Có một nghệ nhân mê con diều đến quên ăn, quên ngủ, đưa diều đi biểu diễn từ các liên hoan trong nước đến các cuộc thi diều quốc tế. Lượng diều mà ông sở hữu có lẽ đến cả ngàn chiếc. Nhiều người ngỏ ý mua, nhưng ông trả lời: “Tôi làm diều vì đam mê, đâu phải làm để kinh doanh”. Ông là nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Diều Phượng Hoàng (TP. Hồ Chí Minh). Trong ngôi nhà nhỏ trên đường Trần Đình Xu (quận 1), ông dành hẳn một căn phòng tương đối rộng để cất giữ những con diều đã từng bay lượn trên trời cao. Tuy vậy, căn phòng có vẻ không đủ sức chứa hết số diều ông đã làm ra nên trong nhà, diều được bày la liệt cảở phòng khách, trên tường, dọc theo cầu thang… Ông Hai Vân (tên gọi thân mật của nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân) cho biết: “Làm xong mỗi con diều, tôi chỉ thả một hoặc hai lần. Khi làm hoặc thả con diều này là tôi đã nảy sinh ý tưởng về con diều khác. Cứ vậy nên đến thời điểm này, có lẽ tôi đã làm cả ngàn con diều”.
Mê diều đến mất ăn, mất ngủ
Nghệ nhân Thanh Vân kể rằng ông mê diều từ năm 6 tuổi. Người anh họ của ông làm diều rất khéo nên ông đi theo để học cách làm diều, thả diều. Một năm sau, ông đã biết tự làm con diều bay “ngon lành” giữa không trung.
Diều phượng hoàng
Đến tuổi đôi mươi, công việc thợ điện khá vất vả nhưng ông vẫn không quên thú vui làm diều, thả diều. Sau khi lấy vợ, ông càng mê diều đến quên ăn, quên ngủ. Là một anh thợ lành nghề nhưng khi điện, nước trong nhà bị trục trặc thì vợ ông đành phải gọi thợ đến sửa vì ông chồng đang còn bận… làm diều! Chiều chiều, trên chiếc xe đạp cà tàng, ông lại thong dong ra vùng ngoại thành tìm nơi thả diều. Hôm nào không đi xa được, ông lên sân thượng nhà mình thả ba, bốn con diều một lúc.
Nghệ nhân Hai Vân cho biết: “Tôi ghiền làm diều hơn là thả diều. Khi tập trung vẽ hình, cắt vải, vót tre, vẽ màu…, tôi không còn để ý đến bất cứ điều gì xung quanh. Mỗi lúc hoàn thành xong một con diều là trong lòng tôi lại dâng lên một cảm xúc bồi hồi, sung sướng khó tả. Có khi, làm xong diều vào buổi tối thì cả đêm ấy tôi không ngủ được, cứ đi lên đi xuống, sờ sờ, ngắm ngắm con diều không biết chán”.
Những ai quen biết ông Thanh Vân lâu năm thường tỏ ra thán phục khả năng sáng tạo ý tưởng không ngừng của người nghệ nhân dễ mến này. Hầu hết những hình ảnh đẹp trong cuộc sống đều được ông đưa vào các mẫu diều của mình, từ những địa danh nổi tiếng như chợ Bến Thành, cảng Nhà Rồng, chùa Một Cột… đến cờ Tổ quốc, rồi rồng, phụng, cá, chim, hoa, lá… Hầu hết diều của ông đều mất nhiều thời gian thực hiện vì kích thước lớn và có nhiều chi tiết được chế tác công phu. “Mỗi con diều tôi thường mất từ một tuần đến nửa tháng mới làm xong, có con mất cả tháng trời” – ông Hai Vân cho biết – “Tốn nhiều thời gian và công sức như vậy nhưng không phải con diều nào tôi làm xong cũng có thể bay được ngay. Có con làm mất cả tháng nhưng khi ra thả thì cứ là đà như bị hụt hơi. Con nào lên không thẳng, chao liệng nhiều, bay không ổn định ở một vị trí trên không trung thì phải bỏ đi, có tiếc mà ráng sửa chữa cũng không thành công”.
Thú vui của người nghệ nhân ngoài lục tuần là không ngừng mày mò tìm kiếm để cho ra đời những con diều độc và lạ. Từ diều đơn, ông chế tác ra diều liên kết cả mấy trăm con bay thành hình cầu vồng đa sắc, gây sự ngạc nhiên và thích thú cho hàng ngàn người xem. Chưa thỏa mãn với những con diều thả ban ngày, ông đã tạo ra loại diều làm sáng màn đêm với hàng trăm chiếc đèn LED rực rỡ sắc màu. Hiện ông đang rất thích thú với mẫu diều khí động học – một loại diều không cần khung cây, chỉ may bằng vải, như một chiếc túi “nhốt” gió. Nhiều con diều khí động học mang hình cờ Tổ quốc, mặt nạ tuồng, bạch tuộc, lá… của ông đã bay lượn rất tuyệt.
Diều mặt nạ tuồng
Diều đèn – khí động học
Gần 50 năm gắn bó với diều và khả năng chế tác diều độc đáo, ông Nguyễn Thanh Vân đã trở thành người đầu tiên trong cả nước được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” ở bộ môn Diều nghệ thuật. Với ông, thả diều không chỉ là một trò chơi, mà thực sự là một bộ môn thể thao có tính nghệ thuật cao, mang lại một sự vận động linh hoạt cho cả cơ thể lẫn tinh thần.
Nổi tiếng nhờ những con diều độc đáo
Câu lạc bộ Diều Phượng Hoàng (quận 8, TP. Hồ Chí Minh) do nghệ nhân Hai Vân làm chủ nhiệm được thành lập từ năm 1999, là câu lạc bộ diều đầu tiên của các tỉnh phía Nam. Mọi người biết đến ông khi Câu lạc bộ Diều Phượng Hoàng được mời ra biểu diễn tại Liên hoan “Những cánh bay Việt Nam” trong khuôn khổ Festival Huế năm 2006. Mẫu diều mang hình lá cờ Tổ quốc bay thẳng lên bầu trời, ổn định ở độ cao hơn 300m khiến người xem không ngớt lời trầm trồ khen ngợi. Sau đó, tên ông được ghi vào sách Kỷ lục Việt Nam khi thực hiện mẫu diều rồng dài đến 100m, được xem là con diều lớn nhất từ trước đến nay. Diều rồng xuất phát từ ý tưởng tôn vinh giá trị văn hóa nòi giống con Rồng cháu Tiên, được ông thực hiện trong một năm và mất cả tháng bay thử nghiệm.
Nghệ nhân Hai Vân đang thả con diều rồng kỷ lục dài 100m
Đến đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, ông giới thiệu mẫu diều liên hoàn dài 1.000m, kết nối từ 320 con diều rô với đủ bảy sắc màu khác nhau. Mẫu diều liên kết của ông tạo một chiếc cầu vồng mang dòng chữ“Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” lại khiến hàng ngàn người vỗ tay thán phục. Ông kể: “Khi biểu diễn, tôi lo lắng lắm vì trời hôm đó gió rất nhẹ. Thật may là con diều đã không phụ tâm huyết của tôi và đồng đội”.
Diều liên kết
Trong nhiều loại diều đã chế tác, nghệ nhân Hai Vân tâm đắc nhất là con diều sáo. Ông cho biết diều sáo truyền thống rất độc đáo, đậm chất Việt Nam và luôn được đánh giá cao ở các liên hoan diều quốc tế. Tại Festival diều nghệ thuật quốc tế tại Trung Quốc năm 2009, con diều sáo của ông vừa đẹp, vừa tạo ra những âm thanh trầm bổng vui tai đã làm ngẩn ngơ bao khách thưởng lãm. Hiện ông đang thực hiện con diều sáo “Mục đồng cỡi trâu thổi sáo – Ký ức tuổi thơ” để chuẩn bị tham gia một liên hoan diều quốc tế vào trung tuần tháng 2-2014.
Vừa sắp xếp lại những ống sáo trúc, ông vừa chia sẻ: “Có lẽ nhờ chơi diều nên ở tuổi ngoài 60, tôi vẫn khỏe khoắn, vui tươi và tinh thần thư thái. Vợ tôi trước đây hay phàn nàn vì tôi mê diều quá, nhưng khi đã tham gia thả diều cùng chồng thì bà ấy cũng say mê không kém. Bây giờ, vợ tôi luôn tự nguyện đóng vai trò nhà tài trợ chính để hỗ trợ tôi thỏa mãn đam mê”.
Sâu xa hơn, ông bày tỏ mối lo rằng thú chơi diều sẽ bị mai một theo thời gian, khi mà trên những bãi đất trống ngoại ô liên tục mọc lên những tòa nhà cao tầng, san sát nhau. Người nghệ nhân mê diều hiện đã có kế hoạch mở các lớp dạy cách làm diều. Ông còn dành thời gian thực hiện một cuốn sách ghi lại tất cả kỹ thuật chế tác diều để truyền cho những người trẻ có cùng niềm đam mê. Ông còn nhắn nhủ thêm rằng bất cứ ai mê làm diều, mê thả diều đều có thể đến học, chơi hay đơn giản là nói chuyện về diều cùng ông tại nhà riêng, số 35/19 Trần Đình Xu, quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
Xuân Lộc