Lịch sử Văn minh Thế giới của tác giả Will Durant & Ariel Durant là một bộ sách ghi lại toàn bộ lịch sử văn minh nhân loại trong 2.500 năm bằng văn phong hóm hỉnh, nhẹ nhàng hiếm có.
Công trình đồ sộ này quả là một thử thách lớn với những người đã kỳ công mua bản quyền, tổ chức biên dịch, chú giải và xuất bản trọn bộ tại Việt Nam. “Chúng tôi có niềm tin về một công trình lịch sử trường tồn, vì ai cũng hướng đến văn minh, lịch sử văn minh thì càng không thể tách rời khỏi tâm thức và sự hiểu biết của con người. Chính vì vậy, đối với IRED, công trình dịch thuật và xuất bản này tuy vất vả nhưng đầy tự hào”, ông Giản Tư Trung – Viện trưởng Viện Giáo dục IRED chia sẻ. Vậy còn các dịch giả, những người đã tham gia biên dịch, chú giải cho bộ sách, họ nghĩ gì về công trình này?
Dịch giả Phạm Viêm Phương
Đầu tiên, tôi thật sự kính nể và thán phục tác giả bộ sách, người đã bỏ gần như cả đời để đi, đọc, và viết bộ này. Có thể sự ra đời của nó đã làm nản lòng những tác giả thế hệ sau đến độ không còn ai nghĩ tới việc làm lại, hoặc viết sử thế giới theo hướng đó nữa. Họ chọn cách thu nhỏ đề tài hơn, và đào sâu hơn (nhưng việc đó lại thu hẹp thị trường, kén chọn độc giả hơn).
Vợ chồng tác giả viết bộ này khi chưa có Internet và các công cụ trợ giúp việc nghiên cứu, đối chiếu, tra cứu tài liệu, cũng như biên soạn, hiệu đính hoặc thậm chí sửa lỗi chính tả như chúng ta hưởng được ngày nay. Tất cả những việc trên họ đều làm thủ công, đích thân đến từng thư viện, lục từng cuốn sách, tự tay giở từng trang và đối chiếu từng tài liệu. Bạn hãy tưởng tượng công sức chỉ để làm một việc thôi, đó là soạn index sau khi đã có bản in thử, bằng phương cách thủ công như thế thì thấy khối lượng công việc kinh hoàng của họ.
Thứ hai, với phương tiện như thế ở giữa thế kỷ XX, thì dĩ nhiên họ cũng có sai sót. Chúng tôi, khi dịch và biên tập, cũng ý thức điều này, nên mỗi khi thấy hồ nghi hoặc khó hiểu, chúng tôi đều cố gắng tra cứu tài liệu để hiệu chính những sai sót đó. Chúng tôi đã làm việc này với hết sức mình nhưng do kiến thức có hạn, chắc chắn vẫn còn nhiều khiếm khuyết chưa bổ sung đầy đủ.
Hai tác giả hưởng được thành quả lớn là: Hầu như mọi tác phẩm quan trọng và kinh điển của loài người, từ đông sang tây, tự cổ chí kim, đều đã được dịch sang tiếng Anh, và họ chỉ cần đọc tài liệu tiếng Anh là đủ viết thành bộ sách (tuy thực tế họ cũng đọc những thứ tiếng khác). Ở góc cạnh này, chúng tôi cũng cố gắng trả lại các tựa sách về nguyên ngữ để bảo đảm sự chính xác. Việc này chúng tôi cũng làm với nhiều nhân và địa danh (nhưng chắc chắn vẫn còn sót).
Thứ ba, tôi thấy đáng tiếc vì phương Đông, với những nền văn minh rực rỡ của Trung Hoa, Nhật Bản, và Ấn Độ, chỉ chiếm được một quyển trong bộ sách 11 quyển của họ. Có thể họ chưa hiểu hết tinh túy của khu vực này, hoặc tài liệu về phương Đông còn ít, hoặc tác động của phương Đông đối với biến chuyển của lịch sử thế giới quá mờ nhạt (có lẽ dưới mắt các sử gia, phương Đông tác động đến với lịch sử Tây phương chỉ là những cuộc xâm lăng tàn phá – như của Mông Cổ, A Rập, hay Hung nô… hơn là truyền bá những giá trị văn minh chăng?). Khiếm khuyết này có lẽ cần được bổ sung bằng việc dịch một bộ sử văn minh Đông phương đầy đặn hơn.
Ngoài điều đáng tiếc ấy ra, tôi thấy đây quả là bộ bách khoa thư về văn minh thế giới. Bạn chỉ cần bỏ công đọc vài trăm trang (khoảng một tập bản tiếng Việt), hoặc thậm chỉ vài chương sách là có thể hiểu tổng quát về một vấn đề nào đó, chẳng hạn Kinh Qur’an và Hồi giáo; văn minh và kinh sách Do Thái, thập tự chinh, hay âm nhạc của Beethoven và Mozart, hay Đại cách mạng Pháp… Quả là uổng phí khi mình bỏ qua không hưởng thụ công lao tổng hợp và cô đọng kiến thức nhân loại mà hai tác giả này để lại.
Dịch giả Bùi Xuân Linh
Tôi biết bộ Lịch sử Văn minh từ năm 1971, khi học giả nguyễn Hiến Lê lần đầu giới thiệu bản dịch cuốn Lịch sử Văn minh Ấn Độ do nhà Lá Bối xuất bản. Tiếp theo là những cuốn khác cũng do ông dịch: Lịch sử Văn minh Á Rập, Lịch sử Văn minh Trung hoa, Bài học của Lịch sử, Nguồn gốc Văn minh…, càng đọc càng thấy say mê, và muốn có thêm nữa để đọc.
Vì vậy, 14 năm trước, trong chuyến đi Mỹ đầu tiên, việc đầu tiên của tôi là tìm mua cho được bộ sách đồ sộ này. Lúc bấy giờ trên mạng chưa có, nên phải đi tìm bản in, vất vả cả ngày trời mới có tiệm bán bộ sách này. Việc mang 11 tập sách dày cộm về Việt Nam cũng là một kỳ công, tôi phải chia làm ba lần. Có sách trong tay, đọc ngấu nghiến, càng đọc càng thấy thích thú, và từ đó tôi có ý định chia sẻ cùng bạn đọc trong nước. Tôi đề nghị với Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia TP.HCM mua bản quyền trước hai phần (11 tập sách được tác giả gọi là 11 phần), ra được 2 tập (mỗi phần chia làm bốn hoặc năm tập) thì họ gặp khó khăn trong vấn đề chi phí. Cùng lúc, Viện IRED cũng đang chủ trương một tủ sách khai phóng, và bộ sách này lọt vào tầm ngắm của họ. Thế là tôi hợp tác với IRED.
Tôi đến với bộ sách này như một độc giả trước khi là một dịch giả. Được thưởng thức bộ sử thành công nhất thế kỷ XX đã là điều may mắn và thú vị. Vì vậy, tuy trong lúc chuyển ngữ phải phải dụng công nhiều, nhưng tôi không hề thấy chán.
Khi dịch, tôi hình dung mình là người đang đọc văn bản tiếng Việt. Hình dung ra những vấn đề sẽ gặp phải, và tìm cách giúp người đọc thấy thoải mái nhất có thể được. Là một triết gia, sử gia, nghệ sĩ … mang tầm vóc văn hóa thế giới nên mặc dù muốn bộ sử mang tính cách phổ thông, tác giả Durant cũng không ngại xen vào trang sách những tiếng, những thành ngữ, ngạn ngữ La tinh hay Pháp, Ý, … khiến một độc giả ít nhiều bối rối. Ngoài ra, lối hành văn vừa chính xác vừa bay bổng, lại hàm súc, hóm hỉnh và chứa đựng nhiều ẩn dụ cũng như nhiều điển cố trong văn hóa Hy-La cũng là những khó khăn cho người dịch trong việc cố gắng chuyển tải trung thực nội dung của nguyên tác. Vì vậy, bên cạnh vấn đề ngôn ngữ – nội dung, tôi cũng chú trọng đến cách trình bày sao cho cuốn sách đỡ tẻ nhạt hoặc khó hiểu. Trái với cách gom các hình ảnh minh họa lại thành mấy trang và in vào một chỗ trong sách, tôi đã chọn cách xen kẽ hình ảnh vào từng chương mục tùy theo nội dung, và cũng đã sưu tầm thêm để số hình ảnh minh họa trong bản dịch gấp ba-bốn lần nguyên tác. Một vấn đề nữa là chú giải. Như đã nói, văn hóa, ngôn ngữ, sự kiện, nhân vật lịch sử xa lạ … là những rào cản khiến người đọc khó hiểu thấu và thưởng thức trọn vẹn nội dung cuốn sách, nếu không tra cứu thêm. Vì vậy, để giúp cho bạn đọc phần nào đỡ tốn công, và luồng tư tưởng trong khi đọc đỡ gián đoạn, tôi đã đưa vào mỗi tập sách trung bình 150 chú giải, đặt ở cuối trang.
Những khó khăn, phức tạp khi đọc và dịch bộ sử là thế. Tuy nhiên, phần thưởng tinh thần do việc đọc sách mang lại là vô giá. Đọc bộ sử, đầu tiên chúng ta được mở mang kiến thức, làm quen với các vĩ nhân khắp thế giới trong suốt 2.500 năm lịch sử trên mọi lĩnh vực: chính trị, quân sự, văn chương, nghệ thuật… Tài xây dựng nhân vật của tác giả khiến người đọc thấy hiển hiện trước mắt những nhân vật tuy xa xôi mà thật gần gũi, thật “con người”. Chẳng hạn Napoléon, hoàng đế, vị tướng lãnh tài ba nhất trong lịch sử nhân loại, lại là người rất yếu mềm trước nước mắt và những lời cầu xin của người thân, hay Beethoven, thiên tài âm nhạc, lại là người rất chi ly về tiền bạc, và biết cách kiếm tiền – dĩ nhiên là lương thiện; còn thi sĩ Anh Byron, thiên tài lãng mạn với lối sống buông thả đến mức khó tin; trong khi Talleyrand, nhà ngoại giao lỗi lạc của Pháp, từng phục vụ qua ba bốn chế độ, là kẻ bán Chúa, phản chủ (là Napoléon), vô sở bất vi… Trong cảnh tĩnh mịch của một buổi chiều mưa trong phòng riêng, một mình với cuốn sách, ta như ở trong một thế giới khác, thế giới của văn minh nhân loại, thưởng thức biết bao hành động, suy nghĩ cao đẹp của người xưa qua văn phong thâm trầm, dí dỏm, và bao dung của một sử gia-nghệ sĩ-triết gia. Ta thấy mình như cao thượng, tốt đẹp hơn. Và thấy cuộc sống đáng sống hơn.