Nhìn cây mà nhớ đến cây – nhìn xe mà nhớ đến bầy hươu nai – mười năm bấm đốt ngón tay – mười cái tết khói nhang bay lên trời – trên ban thờ tổ tiên tôi – có hương hồn của những người vô danh…
Đầu năm 2020, nhớ về thời Văn Nghệ Giải Phóng sau 1975, không thể không kể đến một địa chỉ đặc biệt, một kỷ niệm lịch sử đối với nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng hồi bấy giờ.
nhà 190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa
tiếng tắc kè nhỏ giọt trong đêm
tiếng mưa rừng nhỏ giọt trong
trí nhớ (*)
Tôi tới đây lần đầu vào cuối năm 1975, lúc đang làm báo lính Thông Tin, đóng trại trong sân bay Tân Sơn Nhất; lúc con đường này còn mang tên Công Lý; tòa cao ốc này vừa là trụ sở vừa là khu tập thể của báo Văn Nghệ Giải Phóng. Tình cờ gặp những tên tuổi lừng lẫy, nhà văn Trần Bạch Đằng – Chủ nhiệm báo, nhà thơ Giang Nam – Tổng biên tập, nhà thơ Hoài Vũ – Phó tổng Thường trực… Lúc ấy, tôi cũng đã có chút bọt tăm trên văn đàn, được các vị chào đón vui vẻ và rủ xuất ngũ về làm biên tập viên ban thơ của bổn báo.
Tôi ở lại đây ít ngày, ăn cơm “chùa” bếp tập thể, chẳng tiền nong gì cả, bù khú với cánh lính vừa từ Văn Nghệ Quân Giải Phóngchuyển sang, những Trần Ninh Hồ, Văn Lê, Trần Mạnh Hảo, Trần Văn Tuấn; gặp thêm nhiều tên tuổi từng góp phần làm nên nền văn nghệ giải phóng, những Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Trang Thế Hy, Chim Trắng, Lê Văn Thảo, Diệp Minh Tuyền, Đinh Quang Nhã, Thạch Cương, vợ chồng nhạc sĩ – nhà thơ Lư Nhất Vũ – Lê Giang…; gặp những tay bút trẻ từ miền Bắc “chi viện” cho miền Nam đợt 1971, những Lê Quang Trang, Trần Thị Thắng, Phan Xuân Biên, Hà Phương, Dương Trọng Dật, Trần Đức Cường, Nguyễn Khắc Thuần, Hà Công Tài, Phùng Đức Thắng… Họ đều làm việc và ở ngay trong chung cư này.
Được biết, nhiều danh sĩ ngoài Bắc vào thăm miền Nam ngay từ sau 30.4.1975 cũng từng tá túc nơi đây, ăn cơm “chùa” nơi đây, những Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hoài Thanh, Nguyễn Xuân Sanh, Anh Thơ và rất nhiều các vị khác… Nơi lui tới, thăm hỏi, giao lưu hoặc cộng tác của không ít văn nghệ sĩ vốn nổi tiếng ở Sài Gòn, những Vũ Hạnh, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Trung, Nguyễn Mộng Giác, Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Tôn Nhan, Lệ Hằng… Nơi đây thật sự là một địa chỉ độc đáo mang giá trị biểu tượng cho sự thống nhất đất nước với ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Mười năm tôi ở đây
vết đạn trên tường dù trát lại vẫn có màu vôi khác
con mắt chột của quá khứ dò xét tôi từng ngày
Đầu 1976, tôi đưa vợ con vào, định cư tại căn hộ lầu ba (tức tầng thứ tư). Thoát cảnh ăn độn ngô khoai sắn ngoài Bắc. Gạo trắng, cá tươi, cửa kính trong veo, thang máy vèo vèo. Cuộc sống thật tươi sáng. Nhưng chỉ được mỗi một năm thôi. 1977 bắt đầu gặp khó khăn thời hậu chiến. Rồi xảy chiến tranh biên giới Tây-Nam. Lính và Thanh niên Xung phong đổ ra mặt trận. Người Sài Gòn vót chông. Cơm lại độn ngô, khoai mì, bo bo. Điện thang máy cắt hẳn. Điện sinh hoạt cắt luân phiên mỗi tuần 4-5 ngày đêm. Nước xách từng xô leo cầu thang.
Mười năm tôi ở đây
lắm lúc đứt hơi vì những cầu thang dài và dốc
chưa dốc và dài bằng thang biểu giá sinh hoạt
Cuối 1977, tờ Văn Nghệ Giải Phóng hợp nhất với tờ Văn Nghệ (lúc đó thuộc Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật Việt Nam). Tôi trở thành biên tập viên kiêm phóng viên thường trú miền Nam của tuần báo Văn Nghệ. Xẻ đàn tan nghé, anh chị em tản đi nhiều nơi, người về báo Văn Nghệ TP.HCM, Dương Trọng Dật sang báo Sài Gòn Giải Phóng, Phan Xuân Biên sang viện nghiên cứu gì đó, người chuyển ra Hà Nội, riêng Trần Văn Tuấn và Văn Lê tái ngũ đi “giải phóng” Campuchia… Nhiều vị sau này thành đạt, làm quan to quan nhỏ đủ cả.
Xã hội mới càng ngày càng nhiều thêm những mưu mánh chụp giật mới.
Mười năm tôi ở đây
không dưới mười lần nhầm lẫn Dở và Hay
những ngón tay móc câu bủa chập chờn bốn mặt
bùng nhùng cuộc cạnh tranh Giả và Thật
Tốt và Xấu đọ gươm ở mọi xó nhà
Tôi lại khoác ba lô, áo lính, lên biên giới Tây Ninh theo quân đoàn 4, lại viết tiếp loạt thơ chiến trận và tình lính trận, Khoảng trời biên giới, Lời ru đồng đội, Người Sài Gòn vót chông, Nghe tắc kè kêu trong thành phố, Ánh trăng…
Mười năm tôi ở đây
xích lô máy xả súng vào tứ thơ vừa chợt tới
khói xe lam na ná khói bom xua đuổi chút mơ màng
dẫu vậy vẫn nhỏ giọt giòng thơ không dễ dãi.
Xong cuộc chiến biên giới phía Nam, tôi lại được điều lên biên giới phía Bắc, phóng viên mặt trận Lạng Sơn, ngay từ ngày 17.2.1979. Lại những bài thơ trận mạc và phóng sự chiến trường gửi về đăng Văn Nghệ. Hết thời chiến đến thời bình, tôi vẫn phải đi nhiều nơi, nhọc nhằn việc nhà và chăm nuôi các con đều dồn cả cho vợ.
Trẻ con chung cư tăng theo cấp số nhân
tôi cũng góp vào đó ba đứa
con tôi lớn lên và nghịch như quỷ sứ…
Cơm áo mỗi ngày một khó khăn hơn. Tôi xoay đủ cách để kiếm thêm tiền vặt mà sạch, viết tiết mục cho sân khấu văn nghệ quần chúng, làm thuê báo cấp quận, viết kịch bản và lời bình phim tài liệu, thậm chí lắp ráp xe đạp cho một cửa hàng chuyên cung cấp xe đạp ra Bắc. Vợ tôi làm đá cục, sáng sớm cùng với ông Tư Sâm (Trang Thế Hy) bỏ mối cho quán cà phê, nước mía. Mọi người đều khó khăn cả.
Các tụ điểm giải sầu lên cơn sốt chạy sô
tiếng hát bợp vào tai người nghe
ca sĩ vã mồ hôi như võ sĩ
sách vụ án đắt hàng còn thơ thì rất ế
có nhà văn ư ử ca cải lương…
1980, nhà tôi nấu rượu và nuôi lợn trong nhà tắm lầu ba. Rượu, hầu như bạn nhậu chầu chực uống gần hết, chỉ lời chút bã hèm nuôi lợn. Vui, rượu. Buồn, cũng rượu.
Được ly rượu thứ thiệt đãi nhau là quý hóa lắm rồi.
Năm ấy tôi làm được nhiều thơ, trong đó có Bán vàng và khởi thảo Đánh thức tiềm lực (giữa 1982 mới xong). Sao nghèo thế mà viết hăng thế, mà vui chơi quần quật thế. Văng mạng mà không chết thế. Hội rượu thường xuyên tụ tại nhà tôi khá đông. Đàn anh, có nhà thơ Trang Nghị, họa sĩ Nguyễn Trung, thỉnh thoảng thêm Nguyễn Quang Sáng, Trịnh Công Sơn. Một sáng bác Trang Nghị đi tập thể dục, chú tắc kè trên cành me rớt bịch, bác cầm đuôi nhặt về, thả vô lọ thuỷ tinh, ngâm rượu mía. Ngay tối đó bác đã đem mời uống, tắc kè tụi bây, tôi cảm thấy cái đuôi con tắc kè còn ngo ngoe.
Lứa sàn sàn tuổi tôi có họa sĩ kiêm ca sĩ Nguyễn Trọng Khôi, nhà báo trẻ Nguyễn Trọng Chức. Khôi ngà ngà hát Nẫu vang nhà. Lứa sau tôi, chuyên chầu rìa chơi ké, có Bùi Chí Vinh, Nguyễn Nhật Ánh, hai cây bút trẻ mới nổi, thường đưa tôi biên tập, đăng thơ. Vẫn nhớ, Ánh luôn mang cặp kính trắng mắt mờ, gọng gãy, phải cột chỉ một bên càng. Còn Vinh, có lần đến với một cái bịch ni lông bí hiểm, lôi ra con rắn mai gầm khúc đen khúc trắng dài ngoằng đã ngoẻo, góp mồi nhậu.
Bạn bè thường rủ nhau nhậu nhẹt
nghĩ mà tiếc thương cho những mảnh thời gian tươi rói bị giết oan
và những mảnh thời gian ở trạng thái tâm thần phân liệt
vốt-ka thuốc rầy, cô-nhắc mía, uýt-ki cồn công nghiệp
nhấm nháp vị đời muối ớt ổi xanh
uống rượu suông là tự nhắm thịt mình…
Nơi đây còn là chốn rất nhiều bạn văn, bạn lính tứ xứ qua lại. Không thể kể hết những ai vang danh lẫn vô danh, trong nước lẫn ngoài nước, đến với tôi tại địa chỉ này, 190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, nơi tôi ở đúng mười năm, 1975-1985.
Thêm bạn mới và gặp nhiều bạn cũ
màu áo lính đi về cùng bụi đất mười phương
thằng còn sống chớ phụ lòng thằng chết
kỷ niệm chiến tranh như vết đạn trên tường.
Mỗi giao thừa tết ta và 30 tháng Tư tây, tôi đốt nhang vái đều bốn hướng.
Nhìn cây mà nhớ đến cây
nhìn xe mà nhớ đến bầy hươu nai
mười năm bấm đốt ngón tay
mười cái tết khói nhang bay lên trời
trên ban thờ tổ tiên tôi
có hương hồn của những người vô danh…
____________
(*) Thơ trích trong bài viết này đều từ bài thơ “Mười năm bấm đốt ngón tay” của Nguyễn Duy.