Mặc dù thế giới trong viễn tưởng là hư ảo, song dẫu sao nó cũng vẫn phần nào bắt nguồn từ mặt đất. Thế nên chính tại điểm giao thoa giữa thần thoại và hiện thực, bạn sẽ gặp những danh lam thắng cảnh hùng vĩ, mỹ lệ nhất.
Từ thiên đường nơi hạ giới Shangri-la được người người tìm kiếm sau khi biết đến Lost Horizon của cố nhà văn James Hilton cho đến thành Troia truyền thuyết, rừng Sherwood tiếng tăm hay xứ Tono đầy thần linh, yêu quái… tất cả đều ở trên mặt đất, sẵn lòng đón tiếp du khách ghé thăm.
Shangri-la (Trung Quốc)
Năm 1933, nhà văn James Hilton (Anh) đã cho xuất bản một cuốn tiểu thuyết mang tên Lost Horizon (Chân trời đã mất) kể về một thiên đường giữa chốn nhân gian (Shangri-la) mang đậm màu sắc Phật giáo phương Đông.
Trong miêu tả của Hilton, thiên đường này nằm ở tận cùng phía tây của dãy Côn Lôn, là một vùng đất hoàn toàn biệt lập, hạnh phúc vĩnh cửu của văn hóa Tây Tạng. Người trong Shangri-la gần như là bất tử, vừa thọ hàng trăm năm lại vừa vẫn giữ được nét trẻ trung. Họ có già đi nhưng quá trình lão hóa diễn ra cực chậm nên ai nấy đều trông cứ như thanh xuân mơn mởn, vô ưu vô phiền.
Chẳng bao lâu sau khi được xuất bản, Lost Horizon còn được dựng thành phim và nhạc kịch. Cái tên Shangri-la trở thành nỗi hiếu kỳ. Ai nấy tò mò muốn biết vùng đất thần thánh này nằm ở đâu. Hilton không đưa ra câu trở lời, song phần đông mọi người vẫn đồng tình cho rằng Shangri-la chính là Hương Cách Lý Lạp của Vân Nam, Trung Quốc.
Tên phiên âm tiếng Anh của Hương Cách Lý Lạp cũng là Shangri-la. Nó là một huyện tự trị của người Tây Tạng, có khí hậu lạnh, ngay cả mùa hè cũng chỉ lên đến 19oC là cùng, còn mùa đông thì xuống thấp hơn -10oC. Không chỉ thế, trong và xung quanh Hương Cách Lý Lạp còn có nhiều đình chùa nổi tiếng, đẹp đẽ, phù hợp với những gì Hilton phác thảo trong Chân trời đã mất.
Đỉnh Olympus (châu Âu)
Nằm giữa biên giới Hy Lạp – Macedonia, đỉnh Olympus hiện thực có tên thật là Mitikas. Nó thuộc về ngọn núi Olympus, có chiều cao đạt 2.917m so với mặt nước biển, nổi danh là đỉnh núi cao nhất châu Âu. Theo thần thoại Hy Lạp thì Olympus, ngọn núi quanh năm mây trắng vờn quanh là “nhà” của 12 vị thần. Họ sống trong các lâu đài bằng pha lê, tiến hành các cuộc đàm đạo quan trọng, liên quan đến sự tồn vong của nhân giới giữa bàn mây trắng xóa.
Trên thực tế thì ngoại trừ đỉnh Mitikas, núi Olympus vẫn còn các đỉnh cao khác, ví dụ như đỉnh Skolio (2.912m). Việc leo núi khá khó khăn vì độ dốc và sự nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu có đủ dũng khí và sự nỗ lực, bạn vẫn có thể lên tới vị trí trong mây, nơi thần thoại Hy Lạp tin các vị thần tối cao của họ từng trú ngụ.
Thành Troia (Thổ Nhĩ Kỳ)
Suốt dọc chiều dài của lịch sử nhân loại, trận chiến thành Troia là đề tài liên tục được nhắc đi nhắc lại. Nếu đã từng đọc thiên sử thi Odyssey hay Iliad của Homer, thi hào Hy Lạp lừng danh nhất mọi thời đại, bạn chắc chắn cũng thấy tòa thành thiên về phòng thủ này quan trọng đến mức nào.
Theo thần thoại Hy Lạp thì vào thời thần thánh còn sống chung với con người, Peleus, vua của Hy Lạp đã cầu hôn nữ thần biển Thetis và được nàng đồng ý. Ông mở tiệc cưới, mời tất cả các vị thần cùng đến chung vui. Nào ngờ trong lúc mải vui, vị vua này lại quên mất nữ thần bất hòa Eris.
Tự ái nổi lên, Eris tính kế phá đám. Thần bèn gửi một quả táo được khắc rõ “Dành cho người đẹp nhất” đến đám cưới. Tất cả các nữ thần tham dự đều muốn nhận quả táo về phần mình. Họ tranh cãi dữ dội, đến nỗi Zeus cũng không can nổi. Bí thế, ngài “đùn đẩy” quả táo cho Paris, hoàng tử của thành Troia của con người.
Chưa biết chọn ai nên Paris tạm thời đem quả táo về cung điện. Vì chuyện quốc gia đại sự, chàng cũng phải đến thành Sparta của vua Menelaus trước. Nhưng chưa lo xong việc nước, vị hoàng tử này đã bị Helen – hoàng hậu của vua Menelaus cướp mất trái tim. Biết không thể dụ dỗ được Helen, Paris bèn nhờ cậy nữ thần Aphrodite giúp. Chàng lôi trái táo ra làm “mồi nhử”. Aphrodite tức khắc “cắn câu”, khiến Helen cuốn gói theo Paris. Hay tin, Menelaus nổi điên dẫn quân đuổi theo, gây nên trận chiến thành Troia đẫm máu.
Nhưng khác với nguyên nhân lãng mạn trong thần thoại, trận chiến khiến thành Troia đời thực chìm trong bể máu là vì lý do lợi nhuận. Nó nổ ra giữa Mycenae và Troia bởi tranh chấp về thông thương và tiền bạc. Thành Troia được xây dựng trong khoảng 3000-2600 trước Công nguyên, đích thực là một thành phòng thủ. Toàn bộ thành được bao bọc bởi tường cao trên 5m, hiện vẫn còn tàn tích tại Anatolia, Thổ Nhĩ Kỳ.
Giant’s Causeway (Ireland)
Chuyện xưa kể rằng ở Ireland có một chiến binh cực kỳ mạnh mẽ, thiện chiến. Tên của ông là Finn McCool. McCool rất khoái đánh đấm nên trên lục địa sớm không còn đối thủ. Nghe đồn bên kia bờ biển, ở quốc gia Scotland đối diện cũng có một chiến binh to khỏe hơn người là Benandonner, McCool nóng lòng muốn thử sức. Vì bị biển cả cách ngăn nên McCool không thể nào nhìn thấy Benandonner. Ông bèn gào rú khiêu chiến, hy vọng Benandonner cũng nghe thấy được.
Benandonner nghe thấy thật, nhưng lại đáp trả bằng lời lẽ chẳng lịch thiệp gì. McCool cáu tiết bê đá xuống biển, tự đắp đê để vượt sóng nước, quyết tâm chạy sang “dạy dỗ” đối thủ khiếm nhã bên kia bờ. Hăm hở là thế nhưng khi vừa thấy bóng Benandonner trên đất Scotland, McCool đã rụng rời hết tứ chi.
Benandonner không phải to lớn mà là siêu khổng lồ. Lão cũng đang điên cuồng quét đôi mắt giận dữ muốn tóe lửa để tìm kiếm kẻ dám lớn tiếng đòi bảo ban mình. McCool âm thầm rút lui. Nhưng xui cho ông là Benandonner lại phát hiện. Lão lập tức lao ra đuổi theo. McCool chạy trối chết, không quên phá đê đá mới đắp để ngăn chân Benandonner. Song Benandonner vẫn thành công săn McCool đến tận quê nhà. May nhờ có vợ McCool nhanh trí hóa trang cho ông thành đứa trẻ, Benandonner mới e ngại cha của “đứa bé” ấy chắc còn “khủng” hơn cả mình mà thôi truy sát, quay lại Scotland.
Đến Ireland ngày nay, bạn sẽ vẫn thấy con đê McCool đắp để vượt biển. Nó nằm ở hạt Altrim. Trong thế giới hiện thực, Giant’s Causeway (Đê của người khổng lồ) có từ 50-60 triệu năm trước. Nó bao gồm 40.000 trụ đá màu đen, hình lục giác, là một kỳ quan tuyệt sắc, thu hút nhiều du khách ghé thăm nhất Ireland.
Tono (Nhật Bản)
Nếu từng đọc bộ sưu tập văn học dân gian Nhật Bản Tono Monogatari (Truyện cổ tích Tono) do nhà văn Kunio Yanagita (1875-1962) sưu tầm, bạn chắc chắn biết đến tên làng Tono. Chính tại ngôi làng này, các nhân vật hư cấu quen thuộc của Nhật Bản, trong đó có cả yêu quái Kappa nổi tiếng, lần lượt bước ra. Đáng yêu là ngôi làng của những kami (thần) và yokai (yêu quái) này lại có thật giữa đời thực. Nó là thị trấn Tono nằm ở quận Iwate, phía Đông Bắc Honshu, hòn đảo lớn nhất Nhật Bản.
Trái ngược với những đô thị hiện đại như Tokyo, Yokohama hay Osaka, Tono vẫn đầy vẻ đơn sơ, bình dị, đặc sệt nét nhà nông. Đặc biệt, trong làng còn có đền Unedori thơ thần hôn nhân và cây điều ước linh thiêng nổi tiếng.
Người ta tin rằng nếu chỉ dùng tay trái mà buộc được một mảnh vải màu đỏ lên cái cây này thì mong muốn của mình sẽ trở thành hiện thực. Quanh năm, Tono đều có lễ hội dân gian được tổ chức. Nó đích thực là địa điểm lý tưởng nhất để tìm hiểu văn hóa bản địa xứ Phù Tang.
Hobbiton (New Zealand)
So với các địa điểm đậm chất huyền thoại cổ xưa thì Hobbiton, vùng đất của người lùn chỉ mới xuất hiện gần đây thôi, cỡ 20 tuổi. Kỳ thực, trước khi trở thành “huyền thoại”, nó cũng chẳng khác gì một bãi cỏ bình thường. Nằm tại Matamata, Đảo Bắc (New Zealand), tiền thân của Hobbiton lừng danh là một bãi cỏ rộng 500 hécta, dùng để chăn thả 13.000 con cừu và 300 con bò. Vào năm 1998, trong khi đi tìm địa điểm quay loạt Lord of the Rings (Chúa tể của những chiếc nhẫn), đạo diễn Peter Jackson đã vô tình phát hiện ra và lập tức “chấm” nó.
Qua chỉ đạo của Jackson, 500 hécta đồng cỏ đơn điệu bỗng chốc đầy ắp sự sống. Những ngôi nhà tí hon chìm trong lòng đất, bậc thang đá xinh xẻo và hoa tươi muôn sắc nổi lên, tô điểm không gian. Trên các thước phim của The Hobbit (Người lùn), chúng tỏa ra sự mê hoặc tuyệt đối, khiến các “fan” của Tolkien mê mẩn.
Khi kết thúc The Hobbit cũng là lúc người hâm mộ thi nhau đến Matamata, tìm thăm mảnh đất của người Hobbit. Lẽ dĩ nhiên, Matamata không đời nào bỏ qua tiềm năng kinh doanh du lịch nhãn tiền này. Họ vung tay đầu tư, xây thêm các công trình nhỏ xíu đậm chất thần tiên khác, thật sự biến Hobbiton thành vùng đất của người tí hon (tuy vắng bóng người lùn) đẹp như cổ tích.
Hồ Loch Ness (Scotland)
Mặc dù đến thập niên 1930, cái tên quái vật hồ Loch Ness mới khuấy đảo dư luận châu Âu, song tuổi thọ của con vật huyền thoại này còn cao hơn nhiều. Khoảng thế kỷ 6, người Scotland đã truyền tai nhau dưới lòng hồ Loch Ness tối tăm là một con quái vật ghê rợn bậc nhất. Không hiểu bằng cách nào, là thật hay giả mà vào thập niên 1930, báo chí phương Tây lại có được bức ảnh chụp quái vật hồ Loch Ness. Rất nhanh, cả thế giới đều biết đến Loch Ness.
Chưa rõ quái vật này có tồn tại thật hay không, nhưng hồ Loch Ness thì vẫn nằm trên cao nguyên Scotland. Nó có diện tích rơi vào tầm 56,4km2, sâu tối đa 230m, và ở trên độ cao 15,8m so với mực nước biển. Thú vị là trong lòng hồ còn nổi lên đảo Cherry bé xinh. Thêm vào đó, trên bờ Loch Ness cũng có tàn tích tuyệt đẹp của lâu đài Urquhart. Thế nên dù không thể tận mục sở thị con quái vật trong truyền thuyết, du khách vẫn thích đến thăm hồ.
Rừng Sherwood (Anh)
Ngay cả với những người chưa từng đặt chân tới nước Anh, cái tên rừng Sherwood vẫn rất quen thuộc. Nó gắn liền với tên tuổi anh hùng huyền thoại Robin Hood. Suốt từ văn học dân gian đến văn học thành văn của Vương quốc Anh, người ta không ngớt ca ngợi hành động hào hiệp, cướp của nhà giàu chia cho người nghèo của nhân vật nửa hư nửa thực này.
- Xem thêm: Những kỳ quan thiên nhiên ít người biết
Nhờ rừng Sherwood dày rậm hậu thuẫn, hảo hán Robin Hood thoắt ẩn thoắt hiện, vừa là nỗi lo ngay ngáy của những kẻ tham tàn, vừa là hy vọng cho những thường dân thấp cổ bé họng, cả đời bị trị.
Đáng tiếc là rừng Sherwood bây giờ không còn được hùng vĩ như xưa nữa. Nhưng vẫn mừng vì hạt Nottinghamshire đã kịp thời đưa nó vào diện bảo tồn, hãy giữ được cây sồi già thuở Robin Hood còn ngang dọc. Nó tên là Major Oak, hiện khoảng 1.000 năm tuổi.