Tháng 5-1860, Pháp chiếm đóng chùa Cây Mai để tiến quân đánh đại đồn Chí Hòa. Thời điểm này, các trí thức miền Nam đã có thái độ, sự lựa chọn khác nhau về thế đứng chính trị, lập trường, quan điểm. Từ đó, dẫn tới cuộc bút chiến dữ dội giữa các nhân vật lừng lẫy trong Bạch Mai thi xã -nhằm thể hiện tinh thần dấn thân, thái độ chính – tà rạch ròi của kẻ sĩ trước thời cuộc. Qua đó, ta thấy miền Nam – “vùng đất mới” còn là nơi hội tụ những hào kiệt văn chương, trong đó, thái độ quyết liệt, mạnh mẽ nhất vẫn là Phan Văn Trị.
Năm 1862, triều đình Huế ký Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị tại Sài Gòn với liên quân Pháp và Tây Ban Nha. Trong 12 điều khoản đã ký, có nội dung “ba tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa và đảo Côn Lôn hoàn toàn thuộc chủ quyền của Pháp”; và “Pháp sẽ trả lại tỉnh thành Vĩnh Long với điều kiện triều đình Huế phải chấm dứt các cuộc khởi nghĩa chống đối Pháp ở Gia Định và Định Tường”. Trước tình thế này, các sĩ phu yêu nước đã khởi xướng phong trào “tị địa”, bất hợp tác với giặc, không sống trên mảnh đất giặc chiếm đóng. Ngay cả phần mộ của thầy Võ Trường Toản an táng tại làng Hưng Hòa (Gia Định) cũng được các môn sinh đưa về làng Bảo Thạnh (Vĩnh Long); Nguyễn Đình Chiểu rời Cần Giuộc về Ba Tri (Bến Tre); Nguyễn Thông ra Bình Thuận; Phan Văn Trị lánh xuống Vĩnh Long v.v. Họ “tị địa”, bởi họ không trốn tranh nhân dân, không lẩn tránh phận sự của mình trước thời cuộc mà vẫn liên hệ, giúp đỡ lực lượng kháng chiến. Đất của mình, nhưng mình không thể sống được khi đã bị gót giày quân giặc giày xéo, tâm trạng ấy đau đớn biết chừng nào. Phan Văn Trị rời khỏi Gia Định vào lúc:
Inh ỏi súng rền cửa Bắc, hãi hùng trăm họ dứt âu ca;
Tò te kèn thổi trời Nam, mờ mịt năm canh không tiếng trống.
Hào kiệt tìm phương lánh mặt, sa cơ giá hạc lúc hư kinh;
Anh hùng kiếm chốn ẩn thân, sút thế nước cờ cơn lúng túng.
Tới Bến Thành trải qua chợ Sỏi, loài tanh hôi lang lệ biết bao nhiêu;
Nơi Chợ Lớn sắp tới Cầu Kho, quân mọi rợ lẫy lừng nên quá lắm.
(Gia Định thất thủ vịnh)
Những vần thơ của Phan Văn Trị viết trong giai đoạn này là tiếng kêu thống thiết của một con dân đứng trước thảm họa nước mất, nhà tan. Năm 1867, Vĩnh Long thất thủ, là một nhân chứng của một giai đoạn lịch sử bi thương nhưng hào hùng, Phan Văn Trị đã viết những câu thơ xót xa:
Tò te kèn thổi, tiếng năm ba,
Nghe lọt vào tai dạ xót xa.
Uốn khúc sông Rồng mờ mịt khói,
Vắng hoe thành Phụng ủ rầu hoa.
Tan nhà, căm nỗi câu ly hận,
Cắt đất, thương thay cuộc giảng hòa.
Gió bụi đòi cơn xiêu ngã cỏ,
Ngậm cười, hết nói nỗi quan ta!
Hai câu “luận”, nhà thơ đã ám chỉ cuộc thương thuyết của Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp đại diện triều đình Huế đặt bút ký Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị năm 1862. Đánh chiếm Vĩnh Long xong, giặc Pháp đánh chiếm An Giang. Phan Văn Trị viết bài thơ Cám cảnh An Giang buồn rười rượi:
Lênh đênh bèo nước biết là đâu,
Đậu bến An Giang thấy những rầu.
Với hai bài thơ này, ta thấy dào dạt tình yêu quê hương và lòng căm thù giặc sâu sắc của một sĩ phu trong gió bụi của thời cuộc. Ngoài ra, trong những lúc vịnh cảnh, tức cảnh và cảm hoài, Phan Văn Trị đã lên án thái độ hèn nhát, tham quyền cố vị của bọn quan lại triều đình. Các bài thơ Con mèo, Con rận, Cá thia thia, Hột lúa, Thú đi câu… của cụ cho đến nay vẫn được truyền tụng ngoài ý nghĩa đó còn vì giá trị nghệ thuật. Nhưng công lao lớn nhất của Phan Văn Trị trên văn đàn cuối thế kỷ XIX ở vị trí là chủ soái của một cuộc bút chiến vang dội. Như ta đã biết, sau khi rời Gia Định, Phan Văn Trị về Vĩnh Long, đi An Giang và nhiều nơi khác. Cuối cùng, cụ chọn Cần Thơ để sống cho đến cuối đời. Tại nơi “gạo trắng nước trong”, cụ đã tập hợp lại các thi hữu trong Bạch Mai thi xã để khởi xướng cuộc bút chiến với Tôn Thọ Tường.
Tôn Thọ Tường sinh năm 1825 tại huyện Bình Dương (Gia Định), con trai của ông Tôn Thọ Đức – Tuần phủ hai tỉnh Bình Thuận và Khánh Hòa. Sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc, thuộc công thần nhà Nguyễn, nên Tường ra kinh đô xin “tập ấm” – tức con cháu nối theo chức của cha mà được hàm Ấm sinh, Ấm thọ hay Ấm tôn. Tường được triều đình ban cho ấm hàm về võ vì nội tổ là công thần phái võ. Nhưng Tường không hài lòng bởi theo quan niệm đương thời:
Văn thì thất phẩm đã sang
Võ thì tứ phẩm còn mang gươm hầu
Nên xin đổi sang hàm văn, dù phải xuống bậc thấp, nhưng triều đình không thuận tình. Tường chán nản bỏ về Gia Định. Đến năm 1855, Tường ra thi Hương ở trường thi Gia Định nhưng “Thi không ăn ớt thế mà cay” (Tú Xương). Khoa thi sau, Tường không ra thi nhưng vẫn “ngứa nghề”, bèn chơi ngông thi mướn cho con nhà quyền thế “văn dốt võ dát”. Chuyện bại lộ, Tường bị giải về kinh đô. Đường hoạn lộ xem như “đứt bóng”, nhưng may mắn triều đình tha tội cho cậu học trò nghèo. Có giai thoại, trên đường ra kinh chịu tội, Tường làm bài thơ:
Trải bảy mươi hai trạm tới kinh,
Bao nhiêu tân khổ bấy nhiêu tình.
Vì nhà túng rối nên quyền biến,
Phép nước răn đe há dám khinh.
Gió bụi, đất từng quen với mặt,
Nắng mưa, trời có thấu cho mình.
Chín trùng cao vọi dầu soi xét,
Ơn xuống mai khi gặp phước linh.
Bài thơ này thấu đến tai vua Tự Đức, vốn là người cũng yêu thơ nên không những rộng lòng tha tội mà còn ban cho Tường ít tiền lộ phí trở về quê. Trở về quê, Tường bắt đầu sinh hoạt trong Bạch Mai thi xã. Nhưng thời cuộc không để cho các thi nhân thản thơi tìm vần thơ dưới cội mai trắng. Tiếng súng nổ vang trời. Hiệp ước năm 1862 đã ký. “Tàu khói chạy mây tuôn sông mấy khúc, lạt lờ Bến Trâu; Dây thép giăng chớp nhoáng đất ngàn trùng, ngã xiêu thành Phụng” (Gia Định thất thủ vịnh). Giữa lúc các sĩ phu khởi xướng phong trào “tị địa”, Tường vẫn ở lại Gia Định. Có lần đi ngang qua chùa Cây Mai, nơi đã từng cùng thi hữu xướng họa, Tường bùi ngùi:
Những tay rượu thánh thi thần cũ,
Trông cảnh bao nhiêu, tiếc bấy nhiêu!
Tiếc thì tiếc thế, nhưng Tường cũng cắm mặt xuống đất mà ra cộng tác với “tân trào”, được bổ chức Tri phủ Tân Bình, từ đây mọi người quen gọi “Phủ Ba Tường”. Trong thời điểm, thân phận như Tường còn có Tiến sĩ Phan Hiển Đạo – đốc học tỉnh Định Tường, vì cả tin vào luận điệu “Pháp – Việt đề huề” của Pháp. Nếu so sánh giữa Tường vào Đạo thì ta thấy Đạo có tư cách hơn. Bởi sau khi biết đã chọn sai đường, Đạo tự lấy làm xấu hổ và lánh về Vĩnh Long vì Định Tường đã mất vào tay vào tay giặc Pháp, không còn là đất của triều đình nữa. Đến Vĩnh Long, Đạo có viết thư xin được gặp đại quan Phan Thanh Giản để phân trần. Nhận thư, ông Phan phê tám chữ “Thất thân chi nữ, hà dĩ vi trinh” (Con gái đã thất thân, sao cho là trinh được?). Vị tiến sĩ này vừa xấu hổ vừa tức giận, bỏ về quê nhà ở Chợ Giữa (Mỹ Tho) suốt mấy năm liền không dám bước chân ra khỏi ngõ. Sau đó, Đạo chọn lấy một cái chết khắc nghiệt là uống thuốc độc tự tử nhằm giải quyết chính sự dằn xéo ngay trong thâm tâm mình.
Tường không thế.
Tường đã viết bài thơ Từ Thứ quy Tào nhằm biện hộ rằng mình cũng là người yêu nước như ai, nhưng chỉ loại “cây còi” không đáng kể, huống chi đất nước vẫn còn nhiều “cột cả”:
Ở Hán vẫn còn nhiều cột cả,
Về Tào chi sá một cây còi.
Thế thì, dù có theo Tây cũng chẳng đến đâu, chỉ xin làm kẻ dại, đứng ngoài vòng quốc sự. Phan Văn Trị không đồng ý, vặn lại:
Về Tào miệng ngậm như bình kín,
Trân trọng lời vàng đáng mấy thoi?
Ý muốn nói, “nói thế thì biết thế, nhưng lời ấy có đáng tin cậy không?”. Tường lại viết bài thơ Tôn phu nhân quy Thục, ngụy biện dù có làm cho Tây nhưng vẫn nhớ nước, cũng như gái dù đi lấy chồng nhưng vẫn nhớ đến nhà và nói thẳng không úp mở:
Ai về nhắn với Chu Công Cẩn,
Thà mất lòng anh đặng bụng chồng.
Phan Văn Trị “họa” lại, dù thế nào đi nữa cũng không thể quên được cương thường:
Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết,
Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng.
Đỉnh điểm của cuộc xướng họa để trở thành cuộc bút chiến dữ dội vẫn là từ 10 bài thơ Tự thuật của Tường. Nay dẫn nguyên văn bài thơ thứ nhất để thấy được thái độ, bản lĩnh chính trị của đôi bên. Tường “xướng”:
Giang san ba tỉnh hãy còn đây,
Trời đất xui chi đến nỗi này.
Chớp nhoáng thẳng bon dây thép kéo,
Mây tuôn đen kịt khói tàu bay.
Xăng văng chậm tính, thương đôi chỗ,
Khấp khởi riêng lo, biết những ngày.
Miệng cọp hàm rồng chưa dễ chọc,
Khuyên đàn con trẻ chớ thày lay.
Với bài thơ này, Tường đã lộ rõ mặt của một kẻ ngoảnh mặt với phe kháng chiến, khiếp sợ trước sự thắng thế của giặc và khuyên mọi người đừng như trẻ con chọc tay vào miệng cọp, hàm rồng. Trước luận điệu hèn nhát, lệch lạc này, Phan Văn Trị đã “đập” lại đích đáng:
Hơn thua chưa biết đó cùng đây,
Chẳng đã, nên ta phải thế này.
Bến Nghé quản bao cơn lửa lớn,
Cồn Rồng dầu mặc bụi tro bay.
Nuôi muôn giết thỏ còn chờ thủa,
Bủa lưới săn nai cũng có ngày.
Đừng mượn hơi hùm rung nhát khỉ,
Lòng ta sắt đá há lung lay!
Từ cuộc bút chiến giữa Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường, các sĩ phu yêu nước khác cũng lao vào trận bút. Những danh nho như Huỳnh Mẫn Đạt, Bùi Hữu Nghĩa… cũng có thơ “họa” rất hay. Có lẽ đây là cuộc bút chiến kéo dài nhất trong thi ca Việt Nam xưa nay. Nếu tính từ điểm khởi đầu năm 1862 – năm Tường ra làm việc cho Pháp, đến lúc chí sĩ Phan Châu Trinh “họa” sau khi Tường đã hóa người thiên cổ thì nó kéo dài cả non nửa thế kỷ. Điều thú vị là qua cuộc bút chiến này, có những người trước lầm đường thì nay cũng quay về với chính nghĩa. Chẳng hạn, trường hợp của cai tổng Lê Quang Chiểu.
Qua các bài thơ bút chiến, ngoài tài năng thi ca của từng người tham gia, nó còn là tuyên ngôn về quan điểm sống và thái độ sống trong bối cảnh lịch sử đang diễn ra. Thế hệ hậu sinh chúng ta nhìn lại cuộc bút chiến dữ dội đó, có thể thấy được những dằn vặt đau đớn, những đấu tranh không khoan nhượng của một tầng lớp kẻ sĩ sống trong buổi đất nước đang lần lượt mất vào tay ngoại bang. Ý nghĩa sâu sắc của cuộc bút chiến này không phải các sĩ phu “đánh” cá nhân của Tường mà thực chất là cuộc đấu tranh, tấn công vào tầng lớp cầu an, có tư tưởng đầu hàng, sợ giặc. Không thể phủ nhận tài năng thi ca của Tôn Thọ Tường và nhiều người cộng tác với Pháp, nhưng tiếc họ đã chọn sai đường. Thương thay!
Trong lúc đó, Phan Văn Trị và không ít sĩ phu khác đã chọn cho mình một thế đứng theo đúng quy luật biện chứng của dòng chảy lịch sử, xứng đáng là những ngọn cờ đầu dòng thơ yêu nước Nam bộ nửa cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Bài học của Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường không chỉ gói gọn trong một giai đoạn của lịch sử, nó còn gợi cho ta nhiều vấn đề để suy nghĩ, dù cụ đã rời cõi thế chẳn 110 năm.
- Xem thêm: Lý Bạch và Cao Bá Quát… duyên kỳ ngộ