Nhìn lại năm năm qua, ông Thiên cho rằng từ năm 2008, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã đi qua, để lại hậu quả nặng nề, dư chấn vẫn còn, thậm chí rất mạnh, song nhìn chung, kinh tế thế giới đã bước vào quỹ đạo phục hồi. Nhưng Việt Nam không nằm trong quỹ đạo đó. Hiện nay, nền kinh tế vẫn đang trong lộ trình “xuống đáy” mặc dù xu hướng ổn định hóa đã mở ra và đà sụt giảm tốc độ tăng trưởng có vẻ đã được chặn lại.
Về vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, ông Thiên đánh giá “vẫn chưa có hành động chiến lược”.
Cụ thể, nợ xấu và sở hữu chéo vẫn còn nguyên, các tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn ở tình trạng đề án tái cơ cấu trên giấy.
Trên cơ sở nhận định này, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đề nghị Quốc hội cần thảo luận cho rõ là nên hướng tới mục tiêu nào trong hai năm còn lại, dốc sức để đạt chỉ tiêu kế hoạch đã trở nên rất khó khả thi, hay là chuẩn bị cơ sở cho cuộc bứt phá sau năm 2015.
Bên cạnh một số giải pháp trước mắt và trung hạn, giải pháp chiến lược được ông đề xuất liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp 1992. Đó là quan điểm bình đẳng các thành phần kinh tế, không ghi thành phần kinh tế “chủ đạo” tại Hiến pháp. Bên cạnh đó là quan điểm đất đai nên chuyển sang đa sở hữu.
Cũng với cái nhìn toàn cảnh tại bản tham luận, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, những khó khăn của năm 2013 vẫn tiếp tục kéo dài và năm 2014 nền kinh tế vẫn chưa thể ra khỏi giai đoạn trì trệ.
Gia Minh tổng hợp