TS. Đoàn Lê Giang (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) nhận định, Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ lớn tiêu biểu nhất của đất Nam bộ, cũng là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của dân tộc Việt Nam.
Tác phẩm Lục Vân Tiên của ông là tác phẩm được nhân dân Nam bộ yêu thích, truyền tụng rộng rãi nhất, còn trong phạm vi cả nước thì đó là tác phẩm thứ hai sau Truyện Kiều. Từ Lục Vân Tiên mà có cả một “trường văn hóa Lục Vân Tiên” với những “thơ hậu Vân Tiên”, “nói thơ Vân Tiên” và các loại hình văn hóa, nghệ thuật khác. Sức sống, sức lan tỏa ấy có thể sánh với những Tam quốc, Thủy hử, Hồng lâu mộng… đối với Trung Quốc, Truyện Genji đối với Nhật Bản, Truyện Xuân Hương đối với Hàn Quốc.
Về phương diện tác gia, Nguyễn Đình Chiểu xứng đáng xếp ngang hàng với những tác giả lớn của văn học châu Á như: Khuất Nguyên, Tả Khâu Minh, Bạch Cư Dị của Trung Quốc; Matsuo Basho, Kyokutei Bakin của Nhật Bản, tác giả Xuân Hương truyện của Hàn Quốc… mà UNESCO từng vinh danh.
“Theo tôi, chúng ta có thể nhấn mạnh bốn phương diện sau đây về Nguyễn Đình Chiểu, coi đó như những di sản quý báu mà ông đã đóng góp cho dân tộc và nhân loại: Nguyễn Đình Chiểu – nhà thơ lớn của nhân dân Việt Nam; Nguyễn Đình Chiểu – nhà thơ nhân đạo – thân dân, yêu hòa bình; Nguyễn Đình Chiểu – nhà tư tưởng; Nguyễn Đình Chiểu – thầy giáo, thầy thuốc vượt qua nghịch cảnh để giúp ích cho nhân dân…”, TS. Giang cho biết.
Cũng theo TS. Giang, nói đến thơ Nguyễn Đình Chiểu, trước hết nói đến tác phẩm Lục Vân Tiên. Giá trị của Lục Vân Tiên, theo ông Giang có bốn giá trị lớn. Thứ nhất, Lục Vân Tiên đề cao tình nghĩa ở đời: tình cha con (Vân Tiên với cha mẹ), tình vợ chồng (Vân Tiên-Nguyệt Nga), tình bạn bè (Vân Tiên-Hớn Minh, Tử Trực), tình thầy trò (Vân Tiên-tiểu đồng, Nguyệt Nga-Kim Liên)… Thứ hai, Lục Vân Tiên đề cao tinh thần nghĩa hiệp (trọng nghĩa khinh tài) thông qua hình tượng Vân Tiên đánh cướp, Vân Tiên giúp nước giúp dân… Đó là tinh thần xả thân giúp cộng đồng mà xã hội nước ta hiện nay, cũng như UNESCO đang đề cao.
Thứ ba, Lục Vân Tiên thể hiện ước mơ của người bình dân về công lý trong cuộc sống: ở hiền gặp lành, ác giả ác báo. Đó cũng là ước mơ về một xã hội bình đẳng, công bằng và văn minh mà Việt Nam cũng như UNESCO đề cao. Thứ tư, Lục Vân Tiên là truyện thơ viết bằng chữ Nôm, viết bằng tiếng nói bình dân, kể chuyện cho dân nghe, rất được dân chúng ưa thích.
Lục Vân Tiên có sức ảnh hướng lớn trong nước và trên thế giới. Từ Lục Vân Tiên có “Hậu Vân Tiên”; có truyện thơ Nguyệt Nga, có điển cố về Vân Tiên, Nguyệt Nga, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm trong văn học. Lục Vân Tiên được chuyển thể thành những loại hình nghệ thuật khác như: tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tuồng, phim, nhạc kịch…
Lục Vân Tiên là tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng, được nhiều độc giả nước ngoài biết đến. Lục Vân Tiên được dịch ra tiếng Pháp: bắt đầu từ bản của G.Aubaret (1864), sau đó có bản dịch của Janneau (1873), Abel des Michels (1883), E.Bajot (1886), Nghiêm Liễn (1927), Dương Quảng Hàm (1944), Lê Trọng Bổng (1997)… có ít nhất 7 bản. Năm 1985 Lục Vân Tiên được dịch ra tiếng Nhật với bản dịch của Giáo sư Takeuchi Yonosuke. Năm 2016 Lục Vân Tiên được dịch ra tiếng Anh với bản dịch của Éric Rosencrantz.
Với 3 thứ tiếng và 9 bản dịch, Lục Vân Tiên là tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra ngoại ngữ nhiều thứ ba sau Truyện Kiều, Nhật ký trong tù.
“Về mức độ ảnh hưởng ra nước ngoài, trừ Truyện Kiều, không có tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam nào có thể sánh với Lục Vân Tiên” – TS. Giang nhận định.