Đà Lạt có những mùa khô lạnh no đầy. “Đến” Đà Lạt cũng vì cái lạnh. “Ở lại” Đà Lạt cũng vì cái lạnh. Mà chới với cũng vì cái lạnh. Nhiều lúc thấy mình nông nổi. Chọn tưng bừng nhiệt đới như Nha Trang, Đà Nẵng, Sài Gòn mà ở có sảng khoái, hào khí hơn không?
Tôi nhận ra sai lầm lớn nhất đời người là yêu cái đẹp. Cái đẹp nào mà không tròng trành, đỏng đảnh, là “nhà máy” sản xuất ra phiền toái, hành người. Đà Lạt đẹp nhờ… lạnh. Đà Lạt mong manh nhờ lạnh. Đà Lạt quyến rũ bởi lơ mơ, phơ phẩy, không nhiều hơn thua và ganh đua. Cái lạnh nó làm mọi thứ ở đây thu vào bên trong, huống chi cái thân phận bèo bọt lưu vong này. Khôn như người ta một chút, mùa rét và gió nhiều như thế thì nên cố thủ ở nhà. Đàng này, trời lạnh lại thò đầu ra ngoài, ưa đi phơi giữa trời. Chỉ “thỏa” cái lạnh. Cần “Đà Lạt” nó đày đọa mình.
Cái mùa lạnh mà không cần mù sương.
“Thỏa” như khi uống rượu bên những biệt thự hoang. Như khi uống rượu trong rừng ngo (thông). Như khi uống rượu bên bờ cỏ hồ Xuân Hương. Muôn trùng những cuộc rượu nghèo trong rét mướt. Cho cái lạnh nó lồng vào ly rượu, tụ trong đó, ngủ lại trong ly. Uống rượu mà như uống xứ sở. Uống rượu mà như uống “mùa khô”.
Thi thoảng tiếng guitar lạc nhịp tự chơi trong buốt giá thì vẫn cứ là âm nhạc. Là tôi hát, hát cho vực sâu ở yên đấy. Hát để xua đuổi tiếng xe hơi ai giàu sang đổ lên chế ngự miền đất trinh nữ. Cho những con dốc mấp mô mòn hơn nữa. Cho rêu phong tiếng chuông nhà thờ Con Gà và chùa Linh Sơn. Cho những người bạn đồng nghiệp thợ hình của tôi hồi sinh sau bao ngày bị đánh dạt bởi những chiếc smart phone. Cho tà áo dài của các em nữ sinh trung học không rời khỏi chiếc áo len bên ngoài. Cho vó ngựa mềm mùa ế khách thập phương. Cho Đà Lạt xa vắng, còn đâu đó thanh bình. Cho chiếc áo chống lạnh vĩnh hằng trên thân thể người trồng lơ – ghim phố núi. Cho thấp thoáng đâu đây “tiểu Paris” hiện về…
Lạnh nhưng không bao giờ có tuyết rơi, là nơi này.
Đâu phải miền tuyết sơn, xứ băng giá. Đà Lạt – một đô thị nốt trầm, giữa ngập ngụa những thành phố khoe khoang ở phương Đông. Thứ lạnh rất riêng, lạnh tỉnh bơ, hiền khô, làm nên nốt trầm đó. Lạnh của miền núi cao giữa trời nhiệt đới, khi không khí giãn nở ra, nhiệt giảm dần theo độ cao. Tôi cũng chẳng cần để ý đến khái niệm nhiệt độ sinh học trong địa lý hay khí hậu học. Tôi chỉ thấy nó có thấp thoáng hơi thở thổ dân Lạch bản địa xa xăm, của chất “Pháp” quá vãng, và của một thằng người lưu dân độc thân thiên miên bất tận. Nó lạnh rực rỡ như đôi tình nhân khăn choàng kín cổ rảo bước trên núi Hòn Bồ kia nhưng thế nhân lại thấy mong manh vì hư ảnh kia không làm tan nổi cái lạnh. Gió mùa khô làm loãng cả bầu trời. “Bọn” gió bỏ quê hương rủ nhau dồn về núi. Mùa mưa đầy hơi nước lại chẳng buốt người như mùa cỏ cháy này là bởi vì đâu?
Thiên nhiên cứ thật thà làm nhiệm vụ của mình. Thật thà thì mộc mạc. Mộc mạc thì không có chiêu trò, thủ thuật…
Thứ lạnh để quyến rũ, cay mắt, mà không là khắc nghiệt. Thành trì cuối cùng của cái lạnh. Lạnh phù hoa.
***
Những đống lửa củi ngo cứ khét nồng như thế mỗi khi mùa khô lạnh về. Có lúc tôi đốt nó lên trong rừng ngo nào đó. Tôi thương cái mùi khói lửa này chắc bởi nó thở ra “Đà Lạt”. Nó khác đống lửa ở những xứ khác. Nó nói rằng thành phố này sinh ra từ cái lạnh và nằm dưới rừng ngo. Bóng dáng người con gái tôi thương nằm ngủ trưa vẫn còn lãng đãng đâu đó ở những mảnh rừng kia.
Những tháng năm lê thê của tôi vẫn chưa kịp sao kê ký ức nghèo rực rỡ. Ngân hàng ái tình thu về đầy những hoang mang. Cái lạnh đâm muốn thủng xác thân của những đêm một mình trên đỉnh Langbiang vọng về phía biển xa làm rã rời chiếc máy ảnh chực chờ bình minh lên săn mây.
Nếu mà sống ở nơi khác thì tôi có hiểu gì vị ngọt ngào và cay nồng của khói ngo…
***
Mùa lạnh là tôi phải về, dẫu cả năm miệt mài đâu đó trong những rừng mưa nhiệt đới lá rộng cách xa. Về với rừng lá kim, về với sự đơn điệu, cũ mèm, mà thanh khiết. Rừng lá kim nó trong như cái lạnh đầu non, đầu nguồn. Con người sợ lạnh. Con người sợ cô đơn. Cái lạnh nó làm người ta ít cơ cầu, bớt tham tàn. Nó làm con người mơ màng. Lạnh là môi trường cho niềm cô đơn, là chiếc nôi bao bọc, dung dưỡng những kẻ thù của tâm hồn con người. Bọn chúng sẽ dấy sinh, bọn chúng phất cờ khởi nghĩa trong lòng người. Nó xé tâm hồn con người ra thành từng mảnh. Nó bắn những mũi tên ngàn tạ vào thân thể…
Những gì con người cố quên thì sẽ “nhớ”, ở đây. Những nhớ nhung sẽ bùng cháy. Những rạo rực sâu kín sẽ dội về. Một chút lẩn thẩn, mơ hồ, hay bồi hồi, khắc khoải nào đó sẽ gõ thật nhẹ vào lòng. Cái lạnh càng thênh thang thì tâm hồn con người càng mênh mông. Nảy ra “cây” đi, hỡi những hạt mầm lâu ngày tắt lịm trong sa mạc tâm hồn. Lạnh, đâu đó làm con người ta hiền ra. Lạnh là cơ hội để con người “tìm kiếm” lại mình. Lạnh, môi trường cho những giấc mơ, tình yêu, và đủ loại sợ hãi. Cái se buốt sẽ tấn công tứ chi và không bao giờ tha thứ cho trí não. Mọi thứ trở nên dịu dàng. Yếu đuối như loài người, dễ tha hóa như loài người, dễ lầm đường lạc lối, và dễ thương, dễ hiểu như loài người. Thậm chí, khinh bạc đời như bọn dao búa giang hồ mà có ngang qua xứ này cũng mềm lòng se sắt…
Tôi quyết liệt không chọn “cuộn mình trong chăn, như con sâu làm tổ”. Cái lạnh nó có quyền lực. Thứ quyền lực vô hình như đức tin. “Chúa” của phố núi này là cái lạnh. Tôi chọn sự đối đầu với lòng tốt của Thượng đế và không để ý đến nghiệt oan. Tôi say mèm trong thứ chăn chiếu ấy của thiên nhiên. Thứ chăn chiếu được dệt ra để thử thách chim muông, côn trùng, và kẻ xuẩn ngốc này.
Cơn lạnh nào cũng như những lá thư tình.
***
Lạc mất tiết khí này sẽ rất đau lòng.
Mùa lạnh coi vậy mà cũng dằng dặc. Những chiếc áo gió thay ra đắp vào làm cũ kỹ và nặng trịch thân thể này nhưng không làm cũ kỹ được tiết khí trời ngoài kia.
Một thứ lạnh thân quen sao bao giờ cũng… mới.
Chỉ tại lối sống phong phanh. Chỉ tại trái tim hình như hơi nhạy cảm. Chỉ tại mình lạc thời. Chỉ tại mình cũ rích như trái ngo lăn dưới chân đồi.
Những mùa lạnh mơ hồ.
Càng ngày thế nhân càng bảo cuộc đời không như là mơ; nhưng tôi thấy cuộc đời đúng là mơ. Chỉ có tham cầu vật chất và những khát khao vô tận của người khiến người không còn thấy đời là một cơn mơ. Kiếp người thoảng qua, hư ảo, vô thường. Con người muốn nghĩ khác đi, bẻ gãy định luật khắc nghiệt đó. Ai nào biết ngày mai ra sao. Làm sao tôi bẻ gãy được cái lạnh của trời.
Thứ duy nhất tôi được phúc đáp là mình được hoang vắng. Thản nhiên.
***
Như một thứ “thức ăn”, cái lạnh, nó len lỏi vào. Tôi tiêu hóa nó.
Nó đi dạo trong lòng tôi. Nó biến tôi thành nô lệ.
Nếu có ai hỏi nhạc của Kitaro nghe ở đâu hay nhất, tôi thề rằng: ở… Đà Lạt. Tôi và ông giống nhau ở chỗ thấy mình tội nghiệp cỏn con giữa trần gian nên cứ lạc trôi tan vào cái rã rời vô định. Kitaro chưa đến Đà Lạt, nhưng ông không tưởng tượng được rằng giá lạnh quái gở ở đây có thể “ấp” được thứ nhạc quái dị của ông ta. Nó sẽ nở ra cái mênh mông, làm vô tận được những thanh âm ấy. Mà không, chẳng phải là hay nữa mà là đẹp. Lạnh mà không cần sắc tuyết. Đẹp vì không có lâu đài, công nương, hoàng tử, đưa đón lao nhao.
Người ta hỏi tôi bao giờ rời bỏ Đà Lạt. Tôi rằng, bao giờ đuổi hết cái lạnh nơi này…