Đang làm việc bình thường như mọi ngày nhưng bỗng gặp thất bại một công việc, người nhân viên cảm thấy thất vọng với bản thân. Có một số tình huống xảy ra:
– Có thể người nhân viên sẽ tự trừng trị mình trước. Ngày có chuyện hỏng việc ấy, mọi người cùng phòng sẽ chứng kiến vẻ mặt sường sượng, lạnh tanh của người ấy.
– Cũng có thể người nhân viên có một biểu hiện khác, ví dụ cáu gắt với đồng nghiệp hoặc nói năng chua chát hơn ngày thường.
Nói chung là có nhiều chuyện quanh đề tài hỏng việc này, nhưng một biểu hiện rất thường xảy ra sau đó là sự “mất lửa”. Đó cũng là một bài toán ngầm mà ở môi trường doanh nghiệp, các nhà quản trị vẫn hay phải giải quyết. Không giải quyết những chuyện “vớ vẩn” này có được không? Doanh nghiệp bù đầu với bao nhiêu chuyện to tát hơn, làm gì có thì giờ cho các chuyện vặt ấy?
- Xem thêm: Thắp lại ngọn lửa cho nhân viên
Thế nhưng khi nâng con người trong doanh nghiệp lên thành nguồn vốn vô giá thì bài toán này lại không còn vặt vãnh nữa. Một cỗ máy trong sản xuất bị hỏng hóc cũng đã cần quan tâm giải quyết ngay, huống hồ đây là một con người!
Giải pháp? Tất nhiên, mọi người sẽ cho rằng để lấy lại “lửa” cho nhân viên thì liệu pháp động viên tinh thần là ưu tiên số 1, nhưng vấn đề là ai làm và nội dung động viên như thế nào. Trên internet có đăng rất nhiều câu động viên dùng được trong rất nhiều tình huống. Sau đây là một số câu có thể dùng được cho nhiều tình huống:
- Nếu bạn đi nhầm đường trong một cuộc đi chơi, bạn sẽ tìm cách bỏ về nhà hay sẽ điều chỉnh lại đường đi đến nơi mình muốn đến? Điều này cũng giống như các mục tiêu và các mơ ước của bạn vậy, chúng ta cũng thường xuyên phải điều chỉnh để chúng ta đến được mục tiêu của mình. Sự thành công trong việc đạt được một mục tiêu quan trọng chính là kết quả của rất nhiều sự điều chỉnh trên suốt lộ trình đi. Bạn đừng xem các điều chỉnh ấy là trở lực, mà đó chính là cơ hội để bạn tinh chỉnh con đường đi đến mục tiêu của bạn.
- Nếu chúng ta ngừng học hỏi thì chúng ta cũng ngừng phát triển. Để thực sự phát triển bản thân, chúng ta phải thường xuyên vươn ra khỏi vùng an toàn của mình. Bạn chỉ việc làm đúng như vậy. Vì mọi điều hằng ngày được định ra theo vết mòn nên hãy ra khỏi vết mòn của bạn bằng cách tự đặt cho mình các thử thách mới mỗi ngày! Hãy khởi đầu bằng cách tự hỏi mình với những câu hỏi hay hơn! Thay vì chỉ những câu đại loại như “Tại sao lại là tôi?” và “Tại sao lại là lúc này?” thì hãy hỏi “Tại sao không phải là tôi?” và “Tại sao không phải là lúc này?”.
- Điều mà mọi người gọi là gặp may kỳ thực là nhờ kiên trì mà thôi. Bạn hãy nhớ rằng những điều là bạn nản lòng luôn có mối quan hệ trực tiếp với mức độ lòng tin mà bạn dành cho chính mình. Đừng để suy nghĩ của bạn hoặc suy nghĩ của những người khác ngăn cản bạn trở thành những gì mà bạn đang luôn mong muốn trong cuộc đời mình!
- Bạn biết là không một võ sĩ nào thi đấu nổi nếu trong cuộc phỏng vấn trước trận đấu họ chỉ nói đến chuyện thất bại, nhưng chúng ta lại vẫn nghe đồng nghiệp nói chuyện tương tự như vậy hằng ngày. Chúng ta cũng đang chiến đấu mỗi ngày – một cuộc chiến đấu cho sự thành công. Và cũng giống như người võ sĩ, không tập trung đúng thì chúng ta không còn cơ hội. Bạn hãy tập trung vào chiến thắng chứ không nhìn vào sự thất bại. Hãy trông đợi sự thành công, bạn nhé!
Giúp cho nhân viên thắp lại ngọn lửa của chính họ không phải là chuyện khó, nhưng đó là những chuyện không hề nhỏ. Cấp quản lý đôi khi cũng phải chịu tốn thời giờ để tác động đến các chi tiết tưởng là nhỏ nhặt ấy. Chính nỗ lực không muốn các nhân viên của mình trở thành một đám đông cô độc, nhất là lúc họ gặp thất bại trong công việc, là một yếu tố quan trọng của nhà quản trị giỏi và năng lực ấy cũng góp phần quan trọng vào sự thành công của doanh nghiệp.