Được nhào nặn dưới bàn tay của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên – người đứng sau thành công của “Sống Trong Sợ Hãi” (2005), “Lời Nguyền Huyết Ngải” (2012); đồng thời đã vượt qua gần 1,700 tác phẩm trên toàn thế giới để vinh dự trở thành 1 trong 15 phim tranh giải tại hạng mục Main Section của Liên hoan phim Tokyo, Tro Tàn Rực Rỡ đang được đánh giá là một trong những bộ phim Việt Nam chất lượng và là một trong những phim Việt đáng chờ đợi nhất dịp cuối năm 2022 này.
Nhà làm phim bậc thầy Alfred Hitchcock từng khẳng định: “Nếu muốn làm một bộ phim xuất chúng, bạn cần ba thứ: đó là kịch bản, kịch bản và kịch bản”. Vậy nên, không ngoa khi nói, một trong nhưng yếu tố làm nên chất lượng của bộ phim Tro Tàn Rực Rỡ chính là nguyên tác văn học – hai truyện ngắn Củi Mục Trôi Về và Tro Tàn Rực Rỡ do nhà văn Nguyễn Ngọc Tư chấp bút.
Củi Mục Trôi Về và Tro Tàn Rực Rỡ là đều là hai truyện ngắn; nằm trong tập truyện ngắn Đảo của nữ văn sĩ Nguyễn Ngọc Tư, cũng là nguồn cảm hứng chính để biên kịch, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên xây dựng nên tác phẩm điện ảnh Tro Tàn Rực Rỡ.
Câu chuyện phim diễn ra ở xóm Thơm Rơm, vùng sông nước Cà Mau, nơi từ lâu đã trở thành chất liệu của nhiều tác phẩm văn học và điện ảnh Việt Nam; khắc họa tình yêu và nỗi đau của ba người đàn bà là Nhàn (Phương Anh Đào thủ vai), Hậu (Juliet Bảo Ngọc Doling thủ vai) và Loan (NSƯT Hạnh Thúy thủ vai) với người đàn ông của họ.
Câu chuyện của cô Loan “khùng” (NSƯT Hạnh Thúy) được chuyển thể từ Củi Mục Trôi Về – tác phẩm đậm dấu ấn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Sau khi bị “gã” – một tên đàn ông trong xóm làm nhục thời thơ ấu, Loan như đã “chết”, cô “buồn, vui đều thái quá, như cơm quá lửa khét, canh quá muối mặn lè.” Rồi một ngày kia, “gã” giống như tấm củi mục trôi về đất Thổ Sầu, gặp lại Loan dưới bóng ngôi chùa nghèo đến rách nát nơi đây.
Nếu như Củi Mục Trôi Về kể về mảnh đời của cô Loan khùng và nỗi niềm của hai người đàn ông bên cạnh cô, Tro Tàn Rực Rỡ lại được viết dưới giọng văn tự sự của nhân vật “em” bình thản, dửng dưng kể cho chồng mình nghe về những điều vụn vặt xảy ra tại xóm nhỏ Thơm Rơm.
Câu chuyện của vợ chồng Nhàn (Phương Anh Đào) – Tam (Quang Tuấn) trong phim được kể qua góc nhìn của Hậu (Juliet Bảo Ngọc Doling) – cô gái vừa được gả cho Dương (Lê Công Hoàng). Hậu yêu Dương với tình yêu thuần khiết. Nhưng Dương lại trao trái tim mình cho Nhàn – một người phụ nữ dành trọn tình yêu cho Tam. Không ai trong số họ có được hạnh phúc “cổ tích” với một cái kết viên mãn.
Nhưng trên mảnh đất, mảnh đời khô cằn thiếu thốn tình yêu trọn vẹn, những con người với số phận tréo ngoe không hề hờn trách. Họ vẫn yêu, vẫn bao dung, và bình thản đón nhận những gì cuộc sống mang đến.
Giống như tựa đề phim, ngọn lửa và tro tàn xuất hiện xuyên suốt, ẩn dụ cho nỗi khát khao cháy bỏng được “nhìn thấy”, được đáp lại tình yêu của những người đàn bà trong phim. Ở tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, những người phụ nữ thường trở thành trung tâm của các câu chuyện. Họ sống bình lặng giữa dòng đời nhưng khát khao mưu cầu hạnh phúc cũng cháy lớn dữ dội. Họ thèm được yêu, được người đàn ông của mình nhìn với ánh nhìn âu yếm, trọn vẹn, và chỉ dành cho riêng họ mà thôi. Những người phụ nữ ấy ước mong hạnh phúc của mình kéo dài hơn, chứ không chua chát “chỉ vài ba tháng, cùng lắm vài ba năm”.
Cùng với đó, những người đàn ông như Tam, như Dương bước từ trang sách lên màn ảnh rộng cũng mang trong mình những nỗi đau riêng, những tổn thương cần người phụ nữ của đời họ che chở, vỗ về. Tin rằng, phần thể hiện của các diễn viên tài năng như Quang Tuấn hay Lê Công Hoàng, dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chắc chắn khơi gợi nhiều xúc cảm và chạm tới con tim khán giả.
Tại Liên hoan phim Tokyo, khi được hỏi về lý do thực hiện phim, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên từng chia sẻ: Trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, “có những người phụ nữ với những tình yêu rất đặc biệt, tình yêu không gì dừng lại được. Tình yêu là chủ đề không bao giờ cũ, nhất là tình yêu của những người phụ nữ”. Vẻ đẹp trong tình yêu ấy cũng là điều ông muốn tôn vinh trong tác phẩm của mình.