Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước Việt Nam, dưới chế độ phong kiến, có những vị vua được lưu danh sử sách vì những chiến công lừng lẫy trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, hay vì những công lao hiển hách trong sự nghiệp dựng nước. Cũng có những người bị liệt vào hàng bạo chúa, hay mãi ăn chơi sa đọa đến nỗi bị truất phế mà mất ngôi…
Nhưng riêng vua Bảo Đại, ông hầu như được nhắc đến chỉ vì một thực tế duy nhất: ông là vị hoàng đế cuối cùng của nước Việt Nam phong kiến. Cho đến tận ngày nay, cuộc đời của vị vua này vẫn bị bao phủ bởi những giai thoại, mà phần nhiều trong số đó là bảy thực, ba hư. Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới, hé lộ phần nào cuộc đời của ông, trong đó có sự kiện lập Đông cung Hoàng Thái tử vào năm Nhâm Tuất (1922).
Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại), sinh ngày 22 tháng 10 năm 1913 tại Huế. Cha của ông là Nguyễn Phúc Bửu Đảo (tức vua Khải Định) và mẹ là Từ Cung Hoàng Thị Cúc. Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy được lập Thái tử khi mới lên 9 tuổi. Do hầu hết các vua nhà Nguyễn không sắc lập Thái tử nên nghi thức này ít được nhắc đến trong sử sách, vì thế mà chẳng mấy người tường tận về buổi lễ tấn phong Thái tử của ông.
Tháng 2, năm Nhâm Tuất (1922), Hội đồng Tôn Nhân phủ và Cơ Mật viện cùng dâng sớ tâu xin vua tấn phong cho Hoàng tử Vĩnh Thụy làm Đông cung Hoàng Thái tử. Mộc bản sách Khải Định chính yếu sơ tập, quyển 1, mặt khắc 8, 9 cũng có chép về sự kiện này như sau: “Trước đó, Phủ Tôn Nhân và Viện Cơ Mật tâu xin với vua sớm lập Đông cung để làm yên lòng mọi người và làm long trọng thể thống quốc gia”.
Ban đầu, vua Khải Định cho rằng Hoàng trưởng tử tuổi đang còn trẻ nên chưa cho vinh hiển sớm. Nhưng vì các đại thần trong triều nhiều lần tâu xin vua sớm lập Đông cung. Vì thế, mà vị vua thứ 12 của triều Nguyễn đã mệnh sai viết thư gửi đến triều đình Đại Pháp xin ý kiến. Bức thư có đoạn viết: “Mới rồi, thần dân tệ quốc có kêu xin lập con thừa tự của quả nhân là Vĩnh Thụy làm Thái tử, kế thừa đển yên định lòng người trong nước.
Quả nhân nghĩ nó vẫn còn trẻ tuổi mà phải gánh vác trách nhiệm nặng nề, e không nên, bèn muốn thôi, nhưng như thế lại đi ngược lại ý chí dân chúng. Vậy xin đề đạt việc này lên Quý triều đình và Chính phủ Bảo hộ để xin phán quyết có nên hay không?”. Ngay sau đó, quý Toàn quyền đại thần đã tấu đạt lên rằng đây là một việc quốc kế lớn cần phải sớm định liệu, là ước nguyện tha thiết để đảm bảo giữ gìn phúc khánh lâu dài của một đế quốc vĩ đại”. Sau hỏi ý kiến Lưỡng cung, được sự đồng ý, vua Khải Định đã lập tức giáng dụ cho trong ngoài biết về việc sách lập Đông cung Hoàng thái tử.
Vâng mệnh vua, Bộ Lễ tiến hành cho chọn ngày lành tháng tốt và quyết định lấy ngày mồng 1 tháng 4 kính cáo các tôn miếu, ngày mồng 2 cử hành lễ sách lập Đông cung Hoàng Thái tử tại điện Thái Hòa.
Đến ngày lễ, trên mặt hoàng thành bắn súng đại bác chào mừng, Ty Nghi lễ thiết đại triều tại điện Thái Hòa trong Tử Cấm thành, các quan văn võ mặc triều phục tiến vào sân rồng đứng chầu. Các quan Bộ Lễ và Nội các có ban nhạc dẫn đường đi đến điện Cần Chánh là nơi vua thiết triều để rước các bảo vật sang điện Thái Hòa.
Bảo vật gồm chiếu thư để trong ống Kim Phượng sơn son chạm trổ đầu chim phượng hoàng, Kim sách, ấn vàng của Đông cung thái tử; tất cả được đặt trên hoàng án. Tất cả các vật này được đặt lên trên hoàng án để ở điện Thái Hòa. Khi đó Hoàng thái tử đầu chít khăn vàng, mình mặc áo bào màu cam thêu rồng, tay cầm ngọc Như Ý ngồi đợi trong nhà Ốc Thứ.
Đến cuối giờ Mão (7 giờ sáng), vua Khải Định đội mũ cửu long, mặc áo hoàng bào, thắt đai ngọc, cầm hốt ngọc có cờ quạt, nghi trượng, nhạc lễ rước vào ngự trên ngai báu ở điện Thái Hòa. Trên hoàng thành phát 7 tiếng lệnh, lầu Ngọ Môn trống nổi vang rền. Các quan bộ Lễ hướng dẫn các đại thần, Khâm sứ Pháp ở Trung Kỳ và các quan tùy tùng vào trong điện yết kiến vua.
Thay mặt Chính phủ Pháp, Khâm sứ đọc diễn văn chúc mừng, vua đứng dậy nghe, sau đó đáp từ rồi ngồi xuống ngai vàng. Khâm sứ và các quan khách người Pháp lui ra hai bên điện. Một viên quan Bộ Lễ làm Tán lễ xướng lên: “Bài ban, ban tế, cúc cung bái, hưng bái”. Các quan đều quỳ xuống lạy 5 lạy. Bấy giờ, Hoàng thái tử từ trong nhà Ốc Thứ bước ra đến trước ngai vua đứng hơi lệch về bên trái rồi quỳ xuống lạy 5 lạy.
Hai viên đại thần tiến ra quỳ trước vua, một người đọc kim sách, một người đọc chữ khắc trên ấn vàng rồi trao cho Thái tử. Thái tử nhận kim sách, ấn vàng nâng lên ngang trán, sau đó trao lại cho hai viên đại thần và lạy vua 5 lạy. Các quan Nội các quỳ tâu xin ban bố kim sách, kim bảo phong Đông cung Hoàng Thái tử (kim sách kim bảo đều làm bằng bạc dát vàng).
Quan Hồng Lô tự khanh lấy tờ kim sách trên hương án trao cho quan làm lễ quỳ đọc. Đọc xong, quan Tư lễ xuất ban quỳ tâu: “Lễ thành”, trên đài phát 3 tiếng lệnh, các quan làm lễ chúc mừng, vua truyền tuyên cáo cho cả nước được biết. Tiếp đó, vua Khải Định ban cho Thái tử trượng bạch ngọc Như Ý, ngự kiếm Thiên Long và lời dụ. Mộc bản triều Nguyễn, sách Khải Định chính yếu sơ tập, quyển 1, mặt khắc 12, 13, còn ghi chép sự việc này như sau: “Ban cho Thái tử trượng bạch ngọc Như Ý và ngự kiếm Thiên Long.
Lời dụ rằng:… Nay đã lập ngôi vị thừa kế cho Hoàng thái tử, tham chiếu theo lễ chế của triều nhà Minh, trẫm có một cây trượng Như Ý bằng ngọc màu trắng mỡ cừu, vốn vẫn cất giữ trong kho quốc tệ, trên có khắc bốn chữ Đại Nam Như Ý, gần đây bị thất lạc ra ngoài, trẫm tìm mua được đem về ban cho Hoàng thái tử Vĩnh Thụy, để mỗi khi vào dự lễ thị triều thì bận triều phục rồi cầm ở trên tay cho hợp lễ và để phân biệt.
Đồng thời sắc ban cho một thanh ngự kiếm Thiên Long, bao kiếm bằng gỗ quảng đàn khảm ngọc, đều có mạ vàng điêu khắc hình rồng mây, trên lưỡi kiếm bên trong có khắc ba chữ Thiên Long Kiếm, để mỗi kỳ tế Giao và các phiên chầu có dùng nghi vệ cảnh giới được phép đi theo thị vệ thì cầm kiếm này đi trước dẫn đường nhằm tỏ sự uy nghi và thêm phần trọng thể”.
Sau đó, vua Khải Định từ trên ngai vàng bước xuống mời các quan khách người Pháp dự tiệc. Còn các quan bộ Lại dùng kiệu và nghi trượng rước tờ chiếu ra treo ở lầu Phu Văn và cho thuộc hạ sao tờ chiếu làm nhiều bản phát cho các tỉnh trong cả nước. Hoàng thân và các đại thần bách quan thì cùng nhau rước Thái tử về cung An Định, đi trước là đoàn lính ngự lâm quân mặc áo đỏ, cầm cờ quạt nghi trượng, đi giữa là đội nhạc công và quân hầu tấu nhạc, dùng lọng vàng che kim sách, ấn vàng; kế đó Thái tử ngồi xe hai ngựa kéo, che lọng tía được quan quân đi theo hộ vệ.
Về tới cung An Định, Thái tử ban trà cho các hoàng thân, đại thần văn võ. Ngày hôm sau Thái tử đến tôn miếu lễ tạ rồi vào cung lạy chào Thái hậu và Hoàng quý phi. Sáng ngày mồng 4 tháng đó, Thái tử cùng bách quan vào điện Thái Hòa lạy mừng vua và dự yến tiệc ở điện Cần Chánh.
Đến ngày mồng 5, các quan đến cung An Định dâng biểu chúc mừng, các quan từ tứ phẩm trở xuống đứng ở ngoài hiên, các quan tam phẩm trở lên mới được vào trong. Theo lệ các quan phải quỳ lạy 4 lạy nhưng vì Thái tử còn nhỏ tuổi nên mọi người được miễn, chỉ phải hành tam khấu lễ (tức là chắp tay vái ba vái). Cung An Định là nơi ở mà vua ban cho Vĩnh Thụy sau khi sắc lập làm Thái tử
Theo lệnh truyền của vua Khải Định, các vật báu đều được ban ngay cho Thái tử trong buổi lễ sắc phong, riêng thanh bảo kiếm và trượng ngọc sẽ ban sau buổi lễ đúng một tháng: “Truyền cho các ty liên quan chuẩn bị sẵn sàng long đình, nhã nhạc cùng nghi trượng đầy đủ, đợi tới sáng sớm ngày mồng 1 tháng sau, chuẩn cho quan Thống quản thị vệ Đại thần kính mang thanh bảo kiếm, trượng Như Ý tới cung An Định truyền chỉ ban cho Hoàng thái tử nhận lãnh”.
Không lâu sau khi được phong làm Đông cung Hoàng Thái tử, ngày 15 tháng 6 năm 1922, Vĩnh Thụy cùng vua cha Khải Định lên tàu sang Pháp để dự cuộc triển lãm hàng hóa tại Marseille, và được vợ chồng cựu Khâm sứ Trung kỳ Jean Fran#ois Eugène Charles nhận làm con nuôi, cho ăn học tại Paris.
Ngày mồng 6 tháng 11 năm 1925, khi được tin vua Khải Định băng hà, Thái tử Vĩnh Thụy từ Pháp về nước thọ tang và đến ngày mồng 8 tháng 1 năm 1926 lên kế vị ngôi vua lấy niên hiệu là Bảo Đại, sau đó trở lại Pháp tiếp tục học tập. Đến tháng 9 năm 1932, Bảo Đại hồi loan về nước, chính thức làm vua cho tới tháng 8 năm 1945 thì thoái vị, đánh dấu sự chấm dứt của chế độ phong kiến kéo dài hàng ngàn năm ở Việt Nam.