Chính sách bắt buộc đeo khẩu trang đã góp phần bảo vệ vô số mạng người khỏi mầm bệnh truyền nhiễm ngang tàng nhất trăm năm qua. Nhưng số lượng bùng nổ của khẩu trang y tế dùng một lần đi liền với một thảm họa chết chóc. Nó đang “mai phục” thiên nhiên hoang dã và loài người, và có thể đeo bám ta lâu hơn rất nhiều so với chính đại dịch.
Một đời “cống hiến” chỉ kéo dài trong phút chốc, những “tường thành bảo vệ siêu mỏng” này có thể mất hơn 400 năm để phân hủy và biến mất khỏi nhân gian! Bị nhiễm khuẩn, không thể tái sử dụng, rất khó để tái chế, số lượng tăng theo từng giờ, khẩu trang y tế chẳng khác gì một loài “virus” đang đe dọa sức khỏe của hành tinh.
Trái ngược với biệt danh “khẩu trang giấy”, khẩu trang y tế dùng một lần thực chất bao gồm 3 lớp hoàn toàn bằng nhựa. Hai lớp ngoài cùng làm bằng sợi nhựa không dệt, tương tự trong các sản phẩm khăn ướt và tã. Lớp giữa là bộ lọc polymer, thường là nhựa PP (polypropylene) vốn mất nhiều thời gian để phân rã trong môi trường. Hầu hết khẩu trang sử dụng vật liệu tổng hợp, rất khó tách rời, nên không thích hợp để tái chế. Còn lại là dây đeo bằng bông và miếng kim loại (ở vị trí sống mũi) vốn cũng “sống dai” và tai hại với động vật không kém.
Khẩu trang cũ đi về đâu?
“Nếu bạn dạo quanh bất kỳ con phố nào hiện nay, bạn sẽ thấy khẩu trang y tế bị gió cuốn đi cùng với lá cây trong rãnh thoát nước ven đường; chúng là một kiểu ‘tàn thuốc lá’ mới, bị vứt lung tung sau khi sử dụng” – Charlotte Green, đại diện Công ty chất thải TradeWaste.co.uk (Anh), phàn nàn trên The Guardian. Hơn 53 triệu khẩu trang được chuyển đến bãi rác mỗi ngày tại Anh, nhưng theo Green, số “lạc trôi” ở những nơi khác mới là điều đáng sợ.
Với thiên nhiên hoang dã còn đau lòng hơn. Tháng 7-2020, một con hải âu ở thành phố Chelmsford (Anh) được giải cứu sau một tuần bị trói bởi dây đeo của một chiếc khẩu trang y tế, khiến hai chân sưng tấy và đau đớn. Đầu năm nay, báo chí Đông Tây đồng loạt đưa tin về những con khỉ ngây thơ nhai những chiếc khẩu trang y tế bị vứt lại trên các ngọn đồi ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia.
Sự dày đặc của rác khẩu trang có thể bao trùm mọi bề mặt và bóp ngạt các hệ sinh thái. Một số loài động vật không thể phân biệt được đâu là đồ nhựa và đâu là con mồi, hậu quả là bị mắc nghẹn bởi những mảnh rác. Ngay cả khi chúng nuốt trôi, động vật vẫn có nguy cơ bị suy dinh dưỡng do dạ dày bị lấp đầy bởi những vật chất vô bổ. Những con vật nhỏ hơn lại có thể bị vướng vào dây thun của khẩu trang, và không gì đảm bảo đó là “cạm bẫy” duy nhất.
Trong nhiều năm nữa, những miếng nhựa sẽ phân hủy thành vi nhựa, và sau đó là vô số hạt nano. Các hạt và sợi siêu nhỏ này tồn tại lâu năm và tích tụ trong chuỗi thức ăn. Một chiếc khẩu trang nhỏ bé có thể phân thành hàng triệu hạt và sợi, tiềm ẩn những loại hóa chất và vi khuẩn có hại cho sinh vật ăn phải chúng, và ở cuối chuỗi thức ăn là loài người.
Nên làm gì?
Sanen Ferlani làm việc trong một kho rác ở Đông Jakarta (Indonesia), loại bỏ những chiếc khẩu trang đã qua sử dụng khỏi rác thải sinh hoạt để chúng không bị chôn vùi trong bãi rác. Kế đến, đống khẩu trang được khử trùng trước khi được gửi cho bên thứ ba. Đây cũng là yêu cầu của Cơ quan môi trường Jakarta (JEA). Dù Tổ chức Y tế thế giới cho biết “không có bằng chứng nào cho thấy việc lây nhiễm COVID-19 có thể xảy ra từ chất thải y tế sang người xử lý chất thải”, những người thu gom rác như Ferlani vẫn thấy lo sợ.
JEA khuyến khích người dân phân loại rác thải y tế nói chung và khẩu trang nói riêng, không để lẫn vào rác sinh hoạt. Số rác này phải được xịt khử trùng và bỏ vào túi riêng trước khi chuyển cho đơn vị thu gom. Chính quyền Hồ Bắc (Trung Quốc) cũng vận động người dân làm tương tự.
Còn tại Vương quốc Anh – nơi 58,8 triệu khẩu trang được sử dụng hằng ngày nhưng có tới 90% bị thải bỏ, chính phủ khuyến cáo người dân nên đợi ít nhất 72 giờ trước khi vứt khẩu trang. Ở Đức, người dân phải bỏ khẩu trang vào thùng rác màu đen – phân loại dành cho rác thải không thể tái chế. Thủ đô Bangkok (Thái Lan) thì đặt thùng rác màu cam cho khẩu trang đã qua sử dụng ở những nơi dễ thấy, để đề phòng trường hợp… ăn cắp khẩu trang cũ. Sau đó, tất cả chúng sẽ bị thiêu hủy trong lò đốt.
Theo báo Straits Times, giới chuyên gia ước tính mỗi tháng cả thế giới sử dụng và thải bỏ 129 tỉ khẩu trang và 65 tỉ găng tay y tế. Với mỗi chiếc khẩu trang nặng khoảng 3,5g, con số trên tương đương 451.500 tấn, và khi đặt cạnh nhau, chúng bao phủ một diện tích rộng gấp ba lần đất nước Singapore. Còn theo trang tin tức của Liên Hiệp Quốc, dự kiến 75% số khẩu trang đã qua sử dụng, cũng như các chất thải khác liên quan đến đại dịch, sẽ kết thúc vòng đời tại các bãi chôn lấp hoặc trôi nổi trên biển. Còn theo Tổ chức môi trường OceansAsia, hơn 1,5 tỉ khẩu trang đã trôi ra biển, tạo nên những tác động ghê gớm với các đại dương – vùng nhạy cảm của hành tinh.
Giải pháp lâu dài
So với số lượng khẩu trang bị vứt bỏ mỗi phút trên toàn thế giới, những gì ta thu gom được có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Ngay cả khi chúng ta có thể thu gom tất cả, khó mà có đủ lò đốt ở mọi khu vực. Trên hết, khi ta đốt khẩu trang và rác thải khác, khí thải nhà kính cũng được sinh ra. Vì vậy, giới khoa học và khởi nghiệp đang theo đuổi những ý tưởng bền vững hơn.
Ở Pháp, công ty khởi nghiệp Plaxtil đã phát triển một quy trình biến sợi thành “nhựa sinh thái” – theo cách gọi của họ. Khẩu trang cũ sẽ đi qua tia UV để tiệt trùng và được đưa vào máy cắt. Sau đó, chúng được trộn với nhựa bổ sung, và chế tạo thành các sản phẩm hữu dụng để chống lại virus corona như kính che mặt hay dụng cụ mở cửa an toàn.
Trong một nghiên cứu của ĐH Swansea (Anh), khẩu trang và các rác thải y tế bằng nhựa được tái chế thành nhiên liệu xanh chỉ bằng cách… phơi nắng. Ý tưởng là chúng ta sẽ sắm một chiếc máy đơn giản trông như máy giặt, cho tất cả chất thải vào, bật máy lên, đợi mặt trời ló dạng và sau đó tất cả chất thải sẽ biến mất, thứ còn lại vẫn có giá trị. Kỹ thuật này được gọi là photoreforming, phân hủy chất thải nhựa và chuyển hóa nước thành hydro. “Áp dụng công nghệ của chúng tôi để xử lý chỉ 1% lượng rác thải sẽ tiết kiệm hàng triệu bảng và đồng thời giảm thiểu ô nhiễm” – trưởng dự án, tiến sĩ Moritz Kuehnel, nói với BBC.
Khẩu trang đang là một kiểu “tàn thuốc lá” mới, bị vứt lung tung sau khi sử dụng
Tuy nhiên, thách thức của các sáng kiến tái chế này là làm sao thực hiện được trên quy mô toàn cầu. Jonathan Krones, một nhà sinh thái học công nghiệp tại Đại học Boston (Mỹ), bình luận trên DW rằng phát triển một quy trình phân tách để thu gom khẩu trang từ rác là khả thi về mặt kỹ thuật, nhưng không có đủ khẩu trang để làm cho dự án mang tính kinh tế. Khẩu trang bị vứt khắp nơi sao lại sợ không đủ nguyên liệu để tái chế? Krones giải thích rằng việc thu gom khẩu trang đã qua sử dụng rất vất vả và tốn kém vì chúng thường lẫn với các loại rác khác, và người dân cũng không nghĩ đó là thứ có thể tái chế được.
- Xem thêm: Làm đẹp thời khẩu trang
Bên cạnh lời kêu gọi sử dụng khẩu trang vải, có thể giặt và dùng lại, chế tạo khẩu trang từ vật liệu phân hủy sinh học cũng thu hút nhiều sự quan tâm. Công ty Geochanvre của Pháp đã tạo ra một loại khẩu trang từ cây gai dầu, trong khi ĐH Công nghệ Queensland của Úc đang thử nghiệm một sản phẩm từ chất thải nông nghiệp. ShoeX, công ty sản xuất giày dép ở Việt Nam, đã ra mắt loại khẩu trang từ hạt cà phê mang tên AirX.
Tuy nhiên, những ý tưởng trên có lẽ khó mà miễn trừ trách nhiệm cho người sử dụng. Khẩu trang sinh học sẽ đòi hỏi các cách “dọn dẹp” riêng, bởi vì trong bãi chôn lấp, chúng có thể tạo ra một lượng lớn khí nhà kính metan, khi vi khuẩn kỵ khí ăn chất hữu cơ. Có lẽ thế giới vẫn cần đến khẩu trang trong thời gian dài, nhưng ít nhất, việc khuyến khích người dân suy nghĩ về toàn bộ vòng đời của chúng có thể giúp giảm bớt “tác dụng phụ” của vật dụng bảo vệ sức khỏe chúng ta.
Để vứt khẩu trang đúng cách, có thể tham khảo lời khuyên của bác sĩ Leong Hoe Nam, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Mount Elizabeth Novena (Singapore).
Đầu tiên là rửa tay trước khi tháo khẩu trang, vì chúng ta sẽ chạm tay vào mặt. Sau khi tháo khẩu trang, hãy gấp đôi nó lại theo hướng vào bên trong, để các giọt nước từ miệng và mũi không thể lọt ra ngoài. Tiếp tục gấp đôi nó cho đến khi chiếc khẩu trang thành một cuộn nhỏ gọn, dùng dây đeo co dãn quấn quanh để nó không bung ra. Người dùng nên bọc nó trong một miếng khăn giấy trước khi ném vào thùng rác.
Các nhà vận động vì môi trường cũng kêu gọi mọi người bỏ rác đúng cách và cắt bỏ dây đeo để giảm nguy cơ khiến động vật mắc kẹt.