Chùa Ông Núi tọa lạc ngay lưng chừng đỉnh Chóp Vung, đỉnh cao nhất của dãy núi Bà, có lịch sử hơn 300 năm, trải qua 12 đời thừa kế với nhiều giai thoại, cảnh quan thiên nhiên đẹp, đã được công nhận Di tích Lịch sử – Văn hóa quốc gia.
Sau giờ giao thừa, đón Tết cổ truyền, nhiều người Việt Nam chọn hướng xuất hành những mong trong năm mới gặp nhiều may mắn, chuyện tốt luôn đến, chuyện xấu tránh xa. Nhưng có nhiều người quan niệm hướng xuất hành nào cũng tốt, nếu trong lòng kính trọng trời đất, kính ngưỡng tiền nhân…, nên họ xuất hành đến nhà thờ tộc bái vọng tổ tiên, đến đình làng tri ân tiền hiền khai khẩn hậu hiền khai cơ, đến những cơ sở tâm linh, như đền, miếu, chùa, nhà thờ… tìm sự an bình trong tâm hồn, bởi tâm không yên thì thần không sinh, khiến cuộc sống khó mà vui.
Lịch sử và giai thoại
Chùa Ông Núi là ngôi chùa cổ. Sách Đại Nam nhất thống chí, ghi: “Chùa Linh Phong ở thôn Phương Phi, huyện Phù Cát, lưng dựa vào núi cao, mặt trông ra đầm biển Biển Cạn, xung quanh có nước suối lượn quanh, phong cảnh cũng đẹp.
Tương truyền xưa có chùa Dũng Tuyền, năm Nhâm Ngọ, Hiển Tông thứ 12 (tức năm Lê Chính Hòa thứ 23 – 1702) do thầy chùa là Lê Ban (tục gọi là ông Núi) dựng; năm Quý Sửu Túc Tông thứ 9 (tức năm Lê Long Đức thứ 2 – 1773) sắc phong là Tĩnh Giác Thiện Trì Đại Lão Ông thiền sư, lại ban cho biển ngạch và câu đối, nay vẫn còn.
Năm Minh Mệnh thứ 10 cho lấy bạc kho để trùng tu” (T.3, NXB Thuận Hóa, 2006, trang 58). Như vậy, chùa Ông Núi là tên gọi của dân gian, bởi người dân nơi đây gọi Tĩnh Giác Thiện Trì Đại Lão Ông thiền sư là ông Núi (nay thuộc thôn Phương Phi, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, Bình Định).
Sách sử chỉ ghi ngắn gọn như vậy, nhưng trong dân gian có nhiều giai thoại về ông Núi. Dân gian truyền rằng trên núi có một người đàn ông tu hành trong một hang động kỳ bí, sống cùng với thú rừng. Khi ông ở trong hang thì thú rừng canh giữ ngoài cửa hang.
Lúc ông đi ra ngoài thì có thú rừng đi theo bảo vệ bên cạnh. Áo quần của ông toàn bằng vỏ cây. Ông ăn mỗi ngày một bữa vào đúng Ngọ và cũng chỉ là hoa quả trên núi do thú rừng mang đến cúng dường. Chuyện này, bà con cũng nghe truyền tai nhau, chứ không biết tường tận. Sống núi dựa núi. Từ khi có ông tu hành nơi đây, thì bà con ít bị thú dữ sát hại, vậy là mừng rồi.
Chỉ cần như thế là đủ để bà con sống dựa vào núi lễ bái. Lâu lâu, ông cũng đổi củi lấy gạo một lần. Lúc cần gạo, thì ông mang xuống chân núi những bó củi, đặt ở đó. Bà con thấy vậy liền mang gạo đến đổi củi. Những bịch gạo được bà con treo ở cành cây gần đó. Nhiều người tò mò, muốn xem kỹ mặt ông, nhưng mười lần như một, những bịch gạo ấy được thú rừng mang về hang giúp ông, chứ chưa từng thấy ông đến lấy gạo bao giờ.
Do đó, nhân dân quanh vùng cũng không biết những bó củi ấy do ông mang xuống hay do thú rừng mang xuống. Ai ốm đau, hoặc khi dân làng có dịch bệnh, thì hướng về phía núi nơi ông tu hành khấn cầu, bệnh tật ắt tiêu trừ… Từ đó, dân gian gọi ông là ông Núi.
Có người còn kể ngày đó, ở bên cạnh ông Núi luôn có hai con cọp trắng. Ông Núi tu hành đắc đạo, nên chúa Nguyễn mời ông ra kinh đô giảng pháp. Khi về, chúa Nguyễn đã ân tứ một bộ pháp phục bằng gấm. Ông Núi thọ 81 tuổi (theo TT Thích Quảng Nghiêm, trụ trì chùa Linh Phong, Tổ Lê Ban viên tịch vào giờ Tỵ ngày 19 tháng 6 năm Bính Dần (1747) tại “hang Ông Núi”). Lúc ông qua đời, hai con cọp trắng không bỏ đi mà phủ phục trước hang cho đến chết.
Ông Núi chết, nhưng vẫn hiển linh. Người dân quanh vùng vẫn thờ phụng và khấn cầu ông khi gia đình hữu sự. Ở thôn Phương Phi ngày nay có chợ Cách Thử. Dân gian cho rằng sở dĩ có tên ấy là do ngày xưa ở vùng này có người cõi âm thường đến mua vật dụng. Tiền được người cõi âm trả sòng phẳng, nhưng khi về coi lại thì là thứ giấy tiền vàng bạc mà người sống đốt cúng cho người chết. Dân chúng trong vùng khấn cầu ông Núi giúp đỡ và qua giấc mộng, ông dạy dân làng “cách thử” để biết tiền cõi âm hay tiền cõi dương.
Nhờ cách thử của ông dạy, bà con trong vùng không còn nhận những đồng tiền cõi âm nữa. Tên chợ Cách Thử có từ thời ấy. Chợ này còn có tên chợ Kẻ Thử. Kẻ đây là người (kẻ cõi âm/ người cõi âm). Dân gian còn có câu ca về chuyện này và công đức của ông Núi: “Ai về Bình Định – Phương Phi/ Nhớ ơn ông Núi quên đi sao đành/ Dạy dân Cách Thử đành rành/ Cứu dân tật bệnh chiến tranh, thiên thời/ Gương Người khổ hạnh còn tươi/ Đạo cao đức trọng sáng ngời núi sông”.
Không hiện, danh vẫn truyền
Những ngày này viếng chùa, ta vẫn còn thấy đá chồng lên đá, tạo nên những hang đá đầy vẻ kỳ bí, hoang vu. ĐĐ-TS Thích Đồng Thành, Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Định, cho biết chùa Ông Núi tọa lạc ngay lưng chừng đỉnh Chóp Vung, đỉnh cao nhất của dãy núi Bà, có lịch sử hơn 300 năm, trải qua 12 đời thừa kế với nhiều giai thoại, cảnh quan thiên nhiên đẹp, đã được công nhận Di tích Lịch sử – Văn hóa quốc gia.
Chùa Ông Núi đã được UBND tỉnh Bình Định và Giáo hội Phật giáo tỉnh, quyết định tái khởi động triển khai xây dựng dự án Quần thể du lịch lịch sử, sinh thái và tâm linh Linh Phong (chùa Ông Núi) từ năm 2013, nên mới được như ngày hôm nay. Thầy Đồng Thành còn giới thiệu nhiều quả ấn được các đời trụ trì để lại và phát hiện khi trùng tu chùa.
Trong cuốn Thiền sư Việt Nam của HT Thích Thanh Từ (Thành hội Phật giáo TPHCM ấn hành, 1992), năm Quý Sửu (1733), khi chùa Linh Phong được dựng kiên cố lần đầu, chúa Nguyễn Phúc Chú có ban cho ban chùa một tấm hoành và hai tấm liễn đối. Tấm hoành trên có khắc bốn chữ “Linh Phong Thiền Tự”, phía trái khắc chữ “Vĩnh Khánh, tháng Giêng năm Quý Sửu”, phía mặt có khắc chữ “Quốc Chủ ngự đề”.
Trên hai tấm liễn có khắc câu đối như sau:
Hải ngạn khởi lương nhân, pháp vũ phổ thiên tư Phật thổ;
Linh Phong ngưng thoại khí, tường vân biến địa ấm nhân gian.
Nghĩa là:
Bờ biển gặp duyên may, mưa pháp khắp trời thấm nhuần đất Phật;
Núi Linh đọng khí tốt, mây lành khắp chốn che chở người đời (trang 458).
Đào Tấn – một nhà văn hóa lớn của nước ta, đã có một thời gian cư trú tại chùa Linh Phong. Biệt hiệu của ông là Tiểu Linh Phong Mai Tăng. Ông đã viết: “Một cảnh khói hoa trời tự tại/ Mười năm hồ hải giấc quy lai/ Ðây học trò lành âu cũng Phật/ Ðó chùa Ông Núi ngỡ chốn Tiên”. Phan Thanh Giản khi đến Bình Định cũng không bỏ qua danh lam cổ tự này với bài thơ Du Linh Phong tự: “Đại giác bất thời tác/ Không truyền thử địa danh/ Lai tòng sơn sắc tận/ Tọa khán hải vân sinh/ Viên hạc như tương quán/ Phong hoa diệc hữu tình/ Nham tiền phất phiến thạch/ Chử mính thính tuyền thanh” (Tạm dịch: Bậc đại giác không hiện/ Mà danh vẫn lưu truyền/ Ta men theo màu núi/ Lặng nhìn mây biển bay/ Vượn hạc như quen biết/ Hoa gió cũng có tình/ Phủi phiến đá phía trước/ Nấu trà lắng suối reo).
Trong cái nắng ong vàng, với cảnh trời bao la có biển, có núi, có đồng xanh… trong tầm mắt, tôi nhớ câu hát trong dân gian: “Cây che đá chất chập chồng/ Biển giăng dưới núi chùa lồng trong mây/ Bụi đời không gợn mảy may/ Chút thân rộng tháng dài ngày thảnh thơi”.
Về hang Ông Núi
Đường lên chùa (gần 300 bậc), cứ cách một đoạn ngắn, có tấm biển treo trên thân cây, vẽ chú tiểu đang cầm chổi quét rác cùng với dòng chữ: “Xin đừng xả rác/ Tội nghiệp chú tiểu/ Hãy bỏ rác vào thùng”. PGS-TS Cao Thị Hồng (ĐH Thái Nguyên), cho rằng nhà chùa “năn nỉ” thế mà hay. Lâu nay, chúng ta kêu gọi ý thức cộng đồng nhiều quá rồi, nhưng đâu lại vào đấy. Chỗ nào để biển “Cấm đổ rác”, thì chỗ ấy rác ngập tràn. Thôi, thì xuống giọng “năn nỉ” cho được chuyện và rõ ràng khách tham quan khá đông, nhưng không thấy ai vứt rác bừa bãi.
Theo thầy Thích Quảng Nghiêm, bây giờ do nhu cầu tâm linh nên ngày nào cũng có vài ba công ty du lịch đưa khách viếng chùa. Ngày Tết thì rất đông khách thập phương đến lễ Phật, cúng dường Tam bảo, nhưng đông nhất là 2 ngày lễ hội (24, 25 tháng giêng).
Chúng tôi men theo lối mòn đến tháp Tổ Lê Ban, rồi từ đó tiếp tục đến “hang Ông Núi”. Hang này do đá chồng lên nhau, tạo nên chỗ trống không lớn lắm; bên trong có đặt bàn thờ tổ, mặt bằng còn lại chen chân chừng mươi người. Đi đến đây, chúng tôi toát mồ hôi. Nhiều người mệt quá, chỉ đứng thở và nhìn xuống hang, chứ không còn đủ sức để đi xuống hang. Thử ngược thời gian hơn 300 năm về trước, ông Núi sống nơi đây mấy chục năm liền với thú rừng (ngày ấy chắc chắn có thú dữ), quả là chỉ những người có hạnh Bồ tát mới làm được, bởi vì ông đã thiết lập một niềm tin lớn để nỗ lực tu tập nhằm đoạn tận mọi tham ái chấp trước – vốn là căn bản luân hồi. Và nhân dân trong vùng luôn nhớ về ông: “Ông Núi đi đâu/ Bỏ bầu sơn thủy/ Đủ nhân đủ trí/ Thêm vĩ thêm kỳ/ Chùa xưa nhạt bóng tà huy/ Xuôi lòng non nước nặng vì nước non”.
- Xem thêm: Đầu năm, đi chùa lễ phật