Xe thổ mộ là loại phương tiện đi lại phổ biến ở vùng Sài Gòn-Gia Định vào những năm đầu thế kỷ XX. Đây là một loại xe ngựa (một ngựa kéo) và được bắt nguồn từ kiểu cỗ xe song mã sang trọng của Pháp, sau đó được chế tác, cải tiến lại cho phù hợp với điều kiện và địa hình, đồng thời kiểu xe cũng chịu ảnh hưởng nhất định từ những chiếc xe ngựa của người Trung Quốc thời cổ.
Vào những năm đầu của thế kỉ XIX, khi người Pháp đưa vào Việt Nam những chiếc xe song mã sang trọng do ngựa kéo để phục vụ nhu cầu đi lại xuất hiện khá nhiều ở Nam Kỳ. Người dân ở đây đã tự mày mò chế tạo một loại xe ngựa mô phỏng theo kiểu xe song mã của người Pháp, nhưng tính năng sử dụng lại ưu việt, giá cả lại bình dân nên rất được giới bình dân ưa chuộng (Trăm năm xe thổ mộ, Nguyễn Hiếu).
Về tên gọi xe thổ mộ và xuất xứ của xe còn có nhiều thông tin khác nhau. Trong quyển Dictionnaire Vietnamien Chinois Francais có vài từ liên quan tới xe thổ mộ được giải thích như sau: Thổ mộ: Voiture trainée par un cheval (Saigon). Xe thổ mộ: Coupé (voiture). Trong đó, phân biệt rất rõ xe thổ mộ với xe song mã (xe kiếng).
Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức cho 2 nghĩa của từ thổ mộ: “1.Cuộc đất dành chôn người chết (Đất thổ mộ, thổ mộ tư); 2.Tên thứ xe ngựa hai bánh, mui khum, vè dùng để chở theo (xe thổ mộ)”.
Tự điển Việt Nam của Ban Tu thư Khai Trí thì chua nghĩa của “thổ mộ” là loại xe ngựa chở người và đồ ở miền Nam”.
Vương Hồng Sển giải thích trong Tự vị tiếng Việt miền Nam: “thứ xe do một ngựa kéo dùng chở hàng chở bộ hành vùng ngoại ô Sài Gòn/ Chợ Lớn, Lái Thiêu… đặc biệt có mui khum khum như núm mồ, cũng gọi xe hộp quẹt, nhại tiếng Pháp “boite d’allumettes” và họ chế giễu gọi xe ấy là “tac-à-tac” có lẽ vì khi chạy, vó ngựa chạm mặt đường trải đá nghe có điệp ngữ “tắc tắc” (tách tách).
Nhiều tác giả cho rằng xe thổ mộ được đặt tên như vậy vì cái mui khum như mu rùa, giống ngôi mộ. Hay trước đây, việc chở quan tài đi chôn xa phải dùng xe ngựa đưa đến chỗ đất (thổ) mồ mả (mộ), nên quen gọi xe ngựa là xe thổ mộ (Hoàng Anh, Báo Sài Gòn giải phóng thứ bảy, số 375).
Nhà văn Sơn Nam và Nguyễn Nguyên cho rằng, thổ mộ là tên gọi trại từ xe “thảo mã” của Trung Quốc (tiếng Quảng Đông: “xe độc mả”), nghĩa là xe dùng ngựa để chở cỏ của người Trung Quốc (Nguyễn Hiếu Học, Dấu xưa đất Thủ).
Theo nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh, từ Hán Việt “độc mã” đọc thành “tục mã” theo giọng Quảng Đông. Xe ngựa được gọi là xe thổ mộ ở Nam Kỳ xuất hiện dưới thời Pháp thuộc từ 1862 đến 1954, là phương tiện kinh doanh vận chuyển phải đóng thuế, được ghi nhận bởi người Pháp, nên bị đọc và viết trại qua tiếng Pháp và chữ Latin. Bản thân chữ tục trong tục mã đọc theo giọng Quảng Đông cũng không hẳn như người Việt đọc, vì nó mang âm sắc kiểu giọng mũi.
Ở đây đã xuất hiện quá trình tôộc mã đọc theo âm Quảng Đông chuyển thành T’ủ mỏ trong tiếng Pháp rồi mới thành thổ mộ trong tiếng Việt, việc nó trùng âm với thổ mộ (mộ đất) trong từ Hán Việt là hoàn toàn ngẫu nhiên. Vì không phải bất cứ từ thổ nào trong tiếng Việt hiện nay cũng có ý nghĩa là thổ (đất) hay thổ (nôn mửa).
Đây là một trong những chứng cứ rõ ràng về việc xe thổ mộ là xe một ngựa, tức thổ mộ có liên quan với độc mã, qua giọng Quảng Đông bị lệch đi qua tiếng Pháp và chữ viết Latin (Cao Tự Thanh, Xe thổ mộ là xe một ngựa).
Tên gọi xe thổ mộ bắt nguồn từ “độc mã” đọc thành “tục mã” theo giọng Quảng Đông. Từ tôộc mã đọc theo âm Quảng Đông chuyển thành T’ủ mỏ trong tiếng Pháp rồi mới thành thổ mộ trong tiếng Việt. Còn cách giải thích gọi là xe thổ mộ vì cái mui xe giống ngôi “mộ đất” trong từ Hán Việt là hoàn toàn ngẫu nhiên.
Có nhiều ý kiến khác nhau về xuất xứ của chiếc xe thổ mộ ở Nam bộ, có người cho là ở Sài Gòn, ý kiến khác lại cho rằng xe thổ mộ có nguồn gốc ở Bình Dương mà dẫn chứng là qua bài Vè 47 chợ (Lư Nhất Vũ, Nguyễn Văn Hoa, Lê Giang, Từ Nguyên Thạch, Dân ca Sông Bé):
Thiên hạ thất kinh
Là chợ Hớn Quản
Khô như bánh tráng
Là chợ Phan Rang
Xe thổ mộ dọc ngang
Là chợ Thủ Dầu Một
Khỏi lo ngập lụt
Là chợ Bưng Cầu…
Theo một số tài liệu thì xe thổ mộ có nguồn gốc từ đảo Madagasca, sang đến Việt Nam được trang trí mang dáng vẻ Á Đông và khi đến Việt Nam được sửa đổi lại cho phù hợp với sức ngựa Việt Nam.
Xe thổ mộ chủ yếu dùng chở người. Ban đầu những nhà giàu người Việt, người Hoa ở Nam bộ đều sắm xe thổ mộ riêng. Về sau mới lan rộng ra giới bình dân, nhất là ở thôn quê. Xe có mui che thoáng mát, thích nghi với đường gập gềnh. Ông Quảng Dù ở Chợ Lớn có nhiều xe thổ mộ cho thuê.
Như vậy, xe thổ mộ bắt nguồn từ xe độc mã (xe 2 bánh, 1 ngựa kéo), có mui che, bề ngang gọn, hẹp (Phan Xuân Biên chủ biên, Địa chí Bình Dương, Tập 4).
Và xe thổ mộ xuất hiện khoảng thời điểm năm 1920. Cái nôi của xe thổ mộ chính là vùng Hóc Môn, nhưng lò sản xuất chính sau này lại thuộc về Thủ Dầu Một.
Vào thập niên 1890, chiếc xe song mã sang trọng được đưa vào đất Thủ Dầu Một để phục vụ cho giới quan lại, quý tộc. Do xe đẹp và tiện dụng, những người thợ khéo tay nơi đây đã mô phỏng để chế tác ra chiếc xe thổ mộ. Thủ Dầu Một là địa phương có nghề thủ công phát triển mạnh, cùng với lợi thế về nguồn nguyên liệu gỗ và nhu cầu về vận chuyển hàng hóa, nên nghề chế tác xe thổ mộ xuất hiện và nhanh chóng đáp ứng nhu cầu này. Bài Vè chợ Thủ đã cho thấy nghề xe thổ mộ đã trở nên thịnh hành nơi đây:
Xuống đầu cầu sắt
Trại cưa trước mặt
Thổ mộ có hàng
Rủ nhau soạn bàn
Đi về Bưng Cải
Mênh mông đại hải
Khắp cả Châu Thành.
Xe ngựa xuất hiện nhiều ở Nam bộ, riêng vùng Đông Nam bộ chỉ có vài nơi có khả năng sản xuất và thường sử dụng phương tiện này là Hóc Môn, Gò Vấp, Lái Thiêu, Thủ Dầu Một. Thủ Dầu Một là địa phương có điều kiện để chế tác xe thổ mộ vì đây là vùng đất có nhiều loại gỗ quý tốt cứng chắc để làm xe và có nhiều nghệ nhân cha truyền con nối trong nghề đóng xe ngựa.
Lúc đầu trục xe, căm xe làm bằng gỗ cứng, về sau cải tiến làm bằng sắt nên xe càng chắc chắn, di chuyển dễ dàng. Thùng xe đóng không mui được cải tiến thành có mui che mưa nắng. Thùng xe rộng và dài, chuyên chở người và hàng hóa gọn nhẹ trên các tuyến đường nội và ngoại ô. Xe nâng cấp có mui cao, vành cong, thùng xe đóng bằng gỗ tốt như giáng hương, gõ, thành xe đánh vẹc ni màu đỏ, gắn thêm đèn (đèn chai), đèn lồng kiếng, lục lạc để báo hiệu… Kiểu dáng, kích thước xe thổ mộ thay đổi theo hướng tiện dụng hơn, đẹp hơn.
Nơi làm bánh xe, trục xe bền chắc là vùng Thuận Giao, An Thạnh vì nơi đây có nhiều thợ rèn lành nghề. Đóng thùng xe đẹp, bền chắc, trang nhã phải kể đến Tân An, Tương Bình Hiệp, chợ Thủ Dầu Một. Nổi tiếng nhất ở Nam Bộ về nghề đóng và rèn móng ngựa là ở khu phố Hưng Thọ, phường Hưng Định, thị xã Thuận An, Bình Dương. Khu vực làng Tương Bình Hiệp, ven làng Phú Cường xưa, có rất nhiều cơ sở đóng xe ngựa, xe thổ mộ, gia công trục, bánh xe ngựa cho khắp xứ Nam Kỳ.
Xe sản xuất tại đây còn được gọi là xe “thùng Thủ” để phân biệt với các nơi sản xuất khác và cũng để khẳng định “đẳng cấp” của mình. Gọi là xe thùng Thủ vì hình dáng giống cái thùng.
Xe thổ mộ dài 1,8m, cao 1m, làm bằng gỗ mít, phía trên chia làm 3 ổ cửa sổ, chiều ngang thùng xe 0,85m đặt chồng lên 2 gọng dài 2,7m, được vít cứng trên bộ nhíp 4 lá (4 trên, 4 dưới) hình trái khế, để tạo đàn hồi, giữ cho thùng xe thăng bằng khi chạy. Nhíp xe cặp vào thanh ví bằng thép. Hai thanh ví luồn vào 2 ổ trục (không dùng bạc đạn), Một bánh xe ngựa có 6 miếng đà (mỗi bánh 12 căm), một bộ đùm làm bằng gỗ tốt như giáng hương hay gỗ chò, ngoài cùng bọc lòng máng (niềng bằng sắt), tròng bên ngoài lớp vỏ cao su cắt từ vỏ xe hơi. Thủ Dầu Một có ưu thế về vật liệu gỗ để làm xe, nhất là gỗ tốt, gỗ thật cứng để làm ổ, vành và nan bánh xe.
Xe ngựa Bình Dương được chế tác bằng nhiều loại gỗ khác nhau trong một chiếc xe, tùy chức năng của các bộ phận. Như cặp vè, cặp dìm (tấm để làm rèm), bửng trước, bửng sau làm bằng gỗ mít; trụ, gọng, bánh (cả đùm, căm xe) làm bằng gỗ giáng hương.
Chiếc xe thổ mộ trông đơn sơ nhưng việc sản xuất rất công phu, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và nhiều trang thiết bị. Trên đầu ngựa phải có bao trá; cổ ngựa đeo lục lạc làm nhạc ngựa; cặp đèn lồng kính hai bên tay đèn, yên và cương xe ngựa bằng da bò; vòng cổ có lá lót, dây lôi để kìm cổ ngựa; dây bụng mui xe bên trong bằng gỗ, bên ngoài bọc thiếc…
Vị tiền bối của nghề đóng xe ngựa ở Thủ Dầu Một là cụ Trần Văn Ký, sinh năm 1883. Người sắm xe thổ mộ sớm nhất tại vùng đất này là Hương quản Luốc ở xã Định Hòa (gần chợ Bưng Cầu, TP. Thủ Dầu Một). Nổi danh trong nghề đánh xe ngựa là ông Sáu Xích, con ông Trần Văn Ký. Con trai Hương quản Luốc, ông Trần Văn Hai (Hai Sộp) ở gần cầu Ngang (khu phố Hưng Thọ, phường Hưng Định, thị xã Thuận An), là người giỏi phục chế xe ngựa cổ ở đất Bình Dương (Nguyễn Hiếu Học, Dấu xưa đất Thủ).
Những nghệ nhân danh tiếng trong làng đóng xe ngựa của đất Bình Dương có thể kể đến dòng họ ông Hai Sộp với 4 đời làm nghề. Ngoài ra, còn có các ông Mười Thân, Tư Hoàng, Sáu Kịp, Bảy Chụm… (Phan Xuân Biên chủ biên, Địa chí Bình Dương, Tập 4).
Xưởng đóng xe thổ mộ của Hai Sộp là nơi hiếm hoi còn lưu giữ lại những kiểu dáng xe ngựa xưa với những kỹ thuật chế tạo bí truyền. Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề xà ích, ông cùng cha rong ruổi khắp Nam bộ. Hai chiếc xe thổ mộ của gia đình chuyên đón hàng ở Chợ Lớn, Lái Thiêu, chợ Thủ Dầu Một… đi các tỉnh miền Tây, Bình Phước, Tây Ninh, có chuyến đi kéo dài gần nửa tháng. Hành lý mang theo trong mỗi chuyến đi là bộ đồ nghề dùng để sửa chữa và đóng mới xe thổ mộ. Tiền công thường là các loại gỗ quý, bền đẹp được đưa về để đóng xe thổ mộ. Nhiều người biết tiếng xe ngựa ông Ký (cha của ông Hai Sộp) vừa gọn nhẹ, bền đẹp, giá cả bình dân nên luôn có nhiều đơn đặt hàng. Ông Ký mở rộng xưởng, thuê thêm nhân công, chế tác ra nhiều kiểu dáng xe ngựa mới nhưng vẫn theo nghề xà ích, nhận chở hàng hóa cho khách thương khắp miền.
Ông Hai Sộp đã từng góp mặt trong nhiều bộ phim như Đất phương Nam, Công tử Bạc Liêu, Người đẹp Tây Đô… Tháng 9.2010, ông và chiếc xe ngựa tự chế của mình được đoàn làm phim mời ra miền Trung tham gia bộ phim lịch sử cổ trang Trở về Thăng Long. Chiếc xe ngựa này được thiết kế dành riêng cho vai vua Quang Trung trong những lần tiến quân ra Bắc, do ông và hai người con trai đóng suốt hơn ba tháng mới xong (Tấn Tài, Người đóng xe thổ mộ cuối cùng).
Thập niên 1940-1950 là giai đoạn phát triển mạnh của xe thổ mộ, tại chợ Thủ Dầu Một có đến 3 bến xe thổ mộ với trên 50 chiếc, chưa kể các ở Lái Thiêu, Dĩ An. Tiền xe 1 người đi xấp xỉ tiền 1 tô hủ tiếu cho đoạn đường trung bình 10km. Bến xe ngựa ở đầu đường Hàng Dương (đường Bạch Đằng nay) và ở đường Trưng Vương. Từ đây, xe ngựa tỏa đi Bến Thế, Bưng Cầu, Phú Lợi, Thuận Giao, Tân Khánh…
Xe thổ mộ có mặt ở Bà Điểm, Hóc Môn, Củ Chi, An Nhơn Tây, Bà Quẹo, Bình Phước, Tây Ninh, Tân An, Cần Giuộc, Đức Hòa, Đức Huệ, Thủ Thừa, Biên Hòa, Bà Rịa và ở trung tâm Sài Gòn với các trục giao thông: chợ Bến Thành, Tân Định, Bà Chiểu, Phú Nhuận, Phú Lâm, Chợ Lớn, Xóm Chiếu, bến đò Long Kiểng. Có những chuyến đi xa kéo dài đến gần nửa tháng để mang hàng hóa giao thương ở các vùng.
Đặc điểm của xe thổ mộ là gọn nhẹ hơn xe kiếng, lại không lắp kính nên thoáng mát, phù hợp trong việc chuyển chở của người nhà quê với quang gánh cồng kềnh, thích hợp di chuyển trên những con lộ nhỏ còn gập ghềnh ở thị tứ lẫn nông thôn.
Xe thổ mộ có thể chở 8-10 hành khách hoặc chở hàng hóa, rau cải, bông hoa khoảng vài trăm ký. Trầu cau Bà Điểm ngày trước hầu hết được vận chuyển bằng xe thổ mộ. Khách ngồi trên sàn xe trải chiếu bóng. Từ thầy thông, thầy phán, quý cô cho đến những người buôn gánh bán bưng, công nhân lao động, học sinh nghèo xa nhà… cũng đều lựa chọn phương tiện đi lại không ồn ào này. Đi xe thổ mộ rất tiện lợi, có thể lên xuống bất cứ chỗ nào, giá cả lại rất rẻ so với các loại phương tiện giao thông khác. Cảnh đi rước dâu từ Long An về Gò Dầu (Tây Ninh) hay Thủ Dầu Một, Biên Hòa về Sài Gòn bằng xe thổ mộ là điều thường thấy ngày trước, trông thật hấp dẫn. Đi ăn giỗ, thăm họ hàng đường xa cũng dùng đến xe thổ mộ.
Chiếc xe thổ mộ còn thể hiện tài nghệ, óc thẩm mỹ của người thợ đóng xe Nam Bộ khi thiết kế các bộ phận cấu tạo bằng những vật liệu sẵn có ở địa phương, tăng thêm độ bền cho các cấu kiện phù hợp với địa hình. Kiểu dáng được cải tiến mang tính thanh thoát, đặc biệt là cái mui “khum khum” tạo ra hình dáng riêng biệt của xe thổ mộ thích hợp với thổ ngơi Nam Bộ.
Thời điểm năm 1861-1862, khi quân Pháp chiếm đóng Thủ Dầu Một, làng An Thạnh (Búng) đã có hơn 100 xe ngựa tụ tập. Bến xe thổ mộ này kéo dài khoảng 100m, nằm ở ngã ba đường Cách Mạng Tháng Tám và Thủ Khoa Huân nay, thuộc khu phố Thạnh Hòa A, phường An Thạnh, thị xã Thuận An. Bến xe ngựa ở chợ Lái Thiêu thì nằm ở phía bắc chợ Lái Thiêu, gần nhà làng Tân Thới, chỗ quảng trường rộng lớn một phần làm bến xe ngựa xe lam. Đồ hàng, trái cây từ An Sơn, Búng, Bình Nhâm, Hưng Định được vận chuyển về bến xe này mỗi ngày. Đối diện với bến xe thổ mộ là bến tắm ngựa, có những bậc tam cấp làm đường dẫn xuống rạch Lái Thiêu.
Khi nhu cầu xe thổ mộ gia tăng, nhiều địa điểm cạnh các con sông và các kênh rạch ở Thủ Dầu Một trở thành địa điểm cho các ghe thuyền tụ tập để cung cấp cỏ tươi cho các chủ xe thổ mộ hàng ngày như bến Cây Da trước chùa Bà ở Búng (An Thạnh). Trên đường Võ Tánh (trước năm 1975) nối liền khu vực Lò Chén và chợ Thủ có một cây dầu ở ngay chân cầu, địa điểm đó gọi là cầu Bến Cỏ.
Trên đường Điếu Ông, phía sau tiệm nước Nam Bắc Hiệp là bến xe thổ mộ gần chợ. Trước nhà làng Phú Cường, giữa khu vực đường Lê Văn Duyệt và đường Lý Thường Kiệt cũng là bến xe ngựa. Sau năm 1954, bên xe này trở thành bến xe đò. Sau năm 1970, bến xe đò dời vào gần Trường Trung học Bồ Đề nơi có ga xe lửa cũ, thì nơi này trở thành bến xe lam, còn bến xe ngựa bị dời về đường Bà Triệu, gần khu vực mì Cây Me cũ và nhà bà Bảy Lìn (theo Trần Thị Liên).
Xe thổ mộ ở Thủ Dầu Một chạy khi trời còn khuya với tiếng kêu lọc cọc trên đường từ những chiếc móng ngựa và tiếng lục lạc đánh thức mọi người. Bên phải mui thường là cây đuốc dầu chai cháy bập bùng. Xe chở bạn hàng đi bán giữa khuya đến 4 giờ sáng ở các chợ đầu mối. Xe chuyên chở hàng hóa ra bán ở chợ, đi thăm viếng, chúc Tết, cả đi rước dâu ở những nơi ghe thuyền không đến được (Nguyễn Thị Minh Phượng, Gia phả dòng họ Trần Thủ Dầu Một).
Đến thập niên 1960, xe lam được nhập khẩu, giao thông bằng xe ngựa ở Thủ Dầu Một dần dần suy tàn.
Ở Hưng Định xưa, nhiều gia đình nuôi ngựa và quần ngựa để kéo xe. Trong làng cũng có các nhà thợ chuyên đóng xe thổ mộ. Ngựa và xe thổ mộ từ Hưng Định phân phối đi khắp nơi. Hầu hết xe ngựa ở chợ Thủ đều đóng ở Hưng Định và nhiều người đánh xe là dân Hưng Định, nổi danh như ông Hai Sộp. Trước năm 1945, ông Hai Xứng ở ấp Thạnh Phú (xã An Sơn) chuyên chạy xe ngựa tuyến từ An Sơn ra chợ Búng.
- Xem thêm: Sài Gòn xưa qua ô cửa phế tích
Cũng ở tuyến xe này của An Sơn còn có ông Ba Mí (ấp Thạnh Lợi) chạy xe ngựa từ khoảng trước năm 1975 cho tới năm 1990 mới ngưng hoạt động. Sau khi giải nghệ ông vẫn còn nuôi con ngựa kéo xe của mình trong nhiều năm trong niềm luyến tiếc nghề cũ ở đất Thuận An này. Ở chợ Búng có bà Tư Tay ở dốc Dài (nay thuộc khu phố Thạnh Hòa B, phường An Thạnh) chạy xe ngựa mà nuôi được mấy người con ăn học từ khoảng những năm 1971-1972.
Đi kèm với nghề đánh xe thổ mộ là nghề rèn móng ngựa. Ngày xưa ở xóm Lò Rèn (khu phố Thạnh Hòa B, thị trấn An Thạnh nay) rất thịnh hành với nghề này với cả trăm lò rèn đỏ lửa nằm suốt dãy đường Thủ Khoa Huân đến dốc Sỏi, kéo dài cả cây số. Từ năm 2000-2010, số lò rèn đã sụt giảm gần hết, nay chỉ còn lại 2 lò ở khu vực này.
Lò rèn “Bi” của anh Huỳnh Ngọc Thuận (sinh năm 1978), người theo nghề truyền thống này đến nay là đời thứ 3, chuyên gia công móng ngựa, móng bò cho khắp các tỉnh Nam Bộ, ra đến Ninh Thuận, nhiều nhất vẫn là Tây Ninh, Hóc Môn. Anh còn tham gia làm một số chi tiết cho xe ngựa của ông Hai Sộp ở Cầu Ngang, như uốn hoa văn, sườn xe. Sản phẩm “móng bò” của anh đi khắp các địa phương như Hóc Môn, Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch, Gò Công, Ninh Thuận… Ông Bảy Bếp ở xóm Lò Rèn này cũng nổi danh với nghề đóng móng ngựa, ở Phú Hòa thì có anh Tấn.
Xe thổ mộ ở Thuận An đã có một thời liệt oanh, nó không chỉ đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế mà còn để lại dấu ấn đậm nét trong văn hóa truyền thống ở địa phương.