Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhấn mạnh nợ xấu vẫn là một vấn đề cần được giải quyết càng nhanh càng tốt. Báo cáo gần nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tổng nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng là 138.980 tỉ đồng, chiếm 4,58% tổng dư nợ, khá khiêm tốn so với những con số đưa ra trước đó.
Bỏ qua việc có hay không chuyện “làm đẹp số liệu thống kê” của các tổ chức tín dụng, con số nợ xấu không quá lớn cộng với những thông tin bước đầu khá tích cực về việc mua bán nợ xấu giữa Công ty Quản lý và khai thác tài sản Việt Nam (VAMC) và các tổ chức tín dụng đang diễn ra khiến nhiều người tin rằng việc xử lý nợ xấu sẽ sớm thu được kết quả. Sự hợp tác tích cực với VAMC từ phía các đơn vị có nợ xấu cần bán là điều rất đáng khích lệ. Sau khi Agribank “mở hàng” vào ngày đầu tiên của tháng 10, với tổng dư nợ gốc bán cho VAMC là 2.534 tỉ đồng, ít ngày sau đến lượt ba ngân hàng SCB, SHB, PGBank bán 846 tỉ đồng nợ xấu và đến 11-10 tiếp tục là SCB với khoản nợ xấu 1.300 tỉ đồng… Nhiều hồ sơ bán nợ của các ngân hàng khác đang “xếp hàng” tại VAMC, cho thấy các định chế tài chính đã có một sự thay đổi tích cực trong suy nghĩ, bởi mới cách đây không lâu không mấy ngân hàng mặn mà với việc công khai số nợ xấu và đi bán nợ. Có được một kết quả nhanh chóng trong thời gian rất ngắn như vậy là nhờ VAMC đã chủ động gặp gỡ từng ngân hàng để nắm bắt thông tin và trao đổi về khả năng hợp tác mua bán, xử lý nợ xấu trước đó.
Một khi những món nợ đầu tiên được VAMC xử lý công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho các ngân hàng giải quyết dứt điểm những món nợ xấu để tập trung vào kinh doanh, các ngân hàng sẽ chủ động tìm đến VAMC chứ không cần Ngân hàng Nhà nước phải áp dụng các biện pháp bắt buộc (khi tỷ trọng nợ xấu quá 3% tổng dư nợ). Nhiều ngân hàng có tiềm lực tài chính, tỷ lệ nợ xấu dưới 3% – không thuộc diện phải bắt buộc bán nợ – cũng tỏ ý muốn bán nợ xấu cho VAMC. Theo kế hoạch, trong tháng 10 này VAMC tiếp tục thẩm định và ký hợp đồng mua bán nợ với chín ngân hàng, tổng giá trị nợ xấu mua lại là 7.500 tỉ đồng. Đến cuối năm nay, con số nợ xấu được xử lý vào khoảng 35.000 tỉ đồng.
Việc VAMC mua được nợ xấu đã tốt, nhưng sẽ còn tốt hơn nếu công ty này bán lại được khoản nợ xấu ấy cho những nhà đầu tư có tiềm lực. Những nhà đầu tư ấy chỉ có thể là những tổ chức tài chính chuyên nghiệp của nước ngoài. Thế nhưng, dù các định chế tài chính lớn này đã công khai bày tỏ mong muốn được tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu thông qua việc tài trợ vốn, mua hoặc làm cầu nối giúp nhà đầu tư nước ngoài tham gia quá trình xử lý nợ xấu ở Việt Nam, thì khung pháp lý hiện tại chưa cho phép họ làm điều đó. VAMC cho biết họ đang kiến nghị các ngành chức năng bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động, quyền hạn của các tổ chức nước ngoài để họ có thể tham gia xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng một cách triệt để.
Được vậy, thì mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là đến cuối năm 2015 cơ bản xử lý xong số nợ xấu hiện nay có thể được thực hiện. Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015, tạo nền tảng cho sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống các tổ chức tín dụng đến năm 2020 cũng có hy vọng thành công.
Minh Hằng