Trong một lần lướt trang web bán sách online, tôi bị thu hút bởi hình ảnh lẫn tựa truyện nên đã dừng lại xem tóm tắt và quyết định mua. Đó là cuốn Nỗi nhục của nữ nhà văn người Pháp – Annie Ernaux.
Nỗi nhục là tác phẩm đầu tiên cùa nhà văn này mà tôi đọc. Được biết Annie Ernaux đã đạt giải Nobel Văn học vào năm 2022, cũng là nữ nhà văn người Pháp đầu tiên được trao tặng giải thưởng danh giá nhất thế giới mà “dân viết lách” nào cũng hằng mơ.
Hầu hết các tác phẩm của Annie Ernaux được viết dựa trên những câu chuyện cuộc đời của bà. Và cuốn Nỗi nhục cũng vậy!
Nỗi nhục có phải che giấu?
“Bố tôi đã định giết mẹ tôi vào đầu buổi chiều một Chủ nhật tháng Sáu” là câu mở đầu đầy kịch tính cho cuốn tự truyện. Ngỡ rằng sẽ mở ra một bi kịch nhuốm màu trinh thám, nhưng tôi đã nhầm. Đó là một trong trong những “nỗi nhục” mà cô gái nhỏ Annie cảm nhận, và đó là một sự xấu hổ về cha mẹ của cô. Một sự kiện không mấy dễ chịu của tuổi thơ khi chưa tròn mười hai tuổi.
Câu chuyện mang tính “bạo lực gia đình” là một bí mật mà ai cũng muốn giấu đi, chôn vùi và “giả vờ” như chưa từng xảy ra. Thế nhưng Annie Ernaux lại chọn cách phơi bày nó ra. Thậm chí, khi trưởng thành, cô còn kể với những người đàn ông mà cô phải lòng, xem như đó là một phép thử và cũng là dấu hiệu cho biết cô đã “đổ” trước họ rồi. Đây là một tình tiết khiến tôi thấy ấn tượng, thích thú và bất ngờ.
Nỗi nhục là sự việc, sự kiện, câu chuyện gì đó khiến ta cảm thấy xấu hổ, hổ thẹn, nhục nhã … và thường chỉ muốn giấu giếm, lãng quên. Nên tôi cũng đã nghĩ hẳn đây sẽ là chuỗi những gam màu u tối của một mảnh đời trong một xã hội tiêu cực nào đó. Nhưng tôi cũng lại nhầm bởi sự phỏng đoán vội vã của mình.
Quyển truyện Nỗi nhục của Annie Ernaux là một câu chuyện được kể một cách rất tự nhiên theo dòng thời gian của cô thiếu nhi Annie cho đến lúc thành thiếu nữ Annie. Đó là những hồi ức tuổi thơ về nơi sống, ngôi trường Công giáo đã theo học, bạn bè, gia đình, xã hội, những sinh hoạt hẳng ngày, … Và sự xấu hổ, nỗi nhục được cô giải bày đan xen cùng những sự kiện đó.
Một cách nhìn nhận và miêu tả rất khác về sự nhục nhã
Một lối kể chuyện nhẹ nhàng, không gay gắt, đôi khi có phần dễ thương và dí dỏm về một góc nhìn khác về sự xấu hổ, về cuộc sống, khám phá giới tính và cả sự phân chia giai cấp, nghề nghiệp, …
Lời văn trong Nỗi nhục khá bình dị, không hề hoa mỹ nhưng có lẽ vì thế phần nào khiến chúng ta có thể cảm nhận chân thực hơn về thời đại của bà theo dòng thời gian lẫn câu chuyện. Những cái chạm rất “thô sơ”, đời thường nhưng len lỏi đến tâm hồn người đọc một cách tự nhiên, không ồn ào nhưng cũng sâu sắc. Và Nỗi nhục là cuốn truyện chỉ nên đọc một cách chậm rãi, vừa đọc vừa ngẫm nghĩ một chút xíu sẽ thấy vì sao nó đáng nằm trên kệ sách.
Mình sẽ tìm thêm những tác phẩm của bà để đọc thêm về cách kể chuyện khác lạ này!