Miền cao chốn địa đầu tổ quốc như Y Tý (Lào Cai) chưa bao giờ thôi hấp dẫn đối với tôi, nhất là vào mùa những sắc xanh của núi, vàng của lúa, trắng của mây đan xen khắp núi rừng.
Một trong những nơi khó bỏ qua khi đến với huyện vùng cao này là thôn biên giới Choản Thèn của xã Y Tý, cách trung tâm huyện Bát Xát khoảng 2km, cách biên giới Việt – Trung chừng 6km. Con đường lên Y Tý vốn nhỏ lại có dốc khá cao, nhiều đoạn khá xấu nhưng sau đó khung cảnh đẹp đẽ của Y Tý sẽ bù lại đầy đủ, không uổng công cho việc ngồi xe hơn 6 tiếng đồng hồ vượt hơn 350km từ Hà Nội đến với thôn cổ 300 năm Choản Thèn.
Những ngôi nhà trình tường độc đáo
Đến thôn Choản Thèn, khó mà bước đi nhanh được khi nhìn thấy nếp sống sinh hoạt thân thương của người dân tộc Hà Nhì nơi đây (chiếm đến 90% dân số của thôn). Những cụ già ngồi làm việc nhà, thêu dệt may vá, phơi đậu… với đàn gà líu ríu trong sân và lũ trẻ hồn nhiên nô đùa bên những ngôi nhà trình tường độc đáo. Họ đã quen với những đôi mắt tò mò của du khách, nên không lấy làm bận tâm mà cứ việc tiếp tục công việc của mình. Chỉ có lũ trẻ con là hồn nhiên mời du khách vài món đồ quê bằng tiếng Kinh lơ lớ.
Vừa bước vào thôn, tôi đã ấn tượng ngay những ngôi nhà trình tường với tường đất nhuốm màu vàng, mái tranh, ô cửa đi vuông vắn, xinh xắn với khuôn gỗ bo quanh như điểm nhấn. Cả thôn là một tập hợp những ngôi nhà có tuổi đời khác nhau, trong đó có nhà đã gần trăm tuổi với mái nhuốm màu rêu phong mà vẫn đẹp. Nắng chiều xiên xiên đảm nhận việc phủ thêm màu vàng lên các bức tường đất, làm nổi khối đậm nhạt sinh động thêm cho bức tranh làng quê miền biên ải.
Người Hà Nhì có câu “lạ khố khố hứ chà” có nghĩa rằng với họ ngôi nhà là thứ quan trọng nhất trong đời sống. Mà điều quan trọng nhất khi làm nhà, móng nhà xếp bằng đá phải do chính người đàn ông chủ gia đình tự tay xếp lấy trước khi nhờ người thân, bà con trong gia đình đến để phụ đắp tường. Tường nhà rất dày, từ 40 – 45cm, một cách xây nhà không thể phù hợp hơn cho khí hậu miền biên ải.
Mùa đông nhiệt độ trong nhà và ngoài trời chênh nhau hơn 10 độ C, trong nhà vẫn luôn luôn ấm. Mùa hè thì ngược lại, ở trong nhà không bao giờ lo bị nóng. Nhà trình tường không rộng lớn lắm, chỉ chừng 60 – 80m2, cao tầm 3-4m với mái dốc ngắn và không có hiên. Điều đáng nói là ở căn bếp của ngôi nhà, lúc nào cũng có một viên đá, được xem là đá hộ mệnh cho gia đình. Viên đá mà chủ nhà đã cất công đi đến nơi chưa ai đi qua và tự tay lấy đem về.
Được biết, một ngôi nhà trình tường nếu được bảo quản tốt thì thời gian sử dụng có thể lên tới nửa thế kỷ. Với xu hướng chụp hình check-in thịnh hành hiện nay, người ta khó có thể đi ngang qua những ngôi nhà ấy mà không dừng lại để chụp. Nếu muốn, du khách có thể lưu trú, trải nghiệm. Ở đây cũng đã có một số hộ dân tận dụng được sự độc đáo của nhà trình tường để làm homestay. Người dân nơi đây đang tập làm du lịch với ít nhiều bỡ ngỡ, và có vẻ như đây là một trong những phương cách giúp thoát nghèo khi hộ nghèo ở Y Tý so với nhiều nơi khác vẫn khá cao, chiếm tới 77,5% tổng số hộ gia đình trong xã.
Nghề phụ thời Choản Thèn làm du lịch
Hôm nay là ngày Sùng Mai Hồng và Ly Xá Mi, hai cô gái xinh xắn người Hà Nhì tạm ngưng việc lên rẫy, trang điểm rất xinh, mặc đồ truyền thống còn mới tinh, đi giày mới để làm người mẫu ảnh khắp các nơi trong làng.
Các cô bảo ban đầu ngại lắm, sau khi được thuyết phục mãi, lại thấy việc làm mẫu cũng không đòi hỏi diễn xuất cầu kỳ gì nhiều, chỉ tốn thời gian. Cho nên các cô tỏ ra rất quen với việc nhẫn nại trình diễn trước rừng ống kính chĩa vào mình. Các cô chỉ việc thể hiện nếp sống, sinh hoạt của người trong thôn, khi bên khung cửa, lúc bên ruộng lúa, thường ngày để người ta chụp ảnh, có khác chăng là giữ các động tác, tạo dáng lâu hơn theo chỉ đạo của “bầu sô nhiếp ảnh” để các tay máy có thời gian lưu hình.
Từ ngày có các tour du lịch nhiếp ảnh dành cho những người thích sáng tác ảnh, các cô mỗi tháng lại được đặt hàng làm mẫu năm bảy lần, nhiều nhất là tháng 9 tháng 10, mùa lúa chín nơi này và dịp Tết cổ truyền dân tộc Hà Nhì hay còn gọi là Tết “Khù Sự Chà” vào tháng 12 dương lịch.
Hỏi chuyện mới biết, hai cô tuổi chưa tới 30, một cô đã có chồng, đây là công việc làm thêm bán thời gian của các cô những khi nông nhàn. Các cô bình thường vẫn lên nương lên rẫy, cách nhà cả nửa ngày đường, hễ có điện thoại thì lại về sửa soạn quần áo đẹp đẽ làm người mẫu. Những bộ trang phục truyền thống được giữ gìn cẩn thận chỉ xuất hiện trong lễ lạt quan trọng, nay được dịp mặc nhiều hơn và tạo thêm thu nhập cho họ. Mỗi lần như thế, thù lao cũng tầm 200.000 – 400.000 đồng. Có khi khách chụp xong còn tặng thêm một ít tiền nữa.
Như lời các cô kể, như vậy cũng khá so với thu nhập từ trồng lúa, lên nương, chăn nuôi gia súc hay đan mây tre, dệt vải… Hỏi các cô sắp tới mong muốn gì, họ cười mà rằng, mong dưới xuôi ngày càng có nhiều người yêu thích chụp ảnh, vì như thế, các cô lại có cơ hội làm mẫu nhiều hơn, có tiền nhiều hơn.
Ngộ quá công viên Choản Thèn!
Thôn Choản Thèn rộng 236ha, ở độ cao khoảng 2.000m so với mực nước biển, tựa lưng vào dãy Nhìu Cồ San, cuối thôn có cái công viên cùng tên nhìn ra khoảng không mênh mông trước mặt. Đây có lẽ là một trong số ít thôn bản ở Việt Nam, đặc biệt là ở vùng cao, có riêng cho mình một công viên. Mà khi tới, tôi mới thấy các định nghĩa trước đây về công viên bị đảo lộn hết.
Đó là khoảng đất trống nằm ở cuối thôn, công viên không có cây cối được cắt tỉa cầu kỳ, không có lối bó vỉa, sơn phết, không trang trí các loại hoa kiểng, không có trò chơi trẻ em các loại, nhưng lại có khá nhiều trẻ con. Chúng là người của thôn, ra công viên vừa chơi vừa bán hàng. Có đứa vừa mút kẹo, vừa địu em vừa mời khách những món quen dân dã, từ vườn nhà, từ nương rẫy, mà nhiều nhất là ớt (ớt vùng này cay mà rất thơm), ớt tươi hay ngâm đều có đủ, rồi đậu các loại, rồi măng ngâm…
Công viên này chỉ có cơ man nào là lúa của các thửa ruộng bậc thang chung quanh trải dài ngút mắt, điệp trùng là núi non phía trước cùng những thung lũng nhấp nhô trải dài. Nơi đây luôn được xem là một trong những điểm lý tưởng nhất để chiêm ngưỡng ruộng bậc thang ở Lào Cai.
Điểm nhấn của công viên là hai cây dẻ sồi cổ thụ mọc cạnh nhau. Người ta gọi là cây “hoàng hôn”, cây song song, hoặc là cây hạnh phúc tùy cách cảm nhận, có lẽ vì cả một vùng núi rừng này, chỉ có chúng là đứng cạnh, xòa những cành tán xen kẽ như đang nắm tay nhau. Thế mà cái khung cảnh đáng giá ấy, có dạo không hiểu sao người ta đào xới, đổ bê tông, dựng lan can, rào sắt lại hai cây này trông rất phản cảm, khiến báo chí phải lên tiếng, may là sau đó đã trả lại nguyên trạng.
Tôi sau khi lang thang khắp nơi đã đến công viên để ngắm hoàng hôn. Thung lũng rộng mênh mông cùng dãy núi xa xa phía trước là nơi lý tưởng để nhìn mặt trời lặn dần sau những đám mây, cứ như muốn ngoái ra nhìn mọi người một lần nữa trước khi tụt xuống các đỉnh núi. Ấy là lúc trong gió nghe loáng thoáng những âm thanh quen quen mà chưa kịp nhớ là gì, cho đến khi âm thanh đó vang lên gần hơn cũng là lúc tôi nhìn thấy bầy trâu đi từ dưới thung lũng đang về bản, kết thúc một ngày đi ăn.
Những chiếc bụng no kềnh đủng đỉnh vượt con dốc về thôn, đi qua con đường mòn mấp mô tạo cớ cho tiếng mõ vang lên liên tục âm thanh đặc trưng vùng cao, phụ đệm cho thước phim hoàng hôn đang diễn ra. Mặt trời thả những tia nắng cuối phớt nhẹ lên những thửa lúa xanh đang ngả vàng rồi mất hút sau các rặng núi xanh thẫm. Tôi chợt nhớ đến những buổi hoàng hôn ở phố thị, chỉ biết mải miết chen chúc người xe ngoài phố giờ tan tầm.
Không gian thênh thang gió thoảng đưa mùi lúa khiến tôi trở lại với thực tại, hít thật sâu, tận hưởng thật trọn những khoảnh khắc bình yên miền biên ải.
– Ảnh: Lê Minh Hạ
- Xem thêm: Lên đỉnh Lùng Cúng ngắm mặt trời