Từ cuối tháng 4-2012, nhằm kêu gọi các ý tưởng kiến trúc xanh với xu hướng thiết kế bền vững, thân thiện với môi trường, sử dụng vật liệu địa phương… và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật thông qua sự sáng tạo của sinh viên – kiến trúc sư trẻ hướng đến việc phục vụ cộng đồng, Hội kiến trúc sư Việt Nam và Câu lạc bộ Kiến trúc sư (KTS) trẻ đã phát động giải thưởng thiết kế 2012 Xây nên điều kỳ diệu với bảng A dành cho KTS trẻ và bảng B dành cho sinh viên kiến trúc.
Ngày 19-7 vừa qua, vòng chung kết của cuộc thi đã diễn ra với ban giám khảo là những KTS uy tín như KTS Hồ Thiệu Trị, KTS Nguyễn Thu Phong, KTS Thái Ngọc Hùng, KTS Võ Trọng Nghĩa. KTS Nguyễn Thu Phong – Chủ nhiệm Câu lạc bộ KTS trẻ, trưởng ban tổ chức cho biết cuộc thi đã nhận được hơn 70 bài thiết kế trên cả nước với nhiều ý tưởng mới lạ, mang tính khả thi cao. Tinh thần trách nhiệm và sự chuyên nghiệp trong việc sử dụng các kỹ năng thiết kế xanh của các tác giả cũng thể hiện trào lưu xanh đã có những bước đi vững chắc trên con đường phát triển của kiến trúc Việt Nam ngay từ tư duy của các nhà thiết kế trẻ. Mười tác phẩm lọt vào vòng chung kết đã cho ban giám khảo nhiều sự bất ngờ bởi những ý tưởng, cũng như những thử nghiệm thực tế qua công việc làm nghề tại các công trình khác nhau như: Nhà ở, văn phòng, các công trình phục vụ dân sinh, đô thị, cảnh quan… Tất cả đều nghiên cứu sâu về các vấn đề vật lý kiến trúc, tính chất đặc thù của khí hậu nhiệt đới nóng ẩm ViệtNam, kèm theo các giải pháp sử dụng vật liệu tiết kiệm, thông minh và chắt lọc trong đầu tư.
Các tác giả tham dự đã bám sát chuyên đề kiến trúc xanh, công nghệ xanh và vật liệu xanh. Điều ấn tượng là những tác phẩm đều thể hiện tính nhân văn, tinh thần trách nhiệm trong việc đưa chất xám của mình phục vụ cộng đồng. Nếu thiết kế của các KTS trẻ thiên về giải pháp phục vụ nhu cầu sống và làm việc ở đô thị như Giọt xanh, Không gian vuông, Nhà nhỏ ở đô thị, Phố gầm cầu, Container văn phòng làm việc, thì thiết kế của các sinh viên lại bay bổng hơn với những ý tưởng làm công trình công cộng ở các vùng thiên nhiên và văn hóa đặc trưng như: Nhà ống xoay 45 độ, Làng sinh thái và văn hóa Champa, Trung tâm phát triển Trẻ Em – Làng chài Cửa Vạn, Hạ Long, Mầm trên đá, Thư viện trẻ em Đắk Nông.
Các sinh viên tham gia cuộc thi đã nghiên cứu khá kỹ điều kiện khí hậu, địa hình, văn hóa, đời sống ở những vùng xa, từ đó đưa ra những công trình công cộng mà các bạn cho là đang cần thiết cho dân cư nơi đó. Thiết kế Mầm trên đá của nhóm sinh viên Phạm Vũ Vân Trang – ĐH Kiến trúc TP.HCM là ý tưởng về làm trạm dừng chân ở Sa Pa. Đây sẽ là những nhà sàn với nguyên liệu chủ yếu là tre, gỗ để phục vụ khách du lịch muốn khám phá rừng, núi, thung lũng quanh thị trấn.
Các nhà sàn này là chỗ nghỉ ngơi kết hợp trưng bày sản vật, đồ thủ công, đồng thời trong những ngày nóng đồng bào người dân tộc có thể sử dụng một phần của công trình làm trạm chứa nông cụ, thóc lúa và sinh hoạt quanh bếp lửa. Cũng hướng đến cộng đồng, tác phẩm Làng sinh thái và văn hóa Champa của sinh viên Đỗ Kim Chung – ĐH Kiến trúc TP.HCM muốn giúp một bộ phận người dân ở tỉnh Ninh Thuận chống lại hiện tượng sa mạc hóa dựa trên kiến trúc truyền thống và vật liệu sẵn có của vùng này.
Cùng có tâm huyết với thiếu nhi vùng xa, tác phẩm Trung tâm phát triển Trẻ Em – Làng chài Cửa Vạn, Hạ Long của nhóm sinh viên Đặng Ngọc Anh – ĐH Kiến trúc Hà Nội và Thư viện trẻ em Đắk Nông của sinh viên Trần Đình Vũ – ĐH Dân Lập Duy Tân Đà Nẵng đều hướng đến việc tạo một nơi học tập, sinh hoạt văn hóa với chi phí tiết kiệm nhất nhưng hiệu quả nhất, gần gũi nhất cho các trẻ em còn nhiều thiếu thốn…