Ở đỉnh cao của phong trào Thơ Mới, Xuân Diệu đã bộc lộ trong thơ một cái tôi trữ tình phong phú và độc đáo. Phương thức biểu hiện cái tôi ấy được biến hóa qua nhiều hình ảnh, biểu tượng. Cô đơn buồn đẹp. Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề… Anh chỉ là con chim bơ vơ – Lạnh lùng bay giữa gió, sương, mưa… Sầu muộn và khao khát.
Trong ốc đảo rợn bốn bề ấy tụ tỏa xuân tâm. Cánh chim bơ vơ ấy mang cánh hương xuân, tuổi trẻ, tình yêu… Sống vội vàng, cuống quýt, say đắm với mùa xuân. Mùa xuân trong thơ Xuân Diệu không đơn thuần chỉ là một mùa trong năm – như một dấu ấn thời gian – để thi sĩ bộc lộ tâm trạng, mà được dụng công xây dựng thành biểu tượng nghệ thuật để chuyên chở những quan niệm nhân sinh – mỹ học của mình.
Hai mùa được ưu ái trong nghệ thuật thi ca là Thu và Xuân. Thu là bóng của cái Đẹp. Xuân là cái Đẹp. Vạn vật theo xuân mà căng tràn nhựa sống. Trái tim mở cửa hướng ra bể dương khí mênh mông. Mùa xuân với sức sống mãnh liệt của nó thâm nhập lan tràn trên các trang thơ. Đặc biệt trong thơ cổ điển. Tâm hồn nhà thơ như có cánh, bay lên cùng cái vô tận, bao la, phù du, trôi nổi của gió xuân mang tín hiệu hoa lòng chạm nở bút hoa. Phương Đông phơi phới xuân hoài – Ngắt sạch anh đào nở rộ mai (Bạch Cư Dị). Từ tâm thức chung ấy, mùa xuân vào trong thi ca mỗi thời, mỗi miền với những sắc thái khác nhau… là còn tùy vào điểm nhìn chủ thể, quan niệm nghệ thuật, cảm thức thẩm mỹ, phương thức biểu hiện… Tiếp nối truyền thống, cách tân hiện đại qua cái Tôi chủ quan trong sự giao hòa cổ điển – hiện đại, Đông-Tây… làm nên mạch thơ Xuân Diệu – người luôn ý thức sâu sắc: sự sống không bao giờ chán nản. Cảm thức về mùa xuân là cảm thức về sự sinh sôi, muôn màu sắc, cảm thức về tuổi trẻ và tình yêu… trong Thơ thơ, Gửi hương cho gió – một thế giới sống động xôn xao.
Mùa xuân, trong nét nghĩa thứ nhất, là mùa chuyển tiếp từ đông sang hạ, giọt mưa mang nắng ấm dần lên, thường được coi là đầu của năm. Không ai cưỡng lại được dòng chảy của thời gian, cảm hứng thi ca cổ điển về mùa xuân đều vận hành tuôn chảy theo hướng đến – đi, còn – mất ấy. Còn với Xuân Diệu, cái Tôi chủ quan can thiệp, vượt qua vòng ràng buộc của vòng tuần hoàn, Xuân không mùa – xuân vạn vật, đất trời và Tôi tồn sinh trong từng khoảnh khắc không – thời gian tương giao, tương sinh, tương thành. Xuân ở giữa mùa đông khi nắng hé – Giữa mùa hè khi thời tiết sau mưa – Giữa mùa thu khi gió sáng bay vừa – Lùa thanh sắc ngẫu nhiên vào áo rộng. Từ xuân tuần hoàn chuyển hóa thành xuân lòng người. Xuân thời gian ngưng đọng trong không gian hiện hữu. Xuân tuổi trẻ trong kiếp người – trăm năm. Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn – Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại. Cũng có trí khôn dân gian trong ý thức Đi đâu mà vội mà vàng – Mà vấp phải đá mà quàng phải dây… nhưng không lo sợ, không đạo lý mà trực cảm tự mình… Tôi sung sướng nhưng vội vàng một nửa. Trong dòng chảy đi không trở lại, xuân vừa biểu tượng của thiên nhiên xinh đẹp vừa là ám ảnh thời gian trôi. Biết sống và kêu gọi sống vội vàng, tận hiến, tận hưởng. “Xuân Diệu đã đốt cảnh bồng lai, xua ai nấy về hạ giới” (Hoài Thanh). Thiên đường chính là ở mặt đất với khu vườn trần gian đầy xuân sắc. Xuân hoa mộng nhưng con người phải biết tỉnh mộng, mộng trong mộng có giữa đời, kiếp người hữu hạn nên trân úy giữa vũ trụ vô hạn vô biên.
Cuộc sống đây đó khó tránh những cô đơn sầu muộn. Ý thức cái Tôi vừa chấp nhận vừa nỗ lực vượt thoát trong những phương thức khác nhau. Chẳng tìm đến tiên như Thế Lữ, mộng như Lưu Trọng Lư, say như Vũ Hoàng Chương… dù cô đơn đau buồn, Xuân Diệu với mùa xuân – cuộc sống diễn ra trong hiện tại. Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua – Xuân còn non nghĩa là xuân đã già – Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất. Hiện tại dù càng ngắn ngủi mong manh, con người càng vội vàng trân quý, khát khao sống, mong giao cảm… Ham sống, ham yêu trong từng khoảnh khắc, chất lửa nồng trong thơ Xuân Diệu thể hiện qua hình tượng mùa xuân. Thời gian hướng về hiện tại, không gian hiện hữu – không gian trần thế. Xuân giao thoa trong tọa độ không – thời gian, tương giao xuân đời và xuân lòng. Gió là nguyên nhân – dù vô ý – dẫn đến đụng sát mai – đào. Cảm nhận vẻ đẹp mùa xuân đến xuýt xoa, ngạc nhiên, vui sướng được bộc lộ qua các từ tình thái, thể hiện ở những hình ảnh gần kề, vô ý mà hóa hữu ý tự nhiên, vô tình mà tình hiện ra chân thật, tình ý xôn xao đất trời – lòng người. Ánh sáng ôm trùm những ngọn cao – Cây vàng rung nắng lá xôn xao – Gió thơm phơ phất bay vô ý – Đem đụng nhành mai sát cành đào.
- Xem thêm: Những mùa xuân trên bến sông
Cô độc, ngọt ngào… Trái tim yêu mãi lăn trên đường trần, mãi phiêu liêu bay trong vũ trụ, bất kỳ điểm nào cũng là kết mà khởi mãi quay, tất niên đã vọng âm tân niên, tụ Nguyên đán vườn hồn tán tỏa không gian. Xuân của đất trời nay mới đến – Trong tôi: Xuân đã đến lâu rồi – Từ lúc yêu nhau, hoa nở mãi – Trong vườn thơm ngát của hồn tôi. Xuân tự lòng, xuân mọi lúc mọi nơi. Yêu tự lòng, yêu mọi khoảnh khắc hiện hữu. Xuân thiên nhiên, cảnh sắc… qua cái Tôi chủ quan can thiệp, phổ nét nhân tính, mang tâm trạng người… trong tình yêu cụ thể mà đắm say, rạo rực… như tự nó. Chút gió chải, mây vờn, cành trĩu, tiếng nhỏ… hiện hữu, người nhận ra trong gót chân xuân Đi dạo đủ để tự mình nức xuân tâm… Gió chải trong đầu không biết lược – Mây vờn qua mắt chứa xa khơi – Của cành trĩu trĩu, lá âm âm – Tôi hiểu chờ riêng với muốn thầm – Tiếng nhỏ vừa lan trong kẻ biếc – Ấy là vạn vật nức xuân tâm.
Ai cũng có/cố có/tưởng có/vờ có… lòng yêu đời, yêu cuộc sống… nhưng để làm nên cái có đúng nghĩa ấy, phải có sự nhạy cảm tinh tế, giao cảm nhẹ nhàng trước mọi sự vật hiện tượng quanh mình… thì chẳng mấy ai có, hững hờ mà hay làm vẻ, có thể do bẩm sinh, có thể do hệ lụy, có thể do tự mình… trơ lỳ vô cảm. Tạng như Xuân Diệu, cũng thừa thông minh trải nghiệm, biết đời Dối trá, tự biết mình Tôi như chiếc thuyền hư, không bến đỗ… Lòng cô đơn hơn một đứa mồ côi… Nghịch lý thay chính vì vậy, hư mà không hỏng, đỗ bến xuân tình, cho – nhận xuân thương. Một ít nắng, ít sương… tự lòng. Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm – Mấy cành xanh, năm bảy sắc yêu yêu – Thế là xuân. Tôi không hỏi chi nhiều – Xuân đã đến trong lòng tôi lai láng. Chẳng hỏi – đáp, chẳng tranh biện. Một nụ cười xuân. Nghe ra gì trong tiếng chim ca… nơi quanh mình hay tự lòng mình. Mùa xuân về trong tiếng chim ca – Trên nước xanh sóng, trong liễu rèm. Tết ồn, lòng náo, chân cuồng, tay quơ… vậy sau ngày qua đêm đến, bạn làm gì, có còn Tết xuân… Giai điệu hay ở khoảng trống ngừng nghỉ. Hơi thở êm ở gió xuân êm. Động – tĩnh tương thông làm nên sự sống. Sau những bộn bề, có tự lắng lòng mình, ôm lòng Bóng đêm biếc nghe đất trời – giao hòa – tâm hồn hòa điệu. Bóng đêm biếc thở đều hơi gió mát – Chung quanh ta im lặng đã buông rèm – Gió xa quá, trời xuân êm bát ngát.
Cảm thức Xuân gắn liền với tuổi trẻ và tình yêu. Cho nên với ông hoàng thơ tình, mùa xuân là mùa tình. Mùa xuân là một thế giới sống động: Giữa vườn ánh ỏi tiếng chim vui… Sao buổi đầu xuân êm ái thế! Biết bao sắc thái, đẫm tình: Tà áo mới cũng say mùi gió nước – Rặng mi dài xao động ánh dương vui, trinh nguyên: Hoa thứ nhất có một mùa trinh bạch – Xuân đầu mùa trong sáng vẻ ban sơ… vườn địa đàng nồng nàn, trẻ trung, dào dạt trong giai điệu Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần… Say đắm mùa xuân và say đắm tình yêu. Mùa xuân là tình nhân. Là hoa là nụ hay là cành – Là cả mùa xuân em tặng anh. Ấy là cái nồng nàn, rạo rực của trái tim luôn thèm khát vườn trần. Tình không tuổi, và xuân không ngày tháng.
Xét về ý thức cá nhân và quan niệm thẩm mỹ – nhân sinh mới, quan niệm về cái Tôi được Xuân Diệu biểu hiện tập trung, cao độ nhất ở lĩnh vực tình yêu. Ông nói: “Xuân, người ta vì ấm mà cần tình”. Cho nên với ông, mùa xuân là mùa tình. Mùa xuân mùa đẹp, mùa tình trong sự giao hòa người – ta, em – tôi, tâm – cảnh. Cái Tôi trữ tình được biểu hiện qua tâm trạng bâng khuâng mơ hồ của người con gái trước một tình riêng e ấp, không lời trong Nụ cười xuân. Thiếu nữ bâng khuâng đợi một người – Chưa từng hẹn đến, giữa xuân tươi – Cùng chàng trai trẻ xa xôi ấy – Thiếu nữ làm duyên, đứng mỉm cười. Sự hóa thân không gián cách về mặt cảm xúc thẩm mỹ giữa nhà thơ và hình ảnh thiếu nữ hiển hiện một tình yêu trong sáng trinh nguyên, vừa gần gũi vừa xa xôi… như một duyên riêng.
- Xem thêm: Hoa cỏ mùa xuân
Say đắm hết mình nên Xuân Diệu nói nhiều đến Xuân – Tình… “Sống để mà yêu, yêu để mà sống”. Tác giả Cây đàn muôn điệu trong Tựa Thơ thơ đã sớm nhận ra: “Mục đích, chính là sự sống. Mà còn gì làm cho sự sống đầy đủ hơn Xuân và Tình?”. Xuân và Tình làm nên mạch thơ dào dạt với âm thanh, no nê thanh sắc của thời tươi… Và tác giả Thi nhân Việt Nam cũng khẳng nhận: “Khi vui cũng như khi buồn người đều nồng nàn tha thiết”. Xuân – Tình giao cảm mãnh liệt và kỳ diệu làm nên sức hấp dẫn của thơ ông.
Mở rộng cảm giác, đào sâu cảm giác, thức nhọn giác quan, tài – tâm tương giao tạo khí lực lăn sóng thơ. Chỉ một chữ Xuân thôi mà Xuân Diệu tạo ra cả một trường từ vựng theo cách riêng ông: xuân hồng, xuân chín ửng, xuân tươi, xuân rụng, xuân đầu, xuân sắc, điệu xuân, xuân thì, xuân không mùa… Mùi hương, màu sắc, âm thanh tương giao tương ứng giữa các giác quan. Và mỗi một ta là – Tôi và Bạn – ai chẳng có một xuân tự lòng…