Ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank sẽ đảm nhiệm vai trò chủ tịch HĐQT từ 30/8, trong khi ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc được giao phụ trách Ban điều hành.
Tối 30/8, thông tin từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước tại công văn số 6172/NHNN-TCCB ngày 27/8/2021, Hội đồng quản trị Vietcombank đã bầu ông Phạm Quang Dũng, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank nhiệm kỳ 2018-2023 kể từ ngày 30/08/2021.
Ông Phạm Quang Dũng, sinh ngày 18/4/1973, có bằng Thạc sỹ tài chính ngân hàng tại Trường đại học Birmingham (Anh Quốc), kinh nghiệm 27 năm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Ông Dũng bắt đầu sự nghiệp tại Vietcombank từ tháng 8/1994, trải qua nhiều vị trí công tác tại phòng đầu tư và bảo lãnh; phòng quan hệ quốc tế; công ty cho thuê tài chính và giữ nhiều chức vụ quản lý quan trọng tại Vietcombank như: Phó giám đốc Công ty tài chính Việt Nam tại Hồng Kông (Trung Quốc); Trưởng phòng quan hệ ngân hàng đại lý; Phó tổng giám đốc; Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc.
Trước khi được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank, ông Phạm Quang Dũng là Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Vietcombank từ 11/2014 đến nay.
Cùng ngày, trên cơ sở chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, Hội đồng quản trị Vietcombank cũng đã thống nhất giao ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc phụ trách ban điều hành Vietcombank cho đến khi có nhân sự tổng giám đốc.
Về kết quả kinh doanh, lũy kế 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của Vietcombank đạt hơn 21.169 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 13.569 tỷ đồng, đều tăng trên 23% so với 6 tháng đầu năm 2020.
Tính đến cuối quý 2/2021, quy mô tài sản của Vietcombank đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, giảm nhẹ gần 2% so với thời điểm đầu năm. Cho vay khách hàng đạt hơn 921.948 tỷ đồng, huy động tiền gửi đạt hơn 1,05 triệu tỷ đồng, lần lượt tăng 9,8% và tăng gần 2%.
Nợ xấu của Vietcombank tại thời điểm cuối quý 2 là hơn 6.864 tỷ đồng, tăng 31% so với thời điểm đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu cũng tăng từ mức 0,62% (đầu năm) lên 0,75%, tuy nhiên so với toàn ngành vẫn là mức thấp.
Tuy vậy, Vietcombank lại có tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu cao nhất thị trường, lên tới 350%. Điều này đồng nghĩa với việc Vietcombank đang dành quỹ dự phòng cao gấp 4,5 lần so với số dư nợ xấu của ngân hàng.