Ngoài các hệ thống điện, cấp nước, thoát nước, viễn thông, y tế, chữa cháy, giáo dục được hoàn thiện và đồng bộ, nhu cầu “xanh hoá” và tự động hoá cũng đang rất bức thiết đối với các thành phố để chúng có thể trở thành nơi đáng sống hơn cho các cư dân ở đó.
Những mảng cây xanh dựng đứng và sự xuất hiện ngày càng nhiều của robot tự hành là để đáp ứng 2 yêu cầu cấp bách của các thành phố tương lai: xanh hơn và vận hành tốt hơn.
Khu vườn 4 mùa
Bạn muốn thưởng thức cả mùa đông, mùa xuân, mùa hè và mùa thu trong cùng một ngày? Không có gì khó nếu bạn đến thăm “Khu vườn 4 mùa” (Four Seasons) ở thành phố Milan của Ý. Khu vườn này là bộ não của kiến trục sư Ý Carlo Ratti. Ông đã dùng công nghệ kiểm soát khí hậu để “gọi” 4 mùa khác nhau đến trong cùng một thời điểm.
Khu vườn 4 mùa nằm trong quảng trường Piazza del Duomo rộng 500m2 của thành phố Milan, nơi mỗi mùa được tạo ra trong một nhà lều riêng. Mục đích của sáng kiến này là để nâng cao ý thức của người dân về vấn đề thay đổi khí hậu và gửi đi thông điệp “các thành phố phải xanh hơn và bớt ô nhiễm hơn nữa”. Trong thời đại “Internet of Things” (Internet của vân vật), khi Internet đi vào mọi lãnh vực của cuộc sống, cây cối sẽ được gắn những bộ thụ cảm ẩm độ, nhiệt độ và dinh dưỡng để có thể điều chỉnh kịp thời hầu duy trì tình trạng khoẻ mạnh nhất của cây ở bất cứ thời điểm nào và môi trường nào.
Cây cối nằm dưới mái vòm làm bằng màng trong suốt (crystal membrane) cao 5m có thể lọc tốt ánh nắng mặt trời chiếu xuống dựa vào các bộ thụ cảm nhạy với ánh sáng. Các thiết bị quang điện bay phía trên lều sẽ phát sinh năng lượng sạch, tạo ra cái lạnh rất giống mùa đông hay cái nóng rất giống mùa hè. “Khi thay đổi khí hậu trở nên cực đoan hơn thì hệ thống tạo nhiệt độ nhân tạo cũng phải được điều chỉnh cho phù hợp. Việc làm cho các thành phố xám bị bê tông hoá xanh hơn bao giờ cũng là yêu cầu cấp bách” – Ratti nói.
Kiến trúc sư Ý Stefano Boeri cũng đang nghiên cứu thực thi ý tưởng xanh hoá toàn bộ thành phố Milan với dự án tái tạo rừng để biến những diện tích đường ray không còn sử dụng thành hệ thống công viên, vườn, rừng nhỏ, ốc đảo và vườn trái cây liên kết với nhau bằng những con đường rợp bóng cây phục vu người dân. Công ty cũng có các dự án tương tự tại thủ đô Paris của nước Pháp và nhiều thành phố khác ở Hà Lan và Ba Lan với trọng tâm là xanh hoá các chung cư cũ và mới
Những mảng xanh dựng đứng
Milan từng có thí nghiệm về thành phố xanh trước đó bằng toà nhà cao tầng nổi tiếng Bosca Verticale (những mảng rừng dựng đứng) nay là điểm tham quan du lịch nổi tiếng của quận Porta Nuova. Thành phố còn có nhiều toà cao ốc khác củng được xanh hoá theo chiều thẳng đứng dựa vào những bức tường thay cho diện tích mặt đất eo hẹp. Bosco Verticale và những bản sao của nó là mô hình xanh của các thành phố trong tương lai.
Do công ty kiến trúc Ý Boeri Studios thiết kế vào năm 2014, toà nhà có 20.000 cây cảnh và 900 cây lớn là nơi an cư của hàng ngàn cư dân. Hệ thống tưới và thoát nước hoàn chỉnh. Công ty vừa được Chính phủ Trung Quốc thuê để xây dựng thành phố rừng Liuzhou Forest City, không gian đô thị xanh đầu tiên của Trung Quốc. Việc xanh hoá sẽ bắt đầu từ năm 2020 để tạo ra những văn phòng, nhà ở, khách sạn và bệnh viện, trường học được bao phủ bởi cây xanh các loại.
Khi hoàn thành, thành phố với 30.000 cư dân sẽ có khả năng thu gom 10.000 tấn CO2 và 57 tấn chất ô nhiễm và đưa vào môi trường 900 tấn oxygen. Muốn đạt đến mục tiêu này thành phố phải có hơn 40.000 cây lớn và hơn 1 triệu cây cảnh gồm hàng trăm loài. “Đây không phải là mô hình trồng cây trong nhà mà là chung cư và các mảng xanh hoà với nhau thành một tổng thề của kiến trúc, không thể tách rời – Boeri nói – Hãy nhìn vào con số 75% lượng CO2 thải ra môi trường xuất phát từ các thành phố trong khi rừng chỉ hấp thụ được từ 30-35% số lượng này, chúng ta mới thấy hết giá trị của việc tận dụng những mặt phẳng đứng để trồng cây xanh trong các thành phố”. Nhiều nghiên cứu cho thấy những mảng tường xanh có thể giảm ô nhiễm đến 30%, loại bỏ được nitrogen dioxide và giảm ý nghĩa những phân tử siêu nhỏ làm tổn thương phổi.
Robot cảnh sát tại thành phố Dubai
Một robocop trong đồng phục giống như cảnh sát thật đã đứng canh gác bên ngoài toà nhà Burj Khalifa cao nhất thế giới ở thành phố Dubai vào tháng 6 năm 2018. Màn biểu diễn của viên cảnh sát người máy này khá bất ngờ đối với khách tham quan. Câu hỏi đặt ra là: người dân Dubai quá yêu công nghệ tự động hoá hay đây chỉ là màn quảng bá cho tham vọng biến thành phố này thành “điểm đến” của các công nghệ tự động tiên tiến nhất thế giới?
Khi đó, robot sẽ trợ giúp hay thay thế con người trong việc điều hành một thành phố trong tình hình nguồn nhân lực giảm dần khiến rất khó tuyển dụng cảnh sát, nhân viên chữa cháy, người bán hàng, tiếp tân và các lao động công ích khác. Đó là chưa nói đến lực lượng robot phục vụ cho các nhu cầu riêng tư, từ chăm sóc người già, làm tình nhân đến tình dục.
Công ty PAL Robotics, chủ nhân của robot cảnh sát được giới thiệu tại Dubai, cho biết: “Bước đầu, robot của chúng tôi chỉ giới hạn ở vai trò hướng dẫn du khách (tourist guide) hơn là làm công việc phức tạp của một cảnh sát. Nói rõ hơn, nó chỉ là trợ thủ của cảnh sát Dubai để giúp người dân và du khách theo phong cách thân thiện và an toàn. Ví dụ: robot cảnh sát sẽ cung cấp các thông tin du lịch hữu ích bằng nhiều ngôn ngữ thông dụng và dễ hiểu nhờ một phần mềm. Phần mềm này cũng giới thiệu với du khách những tiện ích và địa điểm mà họ có thể quan tâm. Nhưng quan trọng hơn, robot cảnh sát là trung gian để người dân liên lạc tức thì với cảnh sát Dubai thông qua những microphone gắn sẵn trên robot. Người dân cũng có thể tiến hành các dịch vụ liên quan đến cảnh sát như đóng tiền phạt vi phạm giao thông ngay trên robot. Nói chung robot chỉ là một phần trong tham vọng lớn hơn: làm cho các hoạt động của cảnh sát được thông minh hơn và có nhiều trạm cảnh sát không nhân viên được điều hành bởi mạng máy tính hơn”.
Chính quyền Dubai cho biết mục tiêu đề ra là đến năm 2030, robot sẽ chiếm 25% lực lượng cảnh sát của thành phố. Một quan chức cảnh sát nói với báo chí về khả năng của robot vừa được giới thiệu: “Nó có thể làm việc toàn thời gian 24/7 ngày mà không cần nghỉ ngơi như con người. Nó cũng không bịnh hay phải nghỉ hộ sản”.
Sự phổ biến của robot giám sát an ninh tại nhiều thành phố
Noel Sharkey, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Sheffield, đang làm việc với chính quyền Dubai về việc tích hợp robot vào lực lượng cảnh sát cũng như tăng cường hàm lượng công nghệ trong các hoạt động cảnh sát. “Từ nhiệm vụ đầu tiên là giúp người già và hướng dẫn du khách, robot sẽ được cải tiến để trở thành một trợ thủ đắc lực của cảnh sát. Nó sẽ có một nút nhấn khẩn cấp để báo vị trí của nạn nhân đến trụ sở cảnh sát. Nhưng vấn đề đáng lo là có người sẽ dùng chiếc nút này để đùa cợt và quấy rối gây phiền phức”.
Mối lo là có cơ sở vì vào tháng 7.2017, một robot cảnh sát được dùng để tuần tra một toà nhà văn phòng ở thủ đô Washington của nước Mỹ đã bị dìm “chết đuối” trong bể phun nước! Trong khi các mẫu robot cảnh sát hiện nay mới chỉ ở dạng “trên sơ khai”, giáo sư Sharkey tiên đoán chúng sẽ thông minh hơn và “đông đúc” hơn trong những năm sắp đến. Nhiều robot sẽ làm công việc đánh hơi và tháo gỡ chất nổ và những vật liệu nguy hiểm khác trên đường phố và khu dân cư, nơi công cộng.
Năm 2017, một robot an ninh tên Anbot đã được thử nghiệm tuần tra tại Phi cảng quốc tế Thâm Quyến. Nó dùng 4 camera lắp trong để kiểm tra an ninh tại khu vực mình phụ trách. Tại Trung Quốc, quốc gia có hệ thống giám sát camera lớn nhất thế giới, robot giám sát đang được dùng nhiều tại các nhà ga và phi cảng để có thể bắt ngay và bắt nguội những tội phạm hay bọn khủng bố, đặc biệt vào những giờ cao điểm và nghỉ lễ. Khách đi tàu hết sức ấn tượng trước con robot cảnh cao 1,6 mét tên “E-Patrol Robot Sheriff”, nhân viên của nhà ga xe lửa Đông Trịnh Châu ở tỉnh Hà Nam.
Robot này được trang bị một số camera dùng các bộ thụ cảm lắp trong để dò ra những dấu hiệu đáng ngờ, kể cả một điểm cháy nhỏ để báo cho “cấp trên”. “Nó cũng nhận biết được những khuôn mặt tội phạm bị truy nã có trong hồ sơ cảnh sát và biết đeo bám theo những kẻ có hành vi đáng ngờ và tội phạm” – trang web công nghệ Mashable nói. Theo tờ People’s Daily (Nhân Dân Nhật báo) của chính phủ Trung Quốc, E-Patrol Robot Sheriff không chỉ làm công tác cảnh giới mà còn được trang bị roi điện để khống chế những hành vi bạo lực khi cần thiết. Hiện nay Trung Quốc dẫn đầu thế giới về cuộc cách mạng không người điều khiển.
Nguy cơ bầu trời ô nhiễm thiết bị bay không người lái
Tại một số thành phố trên thế giới, người ta có thể chứng kiến robot tham gia điều hành nhiều dịch vụ thường xuyên, từ giao nhận hàng hoá đến xe tự hành. Dubai đã thử nghiệm taxi không người lái và sắp tới là mẫu mô tô “lai” máy bay cho phép cảnh sát đến hiện trường nhanh nhất ở chế độ “xe bay”. Taxi không tài xế đã xuất hiện tại Dubai từ tháng 9.2017 và sẽ được chính thức sử dụng trong 5 năm nữa để bổ sung cho các loại hình vận chuyển khác.
Tuy nhiên, giáo sư Sharkey không tin cuộc cách mạng robot sẽ tạo được những bước đột phá thần kỳ như trong phim ảnh. “Bầu trời Dubai và các thành phố lớn ngày càng chật chội không đủ chỗ cho taxi bay và các phương tiện bay hoạt động. Chở khách và giao hàng bằng robot bay tự hành khó lòng thực hiện được trong thực tế hiện nay. Theo tôi, còn rất lâu loài người mới thấy những gì có trong bộ phim Blade Runner cũng sẽ có trên mặt đất” – ông nói.
Nhưng Sharkey tin rằng việc robot tham gia nhiều hơn vào cuộc sống đô thị là không thể tránh khỏi, từ quản lý, điều hành đến thực hiện và giám sát, cứu nạn. “Tôi đã chứng kiến sự can dự ngày càng tăng của robot vào cuộc sống đô thị, từ khu vực công đến khu vực tư, từ vệ sinh môi trường, y tế đến an ninh, cứu hoả. Robot có mặt trong bệnh viện, siêu thị, nhà ga, phi cảng, đường cống và nhiều nữa. Nhưng chúng có nhược điểm yếu là giá cao và dễ hư hỏng” – ông nói.
Công ty Marble đang phát triển một loạt robot giao nhận thực phẩm tại thành phố San Francisco nhưng phải đối đầu với cuộc vận động cấm chúng đáp xuống vỉa hè dành cho người đi bộ. Một số nhà quan sát tin rằng trong 10 năm nữa, bầu trời trên các thành phố sẽ đậm đặc thiết bị bay với các nhiệm vụ khác nhau, từ giao hàng đến vận chuyển vật liệu cho hoạt động xây dựng và sửa chữa đường xá, cống rãnh, đèn tín hiệu giao thông.
Robot giúp duy tu và bảo trì cơ sở hạ tầng
Bilal Kaddouh thuộc nhóm nghiên cứu về tương lai robot tại Đại học Leeds ở Anh đang thiết kế một đội thiết bị không người lái biết tự lấp vá “có chất lượng” những ổ gà mới xuất hiện trên đường. “Hiện nay chúng tôi đã hoàn tất 3 đội robot chuyên cho công việc này. Đội thứ nhất điều tra mặt đường; đội thứ 2 đào và chuẩn bị mặt đường và đội thứ 3 trang bị máy in 3D sẽ vá chính xác những ổ gà cần vá. Kaddouh hy vọng năm tới nhóm phục hồi mặt đường sẽ bắt đầu đi vào hoạt động và một ngày không xa các thiết bị tự hành sẽ điều tra và báo cáo chính xác những vấn đề nó tìm thấy trên đường và tự đưa ra phương án xử lý thay vì chỉ gửi tất cả dữ liệu thu thập được cho trung tâm rồi chờ.
“Trong tương lai không xa nữa, việc duy tu và phục hồi các cơ sở hạ tầng công cộng sẽ được đảm trách phần lớn bởi các robot tự động – ông nói – Hãy tưởng tượng một thiết bị bay dừng trên không trung ở cự ly cho phép và đưa cánh tay robot thay bóng đèn trên cột điện hoặc sửa chữa cột thu tín hiệu thông tin mà không gây ra sự cố nào cả. Những robot như thế sẽ giảm áp lực tuyển dụng nhân sự vốn đang rất khó khăn và giúp chính quyền điều hành các thành phố một cách hữu hiệu hơn, đặc biệt là trong những công việc nguy hiểm cho tính mạng và sức khoẻ”.
Dù kỳ vọng như thế nhưng Kaddouh cũng nhận ra những rào cản là có nhiều người không thích robot lảng vảng chung quanh họ mà không có ai canh giữ cả ngày lẫn đêm. Đối với họ, bầu trời sẽ bị ô nhiễm bởi những thiết bị bay này và khoảng không gian quí giá dành cho con người trên cao sẽ sớm bị robot chiếm giữ. “Công nghệ tự hành và cuộc cách mạng vũ bão của thế giới robot là một chuyện, ô nhiễm môi trường và an toàn công cộng là một chuyện khác; vì vậy, chúng ta cần có các luật lệ và quy định rõ ràng trước khi các thiết bị không người lái chiếm lĩnh bầu trời” – Kaddouh nói.