Chúng ta sắp bước sang một năm mới đầy những bất ngờ, thú vị. Nói đến con vật là nói tới sự sống căng tràn trên quả đất, nơi duy nhất cho tới nay được tin có sự sống trong Ngân Hà.
Ở đây, ngoài vô số đồi núi, sông suối, vùng biển, nói chung là cảnh đẹp diễm lệ, đang hiện hữu hơn 8,7 triệu loài vật, trong đó nhân loại là thành viên ưu tú nhất. Vì vậy, ai nấy đều tò mò, muốn tìm hiểu trái đất hình thành thế nào và tại sao lại phong phú, tráng lệ đến thế! Trước khi có khoa học hiện đại cho thấy vũ trụ, thì mọi lời giải thích về thế giới này đều dựa vào các tôn giáo và các câu chuyện huyền thoại, đem tới một cái nhìn lung linh, mơ mộng, bí ẩn về Hành tinh Xanh.
Theo thiên văn học, vũ trụ đã được bắt nguồn từ một vụ nổ lớn khoảng 13,8 tỷ năm trước, còn hệ mặt trời bao gồm trái đất cũng đã ra đời 4,54 tỷ năm khi một tinh vân suy sụp, tạo nên mặt trời cùng các hành tinh xung quanh. Hành tinh trái đất khi ấy là một quả cầu lửa, song theo thời gian bề mặt đã nguội dần, đóng cứng, rồi chứa nước và bầu khí quyển không ô xi.
Sự sống ở đây chỉ mới nhen nhóm từ 3,5 tỷ năm trước trong thời đại nguyên sinh và đến thời đại địa chất thì tiến hóa dần theo ba giai đoạn: kỷ đại cổ sinh với vi khuẩn, tảo, bọt biển, động vật không xương sống, cá…, kỷ đại trung sinh với giáp xác, bò sát, trong đó có nhiều loài thằn lằn khủng và kỷ đại tân sinh với những loài thú có vú, sống ở cả dưới nước lẫn mặt đất và một số chim bay trên trời.
Từ cuối kỷ đại cổ sinh, thực vật nguyên thủy đã mọc thành rừng, và càng về sau càng cho ra nhiều loài cây cối. Trên trời dưới đất, có thể nói lúc này đã có đủ loại côn trùng, bò sát, lưỡng cư, chim thú và đặc biệt hai triệu năm trước con người đã xuất hiện trên thế gian.
Tuy nhiên, theo văn học nghệ thuật, xây dựng từ tín ngưỡng, tôn giáo ngay từ thời cổ đại khi có nền văn minh, thì trái đất luôn được xem là một tác phẩm của thần thánh hoặc là chính vị thần này hay một linh thụ, linh thú đứng giữa trời, giữ cân bằng vạn vật. Theo kinh Sáng Thế Ký của đạo Thiên Chúa, trái đất và mọi sinh linh đều do Chúa Trời tạo ra trong sáu ngày.
Kinh Thánh viết: Lúc khởi đầu, Chúa đã dựng lên trời và đất, khi ấy đất hãy còn trống, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm khắp nơi. Thấy vậy, Ngài làm ra ánh sáng, tách sáng khỏi tối, gọi chỗ sáng là ngày, chỗ tối là đêm. Giữa trời và đất, có nước mênh mông, Ngài lại dựng một cái vòm để tách trên và dưới, tạo nên bầu trời. Đối với nước trên đất, Ngài cho nó tụ vào một nơi là biển, và khiến những chỗ cạn thành đất. Có đất rồi, Ngài gieo trồng các loài cây, động vật. Cuối cùng, Ngài nặn ra con người theo hình hài của Ngài và để bá chủ mọi loài trên cạn, dưới nước.
Ở thần thoại Hy Lạp, quả đất lại là một nữ thần sinh ra thế hệ đầu tiên trong những thần linh Hy Lạp. Thế nhưng, trước đó vũ trụ cũng là một màn đêm trống rỗng, và chỉ có một thứ duy nhất giữa hư vô, đó là con chim Nyx với đôi cánh bóng tối. Nó đẻ ra một quả trứng, rồi ấp. Trứng nở ra thần tình yêu Eros.
Một nửa quả bay vào không gian, biến thành bầu trời, nửa còn lại hóa thành mặt đất. Eros đặt tên bầu trời là Uranus, mặt đất là Gaia và cho họ lấy nhau. Gaia sinh hạ được khá nhiều con, lứa đầu là các Titan, người khổng lồ, có thể hiểu là các núi đồi, vực thẳm, đại dương… Lứa thứ hai là các Cyclop, quỷ một mắt (núi lửa) và Hecatonchire, quỷ trăm tay (hang động) và đều bị Uranus ném vào ngục sâu. Giận dữ trước điều này, bà đã xúi Cronus, một Titan nổi dậy làm vua.
Cronus lên nắm quyền, sợ các con cũng chống lại cha như mình, nên khi vợ sinh được đứa con trai nào, liền nuốt chửng đứa đó, ngoại trừ đứa út, Zeus, vì vợ ông rút kinh nghiệm đã thay Zeus bằng một hòn đá. Zeus sau đó đã đánh bại cha, dành được ngôi báu, và để cảm ơn ông bà nội, Ngài đã trang trí cho Gaia bằng nhiều sinh vật và Uranus bằng những vì sao.
Thấy mặt đất trơ trọi, Zeus sai hai Titan không chống trả ngài trong cuộc chiến dành vương vị là Prometheus – người biết trước tương lai và Epimetheus – người nắm giữ quá khứ, xuống trần, tạo ra muôn loài và tặng chúng những bảo vật. Prometheus liền nghĩ đến con người, còn em ông nghĩ tới con thú. Prometheus lấy ngay hình dạng các thần để làm mẫu nặn người, điều này khiến Zeus rất bực vì không muốn nhân loại xinh đẹp như vậy!.
Epimetheus vô tư muốn tạo gì thì tạo, thậm chí nhắm mắt nhào nặn, nên chỉ một lúc đã cho ra đủ loại chim thú tốt xấu, và sẵn mang theo những tặng phẩm, liền trao hết cho chúng, con thì được lông lá bờm xờm ấm áp, con lại có đôi mắt tinh ranh, nhìn xuyên bóng tối, hoặc mũi thính- tai thính và móng sắc giúp săn mồi… Đến lượt Prometheus, tất cả các món quà đều hết, thành thử ông không thể trao cho người thứ gì, và bỗng nhiên nảy ra ý định đánh cắp lửa từ mặt trời tặng nhân loại.
Kể từ khi có lửa-ánh sáng, loài người trở nên khôn ngoan, lanh lợi hẳn, thậm chí làm trái ý Zeus. Vì tội này, Zeus đã treo Prometheus lên vách đá cho diều hâu mổ, còn về phía nhân loại cũng chuẩn bị một hình phạt rất ghê gớm. Cũng từ lửa, Ngài sai thợ rèn đúc nên Pandora, một mỹ nhân kiều diễm và lập tức gả nàng cho Epimetheus với một hộp quà song dặn không được mở ra.
Dĩ nhiên sự tò mò của cô gái còn hơn cả lệnh vua, nên một hôm chồng đi vắng, nàng liền mở cái hộp, thì ôi thôi, bao nhiêu điều đáng sợ như bão giông, dịch bệnh, đau khổ, đố kỵ, chiến tranh… bay ra khỏi hộp. Nghe tiếng vợ kêu, Epimetheus vội về đóng nắp hộp lại song tất cả những điều xấu đều đã được thả. Thật may mắn, niềm hy vọng hãy nằm trong hộp, và nó xin họ hãy thả nó ra, đổi lại nó sẽ bay khắp nhân gian, đem niềm hy vọng, mơ ước đến cho người. Nhờ có hy vọng, nhân loại vẫn tiếp tục tồn tại.
Huyền thoại Maori của New Zealand lại kể rằng, vào thuở hồng hoang, trong vũ trụ chỉ có nữ thần đất Papa và thần bầu trời Rangi. Hai người luôn ôm lấy nhau, nhất là thần bầu trời bám rất chặt vào đất làm mọi thứ không thể cọ cựa, lớn nổi. Các con của họ như thần biển Tangaroa muốn thoát khỏi cha mẹ song không nổi.
Mãi tới thần rừng Tane, nhờ thúc đầu vào cha, đạp chân vào mẹ mới bung tỏa, giúp cây cỏ-chim muông rải khắp thế giới. Không dừng lại, Ngài còn treo mặt trời, mặt trăng và các vì sao lên ngọn cây. Ngài cũng tạo nên người đàn bà đầu tiên là nữ thần Hine và lấy nàng, sinh ra các dân tộc đa đảo Polynesia hiện nay. Tuy nhiên, một người anh của Tane là thần gió Tawhiri không chịu cảnh cha mẹ chia ly, nên liên tục gây bão tố lên rừng của em và biển của anh. Chính những trận cuồng phong ấy là nấc thang nối kết đất trời.
Khoảng 5.000 năm trước, ở Ai Cập đã thờ thần đất Geb, chủ của những ruộng đồng ngập nước và chim chóc đông đúc. Theo thần thoại Ai Cập, Geb chính là chồng của thần bầu trời Nut, nhưng vì hai người không xin phép thần mặt trời Re, nên bị cha là thần không khí Shu ngăn cản. Đó là lý do tại sao đất cách xa trời.
Hơn thế, Nut còn bị ngăn có con cái, và phải nhờ thần thông thái Thoth giúp kéo dài niên lịch bằng ánh trăng, bà mới đậu bốn người con, gồm thần Osiris cai quản âm phủ, Isis tái sinh sự sống, Seth gây bão tố và Nephthys phụ trách đám. Do là đất, nên Geb lúc nào cũng xanh ngắt, mình mẩy đầy cây cối, Ngài thường nằm nghiêng với gối chống trời và mỗi lúc cười đều khiến cho mặt đất rung chuyển. Dưới hình dạng người, Geb là một trung niên mang râu quai nón, đội một con ngỗng lớn hay rắn…
Coatlicue cũng là thần đất trong truyện kể Aztec, song có bộ dạng cực kỳ dữ tợn, như lưng đeo lủng lẳng rắn rết, cổ treo đầy xương sọ, do bà còn là thần hiến tế và chồng là thần bầu trời Mixcoalt, cũng là thần săn bắn của Aztec. Ngoài 400 đứa con, bà còn có con út là thần mặt trời và chiến tranh Huitzilopochtli, sau khi một quả bóng lông rơi từ trên trời trúng người bà.
Lần mang thai kỳ lạ này đã khiến đàn con rắn rết tức giận và truy cùng đuổi tận bà. May thay, Huitzilopochtli đã sớm ra đời, cứu mẹ và chặt đầu họ, ném lên trời cho thành trăng sao. Cùng với Coatlicue, Tlaloc cũng là thần mưa và sinh sản, gắn với các ngọn núi, dòng suối, hang động Aztec. Đầu thần thường đội mũ mây gió, lưng đeo lục lạc sấm chớp, còn chân đi dép phun ra nước.
Đối với người Na Uy xưa, quả đất chính là hành tinh trung tâm – Midgard trong 9 hành tinh trên cây vũ trụ Yggdrasil. Cái cây này có cành nhánh đan dày 9 phương, và ở mỗi cành là một xứ sở nhiệm mầu, chỗ có người khổng lồ, chỗ có người băng đá hoặc thủy quái. Còn rễ của nó đâm xuống âm phủ, nơi ở của loài ma quỷ.
Midgard có thể gọi là nhân gian của con người vì vẫn có sinh có tử, và khi một người mất đi anh ta có thể lên được thế giới cao nhất trên ngọn là cõi tiên Asgard, và để từ Midgard đến Asgard phải qua một cây cầu băng giá Bifrost, xa hàng nghìn dặm. Do nằm ở giữa cây, nên Midgard được hiểu như chính cái cây cổ thụ này, lơ lửng trong thiên hà bao la.
Quả đất ở thần thoại Maya cũng là một tổ hợp rất phức tạp, gồm một con rùa, cá sấu và con cóc, chồng lên nhau. Thế nhưng, nổi bật nhất là hình tượng của một chiếc đĩa dẹt ở 4 góc có 4 tráng sĩ hay con báo chống trời. Những sinh vật này có tên là Bacab, trong truyện là 4 anh em đội trời, cho trời khỏi sụp.
Mỗi phương họ đứng, thậm chí bản thân, đều có một màu sắc riêng, như thể tứ tượng hay 4 mùa xuân-hạ-thu-đông. Cụ thể là Cauac đứng ở hướng Nam vận màu đỏ, Ix hướng Tây màu đen, Mulac hướng Bắc màu trắng và Kan hướng Đông màu vàng. Ngoài Bacab, người ta còn tin rằng, vũ trụ có 13 tầng, và được cai trị bởi 13 vị thần.
Trong truyện cổ Trung Quốc, trái đất cũng nằm trên một bộ ba sinh vật, gồm 4 con voi đứng trên một con rùa, và con rùa này lại nằm trên một con rắn vĩ đại. Cũng theo truyện trên, có đoạn viết Nữ Oa nương nương đã từng lấy một cái chân rùa để làm trụ chống trời. Ở thiên đình, một hôm xảy ra một trận đại chiến giữa thủy thần Công Công và hỏa thần Chúc Dung, làm sấm chớp đùng đùng. Tệ hơn thế, thủy thần đã va vào vách núi Bất Chu là một trụ cột đỡ bầu trời, làm nó gãy đổ, khiến nước trút xuống trần.
Thấy cảnh nước sôi lửa bỏng, Nữ Oa không lỡ nhìn dân gian cực khổ liền bay khắp nơi tìm đá ngũ sắc vá trời, thế nhưng khi vá xong thì vì thiếu một viên nhỏ nó vẫn bị gãy, và bà đành phải cắt chân Thần Ngao, một con rùa biển khổng lồ để chống trời, ngăn dòng nước lũ chảy xuống. Qua đó có thể thấy Thần Ngao chính là trái đất. Và từ hình ảnh con rùa, với mai tròn nhô lên hình bát úp và bụng dẹt kẻ ô, người xưa đã cho rằng, trời tròn, đất vuông hoặc dẹt.
Dưới con mắt của một số dân tộc Đông Phi, quả đất lại nằm trên sừng một con bò đứng trên một tảng đá, đặt trên lưng một con cá, cuối cùng là một con chim. Trong khi ở Tây Phi, nó là một quả bóng đội trên đầu người khổng lồ, và cây cối chính là những sợi tóc của thần buông rủ. Ngài hay ngồi nhìn về hướng đông, song thỉnh thoảng cũng quay sang hướng tây, làm đất đai rung chuyển.