Trong dòng chảy của văn hóa – văn học phương Đông, tìm về núi rừng đã trở thành một ứng xử văn hóa. Núi là điểm tựa, nước là cội nguồn, nương sông tựa núi di dưỡng tính tình mà hình thành nên tính cách trầm ổn như núi, mềm mại linh hoạt như nước, làm nên bản lĩnh kẻ sĩ trong xã hội đầy phức tạp biến thiên.
Buổi chưa ra giúp dân cứu đời thì ẩn mình nơi núi rừng mà đọc sách, tự bồi dưỡng cho mình một căn cốt đủ đầy. Sau này, dù công thành thân thoái hay mộng lỡ giữa đường thì lâm tuyền vẫn là chốn nương thân, lánh đục tìm trong, hòa vào thiên nhiên, thân an tâm lạc. Nho sĩ ẩn cư sơn lâm, cửa Thiền tựa mình vào núi, Đạo quán lẩn khuất vào mây, dù là quan niệm của Nho, triết lý của Phật hay tinh thần của Đạo, thì thiên nhiên vẫn luôn là cội nguồn tâm hồn. Thơ ca tự nghìn xưa mạch ngầm núi sông lặng chảy.
Thuở ban sơ trong tâm thức phương Đông vạn vật hữu linh, rừng núi gắn với cái thiêng và còn kéo dài tồn tại trong tâm thức dân gian. Rừng có thần, núi có thánh. Quan niệm thánh thần mang cảm thức tôn kính được thần che núi chở, là sự kính ngưỡng hồn nhiên đối với thiên nhiên cội nguồn. Lý tính càng sáng tỏ, núi rừng xa dần tính thần bí ẩn mật, nhưng sự trầm mặc tôn nghiêm vẫn chưa bao giờ hết. Hàng ngàn năm thời trung đại, rừng núi vẫn là chốn con người nương tựa, di dưỡng tâm hồn. 300 năm thơ Đường, phong trào náu thân đọc sách chốn sơn lâm bồi dưỡng nên bao bản lĩnh trí thức – nhà thơ mang cốt cách cao cả rộng lớn, góp phần làm nên sự phát triển rực rỡ giàu thành tựu của phái thơ sơn thủy có sức ảnh hưởng lâu dài.
Đại Việt buổi đầu dựng nước, có nhà vua rời kinh thành sầm uất lên Yên Tử mây núi trập trùng mà kiến tạo nên một Thiền phái giàu bản sắc, bản lĩnh dân tộc. Suốt cả chiều dài thơ ca, Nguyễn Trãi về ẩn cư Côn Sơn suối chảy rì rầm, Nguyễn Du náu mình dưới chân núi Hồng, thanh tịnh lắng lòng mà hiểu mình, hiểu đời, thương người. Thông điệp của mùa xuân – mùa yêu… tâm trạng phập phồng thấp thỏm của chàng Kim sau duyên kỳ ngộ nàng Kiều trong tiết thanh minh, hội đạp thanh Ngoài song thỏ thẻ oanh vàng – Nách tường bông liễu bay sang láng giềng. Có thể là Hải đường lả ngọn đông lân… Đóa hải đường thức ngủ xuân tiêu… như các cụ ta đã tả. Nhưng đó là hải đường thơ xưa… vốn dòng hoa Trung Quốc lá mềm, hoa dịu. Hải đường Việt từ xứ trung du, khoác áo khắc khổ… chòm lá óng mướt xanh lục diệp, lốm đốm nụ hồng… Tết nở. Xuân đến, hải đường bày ra trên cành giao điệu hòa thanh phối sắc âm dương, xanh lá và đỏ thắm hoa… đan cài nhau thở hít… chuyển hóa nhất thể tương giao. Bạn có nhận ra hoa hải đường Việt tỏa hương thơm rừng núi Việt. Rừng núi tĩnh lặng nghìn đời mà bảo tồn bao sự sống cội nguồn.
Cái nhìn từ xa, cứ ngỡ Đêm xuân lặng ngắt trái đồi vắng tanh (Điểu minh giản – Vương Duy. Ngô Tất Tố dịch), Thấy núi yên như một mảnh bìa (Núi xa – Xuân Diệu). Nhưng rốt cuộc nơi ấy có tiếng chim điểm nhịp đánh thức vũ trụ rộn ràng sự sống Trăng lên chim núi giật mình – Tiếng kêu thủng thẳng đưa quanh khe đồi (Điểu minh giản), thế giới vận hành không ngừng nghỉ Lá úa cành khô vẫn rụng dồn – Lối mòn, cỏ mạnh vẫn lên chôn – Chim hôm run rẩy trong tim nhỏ – Thỏ sợ giơ tai ứng tiếng ồn (Núi xa)… Chẳng a dua đám đông những mong người biết đến. Phẩm chất trác việt, phong thái cao quý. Hoa sen trong giếng ngọc núi Hoa Sơn. Trời đất đẹp, non sông khoáng đãng, huy hoàng. Tâm hoa, bút hoa, nụ cười hoa. Một lòng trung chính nghĩa nhân – Lo gì mưa gió phong trần tuyết sương (Mạc Đĩnh Chi).
Thế kỷ XX chứng kiến một cuộc chuyển mình – va đập chưa từng thấy giữa hai nền văn hóa – văn minh. Lối sống đô thị phương Tây du nhập vào Việt Nam với những tiện nghi thỏa mãn nhu cầu vật chất của con người. Trong khi thế hệ cũ vẫn ngỡ ngàng bài xích, chưa kịp thích ứng với cái mới, thì lớp trẻ trưởng thành trong nền giáo dục Tây học tiếp nhận khá nhanh.
Công việc, nhà ở, đi lại, thói quen sinh hoạt, ăn uống… gắn liền với đời sống đô thị. Thế nhưng cũng chính họ, lại tự mình cảm thấy lạc lõng, bơ vơ trong thế giới đời thường quanh mình, tìm cách thoát ra bằng những chuyến đi. Ấy là những chuyến thoát ly khỏi hiện thực bằng tinh thần và cả những chuyến hành trình thật sự. Những chuyến đi này lại vô tình mà gặp ở chỗ tìm về núi rừng hoang vắng nguyên sơ.
Ở nơi đó, họ thả hồn cho Hồn bướm mơ tiên (Khái Hưng), kiến tạo cho mình thế giới của giấc mơ với Suối mơ, Thiên Thai (Văn Cao), tưởng tượng Tiếng sáo Thiên Thai (Thế Lữ)… Không gian quen thuộc trong những bài hát, bài thơ của giai đoạn này là rừng vắng, suối vắng, thiếu vắng cuộc sống xã hội loài người đầy bụi bặm, xô bồ. Suối mơ, bên rừng thu vắng, dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng… Ánh xuân lướt cỏ xuân tươi, Bên rừng thổi sáo một hai tiên đồng…
Thiếu vắng con người nhưng lại tràn ngập những hình ảnh thi vị, tươi tắn của tự nhiên Bờ xanh ngát bóng đôi cây thùy dương, Bao lũ chim rừng họp đàn trên khắp bến xuân, Từng đôi rung cánh trắng ríu rít ca u ú ù u ú… Dĩ nhiên, những trái tim thanh xuân chịu ảnh hưởng của cảm thức lãng mạn thời hiện đại không có sự cô tịch thấu đời đạt đạo của các ẩn sĩ chân tu ngày trước, mà lai láng bồi hồi xao xuyến theo từng rung động của thế giới nguyên sơ ấy, nhất là không thể thiếu vắng sự hiện diện của một em nào đó trong trẻo nguyên sơ mang bản chất cội nguồn không vướng tục Mắt em như dáng thuyền soi nước – Tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng…
Em đến tôi một lần mang theo tiếng chim ca thương mến, em vắng tôi một chiều để lại nhà tôi ngơ ngác bến nước tiêu điều (Bến xuân). Em có thể là một cảnh tiên giữa thiên nhiên gần gũi nên thơ và tình người nồng hậu Sao chẳng về đây có bạn hiền – Có hương có sắc có thiên nhiên – Sống vào giản dị ra tươi sáng – Tìm thấy cho mình một cảnh tiên? (Nguyễn Bính). Em có thể hiện thân trong dáng hình sơn nữ hồn nhiên miệng cười khúc khích bên rừng đầy hương bát ngát trời thu, bên rừng thơ mộng cùng hoa với lá ngàn hương như trong Sơn nữ ca (Trần Hoàn). Núi rừng trong thơ nhạc các thi nhạc sĩ tiền chiến trở thành cõi tiên, cõi mơ, một xứ hoa đào cho lữ khách lắng hồn thơ dừng chân lãng du, lâng lâng trong sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương (Ai lên xứ hoa đào – Hoàng Nguyên). Thăm xứ anh đào… nắng trắng, sương khói trắng… hoa hồng cười… ấm ngọt trên môi…
Dữ dội nhất trong sự chối từ văn minh đô thị tìm về núi rừng nguyên thủy có lẽ nhà nhà thơ Đinh Hùng với Mê hồn ca. Bài ca man rợ là sự đối lập giữa Ta của Thiên nhiên huyền bí và tục khách của Đô Thị mà trong cái nhìn của Ta, thì: Ôi ngơ ngác một lũ người vong bản – Mất tinh thần từ những thuở xa xôi – Ta về đây lạ hết các ngươi rồi – Lạ tình cảm, lạ đời chung, cách sống. Ngay cả người thiếu nữ ngày xưa – nơi lưu giữ chút mộng của Ta giờ cũng khác: Lạc thiên nhiên đến cả bọn đàn bà. Ta ra tay tàn phá thành quách, đô kỳ, lâu đài, đình tạ như là sự quyết tuyệt với những gì thuộc về kiến tạo giả dối mà trở lại chốn núi rừng nơi gìn giữ những giá trị nguyên thủy.
Phá bỏ miếu đường, Ta đi tìm Những hướng sao rơi trong khát khao Thèm ăn một thứ hoa hoang dại – Rồi ngủ như loài muông thú kia. Nơi đó, Ta gặp được Người gái thiên nhiên Nàng lớn lên giữa mùa xuân hoa cỏ, hiện thân của nữ tính nghìn đời. Núi rừng là nơi duy nhất mang lại tình yêu, hạnh phúc cho chủ thể trữ tình trong thế giới của Mê hồn ca. Đó là nơi bộc lộ vẻ đẹp nguyên sơ, chân thật mà loài người dường như đánh mất từ lâu. Nơi ấy, mùa xuân tựu hình Thương em, trăng xế nửa vầng – Mùa xuân thở ấm hương rừng trên vai (Xuân ấm hương rừng).
Kháng chiến nổ ra. Trong dòng thơ nhạc cách mạng, không gian núi rừng không còn kỳ bí hoang vu trở nên gần gũi ấm áp. Thủ đô kháng chiến Việt Bắc lộng gió mây ngàn lưu dấu Tiếng suối trong như tiếng hát xa – Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa (Cảnh khuya – Hồ Chí Minh). Núi rừng che chở cho đoàn quân kháng chiến Núi giăng thành lũy sắt dày – Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù (Việt Bắc – Tố Hữu).
Hành quân trên dãy Trường Sơn, sống tựa vào rừng Hết rau rồi em có lấy măng không, không gian đẹp hồn nhiên chân chất Nước khe cạn bướm bay lèn đá (Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây – Phạm Tiến Duật), Rừng xanh vang tiếng Ta-lư (Phương Nam) rộn ràng theo bước chân chiến đấu. Ấy là nơi giúp người nhận diện tâm hồn mình như một phép thử Trường Sơn đông nắng tây mưa – Ai chưa đến đó như chưa rõ mình (Nước non ngàn dặm – Tố Hữu)… Trong trang sử chiến công, ắt không thể thiếu những dòng mực xanh thầm lặng của núi rừng làm nên chiến thắng cho dân tộc. Thiên nhiên xanh, hồn người tươi trẻ. Xanh núi xanh sông xanh đồng xanh biển – Xanh trời, xanh cả những giấc mơ (Tố Hữu).
Chẳng rừng núi, quê nhà nào chẳng có bóng cây xanh, con nước chảy. Sơn Nam sinh ra và sống thời thơ ấu ở miền quê vùng U Minh, dù sau này sống ở Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh… nhưng tình quê vẫn bát ngát, thắm đằm. Mấy độ phong sương qua đường phố – Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê. Tâm thức dân tộc nằm sâu trong căn tính. Tôi chỉ là hạt bụi bay giữa hai đầu thế kỷ – Hạt bụi nào chẳng long lanh dưới ánh mặt trời – Tôi chỉ là cành hoa bên bờ giậu vắng – Cành hoa nào chẳng biết tự đơm hương (Hạ Vũ).
Thế kỷ XXI, công cuộc đô thị hóa càng diễn ra với tốc độ chóng mặt. Có một dòng chảy nô nức từ quê xuống phố trong cuộc truy cầu một cuộc sống đầy đủ hơn. Nhà cửa san sát, người chen chúc nhau, hối hả, vội vàng. Ấy mà vẫn có một dòng chảy ngược. Người ở phố rủ nhau đi trốn. Làm những chuyến phượt về nơi xa, tìm về chốn núi cao rừng sâu thiếu vắng dấu chân người. Người trốn gì, chẳng rõ. Sao có thể chấp nhận… sống thừa mứa… mà tâm hồn trống rỗng.
Tết tha hương… bạn có còn lưu giữ, mang bên mình hình ảnh hoa đào và sương khói… rất thực lòng mà cũng rất đỗi tâm linh. Hóa ra, cuộc sống đầy đủ mà trong sâu thẳm tiềm thức vẫn không thể đủ đầy. Những năm gần đây, ngày Tết đường phố vắng người với những ngôi nhà khóa cửa. Người rủ nhau đi. Mùa xuân, vạn vật đâm chồi. Nơi núi rừng xa xôi nào vào mùa hoa mơ hoa mận, những mùa hoa không tên đánh thức mùa xuân cằn cỗi hồn người từ lâu. Hóa ra từ nghìn năm, rừng núi vẫn là điểm tựa của hồn người. Mối tình thăm thẳm mây ôm núi. Cái nghĩa mơ màng nước lòng sông.
Các nhà hiện sinh thấy con người bao trầm luân, thống khổ. Một Thất bại (K. Jaspers), một Buồn nôn (J. Sartre), một Kẻ bị bỏ rơi (M. Heidegger), một Phi lý (A. Camus)… Làm sao kháng cự thảm trạng bi kịch, an ủi thân phận trong mặc cảm đọa đầy. Hãy trượt đồi xuân. Hãy ôm lòng rừng. Hãy căng ngực gió… Mình nhận ra mình trong trạng thái uyên nguyên… Giá trị cuộc sống, lý do để sống. Khán giả là lẽ sống cuộc đời. Yêu thương là nhịp mạch xuân non xanh.
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn. Nhưng theo bước phát triển của con người, núi rừng dường như cũng thu mình nhỏ lại. Núi sông từng là chứng nhân cho lời thề vĩnh cửu: Dù cho sông cạn đá mòn. Liệu rằng sông có cạn thật, đá có mòn thật? Các tổ hợp non và nước, núi và sông không phải vô tình mà tạo nên nghĩa tổ hợp phái sinh tạo thành đất nước. Núi sông là phần xác (Nước mất nhưng núi sông còn – Đỗ Phủ), mà cũng là phần hồn, hồn thiêng đất nước.
Gìn núi giữ sông cho núi trường cửu, sông miên viễn chảy dài, không gian cội nguồn mùa xuân hoa thắm, người tìm về tựa nương. Để còn có nơi anh đưa em đi trốn những dày vò ngày mai. Mình rời thành phố chật chội náo nức – Nơi mà cả việc thở cũng làm ta lao lực – Thật lòng em mơ, mơ cùng anh đi đến tận cùng – Tận cùng chân mây vượt núi cao hay biển sâu (Đưa nhau đi trốn – Đen, Linh Cáo). Mùa xuân tới… ta hát giữa rừng yên núi ấm… hát đến ngày sông chảy hóa trời xanh. Mùa xuân đã đến đây rồi – Ừ mình trốn giữa tuyệt vời mùa xuân… Ngẫu nhiên tuyệt diệu hóa thiên thu. Cao sơn lưu thủy ngộ tri âm.