Chính vì điều này mà trong giai đoạn kinh tế khó khăn, dù biết hoạt động cho vay tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn, tìm được khách hàng đủ chuẩn, có phương án kinh doanh khả thi, kế hoạch trả nợ tốt là không dễ dàng, các ngân hàng vẫn phải tập trung cho vay để kiếm tìm lợi nhuận. Nếu như những năm trước, khối khách hàng doanh nghiệp là nguồn lợi nhuận chính của ngân hàng, có khi chỉ cần cho vài ba doanh nghiệp lớn vay là đã gần đủ chỉ tiêu, thì nay tình hình đã khác. Các doanh nghiệp khó tiếp cận được với nguồn vốn hơn, nhất là những đơn vị đang có nợ xấu, nợ quá hạn. Chiều ngược lại, một doanh nghiệp được đánh giá tốt sẽ được nhiều ngân hàng “săn đón”, vì vậy họ cũng đòi ngân hàng phải áp dụng mức lãi suất thấp, khiến lợi nhuận của ngân hàng giảm sút. Mà như đã nói, tín dụng tạo ra lợi nhuận chính của ngân hàng, nên bằng mọi cách họ phải giải ngân được dòng tiền đã huy động. Đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân, tung ra nhiều gói cho vay tiêu dùng với lãi suất hấp dẫn… là điều mà nhiều ngân hàng đã thực hiện từ những tháng qua. Hoạt động cho vay cá nhân và hộ kinh doanh cá thể của các ngân hàng đều tăng so với trước, cá biệt có ngân hàng tín dụng cá nhân chiếm đến hơn 70%.
Số hộ kinh doanh cá thể có nhu cầu vay vốn tăng nhanh chính là nguồn khách hàng mới của các ngân hàng. Kinh tế khó khăn, lương bổng giảm sút, nhiều người không muốn làm thuê nữa mà tự mở cửa hàng hoặc doanh nghiệp để kinh doanh trên mạng, tại nhà… Khoản vay vài trăm triệu đồng vừa phù hợp với khả năng trả nợ của người vay, vừa dễ dàng cho ngân hàng trong việc quản trị rủi ro, đặc biệt khi lãi suất cho vay đã giảm xuống mức hấp dẫn như hiện nay. Ngân hàng nào cũng dành từ vài trăm tỉ đồng đến hàng ngàn tỉ đồng với lãi suất ưu đãi, thường chỉ khoảng 9 – 10%/năm, cho nhóm khách hàng này.
Việc các ngân hàng đẩy mạnh giải ngân và dư nợ cho vay tiêu dùng tăng mạnh trong bối cảnh kinh tế khó khăn là một hướng đi tích cực, giúp gia tăng tiêu dùng. Tất nhiên, các ngân hàng vẫn cần có sự thẩm định kỹ để kiểm soát chất lượng của khoản vay nhằm tránh rủi ro nợ xấu. Đã có số liệu cho thấy nợ xấu của phân khúc này cũng gia tăng tương ứng trong thời gian qua. Do vậy, nếu cố đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cho vay tiêu dùng, việc các ngân hàng phải đối mặt với nhiều rủi ro là điều đương nhiên. Thanh khoản của hệ thống đang tốt, nhưng chỉ cần không thu hồi được nợ vay là rủi ro thanh khoản sẽ quay lại. Nhiều người cho rằng các khoản cho vay tiêu dùng thường có thời hạn dài, trong khi kỳ hạn huy động của các ngân hàng chủ yếu là kỳ hạn ngắn, rủi ro khi lãi suất thay đổi đột ngột là rất lớn. Những người này dẫn chứng, thời gian qua lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã tăng trở lại. Tại các ngân hàng nhỏ, mức lãi suất huy động áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đã khoảng 9%/năm. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề lớn, vì dù thời hạn vay tiêu dùng – mua nhà, xe hơi – thường dài nhưng đều có điều khoản xem lại lãi suất cho phù hợp với thị trường sau 3-6 tháng, nên rủi ro này có thể dễ dàng được hóa giải. Còn việc một số ngân hàng tăng dần lãi suất huy động là do tình hình giải ngân nguồn vốn tín dụng bắt đầu khả quan hơn và còn có thể tăng trong thời gian tới. Các doanh nghiệp thường có nhu cầu cao về vốn để kinh doanh trong dịp tết sắp tới.
Minh Hằng