Hoàng tử Nguyễn Phúc Hiệp (hay Tôn Thất Hiệp) (1653-1675) tên thật là Nguyễn Phúc Thuần hay Nguyễn Phúc Chiểu, sau vì kỵ húy nên đổi là Hiệp; là con của chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648-1687). Ông là nguyên soái chỉ huy quân Nguyễn chống cự với quân Trịnh vào năm 1673 trong thời gian Trịnh – Nguyễn phân tranh. Về sau ông trở thành một nhà sư đức độ trụ trì chùa Minh Thiện thuộc dinh Thái Khang (Khánh Hòa).
Sách Nguyễn Phúc Tộc thế phả chép ông là con thứ tư của Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (Không phải em như Việt Nam sử lược chép), mẹ là bà Châu Thị Viên. Sự nghiệp của ông được ghi trong sách Đại Nam nhất thống chí (T.1, NXB KHXH, 1969, trang 186), như sau:
“Con thứ tư của Thái Tông, có tài làm tướng, đầu bổ Chưởng cơ. Năm Nhâm Tý, quân Trịnh vào lấn, lúc ấy Hiệp mới 20 tuổi, nhận mệnh lệnh làm nguyên soái, từ Nguyễn Hữu Dật trở xuống đều chịu tiết chế, hiệu lệnh nghiêm minh, ai cũng sợ phục. Quân Trịnh vượt sông Gianh, tiến sát đến lũy Trấn Ninh, họ lấp hào san ụ, lũy Trấn Ninh sắp vỡ, tướng giữ lũy là Trương Phúc Cương muốn rút lui về giữ bảo Mỗi Nại, Hiệp vội vàng ngăn lại và nói: “Một khi quân ta rút lui, tất địch thừa thế lấn vào, vậy hãy hết sức cố giữ, tôi tất đến cứu”. Hiệp bèn sai Nguyễn Hữu Dật đem quân cứu viện Trấn Ninh, còn mình thì tự cầm quân giữ lũy Sa Phụ. Quân Trịnh đánh Trấn Ninh không sao hạ được, bèn nhân đêm bỏ trốn; Hiệp đem quân đuổi đến núi Lệ rồi trở về. Chúa thượng nghe tin thắng trận, thưởng cho 100 lạng vàng, 100 lạng bạc và 50 tấm gấm.
Sau khi thu quân về, Hiệp bỏ hết nữ sắc, dựng am nhỏ thờ Phật, giảng bàn nghĩa lý huyền vi, đến năm Ất Mão thì mất, tặng Minh Nghĩa công thần phụ quốc thượng tướng quân Cẩm y vệ đô đốc chưởng phủ sự thiếu úy Hiệp quận công, thụy là Toàn Tiết. Năm Gia Long thứ 4, liệt vào thượng đẳng công thần khai quốc, thờ phụ ở Thái miếu. Năm Minh Mạng thứ 12 truy phong Thành quốc công”.
Có thể nói rằng, sau nhiều đợt tấn công của quân Trịnh vào Đàng Trong đánh quân chúa Nguyễn, trận chiến năm 1673 là khốc liệt và bi thương nhất do quân Trịnh quyết dốc chí thanh toán quân Nguyễn ở phương Nam. Sách Lịch triều tạp kỷ (NXB KHXH, 1995, trang 30), ghi lại:
“Tháng 11. Thống suất Hào quận công Lê Thời Hiến (quân Trịnh- TTT chú) đốc suất quân bản đạo, thẳng tiến đến ngoài lũy Trấn Ninh, sai các bộ tướng là Lương Đăng Quang và Vũ Tuấn Tài, nhân ban đêm, cướp đánh quân Nam hà, tước được khí giới và cờ xí, bèn thừa thắng đốc quân, men lũy trèo lên để đánh phá phía trong lũy.
Tiết chế quân Nam là Hiệp (quận công) bèn chia quân ra cố sức chống trả, bắn đại bác rào rào. Quân Bắc hà buộc dây thừng vào khẩu đại bác kéo đi; lại buộc mồi lửa vào chiếc sào dài phóng vào trong lũy: nhà cửa bị bốc cháy ngất trời. Lại dùng thứ súng “mật sự” lắp vào đó thứ đạn “một mẹ năm con” để bắn: tiếng nổ ầm như sấm. Đạn súng này bắn đến đâu thì các đồ đồng, đồ sắt đều bị thủng vỡ. Quân Nam bị chết rất nhiều nhưng vẫn bền bỉ chống cự và cố giữ. Quân Trịnh đem hết sức sắc bén ra đánh, cũng không hạ được. Quân hai bên đều bị thiệt hại…”.
“Lê Thời Hiến sai người làm nhiều diều giấy, Buộc đồ dẫn hỏa, nhân chiều gió thả lên, khiến diều gió bay vào trong lũy, rồi cắt dây cho diều bổ xuống. Quân trại và pháo đài trong lũy bị thiêu cháy, sáng rực một góc trời… Chúa Trịnh lại sai thêm tướng sĩ đi tiếp chiến, dùng nhiều đạn lửa lắp vào đại bác bắn gấp: quân Nam chống lại bằng nước, đạn lửa không làm tổn thương…”.
Sau cuộc chiến khốc liệt đó, Đàng Trong- Đàng Ngoài ngưng việc binh đao, không đánh nhau nữa. Nguyễn Phúc Hiệp đã tổ chức một buổi Đại lễ cầu siêu cho các tướng sĩ Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài chết trận, thả tất cả tù binh được trở về nguyên quán.
Sách Đại Nam liệt truyện (T1, NXB Thuận Hóa, 1944, trang 44), chép rằng khi được chúa ban thưởng do bảo vệ được đồn trại, ông đã từ chối và nói: “Đó là oai của chúa thượng và sức của chư tướng, chứ con đâu có tài năng gì”. Cũng theo sách này thì “Sau khi quân Trịnh rút lui, phàm những quân lính Bắc hà bị bắt, Hiệp (Thuần) đều sai cấp tiền gạo, quần áo, tha cho về, không giết một người nào. Lại đặt một lễ đàn ở trong kinh thành Trấn Ninh, tế tướng sĩ trận vong, cũng đặt một đàn ở ngoài thành tế tướng sĩ quân Bắc chết trận”.
“Trước kia, Thuần (tức Hiệp) vâng mệnh ra quân, dưới trướng thường dùng giáp sĩ hầu ở tả hữu. Có người Quảng Bình là Bật Nghĩa có một người con gái đẹp đem tiến lên, Thuần nói: “Sắc đẹp thì đức kém, dùng gì của vưu vật ấy”, khước từ không nhận, nhưng lại thương tình vì Bật Nghĩa nhà nghèo, ban cho 10 quan tiền. Ai nghe chuyện này cũng phục là người có đức lượng.
Đến lúc dẹp giặc xong, Thuần về nhà, bỏ gái hầu, làm chùa nhỏ thờ Phật, bàn đạo huyền vi để tự vui…” (trang 44).
Sách Lịch triều tạp kỷ kể: “Quận Hiệp (Nguyễn Phước Chiểu), từ sau cuộc chiến tranh năm Nhâm Tý (1672) kéo quân về Nam (Phú Xuân), trong lòng mộ đạo Phật, đi du lãm không sót một danh lam thắng cảnh nào. Quận Hiệp dựng một tòa am nhỏ tại xã Khách Quán, ở một mình ăn chay, thường đốt hương, tụng kinh niệm Phật. Quận Hiệp nói với người ta rằng: Người sinh ở đời quý hồ được thích chí mà thôi, chứ phú quý có làm gì”. Từ đó đóng cửa không tiếp khách” (trang 32).
Tác giả Nguyễn Hiền Đức trong sách Lịch sử Phật giáo Đàng Trong (T.2, NXB TPHCM, trang 128) cho biết thêm:
“Theo tài liệu của chùa Minh Thiện ở núi Bút Sơn, làng Thanh Tuyền, phía Tây dinh Thái Khang (sau chùa dời về ở xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) thì chính Tôn Thất Hiệp (Nguyễn Phúc Hiệp), là Tổ khai sơn chùa Minh Thiện và khi ấy ông có pháp danh là Giác Sanh Thiền Hòa Tử.
Sau thời gian hoằng hóa ở chùa này, ngày rằm tháng 6 năm Ất Mão (ngày 6 tháng 8 năm 1675), nhà sư Giác Sanh Thiền Hòa Tử viên tịch, được chúa Hiền ban thụy hiệu là Tịnh Đức Phổ Chiếu Hòa thượng”.
Bàn về cuộc đời của vị tướng – nhà sư Nguyễn Phúc Hiệp, nhà văn Sơn Nam trong sách Nói về miền Nam (NXB Trẻ, 2009, trang 22-23) đã viết: “Sự chọn lựa bất ngờ của hoàng tử Hiệp không khó hiểu lắm. Tám tháng ở chiến trận là cả một đời người, là cả thế kỷ thứ XVII ở Việt Nam! Hẳn ông hoàng Hiệp thầm đau xót cho đường hoạn lộ quá đắng cay của lão tướng Nguyễn Hữu Dật! Giữa cảnh máu xương lầy lội, tiếng đại bác vang rền, mùi diêm sanh nồng nặc, ông hoàng dư hiểu rằng từ bấy lâu các thương gia Hòa Lan, Bồ Đào Nha cạnh tranh nhau ở Đàng Ngoài, ở Đàng Trong để mua tơ lụa, quế, trầm hương và bán các nguyên liệu giết người. Họ lấn nhau, dùng mọi thủ đoạn tinh vi nhất.
Ông hoàng cũng thấy tận mắt những chiếc đồng hồ kiểu Tây phương và tuy xa gia đình, ông hay tin đứa con của mình – Nguyễn Phúc Lễ; sau cơn bệnh nặng mà các ngự y điều trị không nổi, đã rửa tội theo phép Công giáo (1674).
Sanh, lão, bệnh, tử…, ông hoàng Hiệp nhận rõ, thấm thía, không kém Thái tử Tất Đạt Đa ngày xưa khi ra bốn cửa hoàng thành. Ông “dũng mãnh tinh tấn”, khiêm tốn nhận mình là một chúng sanh trong kiếp sát na. Vì đã từng đau khổ giữa cuộc thế, đã từng đóng vai người anh hùng, ông muốn thành tâm tìm một cõi an lạc thực tế, sống ẩn dật như nhà hiền triết đủ can đảm, im lặng.
Ông liễu đạo năm 23 tuổi (1653-1675), ngày rằm tháng 6 năm Ất Mão, an táng ở làng Hiền Sĩ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, có lẽ không lưu lại một bút tích, một bài thơ truyền khẩu nào. Nhưng hậu thế tưởng còn nhận được hình bóng bất diệt của ông qua nụ cười phảng phất trên môi của các tượng Bồ tát trong chùa, giữa tiếng kệ kinh…”.
Nhà thờ nguyên Soái Tôn Thất Hiệp hiện nay vẫn còn tại làng Vân Thê, xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đức Phật dạy: “Thắng vạn quân không bằng tự thắng mình”. Tướng Nguyễn Phúc Hiệp đã làm tròn bổn phận của người trai trẻ thời loạn, và sau đó ông đã tự thắng mình, từ bỏ những dục vọng phù du để trở thành một nhà sư đức độ. Ông đã chọn cho mình một cuộc sống an lạc theo lời dạy của Đức Thế Tôn: “Hơn nữa, vì không nhiễm dơ bởi tám cơn gió loạn của thế gian (được và mất; danh thơm và tiếng xấu; khen và chê; sướng và khổ); và nhìn thấy tất cả những hiện tượng đều là huyễn hoặc, ta mới thoát khỏi sự chấp trước đeo níu và được giải thoát hẳn sự nô lệ ràng buộc của trần gian…”.
- Xem thêm: Vị quan thanh liêm khiến đạo tặc nể phục