những cô gái xinh đẹp dạo phố trong tà áo lụa, mà còn là những con người không xuất hiện trước đám đông, chỉ lặng lẽ âm thầm dâng tặng đời mình cho thành phố này qua mấy thế kỷ thăng trầm.
Người Sài Gòn không cống hiến tài năng hay công sức của mình cho thành phố như một lý tưởng.Họ cống hiến một cách tình cờ vì đã làm việc tất phải làm đến nơi đến chốn.
Người Sài Gòn, không để ý đến việc bạn viết “Sài Gòn” hay “Saigon”, cũng không quan tâm bạn nói giọng miền nào, miễn hiểu nhau là được.
Người Sài Gòn không nhất thiết bắt bạn phải gọi đường phốtheo tên mới hay cũ, miễn sao tìm thấy nhà là được.
Bởi với họ, chẳng có gì phải cực đoan.
…Càng hiểu sâu về một Sài Gòn không nằm trên bề mặt của những bảng tên đường hay nhà hàng quán xá thì tôi càng thấy Sài Gòn giống một kim tự tháp, nếu đứng từ xa bạn chỉ nhìn thấy cái chóp nhọn, phần cao nhất nhưng có diện tích nhỏ nhất. Chỉ khi đến thật gần, thậm chí bước vào bên trong, bạn mới nhận ra phần chân đế của nó rộng lớn chừng nào. Nếu chúng ta nhìn Sài Gòn và chỉ thấy đỉnh cao lấp lánh ở ngay trước mắt, nghĩa là ta còn chưa đến đủ gần.
Giống như phần chìm của một tảng băng, chính cuộc sống lặng lẽ trong dân gian lại chứa đựng cái chất Sài Gòn đậm đặc nhất. Bắt nguồn từ tấm linh hồn của đất Gia Định thuở xa xưa, nó vẫn đang âm thầm chảy như một mạch nguồn mạnh mẽ của đời sống Sài Gòn hôm nay, dù không dễ vẽ nên hình hài và cũng không mấy ai nhận thấy… (Đặng Nguyễn Đông Vy – Sài Gòn có nói gì đâu).
Tiếp theo tác phẩm Nếu biết trăm năm là hữu hạn (viết chung với Đặng Nguyễn Đông Vy – bút danh Phạm Lữ Ân), cây bút Phạm Công Luận vừa cho ra mắt cuốn sách Sài Gòn chuyện đời của phố gồm 36 bài viết về đời sống thành phố qua nhiều thời kỳ. Tác giả vốn là một nhà báo sinh ra ở thành phố này đã khắc họa Sài Gòn qua những câu chuyện thú vị được nghiên cứu công phu. Sài Gòn của một thời, những bìa báo xuân và đĩa nhạc xưa cũ, cội nguồn những tấm ảnh về các diễn viên nổi tiếng nay đã lui vào hậu trường, những sinh hoạt lạ lẫm đầu thế kỷ XX, những trào lưu đồ cổ, thời trang, trào lưu hippy… Và sâu lắng nhất là câu chuyện kiếm sống của nhiều lớp người theo thời cuộc len lỏi vào từng con đường Sài Gòn – Gia Định.
Trong Hồn đô thị, Đóng sách đẹp – nghề mai một, Tranh gốm ở chợ Bến Thành, tác giả dành những dòng viết giàu thông tin và cảm xúc để nói về lớp thiếu phụ người Tàu Thường Phước không chồng con lặng lẽ làm nghề giúp việc nhà chuyên nghiệp, hình ảnh người thợ nhuộm, thợ đóng sách, các nghệ nhân… và nhận xét: “Họ đông đảo nhưng âm thầm, đan dệt, tạo nên từng ngày cuộc sống thịnh vượng của đô thị. Tất cả như các nhân vật của đèn kéo quân, đi diễu hành trên sân khấu cuộc đời rồi biến mất ở góc khuất của chiếc đèn.Và khi họ quay lại, chỉ trên một mảnh ký ức hiếm hoi của ai đó”.
Vẫn là nỗi tiếc nuối, bài viết Nhà cổ ven đường bày tỏ thoáng ưu tư của Phạm Công Luận trước một Sài Gòn: “thay đổi nhanh đến nỗi không kịp giữ lại những sắc màu làm nên chính nó… Dường như có những mảnh linh hồn của đất Gia Định xưa dần mai một, khó mà giữ lại được trong xã hội tưởng chừng hiện đại nhưng xô bồ, thiếu cái nhìn sâu xa về duy dưỡng văn hóa này”.
Với sự am hiểu văn hóa – lịch sử sâu rộng, qua một dòng gốm cổ phương Tây, tác giả kể chuyện xưa nghe thật hấp dẫn rồi kết luận: “Qua đó chúng cho ta biết hoạt động ngoại thương ở một khu vực sôi động của thế giới cách nay hơn trăm năm, và những yếu tố khác về mỹ thuật, văn hóa và sự giao thoa giữa hai thế giới Đông Tây… Và không chỉ thế, hình dáng và công dụng của những chiếc dĩa với đủ hình dạng, hình oval to đủ để đặt một con heo sữa quay, dĩa sâu và trẹt lòng với các kích cỡ khác nhau trong một bộ chén dĩa hoàn chỉnh thể hiện phong cách ẩm thực phương Tây ăn sâu vào đời sống miền Nam và Sài Gòn. Những gia đình sống xa hoa, những buổi tiệc nói toàn tiếng Tây ở Chợ Lớn giữa những người Việt với nhau… Tất cả đã tàn lụi theo năm tháng, chỉ còn lại những chiếc dĩa gốm còn đẹp, màu xanh cobalt rưng rức và trong đường men nứt nẻ còn dư vị những buổi tiệc xa xưa, khi miền Nam còn có tên gọi là Cochinchine (Phương Đông trên chiếc dĩa Tây)”.
Ngoài ra, bài viết Hai thế kỷ thăng trầm của một dòng họ kể lại chuyện sống qua hai thế kỷ một gia đình bình thường ở thành phố hay các bài viết Xe điện Sài Gòn, Bến xe thổ mộ, Nhớ một thời hippy… đều cuốn hút người đọc bởi những chi tiết sống động, giàu hình ảnh.
Sách do Công ty Văn hóa Phương Nam và NXB Hội Nhà văn ấn hành, giá 262 ngàn đồng. Sách được in bằng giấy couché matt dày 300 trang, bao gồm nhiều hình ảnh quý mà tác giả đã dày công sưu tầm.
Cẩm Tú