Tôi không mong đợi một thứ như là COVID-19, nhưng tôi vẫn nghĩ phải có một cái gì đó làm cho con người tỉnh ngộ và nhận ra con đường họ đang theo đuổi, cách họ đang hành xử với thế giới này…
Ngót một thế kỷ trở lại đây, thế giới tưởng mình đang lao vun vút về phía trước nhưng thực ra đang chìm vào một cơn mộng du dằng dặc. Một cơn mộng du mà tất cả đều ngỡ mình đang thức, đang đầy khôn ngoan, đầy mưu lược và thỏa mãn với những gì mình đã làm. Các quốc gia hùng mạnh về kinh tế và vũ khí đang mở tiệc chúc mừng sức mạnh của mình và mang một giấc mơ điên rồ và tồi tệ nhất là sẽ thống trị toàn nhân loại. Mọi cảnh báo của những người chân chính, của các trí thức, của các nhà văn, nhà báo… thậm chí của những nhà tiên tri hình như không mảy may gợi cho họ một điều gì. Và vào một ngày, bản thông báo đặc biệt không chính thức từ Vũ Hán được phát đi và làm cho cái thế giới đang ngạo mạn và vô cảm trở nên hoảng loạn.
Khi những tin tức về COVID-19 bắt đầu được chính thức công bố từ Trung Quốc, một người bạn Mỹ của tôi, GS-TS. Trần Vũ Ben đã nhận được lệnh từ trường đại học của mình gọi trở về Mỹ ngay lập tức. Nước Mỹ bắt đầu kêu gọi công dân đang làm việc ở châu Á, đặc biệt là Việt Nam vì gần biên giới Trung Quốc nhất, phải trở về để bảo vệ an toàn cho tính mạng họ. Họ tin chắc rằng chỉ có một quốc gia hùng mạnh như vậy mới có thể chống chọi lại thứ virus sinh ra từ những nước châu Á đầy nghèo đói và sống ít kỷ luật. Nhưng họ đã thất bại. Họ gục ngã bởi chính sự kiêu ngạo của mình.
Tôi nói vậy không phải để chỉ trích nước Mỹ mà chỉ chọn nước Mỹ như một ví dụ điển hình nhất cho thế giới. Giáo sư, nhà thơ danh tiếng Mỹ Bruce Weigl viết thư cho tôi mấy tuần trước. Lá thư như một tiếng kêu đau đớn, sợ hãi và bừng tỉnh trước số phận của con người trước một thứ virus mắt thường không nhìn thấy được. Ông nói với tôi có lẽ đây là lần đầu tiên ông nhìn thấy cái gọi là sức mạnh của con người trở nên yếu đuối đến thảm thương và bi hài ngoài sức tưởng tượng.
Trong những ngày thành phố Hà Nội thực hiện chiến dịch giãn cách, tôi hình như nghe thấy những con virus COVID-19 bàn luận với nhau về việc sắp xếp lại thế gian này. Con người đã đi tới sự tồi tệ hơn bao giờ hết: chiến tranh, độc tài, tranh cướp lãnh thổ, tranh cướp thị trường, rửa tiền, tham nhũng, tàn phá thiên nhiên, coi thường văn hóa, vô cảm… Tôi không mong đợi một thứ như là COVID-19, nhưng tôi vẫn nghĩ phải có một cái gì đó làm cho con người tỉnh ngộ và nhận ra con đường họ đang theo đuổi, cách họ đang hành xử với thế giới này thật láo xược và sai lầm.
Và COVID-19 đã làm được điều đó cho dù đó là thứ do chính con người làm ra hay đó chỉ là cách mà Thượng đế trừng phạt con người mà thôi. Tất cả các thành phố trên thế gian này mỗi ngày như rực rỡ hơn bởi ánh sáng điện tử nhưng tâm hồn con người thực sự mỗi ngày một chìm vào bóng tối. Bạn hãy ngồi xuống trong một đêm cuối cùng của năm cũ và tự hỏi: một năm qua bạn đã gặp những niềm vui gì và đã làm gì để có những niềm vui thực sự ngoài những cơn chấn động tâm lý bởi những quyền lợi vật chất mà bạn có được? Lúc đó, bạn sẽ thấy bạn đang trôi về phía những đầm lầy của thói hưởng thụ và sự vô cảm.
Trong tất cả những gì tôi theo dõi thế giới trong cơn đại dịch thì những cuộc hồi hương ám ảnh tôi nhiều nhất. Một nhà thơ người Hồi giáo viết thư cho tôi nói ông cùng gia đình đang tìm cách trở về cố hương sau bao năm xa cách, bởi ông nghĩ thế giới có thể sắp kết thúc. Và những chuyến bay hồi hương của người Việt trong cơn khốn cùng của thế giới vừa làm tôi đau đớn, vừa làm tôi xúc động. Hầu hết chúng ta đều nghĩ họ trở về Việt Nam bởi đó thực sự là một trong rất ít quốc gia an toàn nhất, nhưng trong sâu thẳm, không ít người Việt tìm cách trở về bởi nếu chết thì họ muốn được chết trong ngôi nhà của tổ tiên, cha mẹ mình.
- Xem thêm: Gieo hy vọng
Thế giới đầu tiên nhìn Việt Nam trong đại dịch COVID-19 với con mắt nghi ngờ. Họ không tin một đất nước còn rất khó khăn trong kinh tế lại có thể chống được COVID-19. Họ kiểm tra số liệu Việt Nam báo cáo, cuối cùng họ đã tin Việt Nam làm được điều khó hình dung ấy. Sự đánh mất lòng tin của một người vào một người khác và của một quốc gia vào một quốc gia khác đang ngày càng trở lên trầm trọng. Bởi thế, những cuộc hành hương của người Việt Nam trở về ngôi nhà của mình, trở về xứ sở của mình làm tôi ngập tràn xúc động. Đã có lúc, không chỉ mình tôi mà rất nhiều người gần như đánh mất lòng tin vào những phẩm chất đẹp của con người Việt Nam. Thi thoảng, những câu hỏi buồn bã lại vang lên trong tôi như một sự tra vấn mà tôi là một bị cáo: Tại sao các người lại sống vô cảm với nhau như vậy? Tại sao các người lại tham lam đến như vậy? Tại sao các người lại bất công với nhau như vậy? Tại sao các người lại tàn phá thiên nhiên như vậy? Tại sao các người lại bước qua những giá trị văn hóa dửng dưng như vậy? Các người có nhận ra các người đang đi về đâu không?
Thế nhưng, cho dù thế nào tôi cũng phải kêu lên rằng: những giá trị nhân văn đã được hồi sức trong chính những tháng ngày đầy đe dọa của bệnh dịch. Và một câu hỏi được đặt ra: Vì sao nhiều vẻ đẹp nhân văn vẫn trú ngụ trong mỗi con người chúng ta lại không hiển lộ trong những tháng năm trước đó? Tại sao phải đến lúc chúng ta bị dồn vào chân tường của số phận thì những vẻ đẹp ấy mới bắt đầu hé lộ? Nghĩa là, chúng ta có lỗi khi đã vô tình vùi lấp những vẻ đẹp lẽ ra phải được hiển hiện ngày ngày như chính hơi thở của chúng ta. Chúng ta không thể chờ đợi khi những bi kịch khủng khiếp đổ xuống đầu chúng ta thì lòng ân hận và sự sám hối mới được đánh thức.
Có những con người vô danh, bình lặng như không tồn tại trên thế gian này. Nhưng khi những cơn gió đen COVID-19 tràn đến thì những con người ấy đã làm tất cả để chia sẻ với những số phận khác. Khi Chính phủ Việt Nam miễn phí cho những người nằm trong diện cách ly từ nước ngoài trở về tổ quốc, có những người đã phản đối. Những người phản đối này mới chỉ nhìn thấy giá trị vật chất mà không nhìn thấy giá trị tinh thần vô hạn của hành động đó. Việc miễn phí cho những người trong khu cách ly có thể làm ngân sách quốc gia thâm hụt một chút nào đó, nhưng nó lại làm đầy ngân sách của lòng tin.
Chúng ta không thể chờ đợi khi những bi kịch khủng khiếp đổ xuống đầu chúng ta thì lòng ân hận và sự sám hối mới được đánh thức.
Nhìn cảnh những nước châu Âu trong đêm đón chào Giáng sinh, đón năm mới thật tan hoang. Nhà thơ Mỹ Bruce Weigl viết thư cho tôi trong đêm Giáng sinh: “Nếu bây giờ tôi bước ra khỏi nhà, tôi sẽ nhiễm virus COVID-19 và tôi sẽ chết. Tôi không sợ chết, nhưng tôi không thể chết một cái chết như vậy”. Ông đã viết thư hỏi tôi nhiều lần cái gì đã làm cho Việt Nam chiến thắng COVID-19. Tôi nói với ông nhiều điều nhưng nhấn mạnh một điều: khi chính quyền và người dân cùng chung một mục đích thì sẽ tạo ra một bức tường thành kiên cố có thể đi qua mọi thách thức. Đã rất lâu rồi kể từ khi chiến tranh kết thúc, sự gắn kết thực sự và ngập tràn cảm xúc của những người lãnh đạo đất nước và những người dân lại được xác lập và ngay lập tức minh chứng cho con đường đi lên của một quốc gia. Và lúc này, những vẻ đẹp trong sâu thẳm lòng người thức dậy. Cái đẹp không chết mà nó chỉ bị vùi lấp bởi con người. Nhưng cái đẹp là kẻ kiên nhẫn nhất trên thế gian này. Nó kiên nhẫn hết thế hệ người này đến thế hệ khác để đợi một ngày thức dậy.
- Xem thêm: Tuyệt vọng và hy vọng
Trận lũ lụt lớn ở miền Trung năm 2020 như là một “phụ bản” của cơn “đại hồng thủy Covid”. Nó dội xuống mảnh đất này với một thông điệp trực tiếp chung cho toàn thế giới: nếu các người tiếp tục tàn phá thiên nhiên, các người sẽ phải gánh chịu tai họa từ chính thiên nhiên. Nhưng trong tai họa lại hiện ra một sự thật ngỡ ngàng – sự thật về những tấm lòng nhân ái. Biết bao người đã đến với miền Trung và chìa bàn tay chia sẻ chân thành và xúc động. Trong đó có cả những người mà ngày thường với công việc, thời trang, ngôn ngữ của họ có thể gây ra những suy nghĩ khác về nhân cách. Nhưng khi họ bước về phía những con người đang phải gánh chịu khó khăn, mất mát, bất hạnh thì họ chợt bừng lên như ngọn lửa ấm trong một đêm giá lạnh. Họ là lý do để con người hy vọng vào những vẻ đẹp nhân tính ẩn giấu trong đời thường chứ không phải trong một danh xưng và những xảo ngôn về sự hy sinh.
Năm 2020 là một năm vô cùng đặc biệt và đầy bất trắc. Đó là một năm thay đổi thế giới. Nó làm hiện ra những giá trị đích thực của đời sống nhân loại và cũng xóa đi nhiều giá trị hão huyền. Nhưng có một dân tộc đã đi qua được những thách thức kinh hoàng đó: Việt Nam. Những ai còn nghi ngờ điều tôi nói hãy quay lại một lần để nhìn năm 2020 và hãy công bằng với những gì người Việt Nam đã làm được. Họ thực sự là một ví dụ cho cặp từ “Hy vọng”.