Vừa qua, Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Viện KHLĐ&XH) và Prudential Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo kỹ thuật tham vấn về kết quả của nghiên cứu “Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già” và “An sinh xã hội cho người cao tuổi” trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam.
Già hóa dân số là vấn đề hiện đang được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, đặc biệt là Việt Nam đang trong quá trình già hóa nhanh. Theo dự báo, thời gian chuyển từ “bắt đầu già” (ageing) sang “già” (aged) là chỉ khoảng 26 năm (bắt đầu từ 2011 đến năm 2036). Với tốc độ này, dự tính vào năm 2050, dân số già tại Việt Nam sẽ có 29,2 triệu người từ 60 tuổi trở lên, hoặc 21,7 triệu người từ 65 tuổi trở lên.
Trong khi đó, nhận thức của người dân về việc chuẩn bị cho tuổi già từ khi còn trẻ còn hạn chế, đồng thời việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi ở nước ta cũng còn nhiều thách thức. Vì vậy, việc tìm hiểu các điều kiện kinh tế – xã hội và sức khỏe, sự chuẩn bị sẵn sàng cho tuổi già của nhóm dân số sẽ trở thành người cao tuổi trong 20-30 năm nữa là rất cần thiết để góp phần cải thiện sự chuẩn bị về tài chính, sức khỏe thể chất, và tinh thần cho thế hệ sắp về hưu và người cao tuổi tại Việt Nam.
Ông Phương Tiến Minh, Tổng Giám đốc Prudential Việt Nam chia sẻ: “Già hóa dân số” nếu được chuẩn bị tốt thì không phải là thách thức mà sẽ trở thành cơ hội cho xã hội. Bằng việc đồng hành cùng cơ quan chuyên ngành các nghiên cứu sâu rộng ở phạm vi quốc gia, Prudential Việt Nam mong muốn đồng hành và chung tay cùng các cơ quan quản lý nhà nước giải quyết các vấn đề về già hóa dân số nói chung để già hóa không là gánh nặng. Prudential mong muốn đặt nền móng xây dựng một cộng động có hiểu biết và bắt đầu có những hành động cụ thể để chuẩn bị cho một cuộc sống tuổi già độc lập, năng động. Đây là một trong những dự án dài hạn của Prudential để thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp, khẳng định cho cam kết hành động vì một cộng đồng người Việt khỏe mạnh và thịnh vượng”.
Tại hội thảo, Viện KHLĐ&XH đã chủ trì các phiên thảo luận về những phát hiện chính từ nghiên cứu, đồng thời xin ý kiến của các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia trong và ngoài nước, đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan để hoàn thiện các báo cáo.
Cụ thể, nghiên cứu “Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già” cung cấp số liệu mang tính đại diện quốc gia cho nhóm dân số trong độ tuổi 30-44 ở Việt Nam về việc họ chuẩn bị cho tuổi già độc lập như thế nào. Nghiên cứu được thực hiện trên 2.019 đối tượng từ 30 đến đủ 44 tuổi, tại 6 tỉnh thành phố thuộc các vùng kinh tế đại diện phạm vi quốc gia trong tháng 9 và 10/2021.
Nội dung các chỉ số của nghiên cứu “Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già” được dựa theo nội dung của Chỉ số Già hóa Chủ động – Active Ageing Index, xoay quanh 4 chủ đề Tài chính; Sự gắn kết với Gia đình và Xã hội; Sự chuẩn bị về Sức khỏe và Tâm lý; Đánh giá về Triển vọng Cuộc sống Hưu trí và Cuộc sống khi về già.
Nghiên cứu “An sinh xã hội cho người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam” được thực hiện để góp phần đưa ra các giải pháp khả thi nhằm phát triển hệ thống an sinh xã hội linh hoạt, thích ứng với dân số đang già hóa nhanh.