Dù là loài trí tuệ thượng đẳng, nhưng khi “mất nhà” người đau hơn thú mất hang, chim mất tổ. Khi phải “đổi nhà”, “chuyển nhà” buồn như mất bản quán, người thương. Đổi nhà là đành phải đổi, chứ rời một nơi quen thuộc sao mà nó hẫng hụt, chênh vênh quá.
Dưới mái nhà, một người đang ngủ
Với giấc mơ của những vì sao (thơ Văn Cao)
Nguồn gốc của chúng ta là thú mà, từ thiên nhiên nên hình nên dạng, và ở mãi nơi này cho đến “tàn cuộc”. Thiên nhiên quá lớn, trời đất bao la, vũ trụ quá rộng, cao thiêng huyền diệu, mà sinh thể con người lại quá bé mọn, mỏng manh. Ta nương tựa vào thiên nhiên cho cuộc sinh tồn khốc liệt nơi mặt đất. Ta cần thiên nhiên, cần “không gian” như bao sinh vật khác cho dù loài ta đến thế kỷ này đã “hiện đại” đến bao nhiêu.
Đừng cao ngạo, con người ơi, “chất” rừng, chất thú, chất hoang vu vẫn còn bàng bạc trong ta. Ta ở trong sự kiêu hãnh và sự yếu đuối, trong ánh sáng và bóng tối, trong đêm và ngày. Ta thấy gần gụi với ngày, và cứ mãi thấy xa lạ với đêm.
Ừ, thì như đàn chim dẫu đi tìm ăn xa tận đâu, dù có mỏi cánh cũng cố bay cho kịp về tổ vào cuối ngày. Nó yêu “cái nhà” của nó vậy đó, và hơn thế là không gian có cái tổ, cõi sống quen thuộc, tin tưởng cho lúc mình cần sự an toàn nhất.
Con thú cũng vậy, dù là thú to hay thú nhỏ, thú hiền hay thú dữ, phải quay về hang thôi, khi cần nghỉ ngủ hay nương náu.
Con người lại càng vậy, sinh hoạt bề bộn thế nào rồi cũng “về nhà thôi!” khi đêm đã xuống. Động vật là vậy, nhất là những loài càng nhiều trí khôn, càng nhiều nhạy cảm. Dường như con người vẫn là loài cần “tổ”, cần “hang”, cần nhà nhất. Vì họ muốn sống dài hơn muôn loài. Vì họ lo nghĩ nhiều hơn các loài. Vì trước thiên nhiên, họ cần sự chở che hơn mọi loài.
- Xem thêm: Những căn nhà cũ
Con người bắt đầu cần sự an toàn nhiều hơn từ khi bắt đầu biết đứng thẳng, thành Homo Sapien – người hiện đại, theo thuyết của Darwin. Không biết bay, không thở bằng mang, không chạy được bằng bốn chân là bắt đầu gặp khó khăn hơn trong đấu tranh sinh tồn. Trí khôn là cách để con người “thắng” các sinh vật khác trong cuộc tồn sinh giữa đất trời. “Căn nhà” là thành quả của tiến hóa và văn minh. Nên “về nhà” là hơn về tổ, về hang. “Tổ ấm”, là tính chất con người thành tâm chỉ căn nhà mình.
***
“Về nhà” là được bình yên, bắt đầu cuộc tái tạo sinh lực cho ngày mai, bình minh lên. Rũ bỏ những nỗi buồn, thậm thưởng những thành quả. Nhưng phải là “nhà mình” chứ “nhà người” thì cũng không vẹn toàn những nhu cầu sinh học và tinh thần đó. “Nhà mình” nó êm ả, và bao dung, độ lượng với mình. Nó thấy mình phờ phạc, xác xơ cũng không sao. Nó thấy mình lầm lạc, nông nổi cũng không sao. Nó cho đi đứng tự do, nói năng xả láng, ăn uống kiểu gì cũng được, trần như nhộng ra ngủ vẫn chẳng ngại ngùng. Nghe một bản nhạc được tới nơi, xem một bộ phim được tới bến, đọc một trang sách được thả hồn, nếm nỗi niềm nào đó được tới đáy, nhấm một niềm vui nọ kia được tới đỉnh…
Nên, ở đâu quen đó. Dù là loài trí tuệ thượng đẳng, nhưng khi “mất nhà” người đau hơn thú mất hang, chim mất tổ. Khi phải “đổi nhà”, “chuyển nhà” buồn như mất bản quán, người thương. Đổi nhà là đành phải đổi, chứ rời một nơi quen thuộc sao mà nó hẫng hụt, chênh vênh quá.
Cái “chỗ ở” nó quan trọng vậy đó. Sự tha thiết vẫn còn vương lại, dù “đi” là đến chỗ tốt hơn, đẹp hơn, an toàn, oai hơn, tự hào hơn. Sự thảo thơm vẫn còn nơi đó, hay cho dù là những ký ức không vui, mục rữa, úa vàng. Chỗ ở quá nghèo nhưng vẫn nồng nàn hương vị. Biệt thự rất xa hoa nhưng cả một đoạn trường ở đó. Buông một chỗ gắn bó đâu phải dễ. Dù kẻ máu lạnh đến mấy, nhưng mỗi khi dọn nhà đi họ còn ngoái đầu lại lần cuối. Họ nhìn lại hình hài nó, khuôn mặt nó, những cây, vật, nọ kia.
Đổi một chỗ ở, nơi sống, thách thức lớn nhất với con người là phải thích nghi cái hơi thở khó kể ra bằng lời ấy, rồi cảnh vật và người, ở nơi mới và tìm quên cảm giác nơi cũ. Nên thế nhân trong đời, phần đông, chuyện “ở” và “đi” bao giờ cũng là việc khó khăn nhất với tâm hồn họ.
Có người bán nhà cho người ta rồi, nhưng những dịp ngang qua còn phải nhìn vào nơi đó. Họ nghe dư âm của những mùa sống cũ. Họ lay động bởi thanh vang kỷ niệm. Có người đi còn cố bứng cho được cái cây mình hay nhìn mỗi ngày, gỡ một miếng ván, cầm một cục gạch cũ, hay chụp dăm tấm hình.
Con chim, con thú không có kỷ niệm, không cần ký ức, nó chỉ hiện sinh, trọn vẹn bản năng. Con người khổ thế đó. Con người thăng hoa thế đó. Con người tinh tế thế đó. Con người mềm yếu thế đó. Thật là một sinh vật kỳ diệu.
Tội nghiệp loài thượng đẳng chưa!
Tôi có người bạn là phu quét đường phố, ngày chuyển nhà trọ thuê mà nó khóc. Nước mắt nó, tôi không biết khóc cho điều gì, mà hỏi rõ về giọt nước mắt đó thì mình thành kẻ vô cảm, không thể. Nghe nói có người sống nhờ đêm ở xó chợ, gầm cầu mà ngày rời khỏi chỗ cái ổ đó họ còn làm bữa cúng đơn sơ để giã biệt, khói từ cây nhang cũng bay lên.
***
Ở lâu, quen. Quen hơi thở không gian. Cái hơi thở không gian nó là thứ gì mà ghê gớm vậy?
Đổi một chỗ ở, nơi sống, thách thức lớn nhất với con người là phải thích nghi cái hơi thở khó kể ra bằng lời ấy, rồi cảnh vật và người, ở nơi mới và tìm quên cảm giác nơi cũ. Nên thế nhân trong đời, phần đông, chuyện “ở” và “đi” bao giờ cũng là việc khó khăn nhất với tâm hồn họ. Nhiều người còn không thể “đi”, không chịu được thay đổi. Có khi là họ không thể rời khỏi con đường mòn đất đỏ của xóm núi, cái thung lũng phía trước, cái bàu sình phía sau, cái cây họ trồng bên hông nhà, hay cái vỉa hè bé con họ chạy bộ trên phố mỗi đầu tối, cái chợ cóc góc đường, cái tiệm hớt tóc thân quen, và cô hàng bán bún riêu nhân từ hay thêm cho cục riêu mỗi sáng…
Cái “hồn” của nơi mình ở, men của tình yêu cuộc sống, nó lớn vậy đó. Như ông thi sĩ Lâm Anh ở tận xó rừng miền cao nguyên yêu nơi mình sống đến độ: “Loài chim khôn còn hót được trong lồng/ Thì dù ta chỉ còn đôi cánh lá/ Cũng vì người mà trổ hết mùa bông”. Còn triết nhân huyền thoại Phạm Công Thiện thì mỏng mà nặng như ngàn tấn trên đầu tim: “Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn/ Cây khế đồi cao trổ hết bông”.
Con người ơi, sao mong manh quá! Là sinh vật yếu đuối nhất mà.
Đừng nghĩ mình thành đạt, giàu sang, quyền cao, chức trọng, luôn thuận buồm xuôi gió mà hung hăng với nhân quần. Cứ nằm bệnh viện một lần nghiêm trọng rồi cảm nhận phận người; cứ đổi nhà, chuyển cư, chuyển xứ đi rồi biết thôi.
- Xem thêm: Cái gì cũng có – chỉ thiếu chúng nó
Mấy ông họa sĩ thường hay vẽ bức tranh về căn nhà xưa chứ chẳng thấy vẽ căn nhà nay. Mấy ông nhạc sĩ hay viết những câu hát về căn nhà quá vãng chứ ít thấy căn nhà đương ở. Cái vỏ kiến trúc nó ghê chưa. Chắc vì trong cái vỏ đó là một khối tình, và những thứ đơn sơ bao bọc lấy nó.
Thế nào rồi nơi ở cũ, căn nhà cũ, cái hang, cái tổ cũ cũng có lúc quay lắc tâm trí bạn thôi. Dẫu nơi đó từng là một nơi khốn nạn, gây ra nhiều đau đớn, thậm chí cướp mất một đoạn đời của bạn…