Khả năng linh hoạt ứng phó với những thử thách khắc nghiệt và biết biến nguy cơ thành đòn bẩy sẽ giúp bạn trở thành phiên bản mạnh mẽ hơn của chính mình…
Trong quyển sách Sức bật tinh thần (tựa gốc là Bounce Back), tác giả Susan Kahn đã định nghĩa “sức bật tinh thần” chính là khả năng thích ứng và thay đổi, là tận dụng nghịch cảnh để mài giũa bản thân trở nên giỏi giang hơn, mạnh mẽ hơn và linh hoạt hơn. Chính tâm lý sợ thất bại và không lên kế hoạch cho thất bại khiến con người thất bại trong kế hoạch chinh phục thành công.
Để nhìn thử thách, khó khăn hay thất bại như một “món quà mở chậm”, bạn cần phải có thời gian và sự tập luyện. Hầu hết chúng ta đều chọn phản ứng vội vàng trước những biến cố ngoài ý muốn và để tinh thần trượt dốc, gãy đổ theo chuỗi sự kiện tiêu cực. Tác giả Susan Kahn chia sẻ quan điểm về những thói quen tâm lý giúp độc giả có sức bật tinh thần một cách tự nhiên mà không cần đến sự tích cực giả tạo, trấn an tạm thời.
Susan cho rằng khi đối diện với những nguy biến và cảm xúc khó chịu, hay giận dữ, chúng ta khoan vội phản ứng. Khoảng dừng này có sức mạnh rất lớn. Nó cho chúng ta thời gian thay đổi cách phản ứng và quan điểm – vốn là mấu chốt trong việc bạn có chiến thắng được nghịch cảnh hay không. Phản ứng ban đầu của chúng ta không phải lúc nào cũng là có lợi nhất. Ví dụ nếu bạn không được đề bạt thăng chức, bạn nghĩ mình thật ngu ngốc khi ứng cử. Giá như mình đừng ảo tưởng thì giờ có thể không bị chuốc lấy sự chế nhạo của đồng nghiệp… Đó là suy nghĩ không có sức bật tinh thần. Trong khi nếu bạn nghĩ đơn giản rằng mình cần cố gắng hơn thì mọi việc sẽ khác.
Sức bật tinh thần không đơn thuần là quyển sách hướng người đọc đến với cuộc sống thành công, mà còn chứa đựng kiến thức chuyên sâu về thần kinh học, phân tâm học và tâm lý học xoay quanh sự phản kháng của con người khi vấp ngã. Trong quyển sách này, Susan Kahn bàn về căn nguyên của nỗi sợ thất bại, bao gồm những yếu tố ẩn sâu trong tiềm thức đến mức ta không nhận thức được sự tồn tại của chúng. Những “điểm mù” này góp phần không nhỏ vào việc định hình phản ứng của bản thân ta với sự thất bại, mất mát và xung đột. Do đó, chỉ sau khi nhận ra những yếu tố ẩn sâu trong tiềm thức và biết cách xử lý chúng, chúng ta mới có thể vượt qua nỗi sợ thất bại và biến thử thách thành cơ hội.
Bên cạnh phần lý thuyết, Susan còn đưa ra các bài thực hành đánh thức nội lực và từng bước rèn luyện sức bật tinh thần để bạn luôn sẵn sàng trong mọi thử thách. Sức bật tinh thần không phải là một đặc tính thiên bẩm, mà là một khả năng tất cả chúng ta đều có thể sở hữu được nhờ vào quá trình tập luyện.
Những người từng bị đánh bại, từng đau khổ, từng tranh đấu, từng mất mát và đã tìm được đường ra khỏi vực sâu luôn là những cá nhân kiên cường nhất, có tố chất để thành công nhất. Họ có lòng cảm kích, sự nhạy cảm và thấu hiểu đối với cuộc đời đầy chông gai. Khi đi qua những thử thách khắc nghiệt, ngoài bản lĩnh và lòng can đảm, ta còn trở nên bao dung và yêu thương cuộc sống hơn.
Các tình huống đa dạng nơi công sở, thương trường, xã hội dân sinh và sự tương tác phức tạp trong thời đại số buộc mọi người phải không ngừng thích nghi để sinh tồn và phát triển. Chính vì vậy, sức bật tinh thần trở thành một khả năng không thể thiếu để thành công trong công việc, bất kể bạn là nhà lãnh đạo hay nhân viên. Tất cả chúng ta, dù thành công hay không, dù giàu có hay nghèo khổ, đều đang đối diện với những khó khăn khắc nghiệt của riêng mình. Thuyền to sóng lớn hay chỉ là hạt cát bị cuốn phăng trong sóng lớn thì chúng ta đều có thể chọn cho mình một thái độ khôn ngoan để băng qua những biến động vô thường của đời sống.
Với kiến thức uyên thâm trong lĩnh vực tâm lý học và lối diễn đạt súc tích, dễ hiểu, Susan Kahn đã góp phần thay đổi cuộc sống của vô số độc giả trên khắp thế giới, giúp họ trở nên hạnh phúc và thành công hơn thông qua tác phẩm của mình…
Tiến sĩ Susan Kahn là nhà tâm lý học kinh doanh: chuyên gia khai vấn, nhà diễn thuyết, người cố vấn và chuyên gia hoà giải. Bà vừa là một người học hỏi trọn đời, vừa là giám đốc chương trình Chứng chỉ Khai vấn sau đại học tại Birkbeck, Đại học Luân Đôn, chuyên giảng dạy phương pháp huấn luyện cho các nhà lãnh đạo. Susan là thành viên đầu tiên của Khoa Kinh doanh tại tổ chức The School of Life, nơi bà giảng dạy và khuyến khích trí thông minh cảm xúc nơi công sở.
Trước khi đạt được thành công ở tác phẩm Bounce Back, Susan Kahn đã nổi tiếng với quyển sách đầu tay Death and the City (Cái chết và Thành phố), đề cập đến cảm giác mất mát, buồn rầu và trầm uất tại nơi làm việc, đồng thời là bài nghiên cứu về hồi kết của các tổ chức trong cơn khủng hoảng tài chính. Nghiên cứu sử dụng công cụ quan sát theo phân tâm học này đã nhận được giải thưởng của Viện nghiên cứu Birkbeck.