Là hoạ sĩ tự học từ nghề vẽ tranh kiếng của gia đình ở Lái Thiêu, họa sĩ Nguyễn Văn Rô được mời dạy vẽ tranh sơn mài tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn và đã đào tạo nhiều sinh viên sau này trở thành họa sĩ sơn mài nổi tiếng. Ông đã đoạt nhiều giải thưởng danh giá của làng mỹ thuật Sài Gòn những năm 1950-1960.
Họa sĩ Nguyễn Văn Rô sinh năm 1921 và lớn lên ở Lái Thiêu thuộc Bình Dương. Ba của ông là thợ chuyên vẽ tranh kiếng, là loại tranh vẽ trên mặt sau của tấm kiếng để làm tranh thờ và tranh trang trí trên đầu cửa buồng, treo trên vách. Gia đình ông là một trong những nhà đầu tiên sản xuất loại tranh dân gian rất phổ biến này ở miền Nam. Từ năm 13 tuổi, ông đã tham gia vẽ tranh kiếng phụ cha. Lớn lên, ông lập gia đình với vợ là người địa phương, tiếp tục hành nghề vẽ tranh kiếng và tranh sơn mài, là thế mạnh ở quê hương Bình Dương của ông.
Khoảng những năm 1947 đến 1950, các trận chiến lan tràn ở miền Nam, đời sống không ổn định khiến vùng đất Lái Thiêu không còn êm đềm như trước. Tâm lý hưởng thụ từ Sài Gòn – Chợ Lớn tràn đến nơi đây, nhiều người lao vào cuộc đỏ đen, ăn chơi. Ông Rô lúc đó đã có ba con nhỏ, thấy đời sống ở Lái Thiêu không phù hợp nên quyết định đưa cả nhà xuống Sài Gòn sống, vừa tìm hướng đi cho nghề nghiệp của mình.
Xuống Sài Gòn khoảng năm 1948 khi 27 tuổi, ban đầu ông mướn một căn gác gần một ngôi chùa Chà (đền của người Ấn) ở trung tâm thành phố. Gánh nặng gia đình quá lớn, ông lao ngay vào công việc vẽ tranh và nhiều việc khác để kiếm tiền mưu sinh. Ông làm việc cật lực đến độ chỉ sau đó hai năm, khi vợ ông sinh cô con gái thứ tư năm 1950, ông đã có thể đón vợ con từ nhà bảo sanh về ngôi nhà mới mua ở Gia Định dưới chân cầu Bông, là một căn nhà phố rộng rãi. Không chỉ như vậy, mấy năm sau ông có thể mua tiếp căn nhà kế bên để có chỗ làm tranh sơn mài.
Năm 1953, sau năm năm gắn bó đất Sài Gòn – Gia Định và khi đã chuyển sang làm tranh sơn mài, họa sĩ Nguyễn Văn Rô tham gia triển lãm hội họa vào mùa hè năm 1953 tại Nhà hát Thành phố với các họa sĩ Trần Hà, Nguyễn Tấn Báu, Lê Trung, Nguyễn Siên và Trương Văn Thanh. Đây là bước ban đầu quan trọng để trình làng họa phẩm với giới thưởng ngoạn mỹ thuật Sài Gòn.
Theo họa sĩ Uyên Huy, ngay sau đó, nghiệp đoàn Hội họa và Mỹ nghệ được thành lập vào tháng 11.1953, hoạ sĩ Văn Thế làm chủ tịch, còn ông tham gia ban quản trị. Vài năm sau, Hội Văn hóa Việt Nam ra đời. Kế tiếp, Hội Mỹ thuật Việt Nam do họa sĩ Lê Văn Đệ làm chủ tịch và ông Rô là ủy viên sáng lập của hai hội này.
Tuy nhiên, cuộc triển lãm năm 1955 tại phòng triển lãm Pháp văn Đồng minh hội mới thực sự tác động đến cuộc đời nghệ thuật của ông sau này. Tại cuộc triển lãm này, ông đoạt huy chương vàng với tác phẩm sơn mài đề tài tự do diễn tả một đàn ngựa và tác phẩm vẽ cái bóng một người cụt chân. Trong phần thưởng này có học bổng sang Nhật để nghiên cứu về sơn mài trong vòng một tháng. Sang đó, ông tìm hiểu về kỹ thuật sơn mài, ngoài ra còn tìm hiểu thêm về đồ gốm, vườn cảnh, nghệ thuật bonsai… ở đất nước có trình độ mỹ thuật cao và độc đáo này. Chuyến đi tuy ngắn ngủi nhưng tạo ấn tượng sâu đậm và sau này, ông đã có nhiều dịp thực hành những ứng dụng học được từ đó.
Năm 1962, ông được giải nhất với tác phẩm sơn mài đề tài “Tĩnh vật” trong cuộc triển lãm có tên “Đệ nhất Triển lãm Quốc tế Mỹ thuật” tại vườn Tao Đàn – Sài Gòn. Tuy được giải nhất, ông chỉ được nhận huy chương bạc do đây là cuộc triển lãm quốc tế nên huy chương vàng được trao cho một họa sĩ nước ngoài đồng hạng nhất.
Ngoài ra, ông đã tổ chức 3 triển lãm cá nhân và rất nhiều lần triển lãm chung trong và ngoài nước (ở Malaysia, Ấn Độ…) như triển lãm tại phòng triển lãm Đô thành (1961); triển lãm Hội họa mùa Xuân các năm 1959, 1960, 1961, 1962 tại phòng triển lãm Đô Thành; triển lãm Stanvac các năm 1960, 1961…
Sau chuyến đi tìm hiểu về sơn mài tại Nhật Bản năm 1955, ông được họa sĩ Lê Văn Đệ, giám đốc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn mời giảng dạy môn sơn mài từ năm đó. Ông được giao trọng trách biên soạn về lý thuyết giảng dạy và thực hành của khoa sơn mài tại trường và thuyết trình về kỹ thuật môn này tại hội Việt – Mỹ (Sài Gòn), dưới quyền bảo trợ danh dự của ông bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục và đại sứ Mỹ tại Sài Gòn.
Thấp thoáng trong các buổi nói chuyện với các họa sĩ như Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Lâm và Hồ Hữu Thủ, tôi vẫn được nghe nhắc đến họa sĩ Nguyễn Văn Rô là người thầy dạy sơn mài của họ với sự kính trọng. Với tính cách phóng khoáng, sau khi học trò ra trường, ông vẫn sẵn sàng giúp học trò khi họ cần.
Họa sĩ Nguyễn Văn Trung lúc sinh tiền kể rằng: “Thầy Rô là họa sĩ sơn mài duy nhất mà họa sĩ Nguyễn Gia Trí thường tiếp xúc, vì thầy am hiểu kỹ thuật sơn mài, lại có đội ngũ thợ giỏi, nếu ông Trí cần thì sẽ đưa đến giúp”. Nhờ đó, thông qua thầy Rô, ông Trung gián tiếp học được một số kỹ thuật làm tranh sơn mài do họa sĩ Nguyễn Gia Trí tìm ra.
Ông Trung kể: “Thí dụ như khi vẽ tranh, nét sơn viền đen quanh hình tượng (contour) phải có chiều dày để khi mài mới lộ ra. Đối với tranh trang trí thì contour cố ý không thành vấn đề nhưng nếu là tác phẩm hội họa thì những viền đen lộ rõ trông cứng. Ông Nguyễn Gia Trí nghĩ ra cách: vẽ nét trên tấm giấy bóng xong, lật ngược lại và đồ bằng màu đen nét vẽ đó, đợi sơn hơi se lại thì quay tờ giấy lại, úp xuống tranh. Nét vẽ viền đó in xuống mặt vóc, khi mài ra sẽ thành những nét đứt đọan chỗ cao chỗ thấp, chỗ mất chỗ còn, rất tự nhiên” (*).
Ông Rô đã không giấu bí quyết với học trò, cho dù bí quyết đó chỉ mình ông học được từ bậc thầy sơn mài Việt Nam. Ông Trung kể khi ông vào học Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn năm 1956, tuy trước kia dù đã phụ làm tranh sơn mài giúp các thầy khi còn học ở trường Mỹ nghệ, ông hầu như chưa nắm vững. Lên Cao đẳng Mỹ thuật, học sơn mài với thầy Nguyễn Văn Rô, ông mới vỡ ra nhiều điều. Thầy Rô tuy là người tự học, không qua trường lớp nhưng giỏi kỹ thuật, nhiều kinh nghiệm thực tế. Lúc đó, trường không có vật liệu gì để giảng dạy mà chủ yếu dựa vào những nguyên vật liệu của thầy Rô mang vào.
Về mối quan hệ với họa sĩ Nguyễn Gia Trí, ông Rô được một người rất quý thời gian như ông Nguyễn Gia Trí lui tới nhà là điều hiếm có. Họa sĩ Nguyễn Gia Trí khi làm tranh sơn mài cho Phủ Tổng thống, được phép sang Nhật Bản mua các vật liệu để phục vụ cho việc sáng tác. Khi trở về, ông đến tặng ông Rô một số vật liệu quý hiếm của lãnh vực này. Ông Rô thuật lại với ký giả Nguyễn Ngu Í trong một bài phỏng vấn trên báo Bách Khoa về cá tính của họa sĩ Nguyễn Gia Trí: “Ảnh lại đây thăm tôi. Anh ấy quá khó tính, khó tính với chính anh ấy, nên có bao giờ tự bằng lòng đâu. Tôi được biết có lần chánh phủ đặt ảnh hai triệu bạc tranh sơn mài. Ai khác thì có thể giao “hàng” trong vài tháng và bỏ túi ít nhất cũng nửa triệu. Ảnh thì xoa tay, hớn hở, nói với tôi: Đời nào mình có hai triệu bạc để mà làm một công trình thí nghiệm cho đến nơi đến chốn!”. Họa sĩ Nguyễn Gia Trí làm bức tranh trong hai năm, chỉ để thỏa mong muốn thể nghiệm các kỹ thuật mới như đã tâm sự với ông Rô.
Từ thập niên 1960, ông Rô đã chuyển sang dùng chất liệu sơn dầu vẽ nhiều tranh theo phái Ấn tượng. Hiện nay, trong dinh Độc Lập, phòng ăn của tổng thống còn treo hai bức tranh tĩnh vật sơn dầu “Trái cây” và “Cua cá”. Rất tiếc, số tranh ông còn lưu lại không nhiều, đa số đã tản mác trong các bộ sưu tập tư nhân trong nước và nước ngoài.
Gia đình ông Rô còn nhớ khi hoạt động sôi nổi thời gian trước năm 1975, ông đam mê nghệ thuật Nhật Bản và thực hiện nhiều tác phẩm theo phong cách Nhật. Ngoài việc vẽ tranh, ông nghiên cứu cách làm vườn Nhật Bản. Ông kết hợp với một chuyên gia về cây cảnh ở Thảo Cầm Viên, đi thiết kế vườn Nhật ở bệnh viện Vì Dân (nay là bệnh viện Thống Nhất) và cho những người bạn có đất đai. Mê đến độ ông xúi một ông bạn đồng ý để ông làm vườn Nhật miễn phí. Nương theo đà đó, ông chơi bonsai, xương rồng. Ngôi nhà ở gần cầu Bông, ông cũng thiết kế lại theo kiểu Nhật với trần thấp. Ông làm đồ gốm Nhật theo phong cách Raku, mua bàn xoay và đất sét nắn xong rồi gửi ở lò một người bạn trên Lái Thiêu để nung.
Tính đam mê nghệ thuật rất trong trẻo nhưng mãnh liệt khiến ông có nhiều bạn bè. Đó là ông Vương Hồng Sển, nhạc sư Vĩnh Bảo, nhà văn Sơn Nam… Chị Vân, con gái ông nhớ lại: có lần nhà văn Sơn Nam đến thăm ông Rô lúc đang ở gần cầu Bông, thấy trong góc vườn có một cục đá đẹp, buột miệng khen. Ông Rô lập tức bưng lên bảo: “Anh thích thì tặng luôn!”. Ông Sơn Nam vui mừng, vội lấy cái cặp mang theo mở ra và… bỏ luôn cục đá dính bụi vào cặp!
Một lần khác sau khi ông Rô mất, nhạc sư Vĩnh Bảo kể lại câu chuyện mà cả nhà không hề biết: “Ba con thương bạn lắm đó nha. Có lần bác đến chơi và ngắm mấy cái đàn cổ ba con treo trên tường. Thấy bác thích nhìn con dơi bằng gỗ được chạm trổ khéo léo gắn ở đầu đàn, ba con lấy cây đàn xuống hỏi: “Anh thích phải không? Thích thì lấy đi!” rồi gỡ ra đưa cho bác”.
Ông hợp với ông Vương Hồng Sển vì cùng đam mê đồ cổ. Việc hiểu biết sâu về cổ vật cũng giúp ông hướng dẫn cho bạn bè ham thích thú chơi này. Chị Vân kể có khoảng thời gian ba chị dạy một ông người Hoa cách chơi đồ cổ không lấy học phí. Ông kia chịu phép, nhưng cứ mỗi Chủ nhật, ông cho chở đến nguyên cả xe xích lô trái cây, cả nhà tha hồ ăn.
Ở căn nhà khu cầu Bông và sau này về ở căn nhà trên đường Huỳnh Tịnh Của, gia đình vẫn thường tiếp đón các họa sĩ Nguyễn Văn Minh, họa sĩ Nguyễn Văn Trung (giám đốc và phó giám đốc Công ty mỹ nghệ Mê Linh), họa sĩ Nguyễn Trung và họa sĩ Uyên Huy đều là học trò đến thăm thầy. Có lần, Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ ghé thăm. Tháng 4.1975, Trung tâm Văn hóa Pháp đang tiến hành tổ chức triển lãm đồ cổ của ông thì tình hình chiến sự quá căng thẳng phải ngưng đột ngột và ngày 28.4 ông kêu xe chở toàn bộ đồ cổ về nhà…
Sau năm 1975, ông hoàn toàn ngưng vẽ mà dành thời gian cho thú vui sưu tầm đồ cổ. Theo họa sĩ Uyên Huy, thời gian này, ông được Ban Giám hiệu Đại học Mỹ thuật TP.HCM giao cho việc nghiên cứu các chất liệu sáng tác và sản xuất màu dầu cho nhà trường và tập trung nghiên cứu sâu hơn về nghệ thuật đồ gốm. Khoảng năm 1976, các tác phẩm về nghệ thuật đồ gốm của ông và hoạ sĩ Ngô Bảo đã được Bộ Văn hóa và Hội Mỹ thuật Trung ương đem đi triển lãm tại Leipzig (Đông Đức trước đây).
Khoảng năm 1995, sức khỏe ông bị giảm sút. Đến năm 1996, một người con rể của ông ở nước ngoài về thăm và khuyến khích ông vẽ lại để có thể tổ chức một cuộc triển lãm. Ông bừng dậy, cùng con rể đi đặt sácxi, căng vải, mua màu dầu. Lúc ấy dù tóc rụng nhiều, người yếu đi nhưng ông say mê vẽ. Chất liệu sơn dầu giúp ông vẽ thoải mái và nhanh hơn nhiều so với sơn mài. Trong đợt này, ông chuyển sang vẽ tranh trừu tượng. Hơn chục bức được hoàn thành và cuộc triển lãm tổ chức tại Hội Mỹ thuật Thành phố. Gia đình cảm nhận cuộc triển lãm này khiến ông rất vui, khi bạn bè đến đông đủ xem tranh và chúc mừng. Cuối năm đó, ông giã biệt gia đình vĩnh viễn cùng vài bức tranh, đồ gốm để lại và một góc vườn Nhật trước sân nhà.
Khi nhắc đến cha mình, các người con luôn nhớ đến nụ cười ấm áp và hiền hậu của ông. Trong những ngày giỗ chạp, mọi người nhắc đến tình thương đậm đà của ông với tất cả người thân. Ông thương yêu vợ, chăm chút cho từng đứa con, thường pha cà phê sáng cho vợ vì vợ ông cho rằng chỉ có ông pha cà phê là ngon nhất. Ông thương yêu các con, không bao giờ đánh con dù một roi. Có lần về nhà thấy vợ ông đang bắt các con quỳ, ông vội mở tủ ra phát cho mỗi con một cái gối để quỳ cho… êm.
Các cô con gái nhớ cha không thích các cô bận áo đầm, vì ông cho rằng nữ giới Việt bận áo dài mới đẹp. Tuy vậy, có lần một cô con gái thi đậu tú tài hai, ông hỏi có thích sang Pháp học thiết kế thời trang không? Lúc đó, ngành thiết kế thời trang còn rất mới lạ ở trong nước nhưng ông đã nắm bắt xu hướng mới ở nước ngoài. Lần nằm bệnh viện trước khi mất, sau khi được về nhà, nghe nói vợ bị đau nhức chân ông vào phòng ngay để bóp chân cho vợ, và sáng hôm sau tiếp tục pha cà phê cho bà.
Một cô con gái của ông còn giữ lại tấm bưu ảnh ông gửi khi trên con tàu đi sang Nhật ghé cảng Philippines năm 1955, lúc đó chị mới năm tuổi. Sau này, chị nghĩ phải chăng ông muốn con gái mình có một kỷ niệm hồi bé thơ, để còn nhớ đến ông mỗi khi ngắm lại nó sau khi ông ra đi…