Hàng nghìn cửa sổ lá sách đủ màu sắc ghép vào nhau, tạo nên một khối kiến trúc vòng cung, có mặt dựng khổng lồ như một “đấu trường La Mã đương đại”, kiến trúc ấy chính là nhà hàng Lilin, do kiến trúc sư Andra Martin thiết kế, là một trong những điểm nhấn kiến trúc độc đáo nhất trên bãi biển ở Seminyak – Bali, Indonesia.
Nghệ thuật ghép mảnh (mosaic) xuất hiện từ thời Ảrập cổ đại, La Mã, Phục hưng… với những ví dụ điển hình từ các công trình cổ xưa kiểu như hồi cung Alhambra ở Granada, thánh đường Corboda – Tây Ban Nha, thánh đường Byzantin ở Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ…
Đến thế giới đương đại, nghệ thuật ghép mảnh vẫn được ứng dụng, và kiến trúc của nhà hàng Lilin có thể được xem là một ví dụ điển hình, bởi ở đây, thủ pháp ghép mảnh dường như vượt khỏi tính năng trang trí vốn có, mà còn được đẩy lên một giá trị mới, tạo hiệu ứng thị giác mạnh trước không gian kiến trúc đồ sộ, đẹp và lạ mắt, nổi bật trong số hàng ngàn kiến trúc đương đại khác ở Bali, Indonesia.
Từ ngay cổng vào, sức quyến rũ của Lilin đủ “hớp hồn” tất cả mọi người đứng trước nó, khi phần mặt tiền của nhà hàng là hàng nghìn tấm cửa sổ lá sách đã qua sử dụng, vẫn còn nguyên nét cũ kỹ, vương màu thời gian, tất cả nối liền nhau không theo một trật tự về màu sắc, kích thước… chắn tầm nhìn ra hướng biển, khiến người ta cứ đứng mãi để trầm trồ, chụp ảnh, với ít nhiều thắc mắc về bộ sưu tập cửa lá sách có niên đại từ thế kỷ 18 – 20, với số lượng được mệnh danh độc nhất vô nhị ở khắp vùng Đông Nam Á.
Vai trò là một nhà hàng ăn cao cấp ngay bờ biển Seminyak, nhưng vẻ đẹp kiến trúc của Lilin thường khiến người ta quên khuấy ý định bước ngay vào không gian nội thất của quán bởi đang mải lo quan sát những ô cửa sổ như một mảng tranh đầy màu sắc rạng lên nền trời. Bức vách cửa sổ dựng đứng, chơi vơi, kín như bưng, tạo nên sự đối lập và kết hợp hài hòa giữa lớn – nhỏ trong kiến trúc ở Lilin. Ô cửa nhỏ, khi nối kết tạo nên một kiến trúc vòng cung khổng lồ, xen trong đó là một lối đi được thiết kế nhỏ hẹp, với hai dãy tường chắn sâu hút đến lối vào, tạo cảm giác như đang chuẩn bị bước vào một không gian đóng kín như rạp hát, phòng chiếu phim, hơn là vào một không gian quán ăn thuần túy.
Sự đánh lừa cảm giác chỉ thất bại khi thực khách bước qua dãy hành lang được giới hạn ánh sáng một cách có chủ ý, chỉ lấy sáng từ những kẽ hở ở lớp lá sách, không quá tối để mất phương hướng, nhưng cũng không quá sáng để người ta sẽ lại mải mê ngắm các khung cửa sổ, hơn là tập trung đi thẳng ra sảnh chính, nơi đón khách của Lilin.
Sau dãy hành lang tù mù, cả một không gian rộn ràng, tưng bừng mở ra với biển xanh, cát trắng, sóng rì rào… tất cả làm phần nền để tôn lên tổng thể không gian chính của Lilin, tâm điểm là thảm cỏ xanh rộng đến hơn 500 mét vuông, được vòng cung của lớp cửa sổ và khối kiến trúc bao quanh, xen lẫn trong đó là tán dừa miền nhiệt đới. Thực khách khi đến không gian chính này sẽ có ba lựa chọn ở ba phong cách ẩm thực khác nhau, từ thức ăn nhanh kiểu Âu, đến các món Á – chủ yếu là phong vị bản địa, còn lại là không gian yến tiệc theo phong cách Pháp. Toàn bộ thiết kế không gian ẩm thực của Lilin đều có hướng nhìn ra phía biển.
Ở không gian ẩm thực này, những đường cong trong kiến trúc Lilin được cảm nhận rõ nét nhất. Ở đó là sự hòa trộn và đối lập giữa cũ kỹ, cổ xưa của mảng trang trí cửa sổ ở mặt dựng phía ngoài, với không gian nội thất đậm chất đương đại, tạo nên sự sang trọng, bề thế vốn có của một nhà hàng mang không gian mở quen thuộc theo phong cách nhiệt đới, nhưng tất nhiên Lilin nổi bật hơn hẳn bởi vẻ đẹp khác biệt. Chưa bàn đến những phong vị ẩm thực độc đáo mà Lilin phục vụ, chỉ xét riêng về mặt kiến trúc, Lilin được giới du lịch quốc tế bình chọn là một trong 9 điểm nên đến của du khách khi du lịch Bali.