Sáng mùng 5 Tết năm ngoái, trước ngày vào lại Sài Gòn, chú Ba Lâm gọi tôi đến nhà ăn tân niên. Nhà chú và nhà tôi xưa ở hai thôn khác nhau cùng thuộc xã Đức Tân, nay sáp nhập vào thị trấn Mộ Đức, trở thành trung tâm huyện, hai bên quốc lộ 1 đất lên đời phố xá, nhưng vẫn còn cánh đồng xanh ngát ở phía đông.
Tháng giêng nắng vàng hanh hao, trời se lạnh, hai chú cháu uống vài lon bia mà không dỗ được giấc ngủ trưa, tôi mở cửa bước ra đường. Bên kia đường, đối diện nhà chú Ba là trường tiểu học của tôi hồi nhỏ. Ngày xưa, sân trường nối với quốc lộ bằng một lối vào giữa hai ruộng lúa, nay bị che khuất bởi dãy nhà mới xây ở mặt tiền đường. Trường nghỉ Tết, hai cánh cổng buộc bằng một sợi dây xích không khóa, tôi nhẹ nhàng mở ra để bước vào sân tìm lại tuổi thơ mình. Đâu rồi những gốc phượng già ngày xưa, nay chỉ thấy hàng cây bàng rụng lá. Đâu rồi dãy phòng học nghèo nàn ngày xưa, nay là tòa nhà hai tầng sơn xanh mới mẻ. Đâu rồi những luống cải lớp tôi trồng ở góc sân trường, nay đã tráng xi măng phẳng láng.
Cổng nhỏ phía sau trường cũng chỉ khép hờ, tôi mở đi qua con đường làng trước đây là ranh giới ngăn cách hai thôn Thiết Trường và Vĩnh Phú. Khác với sân trường im vắng, ở đây vang tiếng nói cười của những nhóm thanh thiếu niên tụ tập chơi bài cào, chơi cờ cá ngựa, chơi bầu cua tôm cá gà nai… Vui quá, mấy chục năm rồi, quên mất tuổi thơ, tôi chẳng có dịp nào đánh bầu cua, nên móc ví ra lấy mấy chục tiền lẻ. Năm nay là năm Dậu, thử nuôi gà xem: A, có gà, những ba con gà, đầu năm gặp may rồi, được chung tiền gấp ba. Nhưng gà chỉ hiện ra có một lần, nuôi tiếp lứa nào cũng không thấy gà ra, chỉ trong vòng 30 phút vài trăm tiền lẻ trong ví đã theo gà bay đi hết. Đầu năm, đen bạc, cả năm sẽ sao đây! Mấy chú bé nói khích máu đỏ đen của tôi nhưng tôi kịp dừng lại, đứng lên rút khỏi vòng người. Trên đường về, tự cười mình, tôi nhìn trời nhìn đất và nhận ra một sự lạ: tất cả những nhóm người tụ tập chơi bài, chơi cá ngựa, chơi bầu cua… đều diễn ra ở bên phía lề đường hay sân nhà thuộc thôn Vĩnh Phú quê ngoại tôi, phía thôn Thiết Trường nhà chú Ba tuyệt nhiên không có một nhóm chơi nào.
Về ngồi uống trà với chú Ba, tôi nói với chú điều ngạc nhiên và thắc mắc của mình. Chú cười: Nếu Phương vào đây ngày mùng 3 thì vẫn thấy hai bên đường người ta vui chơi chẳng khác gì nhau. Nhưng từ mùng 4 thì hầu hết người Thiết Trường đã đi làm rồi, hoặc khai trương cửa hàng, hoặc khởi công đổ đất, hoặc ra đồng làm ruộng. Còn người bên Vĩnh Phú thì vẫn chơi tiếp cho đến mùng 7, ngày hạ nêu. Đó là tập quán khác nhau giữa hai thôn từ mấy chục năm nay.
- Xem thêm: Cây trái vườn nhà
Nhờ lời giải thích của chú Ba, kết nối với những hiểu biết về nông thôn quê mình, tôi mới có câu trả lời cho thắc mắc về sự lạ nói trên. Tuy là hai thôn nằm bên cạnh nhau của cùng một xã, nhưng từ thời phong kiến, Vĩnh Phú và Thiết Trường đã theo hai chế độ ruộng đất khác nhau. Vĩnh Phú chủ yếu là đất công điền, cứ 3 năm một lần, ruộng được “quân cấp” (cấp bình quân) cho mọi công dân đủ 18 tuổi, tùy hạng ruộng mà chia theo tỉ lệ cho công bằng. Vậy nên người Vĩnh Phú hầu như không lo đói, vì lúc nào cũng được cấp ruộng, thậm chí có người nhận ruộng rồi cho kẻ khác làm, thu lúa cũng đủ ăn. Những ai giàu thì đi mua ruộng đất ở nơi khác. Tôi là cháu sống nhờ quê ngoại, đi học tận Sài Gòn mà cũng được cấp cho 2 sào ruộng công điền, có tiền bán lúa để chi tiêu ăn học.
Còn Thiết Trường chủ yếu là ruộng tư, nhà nghèo vài ba sào, nhà giàu vài ba mẫu. Ruộng đất điều chỉnh theo chế độ tư hữu, thuận mua vừa bán, bằng khoán được chính quyền chứng nhận. Người nghèo túng bán ruộng đã đành mà người giàu chuyển nhà hay cần vốn đi nơi khác làm ăn cũng được phép bán đứt bán đoạn mảnh ruộng của mình. Thành ra, so với người dân Vĩnh Phú, người dân Thiết Trường năng động hơn, có óc làm giàu, thích đầu tư ruộng đất hay kinh doanh, mạo hiểm hơn mà cũng dễ thành công hơn. Thời chiến tranh quê tôi hầu hết nhà tranh vách đất, chỉ có Thiết Trường nhà ngói liên dây…, như một câu ca dao lưu hành lúc đó.
Ngày hòa bình, cả Vĩnh Phú và Thiết Trường, ruộng đất đều phải đưa vào hợp tác xã, người nông dân là xã viên, làm ăn theo tiếng kẻng hàng ngày và hưởng công theo điểm chấm của ban chủ nhiệm, giống y như miền Bắc. Đến thời Đổi mới, ruộng được chia theo hộ gia đình, nhưng đất đai vẫn thuộc về toàn dân, người dân chỉ được quyền sử dụng chứ không có quyền sở hữu.
Dù vậy, cái tâm lý hình thành từ trước đã in dấu trong cung cách sinh hoạt và làm ăn của hai thôn quê tôi. Rõ ràng, trong thời mở cửa và kinh tế thị trường, ai năng động, có sáng kiến, biết tận dụng thời gian thì gia đình mới trở nên thịnh vượng. Chú Ba nhẩm tính, chỉ mới hai mươi năm Đổi mới và mở cửa, mà riêng thôn Thiết Trường đã có gần 20 triệu phú đô-la nhờ ăn nên làm ra cả ở quê hương lẫn ở thành phố. Còn Vĩnh Phú, nghe tiếng tưởng là “giàu vĩnh cửu” mà chỉ vài ba người có tài sản mức đó.
Dân số nước ta ngày càng đông, nhưng đất đai thì không sinh ra thêm được, đất nông nghiệp ngày càng giảm theo tốc độ đô thị hóa, chuyển thành đất thổ cư, thành sân golf, thành khu du lịch sinh thái… Mấy chục năm sau chiến tranh, bao người nông dân và cựu binh, chẳng sá gì cái chết cài đặt sẵn dưới chân, can đảm rà phá bom mìn để cứu từng tấc đất quê hương, phục hồi sản xuất. Chợt nhớ đến một truyện ngắn của Võ Hồng: Tình yêu đất. Phải rồi, điều làm nên bản chất và đặc trưng của người nông dân không chỉ là sự cần cù, siêng năng, thật thà, chịu thương chịu khó – người Việt nơi nào, làm nghề gì cũng có những đức tính này – mà trước hết là tình yêu sâu nặng với đất. Lo cho nông dân, thương yêu nông dân thực sự thì cần đáp ứng trọn vẹn tình yêu đất của họ.
Bởi có tình yêu đất mới có tình yêu nước. Có tình yêu đất mới có ý chí làm giàu dựng xây Tổ quốc. Có tình yêu đất mới dám hy sinh bảo vệ bờ cõi của Tổ tiên để lại.
- Xem thêm: Một góc quê hương