Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có quyết định hạ mức lãi suất điều hành, có hiệu lực từ ngày 13-5, các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đồng loạt điều chỉnh hạ lãi suất trên bảng niêm yết lãi suất huy động của mình.
Các ngân hàng (NH) lớn, do áp dụng mức lãi suất thấp từ trước nên mức giảm không nhiều. Tại Vietcombank lãi suất huy động kỳ hạn 1 và 2 tháng ở mức 4,1%/năm, lãi suất kỳ hạn 3 tháng ở mức trần 4,25%/năm.
NH BIDV, Vietinbank và Agribank còn hạ lãi suất xuống mức thấp hơn, 4%/năm áp dụng cho kỳ hạn 1 và 2 tháng. Chỉ có kỳ hạn 3 tháng trở lên lãi suất mới ở mức trần 4,25%/năm.
Trong khi đó tại nhiều NH cổ phần, mức lãi suất 4,25%/năm được áp dụng ngay từ kỳ hạn 1 tháng nếu gửi số tiền lớn như tại NH ACB. Nếu gửi số tiền nhỏ hơn, mức lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng dao động từ 4,1 – 4,2%/năm. Sacombank áp dụng lãi suất 4,15%/năm cho kỳ hạn 1 tháng, kỳ hạn 2 tháng lãi suất là 4,2%/năm.
Ở nhóm các NH nhỏ hơn áp dụng mức lãi suất trần 4,25%/năm cho các kỳ hạn từ 1-5 tháng như NH SCB, Nam Á. Trong khi NH Bản Việt áp dụng mức trần cho chương trình huy động riêng ở kỳ hạn dưới 6 tháng. Còn ở chương trình huy động thông thường, lãi suất phổ biến tại NH Bản Việt là 4,2%/năm để dành dư địa cho việc cộng thêm lãi với khách hàng gửi tiết kiệm online.
Với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động tại nhiều NH vẫn ở mức trên 7%/năm.
Không chỉ giữ mức lãi suất huy động cao với tiết kiệm tại quầy, các NH cũng áp dụng lãi suất huy động rất cao với tiền gửi online. Ghi nhận có hai NH áp dụng lãi suất huy động online với mức trên 8%/năm với kỳ hạn 7 tháng. Ngoài ra nhiều NH khác cũng áp dụng lãi suất từ 7,6 – 7,8%/năm cho kỳ hạn 7 tháng.
Với mức điều chỉnh lãi suất huy động của các ngân hàng, có thể thấy, sự điều chỉnh giảm lãi suất tác động đến các kỳ gửi ngắn hạn dưới 6 tháng. Với các kỳ gửi dài hạn hơn, mức lãi suất của các ngân hàng hầu hết đang giữ nguyên. Vì vậy, nếu có tiền nhàn rỗi để gửi tiết kiệm trong thời gian này, bạn nên cân nhắc giữa các kỳ hạn, để đảm bảo có lợi nhất cho khoản tiền gửi ngân hàng của mình.
Trước việc NHNN lần thứ hai liên tiếp trong một thời gian ngắn quyết định hạ các mức lãi suất điều hành, nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận: Động thái giảm lãi suất điều hành lần này của NHNN là kịp thời, sát với diễn biến thị trường. Bên cạnh đó, cũng góp phần hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế cũng như thực hiện nghiêm túc theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Việc giảm lãi suất điều hành của NHNN sẽ tạo ra hiệu ứng giảm lãi suất tới các TCTD, qua đó hỗ trợ phục hồi sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng đưa ra khuyến nghị, NHNN cần thận trọng trong việc đánh giá những rủi ro có thể có trong tương lai đối với nền kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế Việt Nam trước tác động của đại dịch Covid-19. Mặt khác, việc giảm lãi suất mở ra kỳ vọng doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội hơn trong tiếp cận vốn nhưng vấn đề mấu chốt cần quan tâm vẫn là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Vì vậy, chính sách tiền tệ, cụ thể ở đây là chính sách lãi suất chỉ có thể phát huy tối đa hiệu quả khi nó được phối hợp nhịp nhàng với các chính sách kinh tế vĩ mô khác.