Sau hơn một ngày tham quan những tòa lâu đài, cung điện của một thời vàng son ở Vienne, sáng hôm sau, chúng tôi lên xe di chuyển tới làng cổ Hallstatt trước khi đến Salbourg. Đó là ngôi làng thuộc thị trấn cổ của nước Áo mà theo lời hướng dẫn viên, nếu đã đến quê hương của nhạc sĩ thiên tài Mozart thì không thể bỏ qua khu làng cổ tuyệt đẹp này.
Từ Vienne đến Hallstatt khoảng 300km, xe chạy trên đường cao tốc, vượt qua những cánh rừng nhỏ, những cánh đồng thảo nguyên, dọc theo những dãy núi ngút ngàn; có đoạn ngoằn ngoèo như đang chạy trên những con đèo uốn lượn giữa bốn bề núi non, có lúc tưởng chừng nó sẽ bị chắn ngang bởi dãy núi trước mặt. Thấp thoáng nối tiếp là những ngôi nhà gỗ nhỏ xinh xắn. Chạy khoảng 2 tiếng, bác tài cho xe dừng nghỉ ở một khu đất nhỏ, có bóng mát để khách nghỉ ngơi, ở đây cũng có quầy bán nước giải khát phục vụ du khách.
Khoảng 15 phút sau đoàn tiếp tục. Chẳng mấy chốc, cả xe đều ồ lên biểu lộ sự ngạc nhiên. Từ xa, làng Hallstatt hiện ra như khung cảnh trong truyện cổ tích đời thật. Do quy định, xe ô tô không được vào trong làng nên chúng tôi xuống xe bi bộ. Đường vào làng là con đường độc đạo. Chỉ đi một đoạn ngắn là đến khu vực trung tâm của làng. Trước mắt chúng tôi là những dãy núi đá bao bọc chung quanh một cái hồ rất lớn. Con đường ven theo bờ hồ bấy giờ đã có đông du khách.
- Xem thêm: Những làng cổ xinh đẹp quanh Amsterdam
Thật quá ấn tượng! Những ngôi nhà nhiều màu sắc với các kiểu dáng khác nhau mang nét cổ kính đều tựa lưng vào núi, mặt hướng ra hồ tạo nên một quang cảnh mà trước đây chưa ai có thể hình dung được. Đi trên con đường vào làng, chúng tôi dường như cảm nhận được hơi thở cuộc sống cách đây cả mấy nghìn năm. Những ngôi nhà có vẻ đẹp như tranh vẽ, những dây leo mọc bám vào lan can và nở hoa rực rỡ trên tường, những mái nhà xếp lớp thoai thoải theo triền đồi, những tường gạch cũ chông chênh trên dốc… Tất cả tạo nên dáng vẻ rất cổ kính.
Ngôi làng đẹp không chỉ vì địa thế và cảnh quan xung quanh mà còn đẹp ở từng ban công, góc phố. Người dân ở đây rất biết chăm sóc, làm đẹp ngôi nhà của mình, không cửa sổ, ban công nào là không có hoa tươi khoe sắc. Những bậu cửa sổ gỗ đầy hoa rủ xuống, đủ sắc màu nhưng nhiều nhất vẫn là hoa đỏ trông rất quyến rũ. Điểm đặc biệt là dân ở đây rất chuộng trồng cây ăn quả và ép cây leo trên tường nhà. Hiếm khi chúng ta có thể nhìn thấy cây ăn quả mọc ngang và bò trên tường như dây leo như ở đây.
Có một số ngôi nhà được xây dựng san sát dọc theo ven hồ, một vài nhà có ban công chòi ra mặt nước và được nâng đỡ bằng cột gỗ phía dưới, xung quanh là những giàn hoa leo màu sắc tươi thắm.
Các ngôi nhà ở vị trí các độ cao thấp khác nhau như ở vùng thượng du. Chúng tôi đi lên một bậc thang bằng đá để quan sát từ trên cao. Cũng như ở tầng dưới bên đường, các ngôi nhà ở đây đều trang trí bằng hoa lộng lẫy. Có nhà lại bày các vật lưu niệm đặc sản trước nhà như là để trang trí. Ở một vách núi trống có một tượng đài được chạm trên vách đá với những dòng chữ tưởng niệm những người Áo đã hy sinh trong 2 cuộc Thế chiến.
Ở đây, nổi bật là 2 ngôi nhà nhờ; một của Tin Lành nằm bên con đường đi bộ dẫn vào làng, một của Công giáo tọa lạc sừng sững trên sườn núi. Đặc biệt, trong khuôn viên của khu nhà thờ Công giáo có một khu vườn nhỏ, đồng thời là nghĩa trang, nơi các ngôi mộ được xếp ngay sát nhau. Ở đây, có một “ngôi nhà xương” cất giữ chừng 1.200 xương sọ trang trí hoa văn và khắc ghi tên người quá cố. Cách đây rất lâu, việc hỏa táng bị cấm nên các thi thể sau khi được chôn cất từ 10-15 năm sẽ được khai quật. Người ta lấy những hộp sọ, làm sạch, phơi đến khi chuyển sang màu trắng ngà.
Các bộ hài cốt được xếp chồng lên nhau trong ngôi nhà để tiết kiệm không gian cho nghĩa trang đông đúc. Những người có quan hệ họ hàng máu mủ thường được đặt cạnh nhau. Những chiếc xương sọ được trang trí các hoa văn để dễ dàng nhận biết, phân biệt. Đó cũng là một nét văn hóa đặc trưng của Hallstatt, khi người sống và người đã quá cố, khi quá khứ và hiện tại thường được nhắc đến một cách tự nhiên, dường như không có khoảng cách. Phải nói rằng vẻ đẹp kiều diễm và có phần huyền bí của ngôi làng làm cho du khách có cảm giác như vào một ốc đảo tách biệt với bên ngoài.
Trở lại con đường ven hồ, chúng tôi đi vào trung tâm của làng. Bên đường cũng có các quán cà phê để khách dừng chân. Rất ít nhà hàng nhộn nhịp thường thấy ở các thành phố lớn. Quảng trường “tí hon” như là tâm điểm của ngôi làng mà chung quanh là một cảnh quan sơn thủy như tranh thủy mặc.
Rải rác theo con đường là những quầy bán đồ lưu niệm được làm từ muối, hay những con ốc Anh Vũ hóa thạch; đây là loài ốc sống trên trái đất từ cách đây hơn 2 triệu năm và được tìm thấy hóa thạch rất nhiều ở trên núi Alps, điều đó cho thấy dãy Alps cao trên 4.000m so với mặt nước biển, trước kia lại nằm sâu dưới đáy biển.
Rất đông du khách tập trung bên hồ Hallstatter để ngắm cảnh. Mặt hồ phẳng lặng với những đàn thiên nga lướt nhẹ êm đềm. Ở bến thuyền, có vài chiếc thuyền du lịch sơn trắng hai tầng đưa khách tham quan một vòng quanh hồ.
Được biết, cả triệu năm trước, hồ Hallstatter nguyên là một vùng biển, trải qua một cơn địa chấn nên phần biển này lọt thỏm vào giữa mà xung quanh toàn là núi đá mới xuất hiện. Nước biển ngấm vào vách núi hàng triệu năm để rồi hình thành nên mỏ muối đầu tiên ở châu Âu. Chúng tôi mua vé để đi lên tham quan mỏ muối có từ thời cổ đại. Những toa goòng đưa khách vào mỏ mà bây giờ là bảo tàng viện; nơi lưu giữ những hiện vật, tranh ảnh của nghề làm muối. Đây được xem là mỏ muối lâu đời nhất trên thế giới. Trước khi châu Âu có một Rome, chính những mỏ muối này đã giúp Hallstatt từ đầu đã trở thành một ngôi làng thịnh vượng.
Tuy nhiên, có lẽ Hallstatt được biết đến rộng rãi trên thế giới, không phải vì muối mà chính bởi cảnh quan thiên nhiên kỳ diệu ở đây. Nhiều người cho rằng đây là nơi “độc nhất vô nhị” của nước Áo, xứ sở vốn không thiếu những thắng cảnh tuyệt đẹp. Người hướng dẫn cho biết năm 2011, một doanh nghiệp Trung Quốc vụng trộm “nhái” thiết kế của làng để thành lập một bản sao khác tại Huệ Châu, Quảng Đông; sự việc gây nhiều bất bình trong cư dân ngôi làng, nhưng ngay du khách người Hoa khi có dịp tới Hallstatt cũng phải thú nhận rằng, bản sao dầu thế nào đi nữa cũng không thể sánh với nguyên bản, bởi cái hồn của đất trời, sông nước và lịch sử của mảnh đất là không thể sao chép.
Được biết gần đây, ngày 30-11-2019, một đám cháy lớn đã làm hư hại một phần ngôi làng. Theo Đài Truyền hình Áo (ORF), ngọn lửa bùng phát tại một túp lều gỗ nằm bên bờ hồ, rồi lan sang nhà kho và các căn nhà của người dân lân cận. Có tất cả 8 xe và 109 lính cứu hỏa được điều động tới dập lửa, ngăn chặn không cho lửa lan sang những ngôi nhà gỗ vốn được xây rất sát nhau. Nhờ đó, đám cháy không gây thiệt hại lớn. Có 3 cơ sở dành cho khách du lịch bị cháy rụi, 2 nhà dân bị tổn thất nặng nề. Người dân trong làng sơ tán an toàn, không có thiệt hại về nhân mạng, chỉ một nhân viên cứu hỏa bị thương khi đang làm nhiệm vụ.
Tạm biệt Hallstatt với nhiều cảm xúc khó tả để đến với quê hương nhà soạn nhạc thiên tài Mozart. Những giai điệu êm ái, nhẹ nhàng của bản concerto tinh tế của nhạc sĩ đã làm cho chúng tôi tự hỏi: Điều gì đã làm cho Hallstatt dù đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử, từng là xứ sở thịnh vượng đến bây giờ dường như vẫn nằm ngoài vòng xoáy ảnh hưởng của thời gian và thế giới hiện đại? Phải chăng, sự chung sống hài hòa giữa con người với thiên nhiên đã hòa quyện vào nhau mới tạo nên được một không gian thanh bình, im ắng, mặc cho cuộc sống với biết bao sôi động, ồn ào của thế giới chung quanh?…