Sự liên kết giữa các nhà thiết kế, doanh nghiệp và các nhà giáo dục thiết kế sẽ tạo nên một đòn bẩy thúc đẩy các doanh nghiệp chú trọng việc đầu tư thiết kế, xây dựng thương hiệu, sáng tạo các sản phẩm.
Diễn đàn thiết kế với chủ đề “Sức mạnh sáng tạo lãnh đạo doanh nghiệp” do Hội Thiết kế TP.HCM VDAS phối hợp cùng ITPC Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM với sự hỗ trợ từ ConceptD đã diễn ra tại TP.HCM vào ngày 8/01. Sự kiện đem đến những phiên thảo luận thiết thực, hữu ích với những ý kiến chuyên môn đến từ các diễn giả mang tầm quốc tế, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế và branding thương hiệu.
Theo lời ông Hồ Tấn Dương – Chủ tịch Hội Thiết kế TP.HCM – Trưởng Ban tổ chức, ngành công nghiệp sáng tạo, đặc biệt là ngành thiết kế tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang từng bước được coi trọng, đánh giá đúng vị trí và tầm quan trọng trong phát triển nền kinh tế. Sự liên kết giữa các nhà thiết kế, doanh nghiệp và các nhà giáo dục thiết kế sẽ tạo nên một đòn bẩy thúc đẩy các doanh nghiệp chú trọng việc đầu tư thiết kế, xây dựng thương hiệu, sáng tạo các sản phẩm.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Dương bộc bạch: “Với tâm huyết đại diện cho cộng đồng các nhà thiết kế tại Việt Nam, chúng tôi rất mong các nhà thiết kế, các tổ chức trong nước và quốc tế sẽ cùng chung tay định hướng. Bên cạnh đó, chúng tôi cần sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước để có thể tập trung năng lực thiết kế, để ngày càng có nhiều sản phẩm đổi mới, ứng dụng công nghệ, kết hợp giữa văn hóa, nghệ thuật để có những thiết kế đẳng cấp và đậm bản sắc riêng. Từ đó, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển ngành sáng tạo tại Việt Nam để các sản phẩm Việt Nam với thiết kế và thương hiệu tốt được công nhận trên toàn thế giới”.
Trong khi đó, Nguyễn Hữu Tín – Giám Đốc ITPC cho rằng thương hiệu là khái niệm để doanh nghiệp được nhận biết trên thị trường. Chính vì vậy, xây dựng và quản trị thương hiệu là điều quan trọng, là một thước đo thành công của doanh nghiệp. “Qua diễn đàn này, tôi mong các doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao nhận thức xây dựng thương hiệu”, ông Nguyễn Hữu Tín chia sẻ.
Tại diễn đàn, phiên thảo luận “Xây dựng thương hiệu – chìa khóa thành công doanh nghiệp” nhận được sự quan tâm của khán giả, chuyên gia hơn cả. Cuộc thảo luận trở nên sôi nổi, thu hút nhờ sự tham gia của loạt diễn giả nổi tiếng như: Nguyễn Hữu Minh Thy (Giám đốc sáng tạo, đại diện Richard Moore Associates), Matt Millard (Sáng lập & Giám đốc điều hành của Purple Asia), Huỳnh Kim Tước (Giám đốc SIHUB Saigon Innovation Hub), Mauro Gasparotti (Giám đốc Savills, Tập đoàn tư vấn Hospitality Châu Á Thái Bình Dương), Sérgio Silva (Đối tác sáng lập và quản lý của S + A và LV Architects, Chủ tịch Hiệp Hội Thương mại và Công nghiệp Bồ Đào Nha – Việt Nam (CCIPV)). Các diễn giả trên đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ những quan điểm về ứng dụng tư duy thiết kế từ chính doanh nghiệp dưới góc độ chuyên môn của mình.
Bà Nguyễn Hữu Minh Thy cho rằng việc xây dựng thương hiệu quan trọng nhất là nhận diện giá trị cốt lõi của sản phẩm, phải hiểu giá trị sản phẩm đưa ra thị trường là gì. Ngoài ra, để xây dựng thương hiệu, các doanh nghiệp phải nghiên cứu thị trường để hiểu họ cần gì, từ đó xây dựng một thương hiệu thành công. Nữ giám đốc sáng tạo tài năng này nhấn mạnh rằng việc xây dựng thương hiệu thành công cần rất nhiều thời gian nên cần có từng bước đi vững, chắc chắn để xây dựng thương hiệu về lâu dài.
Trong khi đó, ông Matt Millard cho rằng tư duy thiết kế đòi hỏi rất nhiều về sự hiểu biết văn hóa, thị trường. Chính vì vậy, tư duy thiết kế là điều không thể thiếu nhưng cũng cần cẩn trọng nhất định khi ứng dụng. Tuy được áp dụng trong rất nhiều năm, nhưng với ông Matt, nó không cần có mặt ở tất cả mọi sản phẩm. “Chúng tôi còn áp dụng nhiều công cụ khác, bởi việc áp dụng cần thông minh, không sách vở. Bất kỳ thương hiệu nào được xây dựng thì câu chuyện thương hiệu là quan trọng nhất, thương hiệu này đang muốn đem đến giá trị gì cho khách hàng, từ điều này mới xây dựng được thương hiệu hiệu quả và đưa đến câu chuyện hấp dẫn đến khách hàng”, ông Matt khẳng định.
Còn với ông Mauro Gasparotti, vị này nhận định một thương hiệu thành công cần sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng thì mới xây dựng thương hiệu câu chuyện, ý nghĩa để truyền tải tới khách hàng. Để xây dựng thương hiệu hiệu quả cần thu hút những tài năng trẻ đến với mình. Ông Mauro bất ngờ khi những người trẻ Việt Nam rất tài giỏi và có kinh nghiệm, kiến thức về tiêu dùng. Chính vì thế, ông Mauro nhấn mạnh hãy đưa người trẻ Việt Nam vào kế hoạch phát triển lâu dài, cho họ thứ đang thiếu để họ phát triển trong khả năng tư duy sáng tạo của mình. “Một thương hiệu là tài sản lớn với doanh nghiệp để thu hút giá trị có lợi cho doanh nghiệp của họ. Cần có đầu tư từ chính phủ, cá nhân tôi thấy Việt Nam đã có rất nhiều bạn trẻ thiết kế xuất sắc, nhưng sự khai thác từ chính phủ là chưa triệt để”, ông Mauro nêu ý kiến.
Với ông Huỳnh Kim Tước, khi nói về thương hiệu, nhãn hiệu, các doanh nghiệp thường gặp áp lực phải vừa tạo ra sự khác biệt nhưng phải giải quyết bài toán thị trường toàn cầu. Vị này cho biết: “Các starup khác hơn những người khác là phải hướng đến thị trường toàn cầu. Đây là một góc nhìn thử thách, ở một quốc gia có nền văn hóa tốt như Việt Nam, chúng ta sử dụng nền tảng văn hóa để tạo ra sự khác biệt nhưng làm sao dùng văn hóa tạo sự khác biệt phải dung hòa được với thị trường toàn cầu”.
Về phía Sérgio Silva, ông cho rằng sản phẩm phải đủ hấp dẫn để thu hút khách hàng. Chính vì vậy, với việc thị trường và nhu cầu khách hàng không ngừng biến đổi, doanh nghiệp cần sáng tạo, thay đổi thương hiệu để thích hợp với thị trường. Ông cũng đặc biệt lưu ý bất cứ sản phẩm sáng tạo nào cũng phải xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng, để mang lại giá trị sử dụng.
Ở phiên thảo luận tiếp theo với chủ đề “Đổi mới thiết kế sản phẩm – tăng tính cạnh tranh và khác biệt”, chương trình có sự góp mặt của các diễn giả nổi tiếng là Giáo sư Julia Gaimster (Trưởng khoa Thiết kế & Truyền thông, Đại học RMIT), Anna Võ (Giám đốc sáng tạo PNJ, Thành viên ban ngành Thiết kế & Mỹ thuật, Đại học Hoa Sen; Đại sứ thương hiệu toàn cầu của Istituto Marangoni), Justin Wheatcroft (Nhà Đồng sáng lập Square Roots Việt Nam) và Mauricio Alves (Tổng giám đốc Gema).
Với vị trí là các chuyên gia quốc tế, hoạt động lâu năm tại thị trường sáng tạo Việt Nam, các diễn giả chia sẻ quan điểm về sáng tạo, thiết kế của bản thân và của doanh nghiệp trong nước hiện nay. Giáo sư Jullia đánh giá và bày tỏ sự vui mừng khi thế hệ trẻ Việt Nam đang rất quan tâm đến những vấn đề toàn cầu nổi trội như môi trường, biến đổi khí hậu cũng như có một sức sáng tạo mạnh mẽ. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh phải luôn cần trọng và tinh tế khi sử dụng công nghệ để tránh mặt trái của nó. Chính vì vậy, người sáng tạo không cần làm quá nhiều nhưng phải am hiểu và làm giỏi nhất cái mà mình ứng dụng để tạo nên giá trị của sản phẩm.
Bản thân Anna Võ với tâm thế là người Việt đã hợp tác và xây dựng nhiều chiến dịch sáng tạo cho thương hiệu quốc tế, bà tự hào khẳng định ở sự sáng tạo nằm trong dòng máu, trong truyền thống của người Việt Nam. Do đó, điều Việt Nam cần tiếp theo là làm sao để sự sáng tạo phát triển hơn nữa trong môi trường giáo dục và cuối cùng là trong công việc thực tế.
Với nhà sáng lập Square Roots Việt Nam chuyên đưa sản phẩm châu Âu xuất khẩu sang các thị trường châu Á – Justin Wheatcroft, kinh nghiệm trong những năm phát triển nhà hàng của ông là: “Thứ làm chúng ta nổi bật là thứ làm chúng ta khác biệt. Và điều này, phụ thuộc vào sự sáng tạo của các nhà thiết kế”.
Diễn đàn không chỉ cung cấp góc nhìn mới cho người trong ngành mà người ngoài ngành còn có cơ hội học hỏi những điều mới mẻ. Chính vì vậy, theo các diễn giả, sự kiện về đề tài này là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thiết kế, sáng tại Việt Nam. Với giáo sư trường Đại học RMIT, Jullia Gaimster chia sẻ điều bà quan trọng trong giáo dục sinh viên là dạy họ cách học, học làm sao để hiệu quả và có tinh thần luôn học hỏi, trau dồi cái mới. Bà cũng chia sẻ thêm ở góc nhìn cá nhân, cần hiểu điều đầu tiên về công nghệ là nếu không có thiết kế, nó sẽ không thể vận hành.
Các diễn giả cho rằng đôi khi chúng ta quên thiết kế là yếu tố quyết định công nghệ có thể vận hành trong đời sống hàng ngày. Giáo sư nói thêm với phương pháp tư duy thiết kế, người tiêu dùng là tâm điểm đối với bất kỳ công nghệ sáng tạo nào. Thiết kế lại đảm bảo mang đến những công nghệ, những sáng tạo phù hợp nhất với người tiêu dùng. Chính vì vậy, với bà công nghệ và thiết kế cần được phối hợp hài hòa, và điều quan trọng nhất là cần chú ý đến xã hội, người tiêu dùng đang cần điều gì, như vậy mới đưa ra những sản phẩm, công nghệ hữu ích nhất. Và để tránh mặt trái của công nghệ, khiến người trẻ sống mơ mộng, phi thực tế, người ứng dụng nên cần chú ý đến tính thực tế khi đưa vào sử dụng.
Ông Mauricio cho rằng công nghệ cuối cùng cũng chỉ là công cụ hỗ trợ bởi việc ứng dụng nó phụ thuộc vào con người. Vì lẽ đó, con người, sự sáng tạo mới là điều quan trọng nhất để biến công nghệ thành công cũ hỗ trợ hiệu quả. Hơn hết, công nghệ luôn không ngừng đổi mới, sẽ không ai dám chắc tương lai sẽ xuất hiện công cụ gì mới. Cũng như chia sẻ trước đó của Anna Võ, sự lạm dụng mạng xã hội khiến người trẻ muốn đạt được những điều giống nhau, không còn tính riêng trong đời sống. Lúc này, sự sáng tạo sẽ là yếu tố quyết định.
Cuối phiên thảo luận, đại diện Bộ Khoa học Công nghệ, Trung tâm Khởi nghiệp quốc gia bày tỏ trăn trở về tầm quan trọng của định hướng các đơn vị Start-up. Từ đó, ông mong các diễn giả đưa ra lời khuyên về các quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực thiết kế để đổi mới sáng tạo. Bà Linh Huỳnh với tư cách là điều phối buổi thảo luận này, với vị trí Giám đốc Điều hành WTC Thành phố mới Bình Dương, chia sẻ các khó khăn, thử thách của doanh nghiệp trong ngành công nghiệp sáng tạo như các diễn giả đã đưa ra. Qua đó, bà Linh trình bày mong muốn sự hỗ trợ từ nhiều cấp độ Trung ương, Bộ đến các Sở, Ban, Ngành để các sản phẩm thiết kế của doanh nghiệp được bảo vệ, không bị copy trên thị trường.