Trở thành người lướt sóng, tôi nhìn thấy đại dương ở những chân trời khác.
Biển hẹp như một đĩa mồi
Mỗi khi mở mạng xã hội lên, tôi thường định nghĩa biển là nơi người đẹp vận bikini, những gia đình quây quần bên bàn đầy hải sản. Những con cua to lớn tròn mắt đỏ au. Con cá da bò nướng nguyên da còn cười nửa miệng. Đại dương thơm trong đĩa ốc hương xào tỏi hay vỉ mực trắng phau nướng hồng trên than đỏ. Sự vô tận của biển đồng nghĩa với sự giàu có mà con người có thể vục tay xuống rồi biến thành những tờ giấy bạc nhiều giá trị và những căn nhà vài tầng lầu sau vài năm đi bạn trở về.
Ở Nam Mỹ, biển miền Trung Chile lạnh buốt trong buổi sáng cá về. Những con thuyền chững lại giữa vồng sóng khổng lồ, đợi cần cẩu nâng lên khỏi đoạn đầu sóng gãy (đôi khi sóng có thể lật thuyền khi bất ngờ trở mình dữ dội). Trên cầu cảng, thây cá mập to bằng bắp chân người lớn hoặc bằng cả đứa trẻ nằm la liệt. Thân bị cắt đôi. Nửa phần vương vãi. Ngấn thịt màu xám và trắng xóa trong tiết trời lạnh. Bầy hải âu và bồ nông sà xuống, vẫy vùng vài đợt thây cá tan thành bọt biển.
Người miền Trung Chile gần như không thấy ích lợi gì từ thịt cá mập. Chúng vướng vào lưới trong chuyến đánh bắt đêm khuya. Cựa mình. Rách tươm. Vỡ đôi. Lưới cá rùng rục rời khỏi mặt nước khi ròng rọc điện bắt đầu chạy. Từng tấn cá chuyển vào container, cần xé, xe hơi, xe tải… Vài chục thây cá mập dần bị quăng xuống nước, bị quắp đi. Vô tri. Không ai màng.
Giữa nghĩa địa của sự sống phí hoài vô nghĩa, sự sinh tồn của đại dương bé lại. Nó không còn là những ngôi nhà vài tầng lầu, chuyến đi bạn sung túc đúng mùa gió lặng, không còn là tấn hải sản trắng phau lấp lánh bơi giữa làn đá lạnh buốt chuyển vào thùng xe đến nhà hàng trong thành phố. Đại dương chỉ là vài nhịp tim gãy đôi vì lưới cá bén nhọn cắt đôi chúng sinh vô tội (và cũng chẳng có ý nghĩa gì sau cuộc tàn sát ấy).
Hôm ấy, khi tôi bơi trên tấm ván ra ngoài mũi sóng, bầy cá nhỏ lấp lánh nửa xám nửa xanh biếc vòng qua tôi như một dải màu biết thở. Tôi thấy tay mình lạnh căm – lấm lem những máu và thân tàn ma dại của con cá mập tôi kịp nhìn vào ánh mắt bàng hoàng. Tôi dần thuyết phục bản thân tin rằng đại dương chứa những chiều không gian khác mình bị che mờ vì thế giới cách ngăn. Mình tầm phào và vô minh. Nhưng không vì thế mà biển tối giản thành vi cá mập nấu cháo và sự giàu có đếm bằng tờ giấy in hình số.
Ở West Java, mùa hè sóng đẹp như múi cơ bắp uyển chuyển săn chắc của một người thợ chài hong nắng suốt tuổi trẻ. Tôi lặn xuống một rặng đá nhỏ chìa ra khỏi đảo, để tâm trí lang thang theo một con cá miệng hồng thân bạc lướt qua. Chú dùng chiếc mỏ hô rỉa những neo cỏ biển xanh đậm lơ thơ bám vào đá. Vòng sinh sôi tiếp diễn ngay trong khoảnh khắc tôi có thể nhìn thấy được. Khi dùng hết sức mình đón một cơn sóng, đứng lên khỏi ván, bàng hoàng nhận ra bầy cá nhỏ xíu bơi theo chú cá hồng ban nãy cũng vẫy vùng bám lấy cơn sóng, đi cùng tấm ván trong cơn hưng phấn hào sảng của đợt sóng.
Người Indonesia có biển bên hiên nhà. Đêm cá về, cả làng ra đón. Những chiếc thuyền rồ ga, chạy thẳng lên mặt cát. Trên thuyền, lưới cá nặng chịch. Cũng hàng tấn cá đó tải đầy xe đông lạnh, những cần xé đầy liếm miệng chở ra chợ sáng. Nhưng ngay bên bờ biển, những con cá nào không bán, không ăn, người thợ chài thả xuống mặt cát. Bọn trẻ con nhặt từng con cá, ném về phía biển. Chiếc đuôi vẫy vùng bơi nhanh theo đợt sóng ập vào. Vẫn có thây ma vô phước mắc kẹt lại bên bờ biển. Theo sóng dần lạc mất.
Chỉ vài giờ sau, bãi biển yên lặng như chưa từng có cuộc mổ xẻ để sự giàu có nhân lên cho dân xứ đảo ngàn đời. Người Indo là cư dân phụ thuộc vào nguồn cá hàng đầu thế giới. Hầu hết thực phẩm, dinh dưỡng, sự sống họ có được đến từ nguồn cá biển ban tặng. Quốc gia hơn 17.000 hòn đảo khổng lồ này cũng là nơi sở hữu hệ sinh thái biển giàu và đa dạng lớn nhất thế giới. Mỗi chú cá mà tụi trẻ con thả về mép nước rồi sẽ lại trở thành đàn cá lớn cho buổi chợ đêm. Trên những hòn đảo lớn, khi chùm rác nhựa khổng lồ dạt vào ven biển, những người Indonesia tôi gặp thường nói: họ sợ cá sẽ mắc kẹt, sẽ chết, sẽ ngộp thở đớp nhầm mảng nhựa. Sợ cá không còn. Sợ bữa ăn đói dần như nước nhạt.
Tâm thế của người ở biển gắn với dòng chảy tạo sinh họ. Biển đối kháng như loài quái vật ngủ yên trên vùng vịnh sóng dữ Punta de Lobos. Yên lặng như bờ cõi tạo thành Panama City xanh biếc phía trong bãi bùn nước lợ phơi mình giữa hai bên dòng biển. Xanh đẫm màu trời và quảng đại như đại dương Indonesia. Nhưng rồi, trên những chuyến đi dài, tôi gặp biển của người Mexico. Từ California (Mỹ), đi thẳng xuống miền nam tới mũi đất Baja California (Mexico), những khối đất khổng lồ chắn trước biển như mảng màu mạnh tay của đấng sáng tạo táo tợn và quảng đại.
Biển trong cuộc rời đi
Từ Punta de Mita, những buổi chiều trên mặt sóng, tôi được gặp chú rùa màu xanh lá với những khoang vàng chuyển sang nâu. Chú lững thững đi qua từng tầng nước, gặm cỏ biển, rong rêu, trồi lặn chậm chạp đón hơi mặt trời vuốt qua làn nước. Vài ngày sau, bên cạnh chú là người bạn khác, một bạn rùa mai nâu đậm khối dày như chiếc tàu ngầm lừng lững đi tuần quanh vịnh. Có hôm khi ngã xuống khỏi cơn sóng, chú bơi ngay cạnh bên, gần như có thể chạm tay vào.
Rồi khi dòng nước chuyển mình, những bầy cá lớn bạo dạn tiến lại thật gần bờ nước. Ngư dân trong làng chăng lưới cá khắp bề mặt nước. Một lần tôi thả ván lặn xuống sâu, lưới cá giăng mắc như mê cung, sắc lẻm đe dọa, quấn quýt thành tầng tầng lớp lớp đến tận ngoài xa tầm người không bơi tới. “Liệu chú rùa có biết lách qua lưới không?”
Câu trả lời đến trong buổi chiều âu lo đó. Tôi đang bơi gần bãi đá ngầm và đoạn cuối của lưới cá. Thình lình, ngay lúc đó một cậu trai người địa phương nhảy khỏi ván, lặn ngụp gần lưới nhiều lần, như vật lộn với thứ gì đầy lực cản bên dưới. Cậu trồi lên hớp một ngụm nước, rồi lặn xuống, rồi trồi lên, vài lần như vậy. Khi chúng tôi tưởng cậu đuối nước cần cứu giúp, nhiều người bơi lại gần.
Lúc đó, cậu túm một đoạn lưới rồi trồi lên. “Con rùa”, “Con rùa”, cậu vuốt bộ mặt đầy nước. Hóa ra, chú rùa mắc một chân vào lưới, quẫy đạp. Phải gỡ lưới ra nhưng không thể xé rách (lưới là tài sản của người làng), cậu bèn lặn xuống, nhìn cách mắt lưới quàng quấn chân rùa, rồi bơi vài vòng, vật lộn với chú rùa đang hoảng loạn, tìm đủ cách nới lỏng dần đoạn lưới bám vào chân, cho đến khi chú rùa có thể thoát được bơi đi.
Tai nạn qua đi, tôi thấy bóng rùa lướt qua đáy nước, rồi hòa tan vào màu của ánh sáng. Biến mất. Rồi dòng biển cũng trở mình, cá không còn vào sát bờ nữa. Mấy tấm lưới được tháo bỏ, trả lại sự tự do cho biển. Thỉnh thoảng buổi trưa hè thả mình nổi trên mặt nước, tôi cố gắng nhớ lại hai tấm mai vòng như chiếc tàu lùi lũi quét qua từng thớ đá, góc rong rêu. Chú rùa không trở lại bãi biển.
Biển Punta de Mita kỳ diệu như trong câu chuyện đầy phép thuật ma mị khiến người đi trong dãy phố và tưởng nhớ về ngày sống tươi đẹp mà mình chưa được diện kiến cho đến khi hóa thành chiếc hộp sọ cười nhởn nhơ trong Lễ hội Người chết hân hoan. Tôi bơi qua những mùa lấp lóa, thỏa mãn chơi bên ngàn con sóng, nhưng không sao rũ bỏ được sự nhớ thương ngấm ngầm sinh vật lạ kỳ vẫn thường rong chơi cạnh mình suốt bao tháng ngày, giờ biến mất sau một lần dính vào lưới cá, với cực cùng hoảng sợ trong cuộc lưu vong qua miền biển cả.
Một lần nọ, trong giấc mơ, tôi thấy biển bỏ con người đi – không phải khối thể nước vô tận kia – mà những cư dân tạo thành linh hồn của biển, chối từ sống bên cạnh để đối mặt với mưu chước không khoan nhượng của loài người. Cơn đói trở nên rất thật – là con cua giương mắt nhìn trong nồi hấp nồng nhiệt, là món thịt rùa chưng cả thây mai lên bàn tiệc, là lời ngoa ngôn trên truyền hình Nhật Bản ngợi ca nghề giết cá voi. Sự thịnh vượng dát đầy thành quách có ám mùi của biển trong cơn bốc mùi hoại tử.
Tôi thình lình thấy biển nuốt chửng mình – trong sự cô đơn của loài lây lan như dịch bệnh.