Dưới triều nhà Nguyễn, việc triều đình nhiều lần cử quan chức đi sứ kết hợp trong các dịp Hội chợ Đấu xảo để đưa hàng hóa trong nước sang tham gia Đấu xảo tại Pháp có thể coi là những dấu mốc quan trọng của ngành ngoại thương Đại Nam bấy giờ.
Lần đầu tiên là vào năm 1877 (Tự Đức thứ 31), Pháp tổ chức cuộc triển lãm Đấu xảo tại Paris. Trước đó, họ đã gửi thư cho triều đình đề nghị Đại Nam gửi hàng hóa tham gia. Vốn sẵn tâm lý e ngại phương Tây nhưng sợ làm phật lòng người Pháp, vả lại lúc đó, Pháp đã chiếm được 6 tỉnh Nam kỳ, triều đình nhà Nguyễn trong tình thế bất đắc dĩ, lại muốn tìm cách hòa hiếu để chuộc đất, vì vậy vua Tự Đức đã cử một phái đoàn sang dự.
Thực chất ý đồ chuyến đi đó không chỉ là đem hàng hóa đi thi thố, mà còn nhằm mục đích thăm dò tình hình phương Tây và xem xét thiết lập sứ quán ta tại Pháp. Đoàn sứ bộ gồm 30 người do Quang lộc tự khanh kiêm Lãnh sự tỉnh Gia Định Nguyễn Thành Ý (1820-1897) dẫn đầu; cùng các viên Tả Tham tri lãnh hàm Thượng thư Bộ Lại Nguyễn Tăng Doãn, Tham biện kiêm Thông ngôn Nguyễn Hữu Cư… khởi hành từ tháng 10 năm 1876 đến tháng 11 năm 1877 thì trở về.
- Xem thêm: Vua Gia Long và vùng đất Gia Định
Về chuyến đi này, sách Đại Nam thực lục chép:
“Đinh Sửu, Tự Đức năm 30 (1877): sai Khâm phái kiêm Lãnh sự tỉnh Gia Định là Nguyễn Thành Ý cùng với bọn Tham biện Vũ Văn Phú đem các hàng hóa thổ ngơi đưa sang Pháp Đấu xảo… Trước đó nước Pháp bàn với quan Viện Cơ Mật nói: “Nước ấy hai năm sau sẽ đặt trường đấu xảo ở thành Ba Lê, các nước đều đem sản vật địa phương đến đấu xảo, những vật hạng của nước ta sản xuất ra (như các thứ ngà voi, sừng tê, xà cừ, đồi mồi, đồng đỏ lẫn vàng bạc), thợ chế tạo ta cũng rất tinh xảo, phái đem đi thi chọi, há không được tiếng giỏi, huống chi sau khi đấu xảo đem bán, có thể được giá tốt. Quan ở viện cho là việc đi ấy có thể rộng lượng được mắt thấy tai nghe, cũng có bổ ích, tâu xin chuẩn cho đem những vật hạng hiện để trong phủ Nội vụ (như các loại ghế dựa, hòm tủ khảm xà cừ) phát giao 2 tỉnh Hà Nội, Nam Định theo kiểu mẫu chế sẵn, làm song cất đi. Đến nay phái đi, nhưng sai viết thư báo cho tướng nước Pháp để cùng Thành Ý bàn cho ổn, đợi cùng với sứ bộ sang tặng đồ đáp lễ cùng đi”[1].
Qua đó, ta thấy hàng hóa mà Đại Nam tham gia gồm giường, tủ, rương, hòm, bàn ghế gỗ có khảm xà cừ; lược, gương, quạt, khung tranh làm từ ngà voi, sừng tê, đồi mồi; các loại hộp trầu, khay đựng, tráp bọc bạc hoặc khảm xà cừ; các loại nón, võng đay, lụa… Đó là những mặt hàng thủ công rất đa dạng của nước ta.
Theo sự trình báo của đoàn sau khi trở về thì khu triển lãm của ta không rộng, hàng dự Đấu xảo cũng không nhiều, nhưng đều là những thứ trang nhã, tốt đẹp, lại bày đặt khá chỉnh tề dễ coi. Người các nước phương Tây đều thích xem, không chỉ nhiều người ái mộ mà ngay cả Tổng thống Pháp và các Bộ trưởng cùng Khâm phái của các nước cũng đều khen. Bộ trưởng Thủy lợi Pháp nói rằng: “Người phương Tây thích xem các vật lạ, hàng hóa của Đại Nam đều là những thứ khéo léo, tinh xảo vì thế người phương Tây rất thích xem”. Bộ trưởng Nông nghiệp, Thương nghiệp đều nói: “Đại Nam lần đầu tiên tham dự đấu xảo nhưng hàng hóa rất đẹp và nhiều”[2].
Kết thúc cuộc đấu xảo, hàng hoá của Đại Nam nhận được 4 phần thưởng. Mặc dù chuyến đi với nhiều mục đích, nhưng dưới góc độ thương mại có thể nói là khá thành công, hàng hoá hầu như được bán hết và thu về một số tiền lớn.
Sau khi người Pháp chiếm toàn bộ Việt Nam, họ vẫn thường tổ chức nhiều cuộc Đấu xảo thuộc địa nữa và cũng nhiều lần mời Đại Nam sang dự. Tiêu biểu là ở các năm:
Năm 1886, Pháp tổ chức Đấu xảo tại Hà Nội, sau đó phía Pháp đã thông báo mời Đại Nam tham dự cuộc Đấu xảo lần tới tổ chức năm 1889 tại Pháp; đây cũng là dịp khánh thành tháp Eiffel và kỷ niệm 100 năm Cách mạng Pháp. Đầu năm 1889, vua Đồng Khánh mất, vua Thành Thái mới kế vị, mặc dù tình hình chính trị trong nước lúc này gặp rối ren, nhưng triều đình vẫn cử người đưa hàng hóa sang tham dự. Sách Đại Nam thực lục chép:
“Tháng tư năm kỷ sửu 1889… Sai sứ thông hiếu với nước Đại Pháp. Lấy Quỳnh Quốc công Miên Triệu sung Chánh sứ, Thượng thư Bộ Lễ Vũ Văn Báo làm Phó sứ, Thị lang bộ Lễ Nguyễn Trừng làm bồ sứ, cùng Tham tá Nguyễn Toại, Thông dịch Nguyễn Hữu Mẫn… đem quốc thư. Nay đúng dịp mở hội Đấu xảo, đã đem việc cử sứ giả báo với quý Toàn quyền Rheinart…”[3].
Về cuộc Đấu xảo này, học giả Trương Vĩnh Ký (1837-1898) đã mô tả gian hàng Việt Nam trong một tác phẩm thơ song thất lục bát có tên Chư quấc thại hội (Exposition Universelle de 1889) đăng trên Gia Định Báo nhiều kỳ năm 1890, trong đó có đoạn:
“…Đi ra thẳng đằng sau rạp hát,
Ba dãy nhà chứa các thợ ta.
Thấy dùng tre lá cất nhà,
Thợ nào nghề ấy bày ra đó là.
Đức ông thấy ta đam đến đó,
Gần tới nơi thì họ kêu nhau.
Sắp hàng ra đứng cúi đầu,
Hở han vui hỏi, kính chào mừng thưa…”
Tiếp đến, tháng 5 năm 1894, Pháp tổ chức Đấu xảo ở thành phố Lyon, lần này Nguyễn Trọng Hợp được cử làm Chánh sứ cùng đoàn sứ bộ và đại diện 2 nghiệp hộ sản xuất ở Quảng Nam đem hàng hoá đi dự. Sách Thực lục chép:
“Giáp Ngọ (1894): Sai sứ qua nước Đại Pháp… Nay sai quan mang lễ vật thông hiếu, bàn lấy Phụ chánh đại thần Nguyễn Trọng Hợp tuân hành để đôn đốc tình hiếu mà long trọng sự thể…”[4].
Năm 1900, Hội chợ Đấu xảo lại tổ chức ở Paris, lần này triều đình cử Vũ Quang Nhạ, Tổng đốc Bắc Ninh làm Chánh sứ; Trần Đình Lượng, Tuần phủ Bắc Giang làm Phó sứ, Hoàng Trọng Phu làm thông dịch sang tham dự. Sang Pháp, phái đoàn được chính phủ Pháp đón tiếp rất trọng thị. Chánh sứ Vũ Quang Nhạ đã viết trong Nhật ký hành trình về lần hội chợ này như sau:
“Nhìn chung, về kỹ nghệ, kỹ xảo của các nước phương Tây có cái gì na ná giống nhau, nhưng đứng đầu phải nói đến nước Pháp, thứ nhì mới đến Anh, thứ ba đến Áo, rồi mới đến Nga, Phổ, Ý, Y Pha Nho, Thổ Nhĩ Kỳ. Phương Đông thì Nhật Bản đứng đầu, kế đến là các thuộc địa của Pháp như Cao Miên, Xiêm La, Miến Điện, trong đó nước Nam ta là nước đứng đầu, đặc sắc nhất với nghề thêu ren, khảm xà cừ, thợ khéo của ta ở các vùng Nam kỳ, Tây Cống là không đâu bì kịp…”[5].
Đến năm 1906, Pháp tổ chức Hội chợ ở Marseille (Exposition coloniale de Marseille), Nguyễn Văn Vĩnh cùng với viên Đốc lý người Pháp lúc đó ở Hà Nội là Hauser được cử mang hàng hóa sang Pháp để tổ chức gian hàng Bắc kỳ tại hội chợ.
Năm 1922, Đại Nam tham dự hội chợ đấu xảo Marseille, lần này có vua Khải Định đích thân sang cùng. Các tài liệu không cho thấy lần này nước ta gởi hàng hóa gì tham gia. Sách Đại Nam thực lục chép:
“Sai phái bộ qua Tây dự hội Đấu xảo ở thành Marseille (sung phái bộ là Phủ doãn Thừa Thiên Vương Tứ Đại, cùng Hành tẩu Cơ Mật Viện Cao Xuân Xoang, thông phán tỉnh Quảng Bình Nguyễn Đạo Tế, chuyến đi này phụng chuẩn hỏi han các điều kiện tổ chức kinh tế tài chánh, thương mại, nghề nghiệp ở phương Tây, phàm điều gì bổ ích cho thực tế nước ta phải ghi chép lại đề về dâng lên ngự lãm”[6].
Cũng trong dịp đấu xảo này, một số học giả như Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Văn Vĩnh cũng đến tham dự. Phạm Quỳnh đã ghi lại trong một bài du ký của mình:
“Những nhà tổ chức cuộc Đấu xảo đặt ra một dãy phố An Nam ở giữa thành Marseille này, kể cũng là khéo nghĩ thật. Vừa vui vừa lạ con mắt cho người đi xem, mà lại vừa bày tỏ được cái xảo nghệ mĩ thuật của nước chúng tôi. Bọn chúng tôi sang đến đây, ở giữa cái thành phố Marseille to lớn này, bỡ ngỡ như người xa lạ, nhưng đến khi bước vào khu Bắc Kỳ này, thời phảng phất như có cái cảnh sắc chốn quê hương…”[7].
Qua những lần tham gia Hội chợ như thế, nhất là chuyến tham dự lần đầu năm 1877 tại Paris, có thể nói rằng đây không chỉ là bước khởi đầu quan trọng đối với thương mại nước ta thời kỳ Đại Nam gặp nhiều khó khăn do sự xâm lăng của thực dân, mà đó còn là những sự kiện đặc biệt, có ý nghĩa lịch sử: lần đầu tiên hàng hóa trong nước tham dự một hội chợ thương mại quốc tế lớn và được các nước đón nhận, đánh giá cao.