Trong nửa đầu thập niên 1890, bác sĩ người Pháp gốc Thụy Sĩ Alexandre Yersin đã thực hiện nhiều cuộc thám hiểm nhằm khám phá những khu vực chưa được biết đến của dãy Trường Sơn, nằm giữa Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Trong bốn chuyến du hành liên tiếp đó, xứ Thượng hiện lên trong các trang viết của ông ấn tượng và đầy khác biệt.
Vùng đất mới
Những chuyến du hành qua xứ Thượng ở Đông Dương theo đó được tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin, bởi xuất thân đặc biệt của các văn bản. Theo những người viết tiểu sử Yersin, ông không phải người thích công bố những khám phá của mình, mà chỉ viết lại để xin tài trợ từ các Hội địa lý cho nhiều chuyến đi. Do đó chỉ có duy nhất chuyến đi thứ 4 được tường thuật trực tiếp dưới dạng sách, phần còn lại xuất hiện rải rác trên các tạp chí, bản tin và các tác phẩm tập thể xuất bản rất lâu sau khi chuyến đi hoàn thành.
Chuyến đầu tiên vào tháng 7 – 8 năm 1891 và thứ hai từ tháng 3 – 6 năm 1892 theo đó được viết theo yêu cầu của Phó Đô đốc Jean Decoux, Toàn quyền Đông Dương giai đoạn 1940 – 1945. Đây là hai chuyến đi không để lại quá nhiều ấn tượng vì những hiểu biết tương đối thô sơ của vị bác sĩ ở vùng đất mới, nhưng chúng cũng đặt tiền đề cho hai chuyến đi tiếp sau, góp phần khám phá Cao nguyên Lang Biang dẫn đến việc thành lập thành phố Đà Lạt sau này, theo yêu cầu của Toàn quyền Paul Doumer.
Theo đó ghi chép của Yersin, khó có thể gọi là những bài nghiên cứu hoàn chỉnh, mà giống với một cuốn nhật ký cá nhân hơn. Vì vậy văn phong của ông thực tế, không rườm rà hoặc trữ tình bay bổng. Ông cũng hiếm khi nói về bản thân và những cảm xúc cá nhân, mà thay vào đó là những phát hiện lý thú về phong tục – tập quán, con người, đặc điểm văn hóa, địa hình… của người Thượng. Một điểm cũng khá đặc biệt là người đương thời gần như quên mất kỳ tích phi thường của hành trình này, khi Yersin không chỉ quan sát mà còn trang bị rất nhiều dụng cụ (máy kinh vĩ, thời kế, la bàn, máy ảnh, vũ khí…) nhằm mang đến những ghi chép thật sự chuẩn xác.
Điều này đòi hỏi các biện pháp vận chuyển đặc biệt, dẫn đến tuy các bài viết của ông chưa thật sâu sát như Rừng người Thượng của nhà dân tộc học Henri Maître, nhưng vẫn có giá trị lớn, giúp ông điền vào chỗ trống về các vùng đất vẫn chưa “ra đời” trên bản đồ Đông Dương thời bấy giờ, bên cạnh công trình của những nhà thám hiểm đi trước là Dutreuil de Rhins, Pavie, Cupet…
Ngoài ra ông cũng là người mang đến những tấm ảnh thực tế đầu tiên về vùng đất này, trong điều kiện thiếu thốn phương tiện vật chất và sự khắc nghiệt của thời tiết nhiệt đới gió mùa.
Những chuyến thám hiểm đặc biệt
Chuyến thám hiểm đầu tiên vào mùa hè 1891 thật ra kết thúc nhanh chóng, sau khi ông từ bờ biển Nha Trang muốn vào Sài Gòn bằng cách vượt dãy Trường Sơn trên đường Cái quan. Nhưng ông thất bại vì nhiều lý do, như thời tiết xấu, thiếu sự trợ giúp, thiết bị không đầy đủ…
Không nản lòng, một năm sau đó, ông lại lần nữa rời khỏi Nha Trang để khám phá vùng cao nguyên chưa ai vượt qua, nằm giữa Biển Đông và sông Mekong. Lần này ông đi bằng kinh phí riêng, với những tùy tùng và người Việt dẫn đường. Trong hai tháng rưỡi, ông đã đi hơn 600 cây số trên nhiều phương tiện, từ đi bộ, cưỡi voi cho đến đi thuyền… Từ đó lập bản đồ các vùng đã qua, ghi chép, chụp ảnh, và thỉnh thoảng chữa trị cho người bị bệnh ở đó.
Đây cũng là chuyến hành trình mà ông bắt đầu được tiếp xúc với người Thượng. Tại vùng M’Drắk nằm giữa Ninh Hòa và Đắk Lắk, ông đã trọ lại rất nhiều ngôi làng thân thiện đóng thuế cho chính quyền Trung Kỳ, trước khi đi sâu vào các ngôi làng độc lập. Tại đó ông đã quen biết với nhiều tộc trưởng, và còn trở lại vùng này thêm nhiều lần nữa.
Ở đây ông mô tả về cách trưởng làng đón tiếp, văn hóa – phong tục trong việc ăn mừng, cũng như tình hình vô chính phủ, mâu thuẫn liên miên và sự tò mò với những điều mới…
Ông viết mình luôn phải cho những người bản địa xem đồng hồ đeo tay, dao, la bàn… trong đó vũ khí là thứ thu hút họ nhất. Ông nói mình không được phép nghỉ ngơi đến khi bắn xong 7 phát súng Winchester vào một cái cây, và rồi sau này ông cũng đổi lấy phương tiện vận chuyển với một trưởng làng bằng cây súng trường.
Dù vậy ông lại thất bại trong nỗ lực đầu tiên đi xuyên qua vùng đất của người dân tộc thiểu số để kết nối duyên hải miền Trung với sông Mekong, vì giá cho thuê phương tiện (voi), cống nạp cho trưởng làng, chủ thuyền rồi đến các phu khuân vác… là quá đắt đỏ.
Tháng 1.1893, Toàn quyền Đông Dương bấy giờ là Jean-Marie de Lanessan muốn xây nhiều tuyến đường để tạo điều kiện liên lạc và thâm nhập sâu vào trong nội địa, từ đó thúc đẩy thương mại, mở rộng tầm ảnh hưởng, nên đã chỉ thị cho Yersin khám phá xứ Thượng với mục đích thiết lập tuyến đường mới, nối Sài Gòn với một cảng ven biển bên trong đất liền tùy thuộc vào khả năng địa hình.
Do đó từ Biên Hòa ông đã bắt đầu chuyến thám hiểm thứ ba để khám phá cao nguyên Kone-Toum, vùng Đắk Lắk, cũng như cao nguyên Langbiang, nơi mà chỉ vài năm sau sẽ trở thành thành phố Đà Lạt. Tuy vậy một điểm đặc biệt của hành trình này là ông đã bị thương suýt mất mạng khi chạm trán với toán tù nhân chính trị chạy trốn khỏi Bình Thuận nhằm lật đổ chính quyền Pháp. Sau gần ba tháng dưỡng bệnh, ông lại lên đường đến vùng M’Drắk trước đó và bị giữ lại để giải quyết những mối hiềm khích và xung đột quá lớn của các trưởng làng.
Năm 1894, Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ cấp cho ông hai ngàn đồng bạc Đông Dương để thăm dò tuyến đường từ Nha Trang đến Tourane (Đà Nẵng). Lần này ông đã tham gia “Sứ mệnh truyền giáo cho người hoang dã” của Linh mục Guerlach, gần thị trấn Kone-Toum. Ông cùng với nhà truyền giáo thực hiện một chuyến du ngoạn vài ngày ở vùng đất của người Sedang, một nhóm dân tộc thiểu số có phong tục rất khác với những bộ tộc ông đã gặp qua.
Kết thúc báo cáo trong chuyến đi 20 ngày của mình, ông đã đúc kết các yếu tố địa lý, nhân chủng học, ngôn ngữ học, tiềm năng kinh tế của khu vực này.
Những dấu ấn riêng
Trong 4 chuyến hành trình của mình, Yersin đã kể lại nhiều dấu ấn nhất định, một trong số đó là các phong tục đặc biệt của người Thượng. Bằng cách tiếp cận thận trọng, không ra dáng bề trên, ông thuật lại những gì mắt thấy tai nghe phong phú cũng như sinh động, trong cách mời ché rượu, cúng Yàng, bói bệnh bằng chân gà… cho đến tang ma, truyền thống khai quật mồ mả của người vùng cao…
Ông cũng quan tâm đến kiến trúc, ngôn ngữ, cảnh quan và kế sinh nhai của những vùng đất, từ đó khắc họa họ một cách phong phú cũng như đa dạng.
Ông viết người Thượng ở Đông Dương thường có hình dáng cân đối, tính cách hiền lành, rụt rè nhút nhát. Họ không thích rời khỏi buôn làng, và chủ yếu trồng lúa trên rẫy, ngô và một ít thuốc lá. Vùng Đắk Lắk theo ông có địa hình phù hợp để trồng lúa nước.
Ở các khu vực gần về phía Nam, Phan Thiết là thương cảng lớn nhất trên bờ biển Trung kỳ giữa Sài Gòn và Quy Nhơn, vì vậy người Thượng có sự giao dịch với người An Nam nhiều hơn phía Bắc. Cũng chính điều này biến mối quan hệ giữa người Kinh và người Thượng trở nên phức tạp, với sự tham tàn, cướp bóc của những người thu thuế An Nam…
Trong hầu hết các bài viết, có thể thấy sự trân trọng các nền văn hóa đa dạng bản sắc của Yersin. Là người nước ngoài, ông trở thành tiếng nói giúp các trưởng làng giải quyết mâu thuẫn, nhưng cũng đồng thời từ chối rất nhiều đặc quyền để đứng riêng biệt về phía bên nào. Từ thực tế đó, ông nhận ra tình trạng vô chính phủ ngự trị ở vùng đất này khiến cho mâu thuẫn và xung đột diễn ra liên miên, do đó không thể thờ ơ với việc truyền giáo và khuyến khích người thượng theo đạo bằng mọi cách có thể.
Bức tranh phong cảnh, khung cảnh thiên nhiên… cũng được họa lại một cách sống động, với voi, hươu, nai, tê giác, cá sấu, cọp… có ở khắp nơi. Đó cũng còn là những cơn sốt và vắt, đỉa hút cạn sức lực. Dẫu vậy trong mỗi vùng đất đi qua ông vẫn để lại những hoạt động quan trọng, như những lần tiêm vaccine cũng như giúp các dân làng thêm phần hòa hợp. Tuy vậy ông cũng chịu nhiều khổ sở, bởi lòng tham của các trưởng làng và thiếu sự giúp đỡ của những người xung quanh. Sau này, trong cuốn Đỉnh cao đế quốc, tác giả Eric T.Jennings lật lại những bức thư ông viết cho mẹ, và còn trần tình về việc những người Bih và Rhade đã gây cho mình “biết bao khổ sở”.
Tính cho đến nay, tuy vẫn còn nhiều tranh cãi về nguồn lực, mục tiêu và ý nghĩa của 4 chuyến du hành kể trên, thế nhưng không thể phủ định được tầm quan trọng và tính tiên phong mà Alexandre Yersin đã làm được, từ đó phác họa bức tranh sơ khai về một vùng đất vẫn còn bí hiểm của xứ Đông Dương thời bấy giờ. Qua đó một thành phố hấp dẫn cũng như thu hút cho đến ngày nay bắt đầu thành hình, chuẩn bị phát triển.