Thanh khoản trên thị trường tiếp tục có dấu hiệu giảm sút trong những ngày qua. Giữa các cổ phiếu đã có sự phân hóa nhưng biến động giá cũng chỉở mức lình xình. Thị trường có thể sẽ lại rơi vào trạng thái uể oải, giao dịch chậm, nay tăng, mai giảm. Nếu thị trường rơi vào trạng thái này, rất khó có cơ hội để kiếm lời.
“Cười nụ” có, “khóc thầm” cũng nhiều
Những ngày cuối cùng của thời hạn nộp báo cáo tài chính quý III đã qua đi. Thông tin đáng phấn khởi nhất đến từ Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (mã chứng khoán REE) với kết quả lãi ròng gần 200 tỉ đồng trong quý III và gần 840 tỉ đồng trong chín tháng đầu năm, vượt kế hoạch năm 29% và tăng trưởng 71% so với cùng kỳ năm trước. Bà Mai Thanh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc cùng với các cộng sự trong ban giám đốc đã chạm tay vào khoản thưởng lớn. Tại đại hội thường niên năm 2013, đại hội đã thông qua tổng thù lao tối đa mà HĐQT và Ban kiểm soát được hưởng là 0,5% trên lợi nhuận sau thuế thực tế của năm 2013. Theo đó, tổng giám đốc và các giám đốc điều hành sẽ được thưởng một khoản tiền tương đương 30% phần lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch năm 2013.
Các số liệu đã công bố cho thấy ngành bất động sản cũng có biến chuyển trong quý III. Trong số 29 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn công bố kết quả kinh doanh quý III-2013 có tám doanh nghiệp lỗ, 21 doanh nghiệp lãi (trong đó 10 doanh nghiệp tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước). Lỗ nhiều nhất trong kỳ của ngành này có lẽ là Công ty cổ phần đầu tư PV2 (mã chứng khoán PV2) với hơn 12 tỉ đồng (lỗ lũy kế chín tháng đầu năm gần 52 tỉ đồng).
Trong lúc REE và một số doanh nghiệp đã có thể “cười nụ” với tình hình lợi nhuận thì bức tranh sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn một “màu” lo lắng. Đứng đầu danh sách lỗ nặng trong quý này là HT1 với số âm 72,6 tỉ đồng chủ yếu do phải trả lãi vay lên tới 600 tỉ đồng trong chín tháng đầu năm. Số liệu ghi nhận tại ngày 30-9-2013, nợ vay của HT1 ở mức 9.731 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ có 1.896 tỉ đồng. Không gây ngạc nhiên, nhiều doanh nghiệp ngành xi măng, thép, than, đã báo lỗ. Với ngành khoáng sản, tính đến hết ngày 31-10, đã có 16/21 công ty niêm yết ngành khoáng sản công bố số liệu quý III-2013 không như mong đợi. Đại gia khoáng sản SQC lần đầu tiên báo lỗ kể từ khi lên sàn với con số âm hơn 7,3 tỉ đồng. MMC tiếp tục báo lỗ quý thứ tám liên tiếp. Ngành vận tải biển tiếp tục gặp khó khăn. Điển hình là VFR với doanh thu hơn 74 tỉ đồng nhưng giá vốn đến 83,69 tỉ đồng, lỗ 4,6 tỉ đồng trong quý III.
Đến hết ngày 31-10 vẫn còn gần 100 doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn chưa nộp báo cáo. Theo thông lệ, những số liệu chậm, muộn sẽ chẳng mang lại niềm vui cho người nắm giữ cổ phiếu.
Thanh khoản sụt giảm
Đóng cửa phiên giao dịch 1-11, VN-Index giảm 0,33 điểm xuống 497 điểm. Thị trường giao dịch phiên đầu tiên của tháng trong sựảm đạm, thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh, 38 triệu cổ phiếu giao dịch có giá trị khớp lệnh hơn 500 tỉ đồng. Nhiều cổ phiếu blue-chip giảm giá cuối phiên. Dòng tiền đầu cơ đang cố gắng hoạt động ở vài mã nhỏ, đơn cử như VNH (tăng trần 10 phiên liên tiếp, đạt 2.700 đồng/cổ phiếu) hay LHG, LAF, PDN…
Dòng tiền tiếp tục giảm sút, thị trường thiếu động lực tăng trưởng. Mặc dù nhận được sự quan tâm của giới đầu tư nhưng dòng tiền vào blue-chip không gia tăng. Tiền đầu cơ vào một số cổ phiếu nhỏ nhưng cũng chưa tới mức tạo ra trào lưu. Với diễn biến này, thị trường có thể sẽ rơi vào trạng thái lình xình. Tuy vậy nhiều đánh giá lại tỏ ra không bi quan về thị trường. Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC cho rằng, tín hiệu xác nhận cho khả năng tiếp diễn của xu hướng tăng ngắn hạn chưa xuất hiện nhưng cơ hội đi lên của thị trường hiện vẫn được đánh giá cao hơn do xu hướng tăng trung hạn đang được bảo lưu.
Rất may, trong lúc dòng vốn nội chảy chậm lại thì vốn ngoại tiếp tục hoạt động mạnh. Trong tháng 10, khối ngoại đã có 22 phiên mua ròng liên tục trên sàn HoSE trước khi bán ròng vào hai ngày cuối tháng. Dòng vốn đổ liên tục vào quỹ Market Vector Vietnam ETF đã khiến khối ngoại giải ngân rất mạnh vào các cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong tháng qua, riêng trên sàn HoSE, khối ngoại mua ròng 34,7 triệu cổ phiếu với giá trị hơn 1.004 tỉ đồng.
Phiên giao dịch đầu tuần, ngày 4-11, nhiều cổ phiếu nhỏ tăng trần trên cả hai sàn. Đáng chú ý hơn cả là sự “trỗi dậy” của nhóm cổ phiếu Sông Đà. “Anh cả” của dòng Sông Đà – cổ phiếu SJS tăng trần cuối phiên. Hàng loạt cổ phiếu mang thương hiệu SD trên sàn HNX cũng lũ lượt tăng trần. Đây có thể là dấu hiệu trở lại của dòng vốn đầu cơ bởi dòng họ Sông Đà từng rất được các nhà đầu cơ trên sàn chứng khoán ưa chuộng. Phiên này VN-Index giảm điểm không đáng kể khi chỉ mất có 0,01 điểm. Chỉ số này dừng ở mức 497,07 điểm với 64,2 triệu cổ phiếu được trao tay, giá trị giao dịch đạt 835,8 tỉ đồng.
Song Hà