Trong lúc làm việc, ai cũng sợ mắc sai lầm. Ngay cả ở cấp cao nhất trong doanh nghiệp, khi chuẩn bị ra một quyết định, người lãnh đạo vẫn lo lắng và cân nhắc vì nếu không đủ sáng suốt, quyết định đưa ra có thể là sai lầm.
Ở các cấp thấp hơn, nỗi sợ về sai lầm trong công việc cũng ám ảnh mọi người. Ngay cả khi các quy trình được xác lập rõ ràng, minh bạch thì chúng chỉ có khả năng hạn chế sai lầm. Không thể là liều thuốc vạn năng để giúp cho người ta không phạm phải sai lầm khi đối diện với công việc.
Xuống những cấp thấp hơn nữa, mỗi khi gặp một việc mới lạ so với công việc thường nhật, các nhân viên có thể đắn đo vì sợ làm sai. Do vậy, xu hướng tránh những việc mới lạ xuất hiện một cách tự nhiên và xu hướng chuộng làm những việc quen thuộc cứ thế chiếm ưu thế.
Khổ nỗi là trong doanh nghiệp luôn xuất hiện các việc mới, nghĩa là luôn xuất hiện những cơ hội mới (nếu nhìn lạc quan). Hoặc những tình huống dẫn đến sai lầm mới (nếu nhìn bi quan) dành cho mọi người. Chỉ lưu ý rằng đôi khi sai lầm cũng chưa chắc đã quá tệ hại, mà có thể tạo ra cơ hội đổi mới có lợi khác.
- Xem thêm: Giúp nhân viên tự ra quyết định
Vài năm trước, một công ty thuê một chuyên gia tư vấn giúp lập danh sách khách hàng doanh nghiệp để họ gửi thư chào bán sản phẩm của mình. Nhà tư vấn đã hướng dẫn cách lập danh sách rất rõ ràng, chia ra các cột thông tin cần thiết liên quan đến các khách hàng là doanh nghiệp. Tất nhiên, khi ứng dụng chút công nghệ thông tin, nhà tư vấn hướng dẫn dùng bảng tính Excel để lập danh sách. Danh sách đó trước đây được phòng marketing thu thập, còn nhà tư vấn chỉ hướng dẫn thiết lập đủ các cột cần thiết.
Cuối cùng, công việc đơn giản ấy cũng xong, công ty đã có thể yên tâm trích thông tin một cách dễ dàng, sau đó in trên các bì thư. Bên trong mỗi phong bì là một thư chào hàng được trình bày rất bắt mắt và trang trọng. Việc này không mới với nhiều doanh nghiệp, nhưng với công ty ấy thì đó là một công việc mới. Công việc diễn ra trôi chảy. Mỗi ngày, theo kế hoạch, công ty cứ trích thông tin từ danh sách các đối tượng khách hàng doanh nghiệp và gửi thư đi.
Một hôm, trong lúc táy máy kéo chuột xem danh sách, một nhân viên mới được tuyển vào đã click vào chức năng sắp thứ tự của một cột trong danh sách này. Nếu anh ta cho sắp thứ tự toàn bộ các cột trong danh sách thì chắc là không có chuyện gì xảy ra, nhưng vì click tình cờ nên chỉ có cột tên công ty là được sắp xếp lại thứ tự, còn các cột thông tin khác thì không.
Điều đó anh ta không nhận ra và như vậy, anh ta cũng không biết mình vừa mắc sai lầm. Nếu anh ta biết là bây giờ tên mọi công ty sẽ không còn tương ứng với các thông tin về địa chỉ và các thông tin liên hệ khác của họ thì chắc anh ta sẽ dừng lại và khắc phục ngay sai lầm. Nhưng anh cứ yên tâm in ra bì thư như mọi ngày và vẫn gửi thư chào hàng đến các công ty khác. Sai lầm của anh nhân viên phải cứu vãn bằng cách nào đây?
- Xem thêm: Nỗi ám ảnh phải luôn mở đọc email…
Không có một biện pháp cứu vãn nào cả, mà ngược lại, mấy đợt thư gửi sai đó bất ngờ đem lại… kết quả tốt! Rất nhiều thư đã được khách hàng tiềm năng mở ra đọc và họ đã phản hồi, thậm chí số lượng phản hồi còn vượt trội so với những tuần trước đó. Hóa ra, những người nhận thư lại có xu hướng muốn đọc nội dung bức thư gửi cho một công ty khác bị gửi lầm đến địa chỉ công ty của mình!
Câu chuyện này không phải để động viên mọi người nên bất chấp sai lầm trong công việc, mà là muốn nói đến một khía cạnh khác: khi sai lầm xảy ra chưa hẳn là trời đất đã sụp đổ, mà đôi khi có thể giúp chúng ta học được những điều mới mẻ hơn.