Mặc dù có tới 900 cây cầu xinh đẹp ở Rome- thủ đô Italy, song ấn tượng nhất, được lui tới nhiều nhất vì cảnh đẹp thơ mộng cùng ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là cầu Ponte Sant, Angelo, Cầu của Những Thiên thần, tên tiếng Anh là Bridge of Angels.
Ra đời từ thế kỷ II trên dòng sông Tiber, chính dòng sông lập nên đế chế La Mã, mà kinh đô là thành Rome, trong suốt thời Trung Cổ, cầu đã được gọi là Cầu của Thánh Peter- Pons Sancti Petri, nhưng đến thế kỷ XVII đã đổi tên thành Cầu của Những Thiên thần khi Giáo hoàng Clement IX cho lắp đặt tại đây một hàng tượng, gồm 10 pho tượng đại thiên thần. Mỗi vị cầm một đồ vật biểu thị cho Sự Thương khó của Chúa Jesus, còn được hiểu là Cuộc khổ nạn hay Hành trình chịu cực hình của Ngài.
Qua đó, mỗi hành khách, dù là tín đồ Kitô giáo hay không, khi qua cầu đều được chứng kiến những đau đớn trên thể xác mà Chúa Jesus đã từng trải qua, được ghi trong Kinh Thánh, để gánh tội cho nhân loại, chịu đựng thay loài người mọi khổ cực – bất công nhằm khuyên mọi người hãy sống lòng lành, công bằng và thân ái. Cây cầu, trong đó có 10 pho tượng thiên thần, do vậy là một cách để tưởng nhớ và ca ngợi đức hy sinh cao thượng của Đấng Cứu Thế.
Được thiết kế bởi kiến trúc sư Demetrianus vào năm 134 thời La Mã, mới đầu Cầu của Những Thiên thần là một con đường để nối kết giữa khu hoàng thành cũ của Rome với khu vực đô thị mới, mà nổi bật là lăng tẩm của hoàng đế Hadrian đang được khởi công, mà hôm nay chính là Lâu đài Castel Sant, Angelo. Vì thế, cầu được gọi là Cầu Aelian (một tên khác của vua Hadrian) trong thời này.
Sau khi xuất hiện, cầu Aelian đã trở thành một cầu đường quan trọng, giúp chuyên chở vật liệu xây dựng từ trung tâm thành phố tới bên kia sông, kiến tạo nên nhiều công trình nhà ở hoàng gia và dân gian mới. Vào thế kỷ IV, cầu tiếp tục làm một đại lộ chính, nếu như không nói là duy nhất, để mọi tín đồ Kitô giáo đến với Vương Cung thánh đường St. Peter của Tòa Thánh Vatican khi vương cung vừa được khánh thành, và mang tên Cầu của Thánh Peter cho tới cuối thế kỷ VI.
Vào năm 590, trong một đám rước có tính chất sám hối, ăn năn do dịch bệnh đang hoành hành khắp nơi, Giáo hoàng Gregory I chợt thấy Tổng Thiên thần Michael hiện lên trên đỉnh của lăng tẩm Hadrian, đút một thanh gươm đẫm máu vào bao kiếm, như một dấu hiệu thông báo đại dịch đã chấm dứt. Vui mừng vì điều này, Giáo hoàng đã cho dựng tượng đại thiên thần Michael trên đó và gọi lăng tẩm Hadrian là Castel Sant, Angelo, và do liên quan tới Castel Sant, Angelo, cây cầu kể trên cũng mang tên Ponte Sant, Angelo, và cái tên này càng được củng cố khi vào thế kỷ XVI xuất hiện thêm tượng của 10 thiên thần khác và 2 tượng thánh tông đồ St. Peter và St. Paul đứng canh giữ lối vào.
Từ tượng thạch cao đứng trên đế gỗ, vào thế kỷ XVII, 10 tác phẩm đã được thay hoàn toàn bằng đá trắng, nhờ thế tồn tại tới nay. Cụ thể là vào năm 1668, Giáo hoàng Clement IX đã giao cho nghệ sĩ Gian Lorenzo Bernini, người chịu trách nhiệm đối với rất nhiều công trình mỹ thuật của Tòa Thánh Vatican, làm lại hàng tượng này sao thật lộng lẫy, tráng lệ, xứng đáng với lối đi vào Tòa Thánh, và tuân theo chủ đề Thương khó của Chúa Jesus, có ý nghĩa lớn lao trong việc tăng trưởng đức tin về sức mạnh và tình yêu của Chúa.
Bernini ngay lập tức đã vẽ lên một bức tranh sống động về con đường Via Crucis, mà Ngài đã phải bước qua, trong đó Ngài vác một cây thánh giá cực lớn bằng gỗ, vừa đi vừa chịu đòn roi, cuối cùng bị đóng đinh vào cây thánh giá, treo lên mà tử nạn. Nghệ sĩ đã chọn 8 trợ lý khác nhau để đẽo đá, tạc ra 8 pho tượng thánh, và riêng mình tạc 2 pho tượng đại thiên thần cầm vương miện gai và bảng khắc chữ vô cùng hùng tráng.
Thấy 2 tuyệt tác này, Giáo hoàng đã giữ chúng lại để trưng bày tại nhà thờ Sant, Adrea delle Fratte, còn làm 2 bản sao nữa đặt trên cầu. Vào năm 1670, cả 10 pho tượng đã được hoàn chỉnh và chạy zic zăc hướng về Castel Sant, Angelo, với mỗi tượng thể hiện cho một khoảng khắc linh thiêng trong chuyến hành trình chịu khổ của Chúa, và có những dòng chữ trên đế bằng tiếng La tinh ghi nhớ nội dung.
Pho tượng thiên thần đầu tiên là tượng đại thiên thần với đôi cánh trắng, 2 tay cầm một cây cột cao, mà ở đó Chúa Jesus đã bị trói chặt và đánh roi. Chân tượng khắc một dòng chữ, có nghĩa là Ngai vàng của ta ở trên đây.
Pho tượng thứ 2 của Lazzaro Morelli là một thiên thần cầm một roi da được bện rất chặt từ nhiều sợi để đánh đau hơn.
Pho tượng thứ 3 của Bernini lại nói về vương miện bằng gai sắc được những tên lính đội lên đầu Chúa, cho thấy sự u mê, man dại của con người bấy giờ đã gây lên những đau đớn trên thể xác Đấng Cứu Thế.
Pho tượng thứ 4 của Cosimo Fancelli là chiếc khăn, mà một phụ nữ tên là Veronica đã tranh thủ lau mặt cho Chúa, thấm đẫm những giọt mồ hôi và máu của Ngài nhỏ ra từ chiếc vương miện.
Pho tượng thứ 5 của Paolo Naldini mang một tấm áo và mấy viên xúc xắc, được ghi nhớ khi mấy tên lính lột áo của Chúa và rồi cá cược bằng cách tung xúc xắc để xem tên nào lấy được tấm áo.
Pho tượng thứ 6 của Girolamo Lucenti cầm những cái đinh rất dài đã từng xiên qua tay chân của Chúa khi Ngài bị đóng đinh trên cây thánh giá.
Pho tượng thứ 7 của Ercole Ferrata chính là hình ảnh của cây thánh giá, biểu tượng mạnh mẽ nhất của Sự Thương khó và niềm tin nơi Chúa. Ngài đã vác cây thánh giá này đi suốt hơn 600m từ thành cổ Jerusalem tới nơi hành hình.
Pho tượng thứ 8 là một tác phẩm nữa của Bernini với tấm biển khắc dòng chữ INRI là một biển báo được gắn trên chóp đỉnh của cây thánh giá khi Chúa mang vác, trên đó ghi dòng chữ Jesus, thành Nazareth, vua của người Do Thái. Bằng việc gắn tấm biển này trên cây gỗ nặng trịch, và trước đó là đội vương miện gai, chính quyền xưa muốn nhạo báng Ngài trước mặt mọi người.
Pho tượng thứ 9 của Antonio Giorgetti có cây gậy đính một miếng bọt biển, đặc tả lần cuối cùng Chúa được nhấp miệng, song thay vì nước ngọt, trong mát để uống cho đỡ khát là một thứ rượu chua như dấm.
Pho tượng thứ 10 của Domenico Guidi là tác phẩm sau cùng trong bộ tượng, khắc họa một thiên thần nhìn đau đáu về phía mũi giáo, vật nhọn hoắt đã đâm vào ngực Chúa và gây nên cái chết của Ngài. Sau rất nhiều cuộc tra tấn, bị đóng cọc, bỏ đói bỏ khát, phơi dưới nắng gắt, mất máu do các vết thương, Ngài đã trút hơi thở cuối cùng vì một mũi giáo.
Cả 10 pho tượng đều được đẽo gọt rất sinh động, chi tiết với hình ảnh của các thiên thần bay từ thiên đàng xuống, đứng giữa mây, trong những tà áo bay theo gió, nét mặt buồn bã – sửng sốt, chứng kiến giờ phút Chúa Jesus bị đọa đày, và rồi nâng niu từng đồ vật đã gắn với Ngài trong hành trình thương khó. Mỗi vị đều có một dáng vẻ, cử chỉ khác nhau, đồng thời cũng thuộc nhiều lứa tuổi từ già tới trẻ, như thể toàn thế giới đang đứng để tiễn đưa Ngài.
Cùng với tượng thiên thần, về phía Nam của cầu còn có 2 pho tượng thánh tông đồ Peter cầm chìa khóa cánh cổng thiên đường và Paul cầm gươm sách mang tới tri thức cho loài người. 2 pho tượng này đã được lắp đặt tại đây từ năm 1534 trước khi có những tượng khác, và thay cho 2 tu viện thế kỷ XV. Tượng St. Peter được Lorenzetto điêu khắc, còn tượng St. Paul do Paolo Taconne chạm trổ. Toàn bộ cây cầu có 12 pho tượng, cũng là gợi nhớ tới 12 tông đồ và tạo nên một con đường linh thiêng, kỳ diệu dẫn tới vùng đất Thánh.
Không chỉ đẹp nhất thành phố Rome, Cầu của Những Thiên thần còn là một cây cầu lâu đời nhất Italy và thế giới, hãy còn giữ nguyên dạng từ thời La Mã. Với chiều dài 135m, công trình có đến 5 nhịp cách đều 18m và cao 7m trên sông. 3 nhịp chính trung tâm đã có từ thời La Mã, còn 2 nhịp sau tồn tại từ thế kỷ XVII, và đều làm từ hỗn hợp đá núi lửa tufa bên trong và đá vôi travertine bên ngoài.
Những viên đá tuy khác biệt, song cùng có màu trắng và hình thang để tạo nên các nhịp cuốn duyên dáng, trong đó có 2 nhịp trên cạn và 3 nhịp trên nước, tạo thành một đại lộ thênh thang cho cả xe ngựa lẫn người đi bộ ngày xưa và khách bộ hành hôm nay. Nhằm tăng thêm độ vững chãi, vào thế kỷ XIX, người ta đã nối 2 bức tường, mỗi bức dài 12m, gia cố vào từng đầu cầu, giúp mỗi ngày phục vụ hàng nghìn người. Ai nấy đều rất thích sự cân đối, nhịp nhàng, nguy nga của cầu, đồng thời là sự đông vui như hội từ quảng trường Piazza di Ponte Sant, Angelo tới khu vực thành phố Vatican.
Từ góc độ nào, người xem cũng thấy công trình lộng lẫy, tráng lệ, đặc biệt là những pho tượng cao vời vợi, in lên nền trời xanh – từ 5 thế kỷ trước đã được điêu khắc, sắp đặt hoàn hảo càng ngắm càng thấy uy nghi, lẫm liệt. Những đôi cánh của thiên thần là một điểm ai cũng dễ thấy dù đứng ở đâu, đằng trước hay đằng sau, và chúng phản ánh sự hiện diện của thánh thần trong mọi hoạt động, tư thế, cử chỉ của người, cho dù dưới chân họ có mây hay không, và với việc đặt tượng uốn khúc mang lại cảm tưởng những đôi cánh như bay lên, hạ xuống bồng bềnh.
- Xem thêm: Những chuyện kỳ lạ ở cầu Golden Gate
Trong đó, bao giờ cũng có một cánh được nhìn rõ nhất từ khu phố cổ của Rome và một cánh từ Castel Sant, Angelo. Cùng cánh chao lượn, xiêm áo của những thiên thần cũng rất linh hoạt, thậm chí chuyển động dữ dội, nhất là pho tượng đầu có những sóng áo tung bay rất lạ thường, vì thốc từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài như thể thiên thần vừa đáp xuống. Nét mặt của tượng cũng rất biểu cảm, ở pho tượng này là sự ngây ngất, ở pho tượng thứ 3 là sự sầu bi, còn ở các pho tượng khác là sự xuất thần, hiền từ.
Nhìn trực diện đã thấy vẻ đẹp sừng sững – hùng vĩ, song nhìn từ góc 45o và 2 bên đầu cầu còn có cảm giác mọi thứ đang thăng thiên, bay theo ánh mặt trời. Mỗi khi vầng dương chiếu rọi, ánh nắng huy hoàng luôn làm mỗi pho tượng lung linh, tỏa sáng và lần lượt soi chiếu từng tượng cho tới khi đến tượng của Thánh Peter và Paul thì chan hòa, với đầy đủ sự rực rỡ, tươi đẹp.