Hơn 30 năm qua, Tiến sỹ (TS.) Võ Tá Hân là chuyên gia cao cấp về tư vấn tài chính, đã bền bỉ quyên góp, trao tặng Việt Nam hơn 1 triệu cuốn sách quý với tổng trị giá hàng triệu USD.
TS. Võ Tá Hân, sinh năm 1948, người Mỹ gốc Việt, sinh ra tại Huế và lớn lên ở Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), hiện là chuyên gia cao cấp về tư vấn tài chính.
Hơn 30 năm qua, ông đã bền bỉ quyên góp, trao tặng Việt Nam hơn 1 triệu cuốn sách quý với tổng trị giá hàng triệu USD.
Gian nan hành trình mang sách
TS. Võ Tá Hân tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh tại Viện Đại học Massachusetts Institute of Technology (MIT) Mỹ năm 1972. Sau đó, ông có thời gian làm việc trong ngành ngân hàng và tài chính tại Montreal, Toronto (Canada), Manila (Phillipines) và Singapore.
Ông định cư ở Singapore từ năm 1981. Từ cơ hội du học, được sống, làm việc, đi nhiều nơi trên thế giới và mở rộng tầm nhìn, TS. Võ Tá Hân cho rằng ông cần qưgiúp những người kém may mắn, giúp các bạn trẻ thành công, để cùng đóng góp cho quê hương.
Ý tưởng đưa nguồn tri thức phục vụ xây dựng đất nước thôi thúc mạnh mẽ từ năm 1988, khi lần đầu tiên TS. Võ Tá Hân từ Singapore về lại Việt Nam với tư cách là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Canada tại Singapore.
Ngày đó, ông không khỏi bất ngờ khi các nhà sách ở ngay trung tâm TP.HCM rất khiêm tốn với một ít sách cũ, bày biện đơn giản. Ngay cả thư viện của viện nghiên cứu, trường đại học hàng đầu cũng chỉ có vài đầu sách cũ. Trong khi đó, cùng thời điểm, việc mua sách, kể cả sách của các nhà xuất bản nước ngoài tương đối dễ dàng qua các kênh thương mại điện tử. Từ đó, ông quyết tâm thực hiện chương trình “Books4Vietnam” quyên góp sách từ nước ngoài chuyển về Việt Nam.
Ngay sau khi về lại Singapore, TS. Võ Tá Hân tìm cách quyên góp sách gửi về nước. Ban đầu, ông viết một lá thư rồi nhân lên 100 bản gửi đến các nơi quen biết, bạn bè, trường cũ… để xin sách. Bằng hình thức này, ông quyên góp được 1.500 cuốn gửi tặng Viện Kinh tế Hà Nội và TP.HCM. Sau đó, ông thuyết phục và mua lại được giá rẻ kho sách của Nhà xuất bản Simon & Schuster-Prentice Hall với khối lượng hàng trăm tấn sách về chuyên ngành kỹ thuật, y khoa, luật, quản trị kinh doanh, tài chính, giáo dục…
TS. Võ Tá Hân cho rằng người Việt vốn thông minh, hiếu học và nhẫn nại. Nếu có cơ hội học hỏi, được trang bị kiến thức, ứng dụng tri thức mới, Việt Nam sẽ phát triển rất nhanh chóng, không thua kém các nước trong khu vực. Tất cả kiến thức của nhân loại đều nằm trong sách nên không có gì hiệu quả hơn là chuyển kiến thức về Việt Nam.
Ngoài sách của Nhà xuất bản Simon & Schuster-Prentice Hall, nguồn sách lớn thứ hai chuyển về Việt Nam là từ Nhà xuất bản World Scientific của vợ chồng TS. K.K Phua – hai người bạn ông quen từ khi họ mới khởi nghiệp. Đến nay, World Scientific đã trở thành nhà xuất bản sách lớn nhất Singapore, chuyên xuất bản những đầu sách khoa học-kỹ thuật cao cấp.
Bên cạnh đó, khi biết về chương trình “Books4Vietnam” của TS. Võ Tá Hân, Nhà xuất bản TK Publishing đã tặng 7 tấn sách y khoa. Tiến sỹ Võ Tá Hân cũng quyên góp được rất nhiều sách từ thư viện của các trường đại học, điển hình như trường Temasek Polytechnic tặng 7.000 cuốn.
Một triệu quyển sách tặng sinh viên Việt Nam
Muốn gửi sách về Việt Nam, TS. Võ Tá Hân phải nộp danh mục toàn bộ sách để kiểm duyệt vì thời điểm đó sách nằm trong danh sách những mặt hàng bị Singapore áp đặt cấm vận chuyển. Để container sách được chuyển đi suôn sẻ, ông đã rất vất vả. Cuối cùng, những cuốn sách đầu tiên được chuyển về tới Viện Kinh tế TP.HCM để sắp xếp lại và phân phối. Sau đó, một buổi lễ tặng sách và một cuộc triển lãm đã được tổ chức trọng thể.
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải, lúc ấy đang là Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đến thăm triển lãm vào ngày 11.7.1990 đã viết thư khen tặng. Trong thư có đoạn: “Những cuốn sách mà tôi được thấy tận mắt trong buổi trưng bày đều vô cùng quý giá đối với các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý ở TP.HCM. Tôi đã góp ý kiến, nhắc nhở Viện Kinh tế làm sao để sớm phổ biến rộng rãi số sách này đến những ngành, những người quan tâm lĩnh vực này trong nước. Mong rằng anh sẽ tiếp tục là cầu nối với Viện Kinh tế thành phố và người dân TP.HCM”.
Với TS. Võ Tá Hân, lá thư này có ý nghĩa rất lớn vào thời điểm đó. Chính bức thư ấy đã giúp chương trình tặng sách của ông được thuận buồm xuôi gió về sau. 30 năm qua, TS. Võ Tá Hân đã cùng những cộng sự mang nhiều container sách tặng khắp các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu của đất nước. Hành trình tặng sách với đủ cung bậc cảm xúc đã mang đến cho ông những món quà tinh thần đặc biệt.
Riêng với Việt Nam, đặc biệt là với TP.HCM, TS. Võ Tá Hân có nhiều đóng góp ý nghĩa. Đến nay, ông đã trao tặng thư viện các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam hơn 1 triệu đầu sách.
Chỉ tính trong 2 năm 2020-2021, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đã kết nối, hỗ trợ và tiếp nhận 3.339 cuốn sách khoa học kỹ thuật do World Scientific xuất bản, được TS. Võ Tá Hân trao tặng với trị giá hơn 1,152 triệu USD (tương đương hơn 26 tỷ đồng), tặng cho 25 trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Dự kiến, thời gian tới, TS. Võ Tá Hân sẽ tiếp tục tặng hơn 54.000 cuốn sách cho các trường, trị giá hơn 5 triệu USD (khoảng 116 tỷ đồng).
Qua khảo sát tại tọa đàm “Phát huy hiệu quả sử dụng nguồn sách khoa học kỹ thuật do TS. Võ Tá Hân – kiều bào Việt Nam tại Mỹ trao tặng” do Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp với Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tổ chức 4.2022, các trường đại học, cao đẳng đã có nhiều hình thức giới thiệu sách thông qua website của trường, qua mạng xã hội, hoặc email, mạng nội bộ…
Đặc biệt, trong 2 năm qua, tuy ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng vẫn có khoảng 76% số trường tổ chức trưng bày, triển lãm sách khoa học kỹ thuật do TS. Võ Tá Hân trao tặng cùng hàng ngàn lượt sinh viên, giảng viên sử dụng nguồn sách tặng này trong việc học tập, nghiên cứu.
Nhiều đại diện tại các trường đại học mong muốn, nhà trường sẽ tiếp tục là đơn vị thụ hưởng dự án sách tặng này. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng sách, nhiều ý kiến cho rằng cần đa dạng hóa nguồn tài liệu trên nhiều lĩnh vực, song ngữ, tiếng Việt…, tổ chức nhiều hội thảo, cuộc thi giới thiệu sách và có thêm nguồn sách điện tử để việc tiếp cận được dễ dàng, nhanh chóng, rộng rãi hơn.
Đó cũng là mong muốn của TS. Võ Tá Hân vì theo ông, ngoài việc sưu tập các đầu sách ebook mới, trong điều kiện cho phép, chúng ta nên chuyển số sách khoa học kỹ thuật hiện có thành ebook để đóng góp vào thư viện. Ngoài việc nâng cao số lượng sách, việc làm sao đưa số sách ấy đến tay sinh viên mới là điều quan trọng.
- Xem thêm: Thú sưu tập sách thời Internet