Lâu nay, khi nhắc về lễ hội hoa, ban tổ chức chỉ thường chăm chú vào những kỷ lục hoặc lượng khách đến tham gia lễ hội. Còn ở mức độ ghi nhận sự hài lòng của du khách thì vẫn còn khá mờ nhạt. Qua bài phỏng vấn ngắn cùng một số du khách từng đến Đà Lạt vào mùa lễ hội năm trước, người viết thu lượm được vài ý kiến nho nhỏ, hy vọng sự chia sẻ chân thực sẽ góp ý cho ban tổ chức chú ý đến những tiểu tiết nhỏ trong việc quản lý phát triển du lịch Đà Lạt.
Nhớ lại chuyến du lịch lễ hội hoa 2011-2012, chị Mai Trâm – một giáo viên sinh sống tại Cần Thơ vẫn còn ngao ngán. Khi biết lễ hội tổ chức vào dịp cuối năm, chị và gia đình đã dành trọn tuần nghỉ phép nhằm tận hưởng không khí cao nguyên, kế tiếp là vui chơi, chụp hình hoa… Thế nhưng, dù đã nhờ người quen đặt phòng kỹ càng trước đó khá lâu, nhưng khi đến nơi lưu trú, chị vẫn bị từ chối khéo là khách sạn đã ký hợp đồng với các công ty du lịch lớn, bây giờ lượng khách bị quá tải đột biến họ không thể phục vụ nổi và xin trả lại tiền cọc. Sau khi vất vả tìm khách sạn khác, chị Mai Trâm đành phải chọn một nhà nghỉ xa trung tâm thành phố với mức giá rất cao. Chuyện này kéo theo chuyện khác, ngoài phần chi phí cho khách sạn tăng vọt, chi phí đi lại cũng tốn kém ngoài dự kiến vì khi gia đình chị đi taxi thăm thú các nơi thì đều gặp các tuyến đường bị cấm hoặc bị nghẽn nên cứ phải đi lòng vòng. Thêm vào đó, những dịch vụ từ ăn uống, vui chơi, mua sắm cũng bị đẩy giá lên trời. Những sự việc này đã làm gia đình chị Mai Trâm đành trở về nhà sớm hơn dự định dù vẫn còn tiếc nuối không gian, vẻ đẹp của vùng đất cao nguyên.
Bảo Minh, một thành viên trẻ của diễn đàn Phượt Việt Nam cho biết Đà Lạt là địa danh mà hầu như các bạn trẻ khi “phượt” đều xem đó là tuyến điểm trong hành trình khám phá kết hợp vui chơi. Tuy nhiên, nhóm của Bảo Minh luôn lo ngại đến Đà Lạt vào mùa lễ hội vì nạn chặt chém vẫn tung hoành mọi lúc mọi nơi. Xem ra festival hoa vẫn mang tính nhỏ lẻ, chưa tạo được sự mong đợi của cả hai phía là nhà tổ chức và du khách. Chính vì những điều kể trên, nhiều người mong đợi rằng năm nay lễ hội hoa Đà Lạt sẽ tốt hơn, việc kiểm tra, ngăn ngừa chặt chém được chú trọng hơn, để du khách yên tâm đến Đà Lạt vui chơi và tiêu tiền với tâm trạng vui vẻ.
Vẫn biết việc xây dựng thành công những dấu ấn riêng cho Đà Lạt là điều mong ước lớn từ các cơ quan quản lý, nhưng muốn định vị thương hiệu thành phố Hoa thì không chỉ có một tuần lễ festival là đủ. Nhà quản lý cần phối hợp cùng các ban ngành biết đề ra những kế hoạch bảo tồn môi trường, phát huy thế mạnh gây trồng nông sản Đà Lạt và phát động mọi nhà hãy trồng hoa trong vườn nhà, sân, lề đường v.v… để đi đâu du khách cũng có thể ngỡ ngàng phát hiện những khuôn viên hoa xinh đẹp. Có như thế Đà Lạt mới dần định vị được vị thế của mình trong tim du khách và ngày càng có thêm nhiều du khách đến với thành phố mộng mơ này, không chỉ trong những mùa lễ hội.
Hải An