Cầu Phú Cam bắc ngang con sông đào An Cựu, cách cồn Dã Viên của sông Hương về phía nam chừng hơn một cây số.
Vào thế kỷ XVII, dưới thời các chúa Nguyễn, khu vực này là phủ, là chỗ ở dành cho các vương tử, rồi được gọi là Phú Cam. Đây cũng là nơi có làng nghề làm nón nổi tiếng lâu đời của Huế.
Đi theo đường Nguyễn Trường Tộ đến cầu Phú Cam rồi qua cầu một đoạn, những du khách yêu thích kiến trúc sẽ tìm thấy hai công trình đẹp đáng tham quan là Nhà thờ chánh tòa Phủ Cam và chùa Quốc Ân.
Ngay chân cầu Phú Cam có một đoạn dốc ngắn dẫn lên Nhà thờ chánh tòa Phủ Cam. Nhà thờ tọa lạc trên một ngọn đồi thấp.
- Xem thêm: 10 điểm đến du lịch lưu giữ hồn xứ Huế
Đi từ xa đã thấy hai ngọn tháp chuông cao vút in lên nền trời trong xanh ẩn hiện sau những tán cây. Đây là một trong những giáo đường lớn và lâu đời nhất của cố đô.
Được xây dựng lần đầu tiên vào cuối thế kỷ XVII, sau ba lần bị phá hủy toàn bộ, năm 1963 nhà thờ được xây dựng lại và đến năm 1995 mới cơ bản hoàn thành.
Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã thiết kế thánh đường theo lối kiến trúc hiện đại vẫn trang trí theo phong cách nghệ thuật cổ điển của phương Tây.
Dáng vẻ thanh thoát nhẹ nhàng cùng với vị trí ở trên cao của nhà thờ khiến du khách khi ngắm nhìn từ xa cũng đã cảm thấy lòng thư thái hơn.
Mặt bằng xây dựng nhà thờ mang dạng thánh giá. Các trụ đỡ được đúc sát vào tường, chạy uốn cong dần về phía trước, mềm mại.
Lòng nhà thờ rộng, có thể chứa được 2.500 người đến dự lễ. Có hai dãy cửa gương màu nằm ở phần trên, bên trong nhà thờ cung cấp ánh sáng cho nội thất.
Cung thánh là một hình tròn có các cấp đi lên, trên cung là một hình tròn nhưng nhỏ hơn với bàn thờ bằng đá cẩm thạch nguyên khối.
Ra khỏi con dốc nhà thờ rồi rẽ trái theo đường Nguyễn Trường Tộ, đi thêm chừng 2km du khách sẽ gặp một ngôi chùa cổ nằm tại chân đồi.
Đó là chùa Quốc Ân, một trong những ngôi chùa cổ nhất xứ Huế và cũng là công trình kiến trúc mang dấu ấn văn hóa Phật giáo của nhiều thời kỳ lịch sử qua nhiều lần trùng tu.
- Xem thêm: Hồn quê trong ẩm thực cố đô Huế
Mái chùa nâu sẫm nằm trầm mặc giữa khuôn viên rộng thênh thang mướt xanh cây cối. Xung quanh chùa cũng là dải đồi xanh yên ả.
Chùa được tổ sư Nguyên Thiều (người ở Triều Châu, Quảng Đông) xây vào khoảng năm 1683-1684. Thời ấy, chùa Quốc Ân là một ngôi tổ đình danh tiếng bậc nhất và có vai trò lịch sử rất quan trọng đối với quá trình phát triển Phật giáo xứ Đàng Trong.
Kiến trúc chùa Quốc Ân theo kiểu chữ khẩu truyền thống của xứ Thuận Hóa xưa. Chùa hiện lưu giữ được nhiều tượng khí và pháp khí xưa quý từ thời khai sơn cho đến nay, chẳng hạn bộ tượng Tam Thế Phật, tượng Phật Thích Ca được chú tạo vào khoảng năm 1851…
Gian bên trái thờ Bồ tát Quan Thế Âm, hai bên là hộ pháp, phía trước thờ Bồ Đề Đạt Ma, gian bên phải thờ Quan Thánh (Quan Vân Trường).
Các tượng khí này đều do tổ sư Nguyên Thiều mang từ Trung Quốc sang. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ chiếc khánh đồng có hoa văn rất đẹp, được đúc từ thời Minh Mạng và nhiều pháp bảo, pháp khí khác như đại hồng chung, bia ký…
Qua nhiều lần được các đời hoàng thân quốc thích triều Nguyễn trùng tu, xây đắp, chùa Quốc Ân được bổ sung những phong cách kiến trúc, trang trí của nhiều thời kỳ lịch sử. Chùa được coi là một trong những ngôi tổ đình ở Huế còn lưu lại nhiều dấu ấn văn hóa xưa quý nhất của Phật giáo xứ Thuận Hóa.