Chúng tôi lại có cơ hội đến tham quan quảng trường lớn nhất thủ đô: Quảng trường Concorde. Từ vườn hoa Tuileries đi bộ sang quảng trường khoảng chừng hơn 1km.
Đây là quảng trường nổi bật nhất ở Paris do vị trí của nó nằm tại điểm tiếp nối các trục đường chính như đại lộ Champs Élysées, phố Rivoli, phố Royale. Bên cạnh là cây cầu Concorde bắt qua sông Seine. Đây là chiếc cầu nổi tiếng được thiết kế với phong cách rất độc đáo. Vật liệu chủ yếu để xây dựng nó là những viên đá cẩm thạch được dỡ ra từ nền ngục Bastille. Bên trái là vườn Tuileries rộng lớn; vì thế, quảng trường có không gian mở rất thoáng đãng, tạo cảm giác thích thú, choáng ngợp cho những ai mới đến lần đầu.
Người bạn đi cùng làm việc cho một công ty du lịch cho biết đây là quảng trường lớn nhất Paris và lớn thứ hai nước Pháp. Nó bắt đầu được xây dựng vào thế kỷ XVI nhưng không được hoàn thành ngay mà phải qua nhiều lần tu sửa liên tục. Về sau, quảng trường được gọi là Quảng trường Louis XVI. Bấy giờ, ở giữa của quảng trường là pho tượng vua Louis XVI cưỡi ngựa. Trong cuộc Cách mạng Pháp 1789, bức tượng bị phá bỏ và quảng trường đổi tên thành Quảng trường Cách mạng. Có thể nói rằng sự kiện hơn 1.300 người, bao gồm cả vua Louis XVI và hoàng hậu Marie-Antoinette bị hành hình trong “Triều đại khủng bố” là thời điểm đầy tăm tối của nước Pháp. Liên tiếp gần một thế kỷ sau, rất nhiều biến động đã làm cho quảng trường trở thành một vấn đề chính trị của chính phủ suốt một thời gian dài.
Năm 1830, sau cuộc cách mạng tháng 7 năm đó, quảng trường được đặt tên lại với tên gọi ngày nay: Quảng trường Concorde. Sau này, quảng trường lại được tu sửa mất 4 năm, mãi đến năm 1840 mới định hình kiểu dáng như hiện nay.
Nổi bật và vươn cao giữa quảng trường là chiếc cột đá Obélisque do vị Phó vương Ai Cập tặng nước Pháp. Cây cột khổng lồ cao ngất, uy nghi giữa dòng xe cộ đông đúc xung quanh. Nó như một biểu tượng của lịch sử, và như nhiều nhà văn đã liên tưởng, hình ảnh cây cột giống như chàng Don Quichotte nghĩa hiệp, trông đơn độc, nhưng cũng rất ý vị! Cây cột này là vật phẩm chính gốc Ai Cập vốn nằm ở Luxor; nơi tập trung các di tích văn minh Ai Cập cổ đại, do vua Louis – Philippe đã vượt qua nhiều khó khăn để vận chuyển về vào năm 1831, sau 2 năm rưởi vận chuyển. Văn tự trên cây cột nhọn ghi lại sự tích của một vị pharaoh. Tài liệu lưu trữ cũng cho biết cột đá này có tuổi đời hơn 3.000 năm, cao 22,86m, nặng 227 tấn, được tạc từ đá syenite hồng. Phần chóp nhọn cao 3,5m được mạ vàng trong đợt trùng tu năm 1998 với sự tài trợ của Pierre Bergé và Yves Saint-Laurent. Cột được đặt ngay chính giữa quảng trường trên bệ đỡ cao 9m.
Hai bên cây cột nổi bật hai đài phun nước xây dựng rất kỳ công. Đài phun nước của các dòng sông (La fontaine des Fleuves) nằm ở phía Bắc tượng trưng cho hai con sông lớn Rhin và Rhône; đó là biểu tượng của sự bội thu lúa mì và nho. Đài phun nước của các đại dương (La fontaine des Mers) ở phía Nam tượng trưng cho biển Địa Trung Hải, Đại Tây Dương và nghề đánh bắt cá biển và hải sản. Cả hai bồn nước đều được làm bằng đá cẩm thạch mài bóng và đáy được trát một lớp xi măng. Ở trên phần đài phun, các bức tượng và họa tiết trang trí được làm từ gang đúc sẵn và được sơn theo phương pháp sơn mạ đồng mới với lớp ngoài có màu nâu sẫm. Quần áo nhân vật màu xanh lá cây, các vật dụng cũng như các họa tiết được mạ vàng trông rất nổi bật.
Trong lần tham quan mùa hè năm 2016, chúng tôi thấy hai đài phun nước luôn hoạt động. Dòng nước từ bồn nước ở giũa như dòng thác trắng xóa chảy xuống phía dưới xối lên mình những phù điêu tiên nữ và thiên sứ trông rất sinh động. Lần này, Paris đang ở vào mùa đông, nhiệt độ luôn ở mức trên dưới 0oC và đang trải qua nhiều đợt tuyết phủ; do đó, người ta không cho nước phun lên, chính nhờ điều này mà được thấy rõ hơn các đường nét điêu khắc rất tinh xảo trên các pho tượng.
Tại 8 góc hình bát giác của quảng trường có đặt 8 bức tượng tượng trưng cho các thành phố lớn của Pháp như: Brest, Rouen, Bordeaux, Nantes, Lyon, Marseille, Lille và Strasbourg. Nhiều tài liệu ghi chép là xung quanh quảng trường lúc mới xây dựng là hào nước hình bát giác, tuy nhiên các đường hào này đã bị lấp đi để phục vụ cho việc giao thông xung quanh.
Trong bộ phim Chuyện tình Paris của Hàn Quốc được chiếu tại nhiều nước; trong đó có Việt Nam, vào những năm đầu thế kỷ XXI, có cảnh quay tại hai đài phun nước này, có lẽ từ đó mà địa điểm này càng thu hút thêm rất đông bạn trẻ đến từ các nước châu Á.
Cũng trong lần thăm quảng trường lần trước, chúng tôi còn thấy có chiếc bánh xe đu quay rất lớn nằm ở hướng Đông tạo nên một nét độc đáo rất riêng cho không gian quảng trường. Ngồi trên bánh xe đu quay, chúng ta có thể ngắm nhìn vẻ hoa lệ, rực rỡ của một phần Paris. Tuy nhiên, đầu năm 2018, Hội đồng Thành phố Paris đã quyết định tháo bỏ nó vì có nhiều ý kiến cho rằng đặt cái bánh xe đu quay tại đây là không phù hợp với những công trình lịch sử chung quanh.
Ở phía Bắc quảng trường là hai tòa nhà lớn xây bằng đá giống hệt nhau, được ngăn cách bởi phố Royale là điểm kết của không gian quảng trường. Hai công trình này tiêu biểu cho kiến trúc thế kỷ XVIII. Mặt tiền được thiết kế và xây dựng với hàng cột được phỏng theo những nét chính của hàng cột Bảo tàng Louvre với các đế và mũ cột to, chắc chắn, các chi tiết vòng hoa trang trí hình bầu dục… Tường được trang trí những họa tiết của các điển tích văn học, họa tiết thuộc nông nghiệp, thương mại hay họa tiết thể hiện sự phồn vinh, hạnh phúc…
Qua thời gian, quảng trường vẫn là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng. Ngày 6-2-1934, cuộc biểu tình của Liên minh cực hữu Pháp và các cựu chiến binh thuộc Hiệp hội Chữ thập lửa (Croix de feu) đã diễn ra tại quảng trường để chống lại Chính phủ Edouard Daladier, khi chính phủ này bị cho là dính líu đến hàng loạt vụ tham nhũng. Nhóm biểu tình đã đụng độ với cảnh sát và kết quả là 16 người chết, hơn 500 người bị thương. Bên phía cảnh sát có 254 người bị thương.
Cách đây 30 năm, nhân ngày Quốc khánh 14-7-1989, để kỷ niệm 200 năm ngày Cách mạng Pháp, tại đây nhạc sĩ Jean Michel Jarre đã tổ chức một buổi hòa nhạc rất quy mô và hoành tráng. Sân khấu được thiết kế theo mô hình kim tự tháp và buổi hòa nhạc diễn ra với ánh sáng lung linh của 65 tấn pháo hoa đã thu hút hàng vạn khán giả đến xem trực tiếp.
Ngày 1-12-1993, nhân ngày Quốc tế phòng chống SIDA, tổ chức Act Up đã trùm lên cột đá Obélisque một chiếc bao cao su khổng lồ dài tới 30m và đã gọi tên một cách tượng trưng quảng trường này là Quảng trường các nạn nhân của AIDSs.
Năm 2000, Alain Robert; một chuyên gia leo núi, đã leo đến đỉnh tháp đá Obélisque bằng hai tay không mà cần một phương tiện bảo hiểm nào.
Ngày nay cứ vào ngày 14-7 hàng năm, dưới chân cột Obélisque là khán đài dành cho Tổng thống, chính phủ và quan khách để tham dự lễ diễu binh chào mừng ngày Quốc khánh Pháp. Điều đó đã làm cho hình ảnh quảng trường càng được lan truyền nhiều hơn trên khắp thế giới…