Khởi đi từ một không gian lãng mạn giữa núi đồi Đà Lạt, nơi ban đầu chỉ là một mảnh vườn nhỏ với ý tưởng: nghe nhạc vào lúc hoàng hôn, Mây Lang Thang phát triển lớn hơn thành một sân khấu nghe nhạc ngoài trời với 700 chỗ ngồi. Và nay, Mây Lang Thang xuống Sài Gòn, đem đến The Portrait of Mây – Những chân dung nổi bật của âm nhạc Việt.
Hành trình của Mây giữa Đà Lạt và Sài Gòn chính là hành trình của hai đồng sáng lập 8X: Võ Hoàng Việt và Nguyễn Trường Trung Huy. Cả hai đều đã dành trọn tuổi trẻ của mình cho tình yêu âm nhạc, tình yêu Sài Gòn và Đà Lạt.
Thử nghiệm của The Portrait of Mây
Tầng 5 của Renaissance Riverside Hotel Saigon qua mắt nhìn của Việt và Huy đã không còn là một sảnh khách sạn bình thường mà trở thành một nhà hát thu nhỏ với mái vòm cao, sân khấu gần gũi khán giả nhưng vẫn sang trọng. Đặt chân vào không gian hai đêm diễn đầu tiên của Mây Lang Thang trong tháng 3, đêm nhạc Thanh Lam – Trí Minh và Hà Trần – Hoài Sa Band, khán giả phải nể phục mắt nhìn của Việt và Huy. Nơi đây mang nét duyên dáng thị thành kết hợp giữa nhà hát cổ điển và phòng trà ca nhạc Sài Gòn.
Sự mới lạ trong nơi chốn, cách thưởng thức âm nhạc là điểm cộng đầu tiên cho Mây khi tổ chức tại Renaissance. Mây đã thành công khi bạo dạn với con đường tìm kiếm cái mới. Thanh Lam hát nhạc thơ chữa lành, Hà Trần kết hợp với Hoài Sa Band giới thiệu những ca khúc do chính Hà viết lời…
Có thể nói hai đêm nhạc Thanh Lam và Hà Trần trong tháng 3 của Mây Lang Thang là thử nghiệm liều lĩnh của Võ Hoàng Việt và Nguyễn Trường Trung Huy bởi đây là những đêm nhạc đầu tư lớn sau thời gian dài sân khấu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bởi việc set-up sân khấu và không gian âm nhạc hoàn toàn mới lạ. Nhưng, “có lỗ cũng làm, làm để thử, để đo lường phản ứng của khán giả”, Trung Huy chia sẻ.
“Hành trình thử nghiệm của The Portrait of Mây tại Sài Gòn – một concept âm nhạc đặt yếu tố nghe nhìn lên một tầm mới trong đời sống văn hóa thị thành nhưng vẫn giữ những giá trị uyên nguyên, gần gũi và chân thành từ câu chuyện Mây Lang Thang năm nào đã được khán giả tại Sài Gòn đón nhận tích cực bằng hai show diễn đầu tiên của Thanh Lam và Hà Trần. Chúng tôi gọi đó là hạnh phúc của tất cả những người yêu cái đẹp trong âm nhạc đương đại Việt Nam. Bằng cả sự tin yêu và “những xôn xao” yêu cầu từ các khán giả của Mây Lang Thang Sài Gòn, thật tình không để các bạn đợi lâu nữa.
Ba chân dung tiếp theo sẽ gặp gỡ các tri âm tại Renaissance Riverside Hotel Saigon với ba câu chuyện âm nhạc vừa quen vừa lạ, khúc chiết nhưng vẫn định hình được tình yêu trong trái tim người nghe dõi theo hành trình âm nhạc của họ suốt nhiều năm qua, đó là: Bùi Lan Hương, Mỹ Linh, Thanh Hà.
Trong ba năm qua, Mây đã tổ chức thành công những chương trình khắc họa rõ nét các chân dung nghệ sĩ có một không hai của làng nhạc Việt, chúng tôi mang đến cho khán giả những gì độc đáo – nguyên bản – ấn tượng nhất từ các nghệ sĩ hay các dự án của các nghệ sĩ ấy, có thể kể đến: Bản nguyên – Hà Trần; Mây trắng bay về – Thanh Lam; Mùa thu ru em – Bằng Kiều; A touch of Jazz – Tuấn Ngọc & Hoài Sa band; Hà Lê & Ở trọ project cùng band Màu Nước… tại những không gian khác nhau của Đà Lạt mộng mơ và gợi nhiều cảm hứng.
Và tại Sài Gòn, trong không gian sang trọng của Atrium Lounge – Renaissance Riverside Hotel, Mây hy vọng sẽ mang The Portrait of Mây lên một tầm mới trong đời sống văn hóa thị thành và góp phần tô điểm thêm cho bầu trời âm nhạc Việt Nam. Với The Portrait of Mây, tụi mình muốn xây dựng một phong cách phòng trà kiểu mới, tạm định danh “phòng trà – nhà hát”: nơi vừa là thánh đường của âm nhạc; nơi nghệ sĩ có tôn nghiêm, có hào quang riêng của mình; nơi người nghệ sĩ thật sự thăng hoa, được bay bổng trong âm nhạc lộng lẫy; nơi những thể nghiệm, những sáng tác mới lần đầu tiên được giới thiệu; những ca khúc quen thuộc được làm mới lại với những bản hòa âm – phối khí xuất sắc; nhưng đồng thời không gian âm nhạc ấy cũng phải là một điểm đến vừa chân thành, vừa gần gũi, nơi những tri âm chỉ cần với tay, lắng tai là… ra cảm xúc”, Trung Huy thổ lộ.
Mây Lang Thang – sân khấu âm nhạc ngoài trời tiên phong ở Đà Lạt
Quay về quá khứ cách đây ba năm, Mây Lang Thang là sự kết hợp giữa hai chàng trai sinh năm 1985 (Huy), 1986 (Việt). Bên cạnh thời gian làm việc tại các công ty lớn, cả hai đều có điểm chung là dành tình yêu cho âm nhạc, đi nghe nhạc ở các phòng trà Sài Gòn và cuối tuần “dắt díu” nhau lên Đà Lạt.
“Chúng tôi cùng yêu Đà Lạt nhưng cứ đi chơi đến 2, 3 giờ chiều là chán. Sáng một cữ cà phê, trưa một cữ cà phê, và rồi cứ vòng tròn luẩn quẩn ăn, cà phê. Một dịp ngồi với nhau tại mảnh vườn bây giờ là sân khấu Mây 1 (Phòng trà âm nhạc trên Mây), chúng tôi nghĩ phải chi trong cái bảng lảng của mây trời, thông reo, chim hót, không phải âm nhạc phát ra từ chiếc loa mà là nhạc sống thì tuyệt biết bao”, Hoàng Việt kể.
Đúng vào ngày 27.7.2019, ý tưởng đó đã thành sự thật khi Mây Lang Thang – sân khấu ca nhạc diễn ra vào khung giờ 16 giờ 30 lần đầu tiên có mặt tại Đà Lạt. Vừa không muốn đụng với các tụ điểm ca nhạc lúc 9 giờ tối, vừa muốn tạo nét mới ở vùng đất cứ tối xuống là quá lạnh, những show diễn đầu tiên của Mây lỗ liểng xiểng.
“Chương trình ban đầu chỉ dành cho 100 khách. Tất cả chúng tôi đều là tay ngang, lo từ A tới Z. Bốn show đầu lỗ lớn. Dù vậy, chúng tôi không nản mà vẫn tiếp tục bởi có niềm tin mãnh liệt là mình đang làm đúng, đang góp phần làm điều tốt đẹp cho đời sống giải trí Đà Lạt. Linh cảm đó đã đúng khi sau gần 3 năm, từ sân khấu mỗi tháng chỉ một đêm diễn, nay Mây Lang Thang có hai sân khấu: Mây 1 (7B Hoàng Hoa Thám) diễn tất cả các ngày trong tuần; Mây 2 (Mây in the Nest) diễn vào thứ Sáu, Bảy, Chủ nhật”, Hoàng Việt chia sẻ.
Sân khấu Mây 1 (ở 7B Hoàng Hoa Thám) nằm trong một tổ hợp gồm homestay (quy mô nhỏ), nhà hàng và sân khấu ca nhạc. Ban đầu, sân khấu ca nhạc ở đây cũng diễn ra lúc hoàng hôn với view núi đồi, mây trời bát ngát nhưng với tốc độ đô thị hóa, chặt cây quá nhanh, Mây nơi đây được đổi thành Phòng trà âm nhạc trên Mây, phòng trà ca nhạc ngoài trời đầu tiên tại Đà Lạt. Nơi đây mỗi tối đều có ca nhạc với lịch diễn acoustic các ngày trong tuần và sự xuất hiện của các ca sĩ nổi tiếng vào cuối tuần. Phòng trà ca nhạc ngoài trời Mây Lang Thang có sức chứa khoảng 300 khách. Các ca sĩ do Mây mời, dù chưa phải là nổi tiếng hạng nhất, nhưng tất cả đều hát rất hay và có nội lực.
Sân khấu Mây in the Nest ở Măng Lin, cách trung tâm Đà Lạt tầm 10km, khi đi nghe nhạc có xe trung chuyển, hiện giờ vẫn giữ nguyên ý tưởng Chiều nhạc trên Mây. Sân khấu ngoài trời có sức chứa khoảng 700 khách, khán đài được xây theo kiểu vòng cung. Đây cũng là một mối duyên lành của Mây và tổ hợp The Nest. “Vào thời điểm Mây 1 bị che khuất bởi nhà cửa, không còn view đẹp, chúng tôi muốn tìm thêm một địa điểm mới tốt hơn. Luật hấp dẫn đã kết nối chúng tôi. Một người từ tổ hợp The Nest ở Măng Lin đã bàn với chúng tôi về việc xây dựng một sân khấu có khán đài theo tiêu chuẩn châu Âu với cách bố trí chỗ ngồi thuận lợi cho người nghe. The Nest đã có nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng…, sự xuất hiện của Mây mang đến một sự cộng hưởng đẹp và tạo nên dấu ấn cho địa danh Măng Lin”, Trung Huy tâm sự.
Từ sự bỡ ngỡ và non nớt ban đầu, Mây Lang Thang giờ đã là một thương hiệu. Gần ba năm qua, trên hai sân khấu ca nhạc đã xuất hiện hầu hết các ca sĩ nổi tiếng trong nước và hải ngoại, với sự đầu tư kỹ lưỡng về âm thanh, ánh sáng, đặc biệt toàn bộ là liveband (ban nhạc sống). Mây chiều chuộng ca sĩ, ca sĩ muốn diễn với ban nhạc nào thì Mây mời ban đó; Hoài Sa, Màu Nước… đều xuất hiện thường xuyên ở sân khấu Mây. Về tiêu chí chọn ca sĩ, đôi khi Mây chiều theo khán giả, nhưng có những lúc Mây mời ca sĩ để “chơi cho thỏa”, bất chấp doanh thu bán vé ra sao, cái quan trọng là Mây muốn tạo thêm nhiều màu sắc và dấu ấn độc đáo.
Mây có nhiều ý tưởng âm nhạc. Đó là Rock trên Mây, Indie trên Mây, A touch of Jazz, Đối thoại trên Mây, The Portrait of Mây… nhưng tựu trung ê kíp thực hiện đều cố gắng mang đến những nét mới trong chương trình. “Chúng tôi luôn nghĩ đến các sự kết hợp mới lạ, ví dụ Hà Lê và Màu Nước Band, Bùi Lan Hương hát jazz, Thanh Lam hát thơ chữa lành với Trí Minh, Hà Trần và Hoài Sa Band, Tuấn Ngọc hát cùng Lân Nhã…. Đến với sân khấu Mây, mọi người sẽ không quá gò bó như đi phòng trà. Không khí âm nhạc ở Mây cởi mở hơn, chương trình diễn ra sớm hơn và đặc biệt là luôn có các bản hòa âm phối khí mới”, Hoàng Việt nói về nét riêng của Mây.
Gần ba năm qua, Mây Lang Thang đã trở thành một địa chỉ giải trí uy tín ở Đà Lạt. Nhiều khán giả có thói quen đặt vé từ Sài Gòn, Hà Nội đến Mây nghe nhạc rồi về. Từ một thị trường âm nhạc chỉ có 1, 2 ban nhạc acoustic, đến nay đã có hơn 10 ban acoustic chạy show các ngày trong tuần. Từ sân khấu Mây tiên phong trong việc tổ chức không gian âm nhạc ngoài trời, thị trường cũng trở nên sôi động với các sân khấu mới như Lululola, Thung lũng Mây – Camly 9+, Amazing…
Từ thành công của Đà Lạt, Mây đã lang thang tiếp ở Sài Gòn. Trung Huy hào hứng: “Sài Gòn là nơi nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc của tôi. Mây đã khá thành công tại Đà Lạt nên chúng tôi tính đến việc xuống Sài Gòn với điểm đầu tiên là The Portrait of Mây tại khách sạn Renaissance. Hiện nay sân khấu Mây 1 lúc nào cũng có 200 – 250 khách một đêm, Mây 2 lúc nào cũng bán hơn 70% vé. Đà Lạt đã ổn định rồi và giờ là lúc thử sức ở Sài Gòn”.
Đà Lạt với Chiều nhạc trên Mây, Phòng trà âm nhạc trên Mây và giờ đây là Sài Gòn với The Portrait of Mây cùng nhiều dự định táo bạo khác trong việc đem âm nhạc tử tế đến cho mọi người, Mây Lang Thang xứng đáng trở thành một thương hiệu mới trong thị trường âm nhạc Việt Nam.
Các chương trình The Portrait of Mây diễn ra trong tháng 4.2022 tại Renaissance, TP.HCM:
•19 giờ ngày 1-4: Quỳnh Hương một đóa – Bùi Lan Hương và Hoài Sa Band.
•19 giờ ngày 2-4: Tóc ngắn 2022 – Khi “nữ hoàng” trở lại.
•19 giờ ngày 7-4: Danh ca Thanh Hà – Chuyện của Hà và Hoàng Nhã Band.