Giáo dục con cái là một môn học, một nghệ thuật mà mọi bố mẹ đều phải học để có thể đồng hành cùng con cái.
Khá nhiều phụ huynh hiện nay còn đang bối rối trong việc lựa chọn phương pháp nuôi dạy con, từ quan tâm về thai giáo trước khi trẻ ra đời, giáo dục sớm cho trẻ, cho đến chọn trường học, học kỹ năng, phát triển tư duy, học ngoại ngữ, sống hạnh phúc,…
Ngoài ra, các phụ huynh cũng băn khoăn với những câu hỏi như làm thế nào để có thể cho con cái có một tuổi thơ hạnh phúc? Làm thế nào để giáo dục con theo cách khoa học nhất? Hay àm thế nào để vừa uốn nắn con nên người vừa cho trẻ thấy rằng cha mẹ luôn thương yêu và tôn trọng các con?
Chắc chắn rằng câu trả lời cho các bậc cha mẹ sẽ nằm trong những quyển sách nuôi dạy con. Với những kinh nghiệm và kiến thức giúp phụ huynh cho con có một tuổi thơ hạnh phúc, những nền tảng giáo dục vững chắc giúp con phát triển kỹ năng toàn diện cũng như cách dạy con học các yêu thương những người xung quanh và hướng con đến những giá trị tốt đẹp, những quyển sách dưới đây chắc chắn có thể khiến phụ huynh hài lòng.
Cha Voi
Trong môi trường sống đang thay đổi nhanh chóng do công nghệ, thật không hề đơn giản để có một cuộc sống hạnh phúc. Trong quyển sách “Cha Voi – Dạy con nên người ở thời đại số” có đúc kết được rằng để có cuộc sống hạnh phúc ở thời đại số, con người cần có một số tính cách, kỹ năng và cơ hội sau:
- Kỹ năng: độc lập trong suy nghĩ, hành động và trong cuộc sống, có khả năng thích nghi với những thay đổi trong môi trường sống.
- Tính cách: tư duy cầu tiến (growth mindset), ham học hỏi, kiên trì, sáng tạo và có khả năng kháng bại.
- Nhân cách: sống trung thực, có khả năng thấu cảm và có ý thức cộng đồng, sống làm người có giá trị với chính bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội.
- Cơ hội: có cơ hội sống với đam mê và phát huy được tiềm năng của bản thân.
Nói cách khác, để có cuộc sống hạnh phúc, cả chúng ta và con cái cần được phát triển toàn diện từ kỹ năng, nhân cách đến kiến thức chuyên môn, cần biết sống làm người có giá trị với bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội.
Vẽ đường cho hươu và Thì thầm chuyện nhỏ chuyện to
Tuổi dậy thì cũng là tuổi bồng bột nhất, trẻ ở độ tuổi này thường có những hành động “bất thường”. Chúng thích khám phá mọi thứ xung quanh, có ý kiến cá nhân riêng và đôi lúc chúng cũng trở nên ương bướng và không nghe theo bất kỳ lời nói nào của cha mẹ. Giai đoạn này cũng có thể là giai đoạn khó khăn của các bậc phụ huynh vì không biết phải làm gì để giáo dục con.
Hơn nữa, hiện nay những hình ảnh và thông tin về giới tính, đặc biệt là tình dục xuất hiện rất nhiều trên sách báo, truyền hình, phim ảnh, quảng cáo và mạng xã hội. Ấy vậy mà trong các cuộc chuyện trò giữa cha mẹ và con cái, đề tài này vẫn là một vùng mờ, đến mức trẻ có thắc mắc về giới tính cũng không dám hỏi vì sợ bị đánh giá là “tầm bậy, hư hỏng”. Tới tuổi dậy thì các em lại càng ngại đặt câu hỏi vì e rằng cha mẹ sẽ nghi ngờ hạnh kiểm của mình.
Dù cha mẹ không dạy thì trẻ cũng tìm đủ mọi cách để tìm hiểu về giới tính và tình dục, chẳng thà dạy sớm để trẻ hiểu đúng còn hơn để trẻ tự mày mò từ các nguồn thông tin không thể kiểm soát được, bởi hiện nay trên các phương tiện truyền thông có rất nhiều thông tin về giới tính không chính xác, sai lệch.
Vì thế, các bậc phụ huynh rất cần bộ sách 2 quyển này, đây chính là những phương thức giúp bậc phụ huynh có thể giáo dục giới tính cho con một cách hiệu quả nhất.
Chăm trái tim con ấm và Dưỡng trí não con tinh
Để định hình mục tiêu giáo dục cho con, trước tiên, cha mẹ cần quan sát con trước (chứ không phải nhìn ngôi trường trước!): Con mình sẽ lớn lên ra sao? Môi trường nào có thể giúp con phát triển thuận lợi hơn? Mình có những điều kiện gì để thực thi nó?
Trường học không phải là nơi dạy trẻ đầu tiên lẫn cuối cùng, và không phải trẻ chỉ bắt đầu học khi vào một ngôi trường, mà nơi đó chính là gia đình. Trong quyển sách “Dưỡng Trí Não Con Tinh” có viết:
“Gia đình là ngôi trường đầu tiên dạy trẻ về tình cảm, thói quen, hướng suy nghĩ, cách nhìn cuộc sống, nghị lực, lòng kiên trì, đạo đức,… và trẻ học suốt đời ở nơi đó. Người ta nói “nếp nhà” là vì vậy. Giáo dục ở trường học có những giới hạn của nó. Vì vậy, các bạn đừng trông đợi hết vào giáo viên và nhà trường. Mỗi thành viên của gia đình cần học để trở thành một nhà giáo dục suốt đời khi có một đứa trẻ chuẩn bị ra đời.”
Qua nhiều nghiên cứu và trải nghiệm thực tế từ công việc giáo dục, nhóm tác giả của 2 quyển sách này mong muốn những trang sách này sẽ góp phần giúp phụ huynh và những người quan tâm đến việc nuôi dạy và phát triển trẻ nói chung có ý niệm về những giá trị nền tảng cần thiết cho mọi đứa trẻ. Tất cả những câu chuyện dẫn chứng trong bộ sách này là những câu chuyện có thật.
Thay đổi vì con
Càng lớn lên, trẻ càng có cơ hội để khai phá những năng lực của bản thân nhưng đó cũng là lúc chúng phải đương đầu với những vấn đề khó tránh của một đời người: tiền bạc, gia đình, tình cảm,… Mỗi lần như thế cũng là một cám dỗ, dễ khiến trẻ phân tâm, lệch tay lái khỏi con đường hướng về đam mê. Nhiều khi chúng đâm sầm xuống núi, hoặc nhẹ hơn thì dừng xe giữa đồng không mông quạnh, không biết nên đi tiếp lối nào.
Bộ não của lũ trẻ ở vào thời 4.0 nhiều cám dỗ này sẽ luôn thích trải nghiệm nhiều điều mới và có thể ham vui quên cả lối về. Thế nên, cha mẹ cần đóng thêm vai “Cảnh Sát”, giữ gìn cho chúng những giới hạn mà cả hai bên thoả thuận. Luật lệ trong gia đình cần phải có, một khi cả hai bên đã “ký kết” thì sự tôn trọng lẫn nhau cần chuyển thành mặc định.
“Tuổi thơ, tuổi trẻ và thậm chí cả đời người luôn đi trên lằn ranh mong manh, một bên là sự hỗn độn, tự do không kiểm soát, và một bên là những nguyên tắc, kỷ luật thép, không cho phép bất cứ một sự phá cách, lách luật nào. Lũ trẻ, cũng như người lớn chúng ta, cứ như quả lắc đồng hồ, dao động đi đi về về giữa hai thái cực này, không phải lúc nào cũng tự kiểm soát được sức đưa đẩy của dòng đời và lòng người.” – Thay đổi vì con
Thật vậy, với người lớn, chúng ta có thể tự thiết lập giới hạn vì chúng ta ý thức được trách nhiệm của mình với công việc, với xã hội, với gia đình và với bản thân. Còn với trẻ con, những trách nhiệm đó là điều quá mơ hồ. Cha mẹ hãy là những cảnh sát giữ kỷ luật nhưng đủ bao dung. Điều tuyệt vời nhất là khi cha mẹ cân bằng được giữa những lý lẽ luận điểm về hệ quả và những cử chỉ yêu thương, ấm áp. Được như vậy, những giới hạn tưởng như là “kỷ luật thép” ấy chẳng phải là một điều gì đó quá kinh khủng, trẻ sẽ hiểu và tôn trọng cách giáo dụng có lý có tình của cha mẹ.