Với lịch làm việc dày đặc và những ca cấp cứu không lường trước, ba lần bảy lượt, cuộc hẹn với Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng – nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, hiện là Tổng giám đốc Bệnh viện Ngọc Tâm xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh – mới trở thành cuộc phỏng vấn. Rặt một giọng miền Nam cởi mở, xuề xòa nụ cười rộng, nữ bác sĩ này được xem là người có tầm nhìn chiến lược và bàn tay phục dược khi đưa phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm vào Việt Nam từ năm 1997, đến nay Việt Nam là nước có tỷ lệ thành công ngang bằng với các nước Âu, Mỹ.
Để đưa cơ duyên làm mẹ và cơ duyên làm người xích lại gần nhau, con người đã phải can thiệp vào những điều tưởng chừng tự nhiên và thiêng liêng nhất. Không phải ngẫu nhiên mà bệnh viện của những người mẹ và em bé được mang tên Từ Dũ – mẹ vua Tự Đức – người đàn bà cẩn trọng, thông minh, dịu dàng, đức hạnh và dạy con ngay cả khi ngài đã làm vua. Bởi vì, chỉ có thể bằng trái tim trong trẻo của người mẹ và lòng thương người của một vị lương y, con người mới có thể vượt qua ẩn số mong manh về thân phận để làm nên điều kỳ diệu.
____
Khởi động từ năm 1997, cho đến nay Việt Nam nổi tiếng với tỷ lệ TTTON thành công cao nhất thế giới (trên 50%). Là người tiên phong trong kỹ thuật này, bác sĩ có thể chia sẻ lý do của thành công chung?
Tôi nghĩ yếu tố giúp kỹ thuật TTTON ở nước mình tiến bộ nhanh là dùng người trẻ có năng lực thực sự, có lý thuyết và thực tế, có chuyên môn sâu và kỹ thuật cao. Việt Nam cũng có lợi thế đốt cháy giai đoạn bằng cải tiến kinh nghiệm của nước khác. Làm TTTON đòi hỏi người làm mắt không được mờ, tay không được run vì đường kính tinh trùng chỉ bằng 1/7 đường kính sợi tóc! Đội ngũ bác sĩ của mình trẻ, cầu tiến, vừa làm, vừa học, vừa báo cáo, giao lưu với quốc tế, mình làm mà ú ớ không nói được thì người ta nói mình dốt. Tôi thấy có những người làm khoa học không biết tận dụng cơ hội giao lưu để học, đi dự hội nghị như đi chơi, không mang về cho đất nước cái gì hết. Đó là cái tội. Yếu tố cuối cùng là có năng lực nhưng phải ham học và thương bệnh nhân thì khi làm tỷ lệ thành công mới cao.
____
Hiện nay quy định pháp lý về thụ tinh nhân tạo (TTNT) được xem là rất chặt chẽ. Trong thực tế những quy định này có hỗ trợ được bệnh nhân và bác sĩ không?
Quy định pháp lý luôn đóng vai trò hỗ trợ nhưng còn nhiều vấn đề thực tế mà pháp luật không thực sự phát huy được tác dụng. Tôi đã nhiều lần đề xuất bộ trưởng Bộ Y tế xem xét lại việc mang thai hộ vì có những trường hợp bệnh nhân bị cắt bỏ tử cung do lỗi của bác sĩ khiến người ta cả đời không sinh con được. Cấm mang thai hộ là quy định rất ngặt nghèo, thay vào đó, nên thành lập Hội đồng y đức để xem xét, suy nghĩ về từng trường hợp kém may mắn. Người phụ nữ rất khổ vì phải chịu sức ép từ truyền thống và gia đình quá lớn. Nếu nhà làm luật chỉ ngồi văn phòng, không tiếp xúc với cảnh đời thì không thể hiểu được. Từ chỗ bị quy định pháp lý ràng buộc, bệnh viện trong nước từ chối, bệnh nhân rơi vào thế bị đẩy ra nước ngoài thực hiện.
____
Bệnh viện Từ Dũ là nơi hàng năm đã đón hàng ngàn em bé chào đời, cũng là nơi hàng ngàn sinh linh bị bỏ rơi. Chứng kiến nhiều như vậy, đối với người bác sĩ, sự đến và đi thiêng liêng của con người có bị bình thường hóa?
Bác sĩ cũng là con người, làm sao mà bình thường trước những tình huống như vậy được. Bệnh viện mới sắp mở, tôi cũng không biết tìm đâu ra người để làm khoa phá thai, nhưng đã là một bệnh viện, không có thì không được. Bác sĩ không phải là người chai lỳ nhưng làm thì vẫn phải làm. Không phải mọi người duy tâm nhưng thực sự là ngán ngại, mỗi lần gặp ca tai biến, từ bác sĩ, gây mê, đến hộ sinh đều chao đảo. Ban lãnh đạo bệnh viện phải phân tích thật khoa học để giải thích liệu lần sau có thể tránh được hay không. Có những trường hợp quá đau lòng đến nỗi bác sĩ cả tháng không ăn không ngủ được, cả bệnh viện thất thần. Có những bệnh nhân rất dữ, đến chửi bới la mắng đến nỗi bác sĩ không chịu được, xin nghỉ việc, bỏ nghề. Lương tâm trách nhiệm khiến họ thấy lỗi và càng trở nên trầm cảm. Nếu lúc đó mà đồng nghiệp, lãnh đạo xỉa xói thì ai mà chịu nổi. Những lúc đó, trách nhiệm của lãnh đạo càng lớn. Tại sao nhân viên mình dở? Là vì mình không làm cho họ giỏi được! Con người mà… cũng khó!
____
Mọi hoạt động liên quan đến yếu tố con người đều hết sức phức tạp, huống chi “sản phẩm” của ngành này là con người! Danh sách những người khao khát làm mẹ xếp hàng chờ đến lượt mình được làm TTNT đã dài ngày một dài thêm. Trước cảnh tượng ấy, bác sĩ thấy vui hay buồn? Đáng mừng hay đáng lo?
Đáng mừng chứ! Đây là kỹ thuật mới chuyên sâu, cả thế giới đang nghiên cứu để phát triển làm sao an toàn nhất cho con người. Từ nghiên cứu TTTON mới phát hiện ra những vấn đề rất hay như tế bào gốc, rồi sinh sản vô tính… Tế bào gốc bây giờ đã có thể lấy từ da. Buồng trứng người phụ nữ lớn tuổi trở nên già, không còn nan noãn, khiến phụ nữ khó có thai, nếu có thì trẻ sinh ra dễ bị khuyết tật. Nhưng gần đây khái niệm này đang bị lung lay. Nhóm TTTON ở Singapore đã tìm ra trong buồng trứng có những tế bào ở vỏ buồng trứng có thể làm ra nan noãn giống như mới.
Tham vọng của tôi là thế hệ bác sĩ trẻ có ngoại ngữ, có tâm huyết phải nghiên cứu, đi tới ngày phát minh ra những cái tuyệt vời. Chứ không phải chỉ là chuyện lấy trứng, bơm tinh trùng… Giúp người ta sinh con là điều đáng mừng vì xã hội cần mức sinh thay thế để cân bằng.
____
Bác sĩ có nghĩ quan niệm con cái phải mang dòng máu của mình đã tạo ra quá nhiều áp lực và là nguyên nhân cảnh khổ của nhiều gia đình?
Ở phương Tây, người ta quan niệm rất nhẹ nhàng chuyện con cái là của chính mình hay không. Có một em bé nuôi trong nhà và theo nó đến khi trưởng thành là hạnh phúc rồi. Có gia đình nước ngoài xin con nuôi Việt Nam, đến năm bé 12-13 tuổi, họ nói cho nó biết nguồn gốc, thậm chí còn dắt về tìm cha mẹ ruột thăm nuôi. Người ta cởi mở trong chuyện đó. Ở các nước Á Đông, tư tưởng con ruột để nối dõi còn nặng nề. Thực sự điều đó không cần thiết. Nếu mình không mang nó trong bụng thì mình chăm sóc nó rồi nó sẽ thương mình. Ước gì nhà tôi có thể nuôi thêm chục đứa nữa tôi cũng thích. Cuộc đời có gì đó để lo…
____
Hiện nay phong trào singlemom (bà mẹ độc thân) khá nổi trong các bà mẹ trẻ. Bác sĩ nghĩ gì về điều đó?
Tôi không thích và không ủng hộ. Nên có một cặp thì tốt hơn. Tôi thấy con cái sinh ra trong những trường hợp đó phát triển tâm lý không bình thường. Nếu không muốn gia đình mà muốn có con thì hãy nghĩ đến việc xin con nuôi. Tạo ra một đứa bé khỏe mạnh và mang lại cho nó một gia đình hạnh phúc là trách nhiệm của mỗi bậc cha mẹ.
____
Bác sĩ hay nhắc đến một thứ hạnh phúc trong một gia đình bình thường có con cái phát triển tâm lý bình thường. Hình như chữ “bình thường” rất quan trọng đối với bác sĩ?
Hồi nhỏ, tôi hỏi má tôi: “Má ơi, ông trời sinh mình ra sao ổng không tạo cho mình cái gì để làm mà cứ ăn hoài vậy? Má đẻ con ra rồi cho con ăn. Con lớn lên, đi học, đi làm rồi để có ăn, rồi lại sinh con, rồi lại cho nó ăn! Sao ông trời không tạo ra một cái gì đó để mọi người làm chung? Ví dụ như một cái cột để mọi người cùng xây đến khi nào cái cột đụng trời luôn?”. Má tôi chẳng trả lời mà chỉ nói: “Mày nhỏ, nói tầm bậy!”. Bây giờ nhiều người có ăn rồi vẫn đấu đá giành quyền lực để chi, để lại ăn sướng hơn một chút! Con cái trong những gia đình có cha mẹ như vậy, làm sao tránh khỏi cái hư.
Tôi không biết người ta nghĩ gì về hạnh phúc. Nhưng đối với người phụ nữ, ai cũng chỉ mong con cái được nên người. Nên người không phải là làm lớn mà là không hư hỏng! Chỉ có điều đó là thực, còn lại mọi thứ đều là ảo ảnh. Cả đời tôi cũng không để lại gì ngoài cái gương lao động cho con mình nhìn vào. Sau này, ai biết nó là con bác sĩ Phượng thì người ta có cảm tình, cần gì người ta giúp. Nhưng tư cách của đứa nào thì đứa nấy phải tự giữ.
____
Là một “bà mẹ” gián tiếp ở Từ Dũ, bác sĩ có tin mỗi em bé ra đời đều mang một sứ mạng bất khả xâm phạm?
Tôi không nghĩ như vậy. Một đứa bé sinh ra đầu tiên phải khỏe mạnh. Đứa bé nào cũng như tờ giấy trắng, như cái nụ, cái mầm. Bón xới thế nào để nó đừng tả tơi, rơi rụng là trách nhiệm của gia đình, xã hội. Những gì đứa bé lãnh có khả năng là do cha mẹ để lại và là kết quả của quá trình nuôi dạy.
____
Vậy bác sĩ có tin là con người ta có nghiệp?
Không phải vô thần nhưng tôi không tin.
____
Nhưng bác sĩ hay nói về ông Trời. Vậy ông Trời là một thực thể như thế nào?
Hồi nhỏ tôi hay nói về ông Trời nhưng bây giờ thì không. Tôi tin Chúa hay Phật đều tồn tại và là những nhân vật lịch sử như Bác Hồ. Chỉ khác Bác Hồ không phải là một lãnh tụ tôn giáo.
Jesus Christ ra đời trong bối cảnh xã hội dâm ô đốn mạt, tầng lớp quý tộc lãnh đạo ăn chơi, bắt bớ. Chúa đã giữ mình trong sạch để làm gương, để lại những lời tốt đẹp cho con người noi theo thì Chúa cũng là một người cách mạng. Kinh thánh sau này soạn lại cũng là để cho con người hướng thiện. Bây giờ tôi không thắc mắc nữa. Xã hội loài người sẽ tiến triển. Cụ thể là xã hội Việt Nam, cụ thể hơn là xung quanh tôi mọi người được hạnh phúc hơn đến ngày cùng của tôi. Tôi nghe một số người nói “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào” – nhưng đồng bào, nhân dân, Tổ quốc trừu tượng lắm và rồi họ chỉ toàn làm những điều ngược lại với yêu thương.
Bây giờ tôi đã thôi thắc mắc về cột chống Trời, dù ở vị trí nào con người cũng nên làm tròn nghĩa vụ để mọi người xung quanh hạnh phúc. Vấn đề tôi thắc mắc là môi trường: câu chuyện Nô-ê và đại hồng thủy là có thật hay không? Có lẽ trước ông Nô-ê, văn minh loài người đã ghê gớm lắm. Đến một mức độ nào đó, môi trường bị hủy hoại, quả địa cầu bị tàn phá, một vài người như ông Nô-ê còn sống sót để kể lại câu chuyện đại hồng thủy. Hàng ngàn năm sau, con người xây dựng lại nền văn minh, rồi ở một mức độ phát triển nào đó họ lại ngược đãi và hủy hoại môi trường. Có thể ngày tận thế là có thật, tùy thuộc vào cách mọi người xử lý môi trường này thế nào.
____
Được biết ở Từ Dũ có làng Hòa Bình nuôi trẻ bị nhiễm chất độc da cam. Đây có phải là những em được sinh ra tại Từ Dũ? Bác sĩ có thể kể về sự hình thành của làng?
Đa số các em sinh ở nơi khác bị cha mẹ bỏ rơi hoặc gửi vào. Sáu mươi phần trăm là trẻ bị nhiễm chất độc da cam, còn lại là trẻ khuyết tật. Làng Hòa Bình được xây dựng bằng tiền viện trợ của CHLB Đức từ cách đây 20 năm. Năm 1984, tôi đi sang Đức báo cáo chuyên đề về trẻ bị nhiễm chất độc da cam. Vào thời điểm đó, đề tài còn quá mới, tôi gặp cản trở từ phía những người Việt di tản, nhưng cũng nhận được nhiều cảm thông từ phía Đức. Nước họ cam kết quyên góp để viện trợ xây làng Hòa Bình. Vào thời điểm năm 1989, chưa có tiền lệ nào về vấn đề viện trợ cho Việt Nam. Đây là lần đầu tiên, cũng là lần gay go nhất cho cả hai phía, bên cho và bên nhận. Trên cả nước hiện nay có 13 làng Hòa Bình chăm sóc và nuôi dạy trẻ khuyết tật, trong đó Từ Dũ là làng đầu tiên.
____
Khi các em ở làng lớn lên, các em sẽ tiếp tục làm gì?
Đầu ra đang là vấn đề rất khó mà các làng đang phải đối mặt. Không có một cơ quan nhà nước, tổ chức các nhân nào chịu nhận và đào tạo các em lớn lên trong làng. Thời còn đương nhiệm, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã đến thăm và đề nghị nghiên cứu giải quyết nhưng cho đến nay chưa thấy giải pháp thiết thực nào từ cơ quan nhà nước. Chúng tôi đang tham gia vào kế hoạch của Mỹ hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam và đề nghị họ viện trợ để làm một trung tâm sản xuất cho Đồng bằng sông Cửu Long. Tôi có đặt vấn đề với tỉnh Tiền Giang, xin họ 10 héc ta đất để làm mô hình sản xuất. Có như vậy thì làng mới có đầu ra, có nơi để các em sinh sống, làm việc, dựng vợ gả chồng, thoát khỏi cảnh bị cô lập ngoài xã hội.
____
Tiền nghiên cứu đề tài khoa học được hơn hai trăm triệu đồng, bác sĩ tặng Từ Dũ làm tranh, tượng, phù điêu. Tiền phúng điếu người mẹ quá cố cũng cả trăm triệu, bác sĩ ủng hộ xây bệnh viện ở Lâm Đồng. Thậm chí bác sĩ còn bỏ tiền túi ra giúp bệnh nhân chữa vô sinh. Tuy không phải số tiền lớn đối với người kinh doanh, nhưng là một gia tài đối với công chức. Bác sĩ giỏi xoay xở hay có khiếu làm kinh tế mà “hào phóng” như thế?
Tôi thấy vấn đề nằm ở chỗ mình nhìn đồng tiền ra sao thôi. Có người có 99 đồng, họ muốn để thêm cho đủ 100 đồng. Còn mình biết có lượm hoài cũng chỉ có năm mười đồng thì thôi xài hết cho rồi! Tôi nhớ khi Bệnh viện Từ Dũ bắt đầu cho khám ngoài giờ, má tôi nói với mấy đứa con tôi: “Má đi làm ngoài giờ, tụi bây nhớ đi theo để lãnh tiền mang về cho ngoại cất, đừng để má bây lãnh tiền!”. Thời năm 1979-1980 nghèo lắm, ăn còn không đủ nữa là. Có chút tiền tôi dẫn mấy đứa nhỏ đi ăn mì là hết.
____
Bác sĩ có thấy hướng những cá nhân làm từ thiện giống như muối bỏ biển?
Vâng. Tôi thấy mình cố hết sức mà làm cũng không được bao nhiêu. Chính phủ nên có cơ chế khuyến khích mọi người cùng làm từ thiện. Ở nhiều nước, nếu anh làm từ thiện được một đồng, chính phủ góp thêm đồng nữa. Những tổ chức làm từ thiện chuyên nghiệp họ dùng một phần nhỏ để nuôi bộ máy của họ, phần lớn dùng để cứu trợ. Hay cơ quan xí nghiệp làm từ thiện thì tiền làm từ thiện không bị đánh thuế. Giải pháp này từng được nêu ở Quốc hội nhưng Quốc hội nói sợ người dân lạm dụng để trốn thuế! Chính phủ cũng nên xét đến những công ty đầu tư vào ngành lợi nhuận rất cao như dầu khí. Yêu cầu công ty nước ngoài vào khai thác dầu ở nước mình bảo trợ cho trường học, bệnh viện… cũng là một biện pháp…
____
Từng làm phó Chủ tịch Quốc hội, sao bác sĩ không đi tiếp con đường chính trị?
Tôi phát biểu kỳ cục vậy, chắc không ai thích nghe. Mọi người hỏi tại sao tôi có thời gian làm được nhiều như vậy, tôi hay trả lời vui rằng đó là nhờ tôi không làm Quốc hội nữa. Đó là nói cho vui thôi, kỳ thực tôi nghĩ mình làm chuyên môn có lợi cho dân hơn. Làm chính trị có người làm tốt hơn tôi nhiều. Tôi muốn mặt mạnh của mình được sử dụng. Làm chuyên môn là hạnh phúc của tôi.
____
Vào nghề từ năm 1969, đến nay gần 40 năm công tác tại Từ Dũ, bác sĩ nhớ gì nhất trong thời gian ở trong ngành y?
Tôi nhớ hồi năm nhất Y khoa, đọc tiểu thuyết Thành Trì của Archibald Joseph Cronin, tôi có nguyện vọng sau này ra trường không ở thành phố mà có một chiếc xe khám bệnh lưu động, chăm sóc người dân ở nông thôn. Nhưng sau này, ngẫm lại cả đời mình, tôi thấy mình cũng đã đi khắp nơi làm việc cho người nghèo. Ước mơ thời mơ mộng lãng mạn của tôi cũng phần nào cũng được thực hiện. Cũng vui!
____
Xin cảm ơn bác sĩ vì cuộc gặp gỡ này.